Tấu hài Sài Gòn

01/09/2005 23:36 GMT+7

Có thể nói, khoảng 10 năm nay là thời hoàng kim của tấu hài, cả trên sân khấu chính quy lẫn các tụ điểm tạp kỹ, đại nhạc hội. Tấu hài có một đời sống rộn rã như thế, nhưng tại sao vẫn có nhiều dư luận khen chê khác nhau, tranh cãi đến nhức đầu...?

Hài không có lỗi

Có thể mạnh dạn nói như thế. Bởi thật sự tấu hài là một nhu cầu có thực của công chúng, muốn được thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, đặc biệt trong đời sống công nghiệp khá bận rộn  hiện nay thì tiếng cười càng cần thiết, để giải tỏa những stress. Theo quy luật phát triển, nếu tấu hài không đáp ứng được nhu cầu của công chúng thì chắc nó đã bị đào thải từ lâu. Lúc  mới "khai sinh", chỉ có 5, 6 nhóm tấu hài diễn lai rai tại các tụ điểm, song 5 - 7 năm nay con số này đã tăng lên hơn 40 nhóm, chưa kể các nhóm diễn "chui" không đăng ký với Sở VH-TT TP.HCM. Các nhóm hài diễn tại hàng trăm sân khấu, nào công viên, tụ điểm, quán bar, cả sân khấu chính quy như Nhà hát Kịch TP.HCM hoặc Kịch Sài Gòn, Nhà hát Bến Thành, Sân khấu Nam Quang, 135 Hai Bà Trưng, Phú Nhuận... Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội "chuyên trị" chính kịch cũng nhiều lần dựng tấu hài quy mô khá lớn đem vào diễn tại Nhà hát lớn TP.HCM. Điều này cho thấy, tấu hài có sức sống rất mạnh mẽ, được công chúng ủng hộ.

Nói một cách công bằng, tấu hài đã góp phần không nhỏ vào đời sống văn hóa, xã hội, nhờ vũ khí lợi hại là tiếng cười, qua đó giúp khán giả tiếp nhận vấn đề dễ dàng hơn cách nói trực tiếp, nghiêm trang. Thí dụ, tiểu phẩm Ai sợ ai phê phán những bà vợ ăn hiếp chồng, Hạc tiên phê phán những người nhân danh tình yêu để trục lợi, Truyền hình kênh 8 cười từ chuyện cô hoa hậu trình độ thấp mà muốn trèo cao, đến chuyện xả rác, nước ngập, quảng cáo vô tội vạ, Thầy bói hết thời phê phán nạn bói toán, Chuyện ấp tôi cảnh giác bệnh chạy theo thành tích của các địa phương, Chuyện tình công viên cười kiểu sống hình thức, lừa đảo người khác... Có khoảng 70% tiểu phẩm hài hàm chứa nội dung tích cực. Vấn đề là nhìn nhận tấu hài thật khách quan, để từ đó có hướng quản lý nhằm thúc đẩy loại hình nghệ thuật này phát triển tốt hơn.

Tương lai ra sao?

Lật lại "lịch sử" của tấu hài, theo đạo diễn Thế Ngữ, năm 1981, ông Võ Văn Kiệt (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) phát động phong trào Tiếng cười sân khấu để lấy tiếng cười làm vũ khí phê phán những tiêu cực xã hội. Các nhóm hài đã chuyển thể những truyện vui trong Báo Tuổi Trẻ Cười thành tiểu phẩm sân khấu rất hiệu quả. Diễn viên chỉ quanh quẩn 5 - 6 nhóm, gồm những gương mặt lão làng như Bảo Quốc - Duy Phương, Nguyên Hạnh - Mỹ Chi, Phi Thoàn - Văn Chung, Hồng Nga - Ngọc Giàu, Kim Ngọc - Phú Quý... với hình thức song tấu. Đạo diễn Thế Ngữ cũng kiêm luôn vai trò tác giả, là người đầu tiên viết rất nhiều tiểu phẩm cho các nhóm dàn dựng. Tiếp đó, Báo Tuổi Trẻ Cười tổ chức các đêm diễn Tuổi Trẻ Cười Sống thật xôm tụ. Vài năm sau, Báo Sân Khấu kết hợp với Hội Sân khấu và Sở VH-TT TP.HCM tổ chức hai cuộc thi Đệ nhất danh hài, bình chọn những gương mặt hài được yêu thích nhất. Thời gian này, xuất hiện những kịch bản rất hay, khá thâm thúy, bảo đảm chất lượng và thực sự chuyển sang hình thức tấu hài với sự tham gia của 3 - 4 diễn viên.

