Tấm vải dính máu, vớ của Hoàng đế Napoléon được bán đấu giá

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
06/05/2021 16:41 GMT+7

Các nhà sưu tập tư nhân có cơ hội sở hữu những kỷ vật của Hoàng đế Pháp Napoléon trong đó có tấm vải dính máu được đặt trên cơ thể của ông trong quá trình khám nghiệm tử thi.

Cuộc đấu giá diễn ra nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Hoàng đế Napoléon. Ông qua đời ngày 5.5.1821, ở tuổi 52, trên hòn đảo Saint Helena phía Nam Đại Tây Dương, nơi ông bị người Anh trục xuất sau thất bại năm 1815 trong trận Waterloo.
Tổng cộng có khoảng 360 kỷ vật sẽ được nhà đấu giá Osenat đưa ra bán từ ngày 5.5. Nhiều kỷ vật nổi bật khác cũng bán đấu giá lần này bao gồm một lọn tóc của Napoléon, một đôi tất lụa của ông, một chiếc áo sơ mi dài tay thêu chữ “N” bằng chỉ khâu màu đỏ...

Tấm vải dính máu của Hoàng đế Napoleon ra sàn đấu giá

Tấm vải dính máu ước tính giá khởi điểm là 18.000 USD đi kèm với một ghi chú do Công tước Bassano viết vào năm 1875. Cha của Công tước Bassano được Hầu tước Montholon - một vị tướng quân đội, người đã theo Napoléon sống lưu vong trên đảo Saint Helena và ở đó cho đến khi hoàng đế Pháp qua đời đưa lại tấm vải này. “Trong vết máu này, bạn có DNA của Hoàng đế Napoléon”, nhà đấu giá Jean-Pierre Osenat nói với Reuters.

Tấm vải dính máu Napoléon sẽ được bán với giá khởi điểm ước tính 18.000 USD

ẢNH:OSENAT

Nhiều món đồ khác được mang về từ Longwood House, nơi ở cuối cùng của Napoléon. Đó là ngôi nhà có mùi ẩm mốc trên hòn đảo Saint Helena lộng gió nhưng nhiều chuột. Bộ sưu tập gồm một chiếc đĩa được trang trí công phu mà Napoléon dùng để ăn tối, một chiếc cốc pha lê, cũng như nhiều quần áo.

Chiếc xe trượt tuyết của Hoàng hậu Josephine – vợ Hoàng đế Napoléon cũng được bán đấu giá

ẢNH: REUTERS

Jean-Pierre Osenat cho biết: “Napoléon sở hữu một số lượng đáng kể những chiếc áo sơ mi. Ông ấy bị ám ảnh bởi sự sạch sẽ đến tột độ. Ông tắm ba đến bốn lần mỗi ngày, dùng từ 20 đến 30 lít nước thơm mỗi tháng và luôn thay áo sơ mi của mình”.
Đặc biệt những chiếc mũ nhọn hai đầu “bicorne” nổi tiếng của Napoléon khó thể xóa nhòa trong trí tưởng tượng của công chúng. Vào đầu thế kỷ 19, những chiếc mũ như vậy được đội với góc hướng ra trước hay sau, nhưng Napoléon đã thay đổi góc đội để khiến mình được chú ý hơn, Jean-Christophe Chataignier, Giám đốc bộ phận Empire của nhà đấu giá Osenat tiết lộ.
Năm 2014, bộ sưu tập hơn 1.000 đồ vật từng thuộc về Hoàng đế Napoléon đã được bán đấu giá ở thủ đô Paris, Pháp.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.