'Tết về sợ lắm dì ơi!'

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
13/02/2021 13:23 GMT+7

Tôi tình cờ nghe được câu nói ấy khi bà xã đang loay hoay trong bếp làm vài món để ăn tất niên với vài cô giáo trẻ. Cùng là đồng nghiệp đứng bục giảng với nhau, nên có chuyện gì, mấy cô giáo ấy cũng tâm sự…

… Xong bữa tiệc nhỏ, tạm biệt để ngày mai các cô giáo về ăn tết với gia đình ở Quảng Bình, Quảng Trị. Những câu chào lưu luyến, xen lẫn nỗi lo âu mơ hồ khi một năm âm lịch quá bộn bề sắp hết. Tôi cứ nghĩ, câu nói ban nãy có lẽ các cô giáo e ngại về quê sẽ bị cách ly do dịch Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp, không ăn tết được cùng với gia đình. Nhưng không phải vậy!
Hỏi, mới biết rằng câu nói ấy của cô D., người ở H.Lệ Thủy (Quảng Bình), bởi cô ấy lo rằng mai mốt về nhà, sẽ bị mấy bà cô, bà dì “cật vấn” về chuyện chồng con. Năm nào cũng vậy, kể từ khi vào Sài Gòn dạy học, mỗi lần về tết, các cô có y hệt nhau một tâm trạng: về quê là lo lắng chuyện gặp ai cũng hỏi “khi mô lấy chồng”.
Cái sự bối rối khi gặp phải câu hỏi ấy của 3 cô giáo trẻ, mà vợ chồng tôi xem như con cháu trong nhà, tôi hình dung được. Một là có thể phải lảng tránh một cách thông minh và khéo léo nếu đối với người thân, hai là buộc phải nói dối kiểu như “dạ, sang năm cưới”, còn thứ ba là giả bộ ngúng nguẩy “khi mô kệ tui, mắc chi hỏi hoài…”.
Ngọc A. là cháu gọi tôi bằng ông, theo vai vế họ hàng. Học ngành vật lý, Đại học Sư phạm, tốt nghiệp vào hạng giỏi. Học tiếp hai năm thạc sĩ để lấy bằng cao học. Nhưng tìm một công việc phù hợp ở quê nhà không dễ, cũng như ý thích từ hồi đi học là sẽ “hành phương Nam”. Thế là cô cháu gái khăn gói vô Sài Gòn, xin dạy ở một trường THPT tư thục ở quận 12. Mỗi khi về tết vô, Ngọc A. đến thăm nhà ông, lúc thì gửi vài món quà quê, lúc thì chúc tết thăm hỏi sức khỏe. Nhưng “câu chuyện trọng tâm” đầu năm còn phả chút hơi rét quê nhà, là chuyện “chống lầy”. Cô giáo trẻ ấy nay đã 27 tuổi đầu, mà ở quê với ba mẹ bà con họ hàng, là cái tuổi đã quá lứa “cập kê” lâu rồi. Cái quan niệm của người lớn phải lấy chồng sớm, “lo cho xong để yên tâm” đã khiến những cô gái như D., như Ngọc A. đôi khi rơi vào trạng thái lúng túng và buộc phải vẩn vơ suy nghĩ nhiều khi suốt cả năm trời.
Một bên là chữ hiếu, một bên là sự nghiệp và biết bao đắn đo về cuộc sống, tình yêu và sự lựa chọn người sẽ cùng “đầu ấp tay gối” đã khiến cho bao nhiêu cô gái gặp phải tình cảnh éo le khi về ăn cái tết đoàn tụ với gia đình. Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu chuyện này, bởi nó không chỉ là chuyện của vài ba người, mà có lẽ đại đa số những cô gái rơi vào tầm tuổi 26, 27 khi phải đối diện với những câu hỏi, sự nghi ngại và lo lắng không đáng có từ những người lớn ở quê nhà.
Bởi thế, nên có khi ngồi lăn tăn tính nhẩm. Rằng 18 tuổi là tốt nghiệp THPT, 22 tuổi là tốt nghiệp đại học, và những cô gái như 3 cô giáo thỉnh thoảng đến nhà tôi mỗi cuối tuần, phải cố gắng lấy thêm cái bằng thạc sĩ “cho chắc ăn” với con đường tương lai của mình, như vậy cộng thêm 2 năm, là 24 tuổi. Ra trường quày quả tìm kiếm việc làm, may mắn thì sớm ổn định, còn có người loay hoay phải chuyển vài ba chỗ, ngó trước ngó sau thì tuổi dần lớn lên 26, 27. Chưa kịp thở với chuyện cơm áo ngổn ngang, thì lại bị giục giã.
Cái sự giục giã bởi lo lắng hoàn toàn chính đáng của các bậc phụ huynh, cô dì chú bác, nhưng lại gieo vào lòng những người trẻ một nỗi lo ngại, một sự tránh né khiến họ mất đi sự thoải mái tự nhiên.
Hôm trước, một cô giáo kể ở nhà mẹ cô đã “hăm he” rằng “tết này về mẹ cho họ đến nhà thăm”. Dù rằng, đang đối diện với bao điều phải ráng lo cho bản thân và công việc hằng ngày chất chồng với đám học trò, mệt đã bở hơi tai, cô giáo ấy vẫn phải dạ thưa nghe lời, nhưng nói và cười một nụ như mếu: “Con cứ ừ đại, rồi về sẽ tính”. Nghe trong bề mặt câu nói như tìm một sự an yên theo kiểu cho qua, nhưng tôi đoán rằng trong thâm tâm là cả… một trời dậy sóng.
Bởi thế, nói là nhắn nhủ thì hơi quá, vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” hoặc tùy theo tâm tính của mỗi bậc phụ huynh, song tôi cũng cứ mạnh dạn nói lên thiển ý rằng, hãy để cho những người trẻ tự tìm con đường đi và tự do lựa chọn hạnh phúc. Hơn ai hết, với bản lĩnh và sự tiếp xúc với thông tin cũng như kiến thức ngày nay, tự họ sẽ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc của đời mình.
Đừng để cho mỗi ngày xuân với những người như tôi đã biết và đã kể, với câu chuyện bối rối của họ, thành một nỗi lo không đáng có, khiến họ đánh mất đi sự an yên và hồn nhiên của tuổi trẻ. Để rồi đôi khi để phản ảnh tâm trạng, khiến họ phải thốt lên bằng những câu thơ, như tôi tình cờ mới được đọc sáng nay trên Facebook của một cô giáo trẻ dạy văn, đã viết đúng ngày mùng một tết, rằng: “Xuân này vẫn giống xuân xưa/Vẫn cứ bị hỏi “sao chưa lấy chồng?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.