Tây Tạng ngày nay - Kỳ 4: Hai cảnh đời chốn tâm linh

23/11/2011 23:25 GMT+7

Ở Lhasa có một ngôi chùa nằm lọt thỏm trong khu phố cổ, rất linh thiêng, đó là chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple) - cũng là nơi hành hương không thể thiếu giống như cung điện Potala đối với người Tây Tạng theo đạo Phật.

Ở Lhasa có một ngôi chùa nằm lọt thỏm trong khu phố cổ, rất linh thiêng, đó là chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple) - cũng là nơi hành hương không thể thiếu giống như cung điện Potala đối với người Tây Tạng theo đạo Phật.

>> Kỳ 3: Lạt ma và Hoa hồng

Phía trước mặt tiền của chùa là một quảng trường mang tên Bakhor với nhiều cửa hiệu buôn bán náo nhiệt. Ở Lhasa người ta dùng song ngữ Tạng - Hoa trên các biển hiệu quảng cáo, một số ít cơ quan có thêm tiếng Anh, ra xa lộ thì chỉ có bảng hướng dẫn lưu thông bằng tiếng Hoa mà thôi. Bakhor là một trong hai quảng trường trung tâm của Lhasa, quảng trường kia nằm đối diện cung điện Potala, có một đại lộ mang tên Bắc Kinh chạy ngang.

 
Tượng vua Gampo và hoàng hậu Văn Thành 

Chùa Đại Chiêu được vua Songtsan Gampo (Tùng Tán Cán Bố) xây dựng vào thế kỷ 7 (năm 647). Gampo là người sáng lập đế quốc Tây Tạng (cùng thời với nhà Đường của Trung Hoa cổ đại), đồng thời là vị vua có công chấn hưng Phật giáo Mật Tông trên cao nguyên này. Chùa Đại Chiêu linh thiêng nhất đối với người dân Tây Tạng, được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới. Vua Gampo có 3 bà vợ: Đệ nhất hoàng hậu là công chúa Bhrikuti Devi của Vương quốc Nepal; Đệ nhị hoàng hậu là công chúa Văn Thành (tiếng Tạng là Munchang Kongcho), cháu gái của vua Đường Thái Tông; Đệ tam hoàng hậu là Trimoyen Dongsten (người Mông Cổ). Giống như những cuộc “hôn nhân chính trị” của các vương triều xưa, sự kết hôn của vua Songtsan Gampo thời bấy giờ với người của các nước láng giềng nhằm thắt chặt “tình thông gia hữu hảo”, tránh lâm vào cảnh chiến tranh. Ở tỉnh Tứ Xuyên giáp với Tây Tạng, có một bức tượng (không biết dựng lên vào năm nào) chân dung vua Gampo và hoàng hậu Văn Thành sánh đôi cao to, đứng trước một cổng thành cổ, như minh chứng cho mối tình bất diệt Tạng - Hán thời xa xưa.

Cùng với vua Gampo, hai hoàng hậu Devi và Văn Thành được tôn sùng là Tam Thánh Mật Tông Giáo ở Tây Tạng. Khi “về nhà chồng”, cả đệ nhất và đệ nhị hoàng hậu đều mang theo tượng Phật bằng vàng ròng (như của hồi môn) đặt vào chùa Đại Chiêu. Trong cuộc “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc, tượng Phật của hoàng hậu Devi đã bị phá nát. Trước tình cảnh ngặt nghèo ấy, Thủ tướng Chu n Lai đã thành công khi can thiệp với chính quyền trung ương Trung Quốc bảo tồn tượng Phật Thích ca Mâu ni của công chúa Văn Thành tránh bị phá hủy. Tượng Phật của hoàng hậu Devi hiện nay nằm chính diện trong chùa Đại Chiêu là do được phục chế vào thập niên 1980, đúng như nguyên bản.

 
Khu chợ bán hàng lưu niệm bên ngoài chùa Đại Chiêu - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Số lượng khách hành hương đến cung điện Potala và chùa Đại Chiêu ước tính bằng nhau. Người Tây Tạng đến chùa Đại Chiêu cũng là dịp để một lần trong đời biết được điều huyền bí về bản thân mình. Điều huyền bí ấy là, sau khi lễ Phật, khách hành hương sẽ được các nhà sư hướng dẫn nhìn vào một ô cửa nhỏ để biết được vận mạng của mình ở kiếp sau. Du khách nước ngoài thường bỏ qua công đoạn này vì hai lẽ: Thứ nhất, bạn phải là tín đồ Phật giáo mộ đạo, có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của chùa; Thứ hai, bạn phải kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vì số lượng người muốn trải qua công đoạn này… quá đông. Tuy đông người nhưng mọi nghi lễ trong chùa Đại Chiêu đều diễn ra trật tự, nền nếp. Chỉ có điều, giống như nội quy ở cung điện Potala, du khách không được phép chụp hình, quay phim bên trong chùa Đại Chiêu. Đến một vài điểm tham quan ở Tây Tạng, bạn chỉ được tự do ghi hình khi đang ở không gian bên ngoài, thấy ánh nắng mặt trời, mây lượn cùng gió và chim chóc tung bay.

Bên ngoài chùa Đại Chiêu là cả một không gian náo nhiệt. Phía trước chùa có khá đông tín đồ Phật giáo hướng về mặt chính của chùa bái lạy không ngơi nghỉ theo tư thế nằm úp mặt xuống đất. Nghe nói họ phải thực hiện đủ 100.000 lạy như thế trong đời mình, quả là đáng nể. Sự náo nhiệt ấy còn do khu chợ bán hàng lưu niệm tạo ra. Chủ quầy hàng có cả người Tạng và Hán, rất ít người nói được tiếng Anh. Bản chất người Tây Tạng xưa nay vốn hiền lành, thật thà chất phác, ấy vậy mà khi mua hàng tại đây, hướng dẫn viên du lịch nhắc chúng tôi rằng hãy tích cực… trả giá. Ví dụ: người bán nói món hàng ấy 100 đồng, bạn hãy mạnh dạn trả còn 20 đồng thôi, nếu vì “lịch sự” trả giá xuống 50% coi như “dính chấu”.

Quảng trường Bakhor có lẽ là nơi nhộn nhịp nhất thành phố Lhasa với khá đông người hành hương lẫn du khách. Tại đây, cơ quan chức năng chuẩn bị nhiều bình xịt màu đỏ mà thoạt nhìn có người nghĩ là bình ô xy, nhằm giúp cho những du khách khó thở vì không khí loãng. Nhưng rốt cuộc mọi người mới phát hiện đó không phải bình ô xy mà là bình... cứu hỏa. Những chiếc bình này sẽ được dùng để dập tắt đám cháy do ai đó vô tình hay cố ý gây ra ở quảng trường. Rất may là không có đám cháy nào xảy ra trong suốt thời gian chúng tôi hiện diện nơi đây.

Khi máy bay cất cánh rời thủ phủ Lhasa, có nhà báo nói vui đó là “cuộc đào thoát khỏi Tây Tạng” vì thời tiết ngày càng lạnh hơn, lưu trú thêm vài ngày nữa chắc… bỏ mạng. Hài hước vậy thôi chứ Tây Tạng xưa nay vẫn là vùng cao nguyên rất đáng để bạn đến tham quan một lần trong đời, và sẽ không uổng công.   

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.