Tết tìm về sinh hoạt phương Nam

11/02/2021 10:00 GMT+7

Ôi văn chương, nào chỉ là câu chữ, qua những trang văn miêu tả về sinh hoạt, phong tục của vùng miền, ta lại càng thêm yêu nơi đó; và cũng là dịp tìm về dấu ấn văn hóa của người Việt nói chung.

Muốn tìm hiểu phong tục, tập quán của người miền Nam thuở xưa từ truyện ngắn, với tôi, cần đọc Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc vì cả hai là nhà văn bậc thầy đã có nhiều đóng góp lưu giữ lại lời ăn tiếng nói một thời của người đất phương Nam.

“Gối rơm theo phận gối rơm”

Hàng ngàn năm nay, người Việt có thói quen: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Nhưng ở Đồng Nai không phải nơi nào cũng vậy, nhất là những làng sống theo nghề buôn bán trôi nổi trên sông nước, chẳng hạn nhà văn Bình Nguyên Lộc cho biết ở làng Mỹ Quới thì tết còn là dịp họ tranh thủ “trét ghe”. Sau khi “trét”, rồi chờ thời gian “xảm” nữa là xong.
Xảm là gì? Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Xảm: Dùng dầu chai và vật gì mềm mà nhém mà trét ghe thuyền...”. Mà, xảm còn là cách nói lẫy, chẳng hạn, thấy người kia dù ăn đã no, đã bưa nhưng vẫn tham lam cố ních, nhét, tọng cho đầy họng, người này bảo: “Còn bấy nhiêu đó, cố mà xảm cho hết đi”.
Với miền Nam, làm sao có thể quên được đặc sản văn hóa nói thơ Lục Vân Tiên? Ta nhớ lúc Trịnh Hâm mắng ông quán: “Gối rơm theo phận gối rơm/Có đâu ở thấp mà chờm lên cao”. Chờm tức là chồm, bật người lên cao về phía trước. Gối rơm là trong bọc đệm rơm, gối cho êm, chứ không phải bông gòn hoặc... cao su như hiện nay. Ở thôn quê miền Nam xưa gần tết có tục “ngủ rơm”, vậy có liên quan gì đến “gối rơm”?
Khác với miệt Hậu Giang, ở miền Đông Nam bộ: “Xứ này nhờ ruộng khô nên chúng tôi cứ để rơm ngoài ruộng, sang giêng mới kéo về, mà kéo về là cắt được ngay”; hơn nữa “ở đây mà qua mùa nắng trâu bò không tìm được lấy một cọng cỏ. Rơm ở đây rất quý nên hay bị trộm cắp”, Bình Nguyên Lộc cho biết. Vì lẽ đó, ban đêm trẻ con, người già phải thay phiên nhau ra ruộng ngủ rơm nhằm canh chừng rơm đã gom thành những cây rơm lớn là vậy. Với từ “gối rơm”, “ngủ rơm”, còn hiểu theo nghĩa bóng là chỉ thân phận nghèo hèn.

Ông già mù giăng câu

Đi về miền Nam thời trước, biết đâu ta sẽ gặp câu hò đối đáp trữ tình, chan chứa ân tình, chẳng hạn chàng trai cất giọng: “Ước gì anh hóa được con kiến vàng/Bò ngang quai nón hun nàng cái chơi”; cô nàng lúng liếng mà rằng: “Ước gì em hóa được con kiến hôi/Bò ngang quai nón đái trôi kiến vàng”. Hễ các loại cây ăn trái như cam, quýt, xoài... dù phân bón đầy đủ nhưng bị chua, èo uột, chín sượng là do nước đái của kiến hôi. Thu hoạch bán dịp tết gặp tình cảnh này xem như “xong phim”. Vậy, muốn cứu vãn vườn cây thì phải trị kiến hôi. Trị bằng cách nào khi thời ấy chưa có thuốc trị sâu bọ?
Người miền Nam đã “cứu vãn tình thế” bằng cách cho thả kiến vàng lên cây, cho chung sống với kiến hôi. Hai loại kiến này thù “bất cộng đái thiên”, không đội trời chung. Kết quả thành công mỹ mãn là kiến hôi bị kiến vàng đánh đuổi không còn một mống. Ông Bình Nguyên Lộc cho biết, họ thực hiện theo tài liệu nghiên cứu về hướng dẫn cây trồng của nhà bác học Trương Vĩnh Ký.
Không chỉ trù phú, đa dạng về cây ăn trái, vùng đất phương Nam còn là nơi kiếm sống với nghề giăng cá trên mương, rạch, kênh... Nhà văn Sơn Nam viết truyện ngắn cực hay về ông già mù được bà con ở Rộc Lá (U Minh) tôn là “sư tổ giăng câu”. Mù mà giăng câu được ư? Ông mù trả lời: “Giăng câu lúc ban đêm, cặp mắt không cần thiết. Người không mù, họ đốt lửa trước xuồng un muỗi cho vui mắt, ấm lòng, chứ nào phải soi đường đi. Đó là chưa kể tới loài cá. Nó ở dưới nước, núp trong cỏ, người có mắt cũng như tôi, làm sao thấy cá được. Phải dùng óc phán xét để biết tánh ý của nó, nhờ đó mình mới giăng được nhiều cá, ngày càng vui với nghề nghiệp của mình”. Chi tiết này cho thấy ai cũng có niềm vui sống tùy theo khả năng của mình, dù hoàn cảnh thế nào.
Tại miền Đông Nam bộ có thú vui câu dầm, Bình Nguyên Lộc kể: “Ở làng tôi người ta gọi đó là câu cắm, vì cần câu được cắm dài theo bờ ruộng, có người lại kêu là câu bủa, vì cần nhiều, bủa khắp đồng ruộng. Còn câu dầm của họ thì lại là một cách khác nữa. Nhưng tôi cần gì nói trúng một tiếng nhà nghề của địa phương đâu”. Vậy, đó là tiếng gì? Hãy nghe ông lý giải: “Câu dầm của tôi là một cuộc đi câu ban đêm, những đêm mưa dầm, phải dầm mưa mà câu”. Cách lý giải này, nghe ra cũng... hợp lý đấy chứ?