Từ giữa thập niên 1990 trở đi, tấu hài cực thịnh, nhưng cũng không kém phần bát nháo với nhiều nét diễn thiếu thẩm mỹ và ngôn ngữ thô tục. Vì thế, Sở VH-TT TP.HCM bắt buộc phúc khảo và quay phim lưu lại trước khi cho phép biểu diễn. Đồng thời Sở cũng tổ chức các đợt tập huấn cho nghệ sĩ hài nâng cao nhận thức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Động thái này mang lại hiệu quả thấy rõ. Các nhóm đi vào nề nếp hơn, bớt nói tục, tào lao. Nhưng khoảng 2 năm nay, dường như có sự buông lỏng, các diễn viên bắt đầu xé rào trở lại. Một đêm, xem tại Trống Đồng, chúng tôi ghi nhận diễn viên chửi nhau: "Ông nội bà nội, ông cố bà cố mầy", "Trái tim mầy ngủ yên là mầy chết mẹ mầy rồi"... Một nữ diễn viên trẻ đứng "chàng hảng" trước mặt công chúng để diễn. Dù biết tấu hài là phải biến báo, sử dụng "mảng miếng" và ăn nói bình dân một chút mới dễ gây cười, nhưng liệu thóa mạ rồi chửi nhau và đi đứng như thế có chấp nhận được không?

Chính vì vậy, nhất thiết phải có sự kiểm tra thường xuyên của cơ quan chủ quản và có định hướng rõ ràng cho hoạt động này. Tất nhiên, không phải là quá khô cứng trong quá trình xét duyệt hay thưởng thức, nhưng có thể kết luận như tác giả Lê Chí Trung: "Phải chấp nhận yếu tố tục mà thanh trong tấu hài, bởi các lớp diễn kinh điển như Mẹ Đốp vẫn tục đó chứ nhưng lại rất nghệ thuật. Dùng con mắt đạo mạo mà đánh giá tấu hài là hỏng. Nhưng ranh giới giữa tục nghệ thuật và tục tĩu nhỏ như sợi chỉ, diễn viên phải bản lĩnh kiềm chế. Và nói chung, tấu hài có nội dung, tình huống thì tốt, mà chỉ kể chuyện qua lại để gây cười thư giãn thôi cũng tốt, chứ không thể xét nó như chính kịch...". Tóm lại, tấu hài là loại hình sân khấu khá đặc biệt, và sẽ còn phát triển rất mạnh, cho nên việc nhìn nhận, đối xử với nó cần thận trọng lẫn thông thoáng.

Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật - Sở VH-TT TP.HCM: "Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các nhóm hài..."

Ông Võ Trọng Nam - (ảnh: Diệp Đức Minh)

Về vấn đề quản lý các nhóm hài trên TP.HCM, Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật - Sở VH-TT TP.HCM.

* Thưa ông, hiện nay có bao nhiêu nhóm hài đăng ký với Sở VH-TT TP.HCM?

- Các nhóm hài hay có sự thay đổi hợp tan, nhưng ổn định thường xuyên là 30 - 40 nhóm.

* Sở có những biện pháp gì để quản lý các nhóm hài này, thưa ông?

- Trong thời gian qua, hoạt động biểu diễn hài có những mặt tích cực và tiêu cực. Các nhóm hài hiện nay hoạt động độc lập chưa có một đoàn thể để thống nhất. Điều này làm cho công việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Công việc của chúng tôi là động viên, kêu gọi, định hướng cho các diễn viên. Chúng tôi chỉ quản lý về mặt vở diễn còn điều quyết định là nhận thức, vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động để định hướng: duyệt kịch bản, phúc khảo, mở những lớp tập huấn về nghề và nhận thức xã hội; tìm nguồn kịch bản qua việc tổ chức hội thi sáng tác kịch bản hài.

* Các nhóm hài khi diễn thường mắc sai phạm gì so với kịch bản ban đầu trình duyệt?

