Tết từ tâm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/01/2020 06:50 GMT+7

Những chiếc bánh chưng, những gói mứt tết, những khoản tiền sẵn sàng chuyển lúc nửa đêm để giúp cô bé nghèo đủ tiền theo học đại học... Những cái tết từ tâm như thế cho thấy sức mạnh thiện nguyện của cộng đồng.

Lá lành đùm lá rách

Nữ ca sĩ Mỹ Tâm mặc chiếc áo vest kẻ, quần âu giản dị đã có chuyến đi thiện nguyện ở H.Mộc Hóa (Long An) vào dịp cuối năm. Đây cũng là thời điểm các show diễn rất nhiều. Cùng đi với Mỹ Tâm còn có những tình nguyện viên cũng là người hâm mộ cô lâu năm và sẵn sàng chung tay cùng nữ ca sĩ trong các hoạt động cộng đồng. Có 250 phần quà đã được trao cho những hoàn cảnh kém may mắn trong dịp này. Đây là hoạt động thường niên của quỹ từ thiện Mỹ Tâm. Quỹ năm nay lên 12 tuổi, cũng là từng đó năm Mỹ Tâm vừa đi làm từ thiện vừa hát cho người kém may mắn nghe.
Cũng dịp trước tết 2020, chương trình Tết cho em đã trao tặng 1.000 phần quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM. Đây là chương trình thường niên do bà Mai Thị Hạnh (phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) và nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing sáng lập. Chuỗi chương trình được Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức từ nhiều năm qua, nhằm chăm lo cho những em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trẻ mồ côi, cơ nhỡ trên địa bàn TP.HCM.
Nhu cầu làm từ thiện trong xã hội thực ra thuộc về bản chất của con người. Vấn đề của chúng ta là có tạo ra được môi trường tốt, thuận lợi cho việc làm từ thiện đó hay không
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia
Giáo viên và học sinh Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã tổ chức chương trình Áo ấm cho em xuân Canh Tý 2020 tại điểm trường Liên cấp 1 - 2 Phúc Sạn (H.Mai Châu, Hòa Bình). Chương trình đã trao 25 suất quà cho 25 học trò có hoàn cảnh khó khăn và quần áo, sách vở, giày dép, đồ dùng học tập cho các em học sinh và bà con địa phương tại đây. Trước đó, học sinh Trường THPT Vĩnh Yên cũng đã có chương trình gói bánh chưng từ thiện cho người nghèo.
Mỹ Tâm năm nào cũng có hoạt động thiện nguyện dịp tết Ảnh: NVCC

Mỹ Tâm năm nào cũng có hoạt động thiện nguyện dịp tết

Ảnh: NVCC

Một hoàn cảnh khó khăn, nữ sinh Kiều Chinh (Trường đại học Ngoại thương Hà Nội) cũng đã nhận được rất nhiều giúp đỡ chỉ trong vòng vài ngày. Bố mất, mẹ bị ung thư, gia đình em nghèo tới mức không có giường để nằm. Việc học của em cũng có nguy cơ bị gián đoạn vì không có tiền đóng học phí. Nhưng cuộc đời vẫn luôn nở hoa vì còn có những tấm lòng nhân hậu. Sau bài báo viết về hoàn cảnh của Chinh đăng trên Thanh Niên, nhiều tấm lòng đã san sẻ với em. Đã có người cho biết muốn bảo trợ, nuôi Chinh ăn học 3 năm đại học còn lại. Nhiều người lặng lẽ chuyển khoản ủng hộ nữ sinh. Đặc biệt, chỉ nửa ngày sau khi báo đăng, một giáo viên tại Hòa Bình đã đến tận nhà Chinh để lắp tặng mẹ em một chiếc giường. Nhiều người muốn gặp mặt và trao tận tay những phần quà để Chinh có cái tết ấm áp. Có bạn đọc rất khuya vẫn liên lạc để xin địa chỉ vì muốn tới tận nơi trao quà cho em.

