Thâm cung bí sử đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
27/05/2018 09:00 GMT+7

Sáng 26.5 tại Đường sách TP.HCM, NXB Tổng hợp TP.HCM và nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.

Tác phẩm đã hé lộ nhiều “thâm cung bí sử” và những phát hiện lý thú xung quanh sở thích tao nhã của người xưa.
Tạo “kho báu” nhờ chịu khó… mua sắm
Tác giả Trần Đức Anh Sơn sử dụng thuật ngữ đồ sứ ký kiểu trong cuốn sách “dùng để chỉ những đồ sứ do người Việt gồm cả vua, quan và thường dân đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian nửa sau thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề”. Tùy theo niên đại ký kiểu đồ sứ mà sau thuật ngữ ông có thêm các định ngữ chỉ thời gian đi kèm: Đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, Đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn, Đồ sứ ký kiểu thời Tây Sơn hay Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.
Đôn, trang trí Hoa điểu
Các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định có ít nhất 42 sứ bộ được phái sang Trung Hoa với nhiều mục đích khác nhau. Những sứ thần này khi tới nơi, ngoài nhiệm vụ chính yếu: cầu phong, tạ ân, cáo thụ, chúc mừng… thì còn kiêm nhiệm việc mua sắm cho triều đình, gồm các đồ sứ và những mặt hàng khác.
Đĩa trang trí Long lân khánh thọ
Nguyên nhân trong số 13 đời vua Nguyễn chỉ có 5 triều vua nói trên có ký kiểu đồ sứ tại Trung Hoa, được tác giả Trần Đức Anh Sơn lý giải: “Từ triều Dục Đức đến triều Duy Tân (từ năm 1883 - 1916), do nội tình rối ren vì đất nước bị Pháp xâm lược, hay khó khăn về kinh tế, tài chính nên không ký kiểu đồ sứ. Sau khi lên ngôi năm 1916, vua Khải Định tiếp tục ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa, đồng thời cũng đặt mua đồ sứ ở Pháp, chủ yếu là phục vụ cho lễ Tứ tuần đại khánh của vua vào năm 1924. Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại không ký kiểu đồ sứ tại Trung Hoa nhưng lại đặt mua đồ sứ tại Sèvres (Pháp)”.
Điếu thuốc lào và bài thơ chữ Hán triều Tự Đức
Mỗi triều vua một “gu”
Theo thông tin từ cuốn sách Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn: dưới triều Gia Long, đất nước mới bước ra từ nội chiến kéo dài còn phải “thắt lưng buộc bụng” nên vua quan tâm đến việc tiêu dùng sản phẩm nội địa, bằng cách cho đặt nhiều bình, chóe, chậu hoa... có kích thước lớn bằng gốm men rạn vẽ lam từ Bát Tràng dùng cho nhu cầu trang trí nội thất. Tới thời Minh Mạng, nhiều cung điện, đền đài, miếu vũ được mở rộng và xây mới nên nhà vua cho ký kiểu nhiều đồ sứ lớn như thống, chậu, đôn, chóe… để trang trí, đồng thời phục vụ cho nhu cầu yến tiệc, sử dụng trong cung và bộ đường các cơ quan công quyền. Đặc biệt triều này có một chiếc tô dâng nước cúng trên bàn thờ, vẽ phong cảnh núi Hải Vân, kèm theo bốn câu đầu trong bài thơ thất ngôn bát cú, có tựa Ải lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu, trong sưu tập của Vương Hồng Sển trước đây.
Trần Đức Anh Sơn ẢNH: NVCC
Ông vua cho ký kiểu đồ sứ nhiều nhất của thời Nguyễn là Thiệu Trị và triều này đồ sứ đã đạt đến trình độ tuyệt hảo về hình vẽ, chất lượng men, màu, phong phú về kiểu dáng và chủng loại. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn thông tin thêm: “Bên cạnh những đồ sứ được tạo dáng theo khối tròn như trước đây, thời kỳ này xuất hiện nhiều đồ sứ có dáng kiểu gãy góc, kiểu lục giác, bát giác, copy dáng kiểu của đồ sứ châu Âu... với đề tài chủ yếu là rồng và mây. Phần lớn kích thước nhỏ, chủ yếu là đồ dùng cho sinh hoạt hằng ngày như chén đĩa, bình tích và tôn trí trên bàn thờ: quả bồng, cơi trầu, chần đèn...”. Tới triều Tự Đức, ông vua nổi tiếng với bộ đồ uống trà kiểu mắt trâu - lật đật, trang trí phong cảnh sơn thủy, có thơ văn minh họa và vị quan ký kiểu đồ sứ nhiều nhất được tác giả phát hiện nêu tên ra trong sách là Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), trong thời gian triều đình cử sang Hương Cảng vào năm 1865 và Quảng Đông trong hai năm 1867 - 1868.
Dù triều vua Khải Định lên ngôi chỉ được 9 năm trong hoàn cảnh đất nước bị thôn tính và kiểm soát bởi thực dân Pháp nhưng theo truyền thống vẫn tiếp tục đặt mua đồ sứ từ nước láng giềng. “Nhà vua không chỉ đặt đồ sứ men trắng vẽ lam mà còn đặt đồ sứ nhiều màu, đồ sứ có họa tiết đắp nổi. Vua Khải Định còn tiếp tục ký kiểu một số chén đĩa men trắng vẽ lam dùng cho các buổi tiệc tùng trong cung và ông cũng là vị vua cuối cùng ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa”, tác giả Anh Sơn khẳng định.
Trao đổi với Thanh Niên sáng 26.5, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho biết: “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn được hoàn thiện từ công trình luận án tiến sĩ của tôi bắt đầu thực hiện năm 1998 và bảo vệ vào năm 2002, được Hội Khoa học lịch sử VN tặng giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2003. Sau gần 10 năm “ngủ yên”, kể từ khi sách xuất bản lần đầu năm 2008 và nhận giải thưởng Sách hay của năm do Hội Xuất bản VN trao tặng, qua Facebook tôi được nhiều bạn đọc động viên nên bỏ ra 1 năm để hiệu đính và điều chỉnh hoàn thiện cho lần tái bản này. 40 anh em trên cộng đồng mạng gửi hình ảnh và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để tôi được tiếp cận với “kho báu” mà họ đã cất công sưu tầm. Và cũng chính họ đã bổ túc cho tôi những thông tin quan trọng, kiến thức về dòng đồ sứ ký kiểu, chỉ cho tôi thấy những sai sót trong bản sách xuất bản lần đầu để tôi cập nhật và sửa sai. Chính họ đã mở toang bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu quý giá và cho phép tôi chụp ảnh để giới thiệu những báu vật đến với độc giả”.
Trần Đức Anh Sơn sinh năm 1967 tại Huế, tiến sĩ lịch sử Đại học Quốc gia Hà Nội 2002, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế (2000 - 2007), nguyên Trưởng khoa VN học ĐH Phan Châu Trinh 2008, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (từ năm 2009). Một số sách đã xuất bản: Từ kinh đô Trà Kiệu đến cố đô Huế; Huế - triều Nguyễn - Một cái nhìn; Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế; Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở VN thời Nguyễn; Tư liệu về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa (chủ biên)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.