- So với kịch bản được duyệt và ê-kíp diễn phúc khảo thì các nhóm hài hiện nay thường hay có sự thay đôӭi về diễn viên, sửa câu thoại làm cho nội dung dễ dãi, dung tục, quá đời thường. Điều này gây nên phản ứng của khán giả. Các nghệ sĩ hài đi diễn nhiều nên không có thời gian cập nhật thông tin của cuộc sống và các chính sách của cơ quan quản lý nên thường làm cho nội dung vở nghèo nàn.

* Khi các nhóm hài diễn cương, sai phạm cơ quan quản lý có biết không?

- Công việc của Sở là định hướng, nhắc nhở chứ còn đi kiểm tra hoài thì không xuể. Nhưng chúng tôi có sự liên hệ chặt chẽ với các đơn vị tổ chức biểu diễn. Nếu như nhóm hài nào sai phạm thì các đơn vị tổ chức, các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ báo cho chúng tôi biết và chúng tôi sẽ đi kiểm tra, có biện pháp xử lý thích hợp.

* Với những sai phạm ấy sẽ được xử lý ra sao?

- Tất nhiên là sẽ xử phạt theo Nghị định 31. Nếu nội dung diễn sai lệch nhiều so với kịch bản duyệt thì phải xin giấy phép lại. Còn chỉ đổi vài lời thoại thì không sao. Do nhu cầu của khán giả về loại hình nghệ thuật này nên chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện cho các nhóm hài phát triển. Năm 2004, chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt trường hợp nào.

* Định hướng của Sở về mặt quản lý trong tương lai?

- Chúng tôi vẫn làm việc theo chức năng của mình căn cứ trên Nghị định 47/CP. Còn cụ thể trong tương lai gần nhất chúng tôi sẽ tạo điều kiện để Câu lạc bộ Nghệ sĩ hài TP.HCM được thành lập làm cơ sở cho anh em nghệ sĩ hoạt động mạnh mẽ hơn. Và tổ chức Liên hoan sân khấu hài TP.HCM. Đây là những hoạt động dự định đã lâu nay mới có điều kiện để xúc tiến.

Lê Phương Anh
(thực hiện)

Những “cây hài” nói gì ?

- Nghệ sĩ Văn Hường: Dù có tiếng là "danh hài" nhưng tôi chỉ ca vọng cổ hài hước. Lâu nay, vì sức khỏe nên tôi không còn xuất hiện trên sân khấu, vì thế cũng không mấy am tường về "làng hài hiện đại". Thỉnh thoảng mới coi diễn hài trên ti vi, thấy một số em diễn có phần hơi "cương", sa đà vào những tình tiết lố bịch. Để ý tôi thấy bà con xung quanh rất chịu cách diễn của Hồng Tơ, Tấn Beo...

- Nghệ sĩ Mạc Can: Theo tôi biết thì tấu hài có nhiều hình thức: từ Độc tấu hài (một người thể hiện) đến Tấu hài (nhiều người). Tấu hài không có nhiều tình tiết kịch, chủ yếu dùng ngôn ngữ, điệu bộ để gây cười - một dạng biểu diễn rất được khán giả yêu thích, để giải trí sau những giờ phút lao động nhọc mệt, để thư giãn đầu óc... Tôi chỉ là nhà ảo thuật hài, nhưng nếu nhận xét về sân khấu hài hiện nay thì đó là một nồi canh rất ngon, tiếc thay lại có một vài con sâu (xin không nêu rõ tên). Dù không nhiều, nhưng những "con sâu" đó làm cho khán giả, anh em trong giới diễn cũng như  giới lãnh đạo, quản lý hài phiền lòng. Tôi nghĩ, tự thân các "nghệ sĩ - con sâu" này phải cố gắng chỉnh sửa lại cách diễn, bởi cho dù đã "chấn chỉnh" ở khâu kịch bản rồi duyệt kịch bản, diễn phúc khảo... nhưng khi ra sân khấu vẫn bị... trật chìa!.