Truyền cảm hứng

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho biết quan sát những năm gần đây, có thể thấy rõ các phong trào thiện nguyện đã trở nên nhiều hơn và đều đặn hơn. Trước đây, người ta vẫn hình dung chỉ những người nhiều trải nghiệm và có tiền mới làm từ thiện. Nhưng hiện nay nhu cầu làm từ thiện của người trẻ rất nhiều. “Nhu cầu làm từ thiện trong xã hội thực ra thuộc về bản chất của con người. Vấn đề của chúng ta là có tạo ra được môi trường tốt, thuận lợi cho việc làm từ thiện đó hay không. Còn bản chất của con người là mong muốn được cho đi, và sự cho đi đấy đem lại cảm giác tích cực”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, một trong những lý do để phong trào từ thiện, nhất là từ thiện tết, lan rộng vì chúng rất có sức truyền cảm hứng. Những cá nhân làm tốt khiến người khác cũng muốn đóng góp cùng. Những phong trào có thể lan từ cha mẹ, ông bà sang con cháu, cũng có thể lan trong môi trường của một trường phổ thông. Có những cộng đồng trường học có nhiều hoạt động thiện nguyện. Ở Hà Nội, Trường Hà Nội Amsterdam là một ví dụ.
Nữ sinh Đặng Diệu, Trường Hà Nội Amsterdam, cho biết em rất quan tâm đến các chương trình ủng hộ học sinh vùng cao. Năm ngoái, em đã cùng bạn tổ chức chương trình nấu mứt để tặng học trò vùng cao tỉnh Hòa Bình. “Khi mẹ dẫn con lên Đà Bắc, Hòa Bình, các em ở trên này dù đã được những tổ chức, dự án khác cho quần áo, sách vở nhưng con vẫn thấy có chút gì chưa trọn vẹn ở tuổi thơ các em. Khi lên đó, con không mang theo chút quà gì, duy chỉ có gói mứt con mang đi để ăn dọc đường còn nguyên, nên tặng các em. Thì ra các em ở đây thiếu thốn cái mà lũ trẻ con thành phố này thừa nhất, là bánh kẹo ngọt. Lúc được cho gói mứt, các em ríu rít vui, nhìn vừa yêu, vừa tội. Sau đó, con quyết định sẽ tặng các em ở trên đây 100 cân mứt tết để các em có một cái tết trọn vẹn hơn”, cô nữ sinh nhớ lại.

Mong có luật về làm từ thiện

PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho biết, ở các nước, việc từ thiện người ta đã làm được rất lâu và trở thành hệ thống tương đối chuyên nghiệp. Họ có các tổ chức chuyên nghiệp, các quỹ từ thiện. “Ở Việt Nam, những năm gần đây có các bạn trẻ tham gia công tác từ thiện. Chắc chắn rằng nó sẽ xuất phát từ chính mong muốn của những người trẻ. Mong muốn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Điều này rất tốt. Chúng tôi mong muốn có thể tạo được hệ thống hành lang pháp lý cũng như hệ thống quy định để hỗ trợ, động viên các bạn trẻ làm tốt công tác từ thiện”, ông nói.
Ông Sơn cũng cho rằng hiện tại hoạt động từ thiện của chúng ta chưa được tốt vì thiếu hệ thống luật. Trong đó, có luật về hiến tặng và tài trợ. Chúng ta nên có để hỗ trợ người dân làm từ thiện tốt hơn. “Ở nước ngoài, sở dĩ người ta làm tốt công tác từ thiện vì mong muốn làm điều tích cực, và cũng có vấn đề là nó được thể hiện trong luật. Ở luật thuế, doanh nghiệp hiến tặng tài trợ sẽ được giảm thuế. Nếu có tài trợ thì thuế chỉ phải đóng 10% thôi. Cái này có lợi cả đôi đường, cho xã hội và cho việc xây dựng thương hiệu. Luật như thế có thể kết nối từ thiện cá nhân không chỉ trở thành phong trào mà còn thành một cái gì mang tính có tổ chức, chuyên nghiệp. Nó sẽ đảm bảo được chính sách của nhà nước là không bỏ ai lại phía sau”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu, nhà văn Trương Quý lại mong muốn những món quà tết bền vững, có chiến lược hơn. “Tôi nghĩ lâu dài chúng ta nên có những quỹ học bổng để có thể trao vào dịp tết. Chẳng hạn, từ thiện để có thể có học bổng cho trẻ đến trường. Từ thiện để người vùng cao có những kỹ năng thoát nghèo. Đó là sẽ có những hoạt động từ thiện mang tính bản lề”, ông Quý chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.