Tết cổ truyền là di sản phi vật thể

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/12/2018 06:58 GMT+7

Một văn bản của xã Pà Cò (H.Mai Châu, Hòa Bình) thông báo việc chuyển ăn tết cổ truyền của người Mông sang ăn Tết Nguyên đán của cả nước. Việc này không được sự đồng thuận của không chỉ các nhà nghiên cứu mà của cả cơ quan quản lý văn hóa cấp trên.

“Nhập” tết
Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý rất ngạc nhiên trước văn bản có thông tin người Mông ở 4 xã tại Sơn La và Hòa Bình sẽ chuyển sang ăn Tết Nguyên đán của cả nước từ Tết Kỷ Hợi 2019. Đó là Văn bản số 30 của UBND xã Pà Cò (H.Mai Châu, Hòa Bình) thông báo kết quả hội nghị tiếp giáp 4 xã được tổ chức tại Sơn La. Các xã gồm: Lóng Luông, Vân Hồ của H.Vân Hồ (Sơn La) và các xã Pà Cò, Hang Kia của H.Mai Châu (Hòa Bình).
Theo văn bản, UBND xã Pà Cò thông báo cho các cơ quan, ban, ngành tỉnh Hòa Bình, H.Mai Châu biết về các nội dung được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong bản quy ước của 4 xã Lóng Luông, Vân Hồ, Pà Cò, Hang Kia. Văn bản cho biết, tại điều 5 về tổ chức tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông được thống nhất. “Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông 4 xã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán của cả nước (không tổ chức ăn tết trước Tết Nguyên đán 1 tháng như trước đây). Kể từ Tết Nguyên đán, Kỷ Hợi năm 2019 trở đi”, văn bản nêu.
Văn bản có đoạn cuối: “UBND xã Pà Cò trân trọng thông báo cho các phòng, ban của tỉnh, huyện và các ban, ngành, đoàn thể xã, xóm biết để tổ chức quán triệt, triển khai rộng rãi đến toàn thể bà con nhân dân trong xã biết và cùng thực hiện”.
Bà Hà Thị Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Mai Châu (Hòa Bình), cũng xác nhận với PV Thanh Niên, thông báo đó là có thực. Bên cạnh đó, một nguồn tin khác từ ngành văn hóa tỉnh Sơn La cũng cho biết văn bản về việc “nhập” tết người Mông vào Tết Nguyên đán là có thật.
Ông Sùng A Màng, Chủ tịch xã Pà Cò (H.Mai Châu, Hòa Bình), cho biết việc thay đổi này là do bà con thống nhất. “Chúng tôi họp từng thôn một, lấy ý kiến của nhân dân, trưng cầu ý kiến của nhân dân. Dân họ đồng tình rất cao. Chúng tôi là 95% đồng tình rồi. Chỉ có những người không có con em đi học, ở nhà không biết chữ thì người ta mới bảo là tổ chức tết thôi”, ông nói.
Lý do để phải thay đổi tết, thứ nhất, theo ông Màng, phải chuyển như thế để cho các cháu tập trung học hành. Thứ hai, việc nghỉ tết như cổ truyền ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. “Họ mà ăn tết đó 1 tháng thì họ ở nhà, họ không đi đâu. Thì như thế nó xảy ra một số tệ nạn xã hội. Cái này nó hệ lụy rất nhiều thứ. Cái này chúng tôi phân tích rất kỹ rồi”, ông Màng cho biết.

Quyền văn hóa

TS Mai Thanh Sơn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho rằng đây là văn bản vi phạm các công ước quốc tế về quyền văn hóa, đa dạng văn hóa và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO mà VN đã phê chuẩn. Nó cũng vi phạm nghiêm trọng luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội thông qua năm 2001, và sửa đổi năm 2009. “Tết cổ truyền của người H'mông rõ ràng là đối tượng phải được bảo vệ.
Ngành văn hóa sẽ có tiếng nói với chính quyền
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết hiện đã yêu cầu các sở xuống làm việc trực tiếp với xã, người dân. “Các sở sẽ xác định rõ vì sao lại có văn bản đó, việc ra văn bản đã có làm việc với dân chưa hay chỉ là quy ước của lãnh đạo. Trong trường hợp người dân chưa đồng thuận thì ngành văn hóa sẽ có tiếng nói với chính quyền, làm sao để vẫn giữ được tiếng nói của ngày tết các dân tộc”, bà Hương nói.
Hy vọng, sang tuần tới, các cấp chính quyền cao hơn sẽ có động thái nhắc nhở”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, cho rằng: “Nếu họ muốn thì cứ để họ ăn tết như truyền thống. Tất cả đồng ý mà có một gia đình không thích thế, vẫn muốn ăn tết Mông thì cũng kệ người ta. Đó là quyền văn hóa của người ta. Không nên vi phạm quyền văn hóa”. Ông Sơn nhận định, việc ăn tết này hoàn toàn không phải chuyện hành chính công sở hay phạm luật gì cả. Vì thế theo ông, không nên can thiệp như vậy.
Một nguồn tin từ ngành văn hóa tỉnh Sơn La lại cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là không nhất trí vì dù sao cũng phải giữ truyền thống của mình. Vừa ăn tết Mông vừa ăn tết Kinh thì càng tốt. Nhưng phải giữ tết của người Mông. Nếu bỏ thì rồi chỗ khác cũng bỏ, thế là nó mất tất. Tôi cũng có thông tin là người dân cũng không ủng hộ nhiều”.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng việc này hoàn toàn không ổn. “Tết cổ truyền của mỗi dân tộc là một di sản văn hóa phi vật thể, nó là một truyền thống rất riêng của mỗi một dân tộc. Những cái tết đó nên giữ. Chưa kể nó còn liên quan đến tết các dân tộc khác như người Khmer, Thái, Chăm... Nếu cứ bỏ dần thì bản sắc văn hóa, văn hóa sẽ mất dần”, ông nói. Ông cũng cho rằng nếu nghĩ thay đổi ngày tổ chức sẽ giúp người dân chăm chỉ hơn, giảm tệ nạn hơn thì không phải. Điều quan trọng là phải thay đổi cách nghĩ, cách tổ chức tết cho người dân.
“Ví dụ, trước đây người Kinh cũng ăn tết rất nhiều. Tháng giêng là tháng ăn chơi mà. Họ ăn tết sớm rồi kéo dài tận rằm tháng giêng. Sau đó, họ thu gọn lại và giờ hầu như chỉ còn ba ngày tết thôi. Đối với người Mông cũng thế, không nên ăn tết cả tháng mà nên tập trung gọn gàng rồi mọi thứ đều trở nên bình thường. Như thế thì tốt hơn là bỏ tết dân tộc”, ông Huy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.