Tên gọi dép Lào xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
13/07/2021 14:00 GMT+7

Nhiều người cho rằng loại dép mà nhiều người gọi là dép Lào thực ra là dép… Thái vì nó được sản xuất từ Thái Lan. Liệu nhận định này có chính xác không?

Dép Lào không có xuất xứ từ Thái Lan và cũng chẳng phải do Lào sản xuất. Đơn giản là vì sau năm 1975, nhiều người Lào vào miền Trung Việt Nam, cụ thể là ở Nghệ An và Quảng Trị, hành nghề buôn bán, người nào cũng đi loại dép xỏ ngón, thậm chí có một số người chuyên bán loại dép này nên dân ta gọi là dép Lào. Thế rồi cái tên dép Lào lan khắp cả nước.

Tổng thống Mỹ Barack Obama mang dép tông ở Hawaii (2011)

Ảnh: T.L

Dép Lào được sử dụng từ thời Ai Cập cổ đại?

Ngày xưa, dân ta thường gọi loại dép xỏ ngón này là dép tông theo cách gọi của người Pháp (tong), một loại dép phổ biến nhiều nơi trên thế giới, được sử dụng từ thời Ai Cập cổ đại, khoảng 1.500 năm trước Công Nguyên, tuy nhiên có những hình vẽ trên tường cho thấy loại dép này xuất hiện cách đây khoảng 6.000 năm.
Nhìn chung, thời xưa người ta dùng nhiều chất liệu khác nhau để làm loại dép này. Ở Ai Cập cổ đại thường sử dụng lá cọ và giấy cói, Trung Quốc và Nhật Bản thường làm bằng rơm, Ấn Độ dùng gỗ, ở Nam Mỹ người ta dùng lá cây thùa sợi (Agave sisalana), còn những thổ dân ở Mexico sử dụng cây Yucca, tộc người Maasai ở châu Phi lại làm bằng da sống...
 Ngày nay, dép tông chủ yếu làm bằng cao su, nhựa dẻo, bọt xốp (foam), da lộn, vải và hợp chất Polyurethane...Kiểu dáng khá đa dạng, có loại xỏ giữa ngón chân cái và trỏ, loại ngón trỏ và giữa, loại ngón giữa và áp út, loại xỏ một hoặc hai ngón vào lỗ nhỏ gắn trên mặt dép...

Loại dép Zōri (草履) ở Nhật Bản

Ảnh: T.L
Dép tông, dép Lào hay dép xỏ ngón còn có nhiều tên tùy theo ngôn ngữ và quốc gia (với thiết kế khác nhau), nhiều nước gọi chúng là sandals. Ở Nhật Bản người ta gọi là dép Zōri (草履) - có lẽ loại dép này được nhập khẩu vào Ba Lan nên nước này gọi chúng là japonki; còn người dân Croatia gọi là japanke, người Bulgaria gọi là djapanki (джапанки), đến khi sang New Zealand thì chúng có tên thương mại là jandals, tức loại dép sandals có nguồn gốc từ Nhật; riêng Ukraine và Nga sử dụng loại dép tông xuất khẩu từ Việt Nam nên dép này được gọi là vietnamki (Вьетнамки). Còn dân Hy Lạp gọi là sayonares (σαγιονάρες); dân Tây Ban Nha gọi là chancleta; khi du nhập vào Bồ Đào Nha thì chúng có tên là chinelo; ở Anh, Đức, Mỹ, Thụy Điển gọi chung là flip-flops…
Nhìn chung, còn rất nhiều tên gọi loại dép này (tùy theo nước), ví dụ như Infradito (nước Ý); parmak arası terlik (Thổ Nhĩ Kỳ); slap (Rumani) hay varvassandaali (Phần Lan)…
Đừng nghĩ dép tông, dép Lào chỉ dành cho giới bình dân, trên thực tế thì có nhiều chính khách, giới tu hành cũng sử dụng loại dép này. Năm 2011, khi đi nghỉ ở quê nhà Hawaii, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên báo với bức ảnh chụp ông mang một đôi dép tông. Ngay cả Đức Đạt-lai Lạt-ma của Tây Tạng cũng là người thường xuyên đi loại dép này trong lúc gặp một số tổng thống Mỹ như Barack Obama và George W. Bush…

Đức Đạt-lai Lạt-ma mang dép tông tiếp Tổng thống Mỹ George W. Bush

Ảnh: T.L

Nhìn chung ở Đông Nam Á, dép tông rất phổ biến, đặc biệt là đi cùng trang phục truyền thống ở Myanmar. Trước năm 1975 ở miền Nam thì dép tông được gọi là dép Nhựt (Nhật), do loại dép này được sản xuất tại Nhật, nhập khẩu vào Việt Nam. Cái tên dép Lào chỉ xuất hiện sau năm 1975.
Về nguồn gốc tên gọi thì có 2 cách giải thích theo kiểu từ nguyên dân gian: thứ nhất là do nhiều người Lào sang miền Trung Việt Nam sống bằng nghề buôn bán, họ đi loại dép tông, thậm chí là bán loại dép này nên từ đó xuất hiện cái tên dép Lào; thứ hai là sau 1975, có rất nhiều đoàn xe tải từ nước ta quá cảnh qua Lào mua loại dép xỏ ngón về, từ đó người ta gọi là dép Lào (nhưng chưa chắc là do Lào sản xuất).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.