'Thằng oắt con' Tùng Dương đã làm hài lòng Bộ tứ sông Hồng

06/06/2018 12:37 GMT+7

Tùng Dương coi mình chỉ là “một thằng oắt con” giữa các bậc cha chú Bộ tứ sông Hồng. Nhưng hẳn “thằng oắt con” ấy đã làm hài lòng những bậc cha chú, khi âm nhạc của họ được thăng hoa.

Liveshow Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng diễn ra vào tối qua (5.6) tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) kéo dài gần 4 tiếng, và chỉ kết thúc khi đã gần 12 giờ đêm.

Liveshow được nhiều người chờ đợi, bởi tình yêu với âm nhạc của Bộ tứ sông Hồng (các nhạc sĩ Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến) và cũng bởi tò mò muốn biết Tùng Dương sẽ làm gì với “ngồn ngộn” những tác phẩm của họ.

Và Tùng Dương đã sắp xếp thật khéo để đưa khán giả vào những cuộc trò chuyện của 4 "tráng sĩ sông Hồng" - cách anh gọi 4 nhạc sĩ. Đó là những trò chuyện về quê hương, về Hà Nội, về tuổi trẻ và cả về nỗi cô đơn. Để sau đó, anh dẫn khán giả vào 4 miền âm nhạc của 4 nhạc sĩ với những sắc màu khác biệt.

Tung-Duong
Tùng Dương "lên đồng" trong đêm nhạc Ảnh NSCC

Ở đó, người ta được nhìn thấy chất đời và chất thiền trong âm nhạc Trần Tiến. Những nốt nhạc đầu tiên của nhạc sĩ bắt đầu từ những bước hành quân ra chiến trường.

“Những bài hát của tôi không phải là bài hát ở trước nòng súng mà ở sau nòng súng, nơi gần trái tim nhất, nơi những người lính của tôi mang những khu phố cổ của Hà Nội ra đi, mang hình ảnh người mẹ, những đứa em, người yêu của mình ra đi…. Từ đó, tôi tự tạo cho mình con đường âm nhạc là đi tìm chính mình, đi tìm giấc mơ của kẻ lãng du lang thang khắp các nẻo đường đất nước, khắp các nẻo đường chiến tranh, đến những khu rừng già của những người lính, những dòng sông đỏ. Ngày hòa bình tới, tôi lại lang thang trong những ngõ hẻm của người nghèo khổ…”, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ.

Tung-Duong
Tùng Dương càng lúc càng trở về với bản thể của mình Ảnh NSCC

Còn với Dương Thụ, những bài hát của ông viết ra chẳng nhằm mục đích gì, chỉ viết cho những nỗi buồn và cô đơn của chính ông. Ông nói: “Từ bé tôi là người cảm thấy rất lạc lõng, ngay cả gia đình chẳng ai tin mình là cái gì cả. Các bạn tôi có thể được gia đình yêu quý, coi là một tài năng. Còn tôi không ai coi là tài năng cả. Tôi thường có mặc cảm và thấy lạc lõng với bạn bè. Trong những cuộc vui, tôi thường bị bật ra ngoài. Người ta vui người ta uống bia, uống cà phê, còn mình chỉ ngồi nghe, không tham gia gì cả. Người như thế không buồn mới lạ”.

Nhưng những ca khúc của ông không tuyệt vọng, yếu đuối, bất lực, bởi vì đó là “giấc mơ của người rất buồn, giấc mơ được yêu thương, được thấu hiểu”.

Trong khi, với Nguyễn Cường, nỗi buồn cũng là một giá trị, ông “kính trọng” nỗi buồn nhưng không xài nó. Ông nói: “Tôi đã được đi rất nhiều miền đất nước, được thấy những khung cảnh của đất nước chúng ta, không to, không lớn, nhưng đầy đủ tất cả những ưu đãi để khiến cho ta yêu. Tất cả điều đó khiến tôi tự hào và tôi muốn tất cả những Việt Nam đó cháy lên trong âm nhạc của tôi”.
Âm nhạc của Nguyễn Cường được thoát thai từ dân ca Việt Nam, từ quan họ Bắc Ninh, chèo, tuồng, ca trù, đến dân ca Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Mường, Thái… “Điều hạnh phúc của tôi là nhạc sĩ Việt Nam và những bài hát của tôi chỉ giá trị khi thoát thai từ dân ca Việt Nam”, nhạc sĩ chia sẻ.
Tung-Duong
Tùng Dương và Hà Trần cùng "tung tẩy" trên sân khấu Ảnh NSCC

Nhạc sĩ Phó Đức Phương bảo cũng giống như bạn bè mình, ông viết nhạc đầy tự tin, say mê, hưng phấn, xúc động, nhưng tự bản thân có tính trời sinh là hay cả lo. “Cùng với sự hưng phấn của sáng tạo là sự lo lắng trong công việc của mình, mỗi lần làm sản phẩm là lại lãnh những trách nhiệm, như nhận được mệnh lệnh từ đâu đó tôi không biết, đấy là nỗi khổ, vất vả của tôi, tôi chấp nhận thôi và có lẽ không thay đổi được”, ông cho hay.

Nói về bản thân mình, Phó Đức Phương bảo ông là hợp kim của nhiều mặt: dễ dãi, nhường nhịn, một mặt đáo để, dữ dội, kiên quyết đến cùng và thậm chí xen kẽ cả sắc sảo, một mặt lại hết sức vụng về, bồng bột.

Sự xuất hiện của Hà Trần và Bằng Kiều đem lại hai sắc thái phối hợp ăn ý cho Tùng Dương, một người cùng tung tẩy, còn một người giúp Dương "dịu" lại. Tùng Dương vẫn vậy, lúc anh khiến người nghe thấy dịu dàng và sâu lắng, rồi có lúc cuộn trào, “điên” cùng anh. Dương như càng lúc càng trở về với bản thể của mình trong phần cuối của chương trình, anh “lên đồng” biến thành Trọng Thủy trong khúc Bi ca trọng Thủy của Nguyễn Cường, rồi đưa người ta đi vào cõi thiền, triết lý nhân sinh với Trên Đỉnh Phù Vân.
Tung-Duong
Bằng Kiều làm "dịu" Tùng Dương lại Ảnh NSCC

Tùng Dương “chăm” làm liveshow đều đặn mỗi năm. Mỗi liveshow đều mang ý tưởng riêng, giống như một ngọn núi để Tùng Dương chinh phục. Tùng Dương bảo, liveshow này không phải liveshow của anh mà là của Bộ tứ sông Hồng, anh chỉ là “một thằng oắt con” giữa các bậc cha, chú. Nhưng hẳn “thằng oắt con” ấy đã làm hài lòng những bậc cha, chú khi âm nhạc của họ, âm nhạc của một phần lịch sử Việt Nam, đã được thăng hoa.

Giữa những show nhạc mang tính thị trường, Tùng Dương giống như chú cá bơi ngược dòng vượt vũ môn. Và những cuộc ngược dòng của anh không hề đơn độc, bằng chứng là, gần kín khán phòng đã ngồi lại cho đến khi chương trình khép lại vào lúc nửa đêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.