- Nghệ sĩ Tùng Lâm: So với hiện nay thì thế hệ chúng tôi khác xa. Ngày xưa không có tấu hài mà là hoạt kê, hài hước. Mỗi "danh hài" có một "sở đắc": Văn Chung cười dê - dễ té, Khả Năng trầm tĩnh, Thanh Hoài nói giọng Bắc khàn khàn, Văn Hường ca vọng cổ, Thanh Việt nhép nhép bộ ria... không ai bắt chước ai, mỗi vở diễn đều có một chủ đề xuyên suốt... Bây giờ thì thường xảy ra hiện tượng bắt chước điệu bộ, nhóm này ăn cắp mảng miếng của nhóm kia, rồi... dung tục một cách sống sượng và quá lạm dụng. Làm như thế là tự hài giết chết hài.

Hà Đình Nguyên
(thực hiện)

 

- Trung Dân: Tôi rất giận vì có một lần chương trình Chung sức trên HTV lấy ý kiến đánh giá cho rằng, tấu hài là dung tục. Tất nhiên có một số tiểu phẩm đi quá đà, nhưng đâu phải vì vậy mà quy chụp toàn bộ tấu hài. Chúng tôi lắng nghe lời đóng góp của dư luận nhưng phải trên tinh thần xây dựng và công bằng. Chúng tôi làm dâu trăm họ mà, làm sao người ta thương hết cho được, nhưng tôi lấy theo số đông và hết lòng phục vụ, chứ biết làm sao!

- NSƯT Ngọc Giàu: Tôi đi tấu hài 5 năm nay, chung với Anh Vũ. Tấu hài khó lắm, chỉ có 10 - 15 phút phải làm khán giả cười liền, chứ không như kịch dài, đoạn này chưa được thì còn đoạn khác bù lại. Bản thân tôi lại càng khó hơn, vì mình lớn tuổi đâu dám quậy, nói bậy nói bạ, thành ra dễ bị lắng, phải tìm cách diễn khác để tạo tiếng cười. May là bà con vẫn ái mộ cho tới bây giờ.

- NSƯT Việt Anh: Hỏi tôi là Nghệ sĩ ưu tú mà đi tấu hài có mặc cảm không hả? Tại sao lại mặc cảm. Tiếng cười nếu có tác dụng xã hội thì đáng quý lắm. Tôi không diễn thì anh em cũng diễn, bình thường thôi. Tôi đang có mặt tại 5 - 6 tụ điểm và phòng trà đó chứ. Ngược lại, tôi đi tấu hài thấy rất vui vì hiểu thêm một điều là anh em sống rất có tình, đùm bọc nhau, nhường nhịn từng suất diễn, giờ diễn. Trong nghề, đó là điều đáng quý còn hơn cả doanh thu.

Thư Thư
(ghi)

Tản mạn về... hài

1. Một tờ báo nổi tiếng ở châu u trưng cầu độc giả bình chọn những nhân vật vĩ đại nhất của nhân loại. Kết quả: Vua hề Sạc-lô (Charlot) xếp thứ nhất, Chúa Giê-Su (Jesus) thứ nhì và Hoàng đế nước Pháp Napôlêông (Napoleon) xếp thứ ba và sau đó... là các thiên tài khác. Giai cấp thống trị không thích hài, cũng may họ là số ít, còn quần chúng nhân dân là số đông, đó chính là mảnh đất để thiên tài nảy sinh.

Thiên tài hài kịch Môlier (Molière) xuất thân từ một gia đình tư sản Pháp nhưng hoàn cảnh gia đình hầu như không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp nghệ thuật của ông. Trái lại, giai cấp quý tộc tư sản lại chính là đối tượng để ông phê phán, đả phá trong tác phẩm và điều tạo nên sự vĩ đại của Môlier chính là ông biết gắn bó, gần gũi với cuộc sống đời thường của quần chúng bình dân. Cũng vì lẽ đó,   ông bị nhà cầm quyền "trù úm", thậm chí sau khi đã qua đời. Ai được nhiều người thích thì người đó là Vĩ Đại, nói vậy có đúng không?

