Tham quan bảo tàng trực tuyến

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/04/2020 06:48 GMT+7

Những đường link của các bảo tàng trên thế giới liên tiếp được đưa lên mạng xã hội trong mùa dịch Covid-19 .

Bảo tàng Louvre (Pháp) giới thiệu về cổ vật Ai Cập, Trung cổ. Bảo tàng Quai Branly (Pháp) có các triển lãm về văn hóa của người da đỏ. Getty Museum (Mỹ) lại có phần kêu gọi mọi người sáng tạo tác phẩm nổi tiếng bằng các vật dụng tại nhà.
Trên mạng lưới Bảo tàng Việt Nam trong mùa dịch hiện mới chỉ có Bảo tàng Đà Nẵng thử nghiệm video ngắn để giới thiệu trưng bày. Đó là một video về trưng bày giải phóng Đà Nẵng. “Bây giờ đang dịch, đang hướng tới kết nối bảo tàng với công chúng để không bị đứt quãng, thì chúng tôi làm kết nối trên mạng xã hội”, ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết.
Video này mới chỉ là khởi đầu của việc Bảo tàng Đà Nẵng chuyển mình theo xu hướng giới thiệu bảo tàng trên mạng. Ông Chuẩn cho hay tới đây bảo tàng sẽ làm tiếp chuỗi video về các hiện vật đang trưng bày. Mỗi clip sẽ dài chừng 3 - 5 phút, gồm hình động và thuyết minh, giới thiệu trong hiện vật đó chứa đựng những câu chuyện gì, mang ý nghĩa gì, giá trị ra sao. Hiện vật đầu tiên được giới thiệu là con dao dùng làm giấy tờ giả cho cán bộ cách mạng đi lại, của nữ nhiếp ảnh gia Phùng Ký.
“Bà Phùng Ký hoạt động cách mạng, cũng là nhiếp ảnh gia đầu tiên của Đà Nẵng. Để phục vụ các đồng chí hoạt động cách mạng đi lại dễ dàng trong TP, bà lấy thẻ căn cước của chính quyền Sài Gòn cấp cho những người làm trong chính quyền, lấy ảnh ra, và thế ảnh người hoạt động cách mạng vô đó”, ông Chuẩn nói và cho biết bảo tàng vẫn sẽ tiếp tục làm những video như vậy ngay cả khi hết dịch Covid-19.
Trong khi đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) vẫn có một số video từ trước. Tuy nhiên, họ chưa có chủ trương làm các video về hiện vật trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19 này. “Chúng tôi đã có bảo tàng ảo từ trước. Mọi người có thể vào xem các trưng bày cố định ở bảo tàng. Tuy nhiên, bảo tàng ảo này chưa được nâng cấp để có thông tin kỹ hơn. Việc làm video giới thiệu hiện vật cũng chưa có trong kế hoạch vì dịch Covid-19 cũng bất ngờ”, ông Nguyễn Viết Đoàn, Giám đốc Bảo tàng, nói.
Cùng lúc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại triển khai việc giới thiệu các bức tranh trên trang mạng. Theo đó, các bức tranh được đưa lên kèm theo các câu chuyện liên quan. Chẳng hạn, nhân cuộc vận động sáng tác Tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Bộ VH-TT-DL tổ chức, bảo tàng này giới thiệu chùm tranh cổ động sáng tác trong giai đoạn 1967 - 1978. Bảo tàng cũng trưng bày bức tranh Chiến lũy của họa sĩ Lê Anh Vân để tri ân người dân Hà Nội đã kiên cường chống dịch thời gian qua. Tuy nhiên, bảo tàng chưa có các video giới thiệu hiện vật mới.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng việc chuyển mình sang làm video để giới thiệu bảo tàng trên mạng là rất cần thiết. Ông cũng lưu ý, các bảo tàng không nên tham giới thiệu, thuyết minh nhiều quá, mà nên hướng tới giới thiệu câu chuyện của từng hiện vật, từng nhóm hiện vật. Việc ghi hình kỹ lưỡng, đưa câu chuyện hay, sẽ mang lại thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.