Tam Giang giai thoại - Kỳ 3: Người giữ rú Chá và chuyện tình cô lái đò

25/10/2015 05:44 GMT+7

Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại ở vùng phá Tam Giang, nơi này được ví như một tấm bình phong bảo vệ cộng đồng trước thiên tai.

Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại ở vùng phá Tam Giang, nơi này được ví như một tấm bình phong bảo vệ cộng đồng trước thiên tai.

Ông Nguyễn Ngọc Đáp, người canh giữ rú 30 năm nay - Ảnh: Tuyết KhoaÔng Nguyễn Ngọc Đáp, người canh giữ rú 30 năm nay - Ảnh: Tuyết Khoa
Người giữ rú không lương
Cách trung tâm TP.Huế chừng 15 km, theo đường QL49 rẽ trái qua cầu Thảo Long, chúng tôi tìm về với rú Chá (làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Rú là rừng, chá là cây chá. Rú Chá là tên do người dân làng Thuận Hòa gọi từ thuở mới khai phá cho đến ngày nay. Với người dân, rú Chá không chỉ là bức bình phong bằng cây chá bảo vệ cộng đồng trước thiên tai mà còn là nơi linh thiêng của làng. Trên rú có ngôi miếu cổ thờ bà Đức Thánh Mẫu. Tương truyền, ngày xưa, trong một trận lụt lớn, bài vị của Đức Thánh Mẫu ở điện Hòn Chén trôi về nằm ở đây. Dân làng thấy thế, bèn lập miếu thờ. Từ đó đến nay, dân làng vẫn tổ chức đám giỗ Đức Thánh Mẫu tại miếu vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Đáp, ngôi nhà duy nhất trên rú Chá. Ngôi nhà nằm bên rừng chá. Lối vào nhà nhỏ chỉ đủ một người đi. Cảnh vật đẹp tựa tranh vẽ. Ông Đáp năm nay 71 tuổi. Ông sống cùng vợ. 10 đứa con của ông hiện đang sống trong làng. Mọi người gọi ông là người quản rú hay người giữ rú, một người giữ rú không lương. Gắn bó với rú Chá gần như suốt cuộc đời và đã sống trên rú 30 năm, ông Đáp cho biết sẽ sống đến hết cuộc đời ở nơi đây. Theo người dân, ngày trước có một số người đi làm nghề ghé vào rú Chá chặt cây. Nhưng từ ngày có ông Đáp sống ở đây, không ai dám vì ông luôn túc trực, canh giữ rú. Con đường vào rú ngày xưa ngập nước phải lội nhưng dân làng đã tự đắp đường cao hơn bằng đất. Con đường ấy, hằng ngày ông Đáp vẫn đi quanh rú bằng chiếc xe đạp cũ. Mọi ngõ ngách trong rú không chỗ nào ông Đáp không biết.
Theo ông Đáp, ngày xưa, phía sau miếu thờ Đức Thánh Mẫu là đình làng Thuận Hòa. Ở đây có một căn hầm bí mật của chiến sĩ cách mạng. Người dân trong làng thường mang thức ăn, nước uống ra rú nuôi cán bộ. Về sau, giặc phát hiện nên đã ra sức tìm cách tiêu diệt. Không ít cây chá bị bom đạn quật ngã. Giặc buộc dân làng dời đình vào làng. Vì thế, bây giờ đình làng chỉ còn phế tích. Tuy nhiên, dân làng vẫn còn giữ lại miếu thờ Đức Thánh Mẫu. Ngôi miếu được nhiều lần tu sửa nên khá khang trang.
Cô lái đò trên bến Ca Cút
Dẫn chúng tôi ra bến đò Ca Cút xưa, ông Võ Văn Ứng, Trưởng làng Vân Quật Đông (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà), cho biết Ca Cút là bến đò nối hai làng Vĩnh Trị (xã Hải Dương) và làng Vân Quật Đông (xã Hương Phong). Bến đã có hàng trăm năm nay và chỉ chấm dứt hoạt động vào năm 2010 khi có cây cầu Tam Giang bắc ngang, nối hai bờ. Tuy cầu có tên là Tam Giang, nhưng hầu hết người dân nơi đây đều gọi là cầu Ca Cút, bởi cái tên này đã gắn liền với người dân vùng này hàng trăm năm nay.
Theo ông Ứng, Ca Cút có nghĩa là xa vắng, ca kêu gà gáy, để chỉ sự mênh mông, buồn thảm nơi đây. Ngày xưa, dân cư ít, phá rộng, xung quanh chỉ có sóng nước mênh mông, không thấy người. Mỗi khi gọi đò rất khó, chính vì thế nên người xứ Huế mới có câu thành ngữ “Kêu như kêu đò Ca Cút”.
Gắn liền với bến đò Ca Cút là câu chuyện về cô lái đò mang màu sắc hư ảo, ly kỳ, huyễn hoặc nhưng lại phản ánh phần nào cuộc sống bấp bênh trước sóng nước Tam Giang. Ngày xưa, ở bến này có cô gái đò tuổi độ đôi mươi hằng ngày lái đò đưa khách sang phá. Một hôm, một chàng trai xứ Thanh vào vùng này tìm cha mẹ. Cha mẹ chàng bỏ xứ vào phá Tam Giang làm nghề đánh cá kiếm sống. Qua nhiều ngày, chàng vẫn không tìm được cha mẹ mình. Nỗi lòng chàng trai được cô lái đò thấu hiểu và sẻ chia. Hai người đem lòng thương nhau. Sau đó, chàng không trở về quê mà ở lại se duyên kết vợ chồng với cô lái đò. Ngày ngày, cô vẫn lái đò, chàng trai thì đánh bắt cá trên phá. Cứ thế, thời gian trôi qua cùng hạnh phúc lứa đôi.
Vào một hôm mưa gió bão bùng, khi cô gái đã neo đậu đò và trở về nhà thì người chồng vẫn chưa về. Nhìn ra phá, màn đêm bao trùm với những cơn gió rít gào. Cô lái đò tựa cửa đợi đến sáng nhưng chồng vẫn không về. Người trong làng nói rằng người chồng đã bị sóng dữ đánh chìm nhưng cô lái đò không tin, ngày ngày vẫn lái đò và đợi chồng trong héo hon.
Cũng trong một đêm mưa to gió lớn, cô lái đò vẫn tựa cửa chờ chồng. Xa xa, cô thấy chàng đang bủa lưới kéo cá, liền vội vàng đi về phía phá. Cô đi mãi, đến khi mất hút trong màn đêm. Từ đó, người dân không thấy cô lái đò đâu nữa. Ban đêm chỉ nghe tiếng kêu của một loài chim lạ và dân làng đặt tên là Ca Cút. Người ta nói, chim lạ ấy chính là cô lái đò năm xưa bay khắp phá tìm chồng.
Ông Lê Cặp, trưởng làng Vĩnh Trị, kể: “Bến Ca Cút không chỉ là bến đò của làng tui mà người dân vùng này cũng tập trung đi ở đây. Mỗi lần đi lên dinh (lên TP.Huế - PV) phải qua đò đi sớm. Đến chiều lo về sớm kẻo trễ đò. Thời chiến tranh, bến đò này cũng là nơi chở các chiến sĩ cách mạng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.