2. Những năm đầu 80 của thế kỷ trước, trên màn hình của Đài Truyền hình TP.HCM xuất hiện chương trình Trong nhà ngoài phố vào tối thứ năm hằng tuần, được đông đảo khán giả đón nhận để vui, cười giải trí. Tôi có tham gia viết và dàn dựng nhiều tiết mục. Một anh bạn tôi là trí thức, nói với tôi: "Cậu có học hành đàng hoàng, thiếu gì cái hay không làm, lại làm cái trò nhảm nhí rẻ tiền thế?". Tôi chẳng biết trả lời sao với anh. Thế rồi, mấy tuần sau anh tìm tới tôi và nói: "Tôi công nhận Trong nhà ngoài phố của cậu là "đắt" tiền". Tôi chưa kịp "nở mũi” thì anh kể luôn: "Tối qua vừa về đến cửa thì thấy cả nhà cười ngang ngửa trước ti vi, tớ cũng ghé mắt vào coi thì ra mấy cô cậu hề đang chọc cười trên ti vi... tớ cười không nổi. Sực nhớ, quay ra cửa,... đứng tim, cái xe Ba-bet-ta mua 2 chỉ quên chưa mang vào bị trộm nẫng mất, đau quá...".

Tôi chỉ biết an ủi anh bạn "trí tuệ" bằng cách thở dài, tội nghiệp.

3. Loại truyện tiếu lâm được gọi là thâm thúy thường chĩa vào những kẻ có quyền chức thuộc hàng "cha, mẹ" của dân. Đó là những kẻ luôn tìm cách đề cao mình, dùng những lời lẽ tưởng là cao siêu để vẽ cho mình một bộ mặt "nghiêm chỉnh", "kiểu mẫu", "bề trên". Nhưng, khi đụng vô "tiếu lâm" thì tiếng cười đã san phẳng mọi sự cách biệt giả tạo ấy. Tiếu lâm cảnh báo rằng: Các anh chẳng là cái quái gì, các anh cũng tầm thường, thô lỗ có khi còn hơn cả những cái tầm thường đáng khinh bỉ. Bỏ cái mặt nạ đạo đức giả đi để trở thành người của mọi người.

4. Một nhà văn Nga nói như thế này: "Hài kịch là một tấm gương, để người đời soi vào, thấy mặt mình có vết nhọ, nên tìm khăn để lau chứ không phải đi tìm dây để thắt cổ". Nghe được không các bạn HÀI?

Đạo diễn Thế Ngữ

Ý kiến khán giả

- Bác sĩ Dương Công Minh (32 tuổi, Q.4, TP.HCM): Tôi bỏ ra 50.000đ mua vé đâu phải để bị người ta lừa. Tấu hài phải có cái gì đó mới thu hút được khán giả chứ. Tất nhiên, loại hình nào cũng còn những hạt sạn, không tránh khỏi, và đó là trách nhiệm quản lý của Sở VHTT. Nhưng nói chung, tấu hài không đến nỗi bị lên án quá đáng nếu như nó vẫn còn 70% tích cực, theo đánh giá của tôi.

- Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (40 tuổi, kinh doanh, Q.1, TP.HCM): Tôi thường đi xem tấu hài cho nhẹ đầu sau những giờ tính toán căng thẳng. Tôi không chú ý mấy đến nội dung tư tưởng, mà chỉ muốn cười bình thường. Tất nhiên, cười cũng phải sạch sẽ chứ không được bậy bạ, vì đôi khi tôi dẫn con đi cùng, sợ tác động đến đầu óc non nớt của cháu. Trẻ con dễ bắt chước lắm, các nghệ sĩ nên thận trọng đôi chút.

- Bác Trương Chí Hùng (60 tuổi, cán bộ hưu trí, Q.3, TP.HCM): Thỉnh thoảng tôi cũng đi xem tấu hài như đêm nay. Vui đó chớ! Cười bổ ích, sao không chịu cười. Nhưng không nên đem những hình tượng khuyết tật hoặc người lớn tuổi ra nhạo báng. Thí dụ, một tiểu phẩm có hai ông bà già ngày xưa từng yêu nhau, giờ gặp lại, suýt làm sui với nhau mà không biết, nên cứ lo xỏ xiên, rồi õng ẹo với nhau, nhảy tưng tưng như khùng. Khó coi quá! Tụi nhỏ sẽ nghĩ sao về ông bà, cha mẹ đáng kính của chúng. Mấy nhân vật đó không có thật trong đời sống, đem lên sân khấu làm gì, sao không đầu tư vô những nhân vật khác thực tế hơn. Thiếu gì. Chỉ tại nghệ sĩ thiếu vốn sống rồi tưởng tượng tùm lum.