Mùa thả trâu

Vốn từ sử dụng trong sinh hoạt miền Nam còn nhiều, khó có thể liệt kê hết. Thôi thì, nhân dịp năm nay vui xuân đón Tết Tân Sửu, ta hãy dừng lại với từ có liên quan đến con trâu. Nếu ở miền Tây Nam bộ có mùa “len trâu”, thì ở miền Đông Nam bộ có mùa “thả trâu”.
Nhà văn Sơn Nam cho biết, vào lúc nước tràn bờ Hậu Giang, trời mưa như trút thì nước dậy đùng đùng, cả vùng tràn ngập lênh láng, nước ngập nóc nhà cũng không sao, người ta vẫn tồn tại được. Thế nhưng “con trâu là đầu cơ nghiệp” lại xính vính xất bất xang bang vì không có cỏ mà ăn dẫn đến ốm đói, còn mắt đổ ghèn. Vì thế, phải len trâu. Phương ngữ Nam Bộ của Bùi Thanh Kiên giải thích: “Đưa từng đàn trâu lớn đến vùng khác khi vùng này nước nổi. Người ta đưa trâu đến vùng cao ráo có đủ rơm để nuôi trâu suốt thời gian dài”.
Việc vận chuyển quy mô lớn này, không phải mạnh ai nấy đi mà do tằng khạo (đầu nậu, cai thầu) đứng ra tổ chức. Thuở ấy, người len trâu nào muốn gia nhập vào đoàn phải nộp “mười giạ lúa tiền công”, Sơn Nam cho biết, để được bảo vệ suốt dọc đường đi, không sợ bị cướp trâu, đi có tổ chức, đưa đi đến nơi an toàn, lúc nước giựt xuống, đưa về đến chốn. Mỗi lần len trâu như thế cả hàng trăm con trâu tạo nên cảnh sinh hoạt cực kỳ hoành tráng, khuấy động cả một vùng sông nước bao la, mênh mông...
Còn ở miền Đông Nam bộ, về mùa “thả trâu”, nhà văn Bình Nguyên Lộc cho biết: “Ở miền Đông, những làng ven rừng có cái tục hễ qua mùa khô, gió bấc thổi, gặt hái xong xuôi rồi thì các nhà nông đưa trâu bò lên rừng. Dưới làng đất khô cháy hết, trâu bò ăn rơm lâu ngày, sẽ ốm nhom mất sức. Trên rừng có nhiều thứ lá cây, trâu bò ăn thay cho có được, khí hậu trên đó lại mát, những con vật lao lực ấy cần ăn và nghỉ dưỡng suốt mùa nắng tại đó cho tới tháng năm năm sau mới lại trở về làng”.
Thử hỏi, thuở xa xưa, vào ngày tết, người dân Đồng Nai thường dùng một trong những lễ phẩm gì để cúng tổ tiên? Nhà văn Bình Nguyên Lộc kể phải có đường phổi: “Đường phổi không phải là đường. Thật ra nó chỉ là một thứ quà ngọt chế tạo bằng đường cát trắng, lòng trắng trứng gà và một vài chất khác mà nhà nghề giữ kín cho mãi đến ngày nay. Miếng đường mang hình dạng một lá phổi mà bên trong, nó cũng có hang, lỗ y như phổi người”. Nghề làm đường phổi là do lưu dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đem vào vùng đất này từ vài ba trăm năm trước. “Đi ngang lò mía thơm đường/Muốn vô kết nghĩa cang thường với em”, câu ca dao này ra đời từ thuở ấy chăng?
Ôi văn chương, nào chỉ là câu chữ, qua những trang văn miêu tả về sinh hoạt, phong tục của vùng miền, ta lại càng thêm yêu nơi đó; và cũng là dịp tìm về dấu ấn văn hóa của người Việt nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.