- Nguyễn Ngọc Thảo (19 tuổi, đang luyện thi đại học, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Em thích tấu hài lắm, ít tiền thì đi coi ở CLB tại Nhà hát Bến Thành, hoặc Sân khấu Thế Giới Trẻ đường Cống Quỳnh cũng có diễn nhiều tiểu phẩm dễ thương. Cười vui nhẹ đầu, về học tốt hơn. Em chẳng cần ngôi sao, miễn diễn hay là được. Ngôi sao mà diễn hoài cũng cạn vốn chứ. Còn nghệ sĩ trẻ có cái mới của họ, khán giả nên ủng hộ.

Anh Vũ
(thực hiện)

Hài trong mắt nghệ sĩ

- Nhà thơ Lê Minh Quốc: Cười là một đặc tính của con người. Muốn người ta khóc không khó, nhưng để tạo ra tiếng cười là điều không dễ dàng. Cười là biểu hiện của sự tự do. Từ xưa đến nay, tiếng cười trong văn học dân gian đã biểu thị ở nhiều góc độ, nhiều sắc thái, nhiều phong cách rất phong phú và đa dạng. Trong khi đó, các nhà văn trong dòng văn học hiện đại đã không theo kịp. Học tập truyền thống Folklore Việt Nam để nâng cao và tạo ra tiếng cười trong tác phẩm văn học vẫn còn hiếm. Ta từng có kiệt tác hoạt kê Số đỏ của Vũ Trọng Phụng "làm vinh dự cho mọi nền văn học", nay vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua nổi. Nhìn lại giai đoạn văn học "thời tiền chiến" ta thấy dường như các nhà văn biết cười và cười nhiều hơn, sau này, tiếng cười trong tác phẩm văn học ngày càng ít. Nếu có thì cũng không "đứng" được. Tại sao? Vì nhà văn chưa cười đúng vào bản chất của sự việc, mà chỉ mới loanh quanh "râu ria" bên ngoài, cho dù hiện thực xã hội ngày nay đang có nhiều, rất nhiều hiện tượng đáng để cười. Tôi tin, dòng chảy văn học dân gian vẫn đang tiếp tục phát huy sức mạnh của nó. Trong thời đại @ này, dưỡng chất "u-mua" rất cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn, nếu chúng ta không muốn biến thành người máy.

- Dịch giả Cao Việt Dũng: Tôi vừa ở Pháp về có được xem vở Kiều Loan của Hoàng Cầm do Nhà hát Tuổi Trẻ diễn. Tôi rất thích vai diễn "đầy chất hài" của Đức Khuê trong vai quan Thị Lang rất thâm thúy. Tôi nghĩ tiếng cười bao giờ cũng cần thiết. Cho dù đó là "sưu tập" cười cổ nhất trong dân gian VN của nhà văn Phạm Duy Tốn, hay cười hiện đại trong Sống để kể lại - hồi  ký mới nhất của nhà văn tầm thế giới Market. Cuộc sống càng hiện đại chất giễu nhại, u-mua càng cần thiết để giải tỏa những tâm thế trạng thái tình cảm. Khi dịch thuật, tôi nhận ra một điều: cái hài thường đi vào những "tiểu tiết" nhỏ của đời sống chứ không hẳn phải là "vấn đề", "phạm trù" to tát. Chính vào những tình huống khó xử nhất, tiếng cười vẫn là cách giải quyết đẹp và hợp lý nhất.

- Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Nhiều ca khúc về sau này tôi có tìm tòi thử nghiệm về chất Hài, cái Bi, Tục, Thanh... trong hát ả đào, ca trù dân gian. Ví dụ, tôi thích Thị Mầu hơn Thị Kính. Thị Mầu có nhiều điều muốn nói hơn Thị Kính chứ. Bởi nó là màu sắc, là truân chuyên, là đam mê, khát vọng một cái gì đó vượt qua cái nhàm chán, bình thường. Vì nó là "Thị Mầu" mà. Còn Thị Kính thì rõ rồi. Đúng thì có thể nhưng trong dân gian có câu "kính nhi viễn chi" - đứng xa mà nhìn lại. Đấy, cái Chất Hài của ông bà ta thâm thúy và sâu xa như thế. Người nghệ sĩ sáng tạo không "màu" mà chỉ có "kính" thôi thì khó có những sáng tác mới, độc đáo.

Đông Dương
(thực hiện)

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.