Tam Giang giai thoại - Kỳ 2: Cặp rái cá giúp vua thắng trận

24/10/2015 07:11 GMT+7

Cửa biển Tư Hiền (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) là nơi thông hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với Biển Đông, không chỉ là một thắng cảnh nổi tiếng của đất thần kinh mà còn gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử.

Cửa biển Tư Hiền (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) là nơi thông hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với Biển Đông, không chỉ là một thắng cảnh nổi tiếng của đất thần kinh mà còn gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nhìn từ cầu Tư Hiền - Ảnh: Tuyết KhoaHệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nhìn từ cầu Tư Hiền - Ảnh: Tuyết Khoa
Nơi bái vọng tổ tiên
Mỗi lần có dịp qua cầu Tư Hiền, bắc qua đầm Cầu Hai nối hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình (H.Phú Lộc), cảnh vật nơi đây khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Một bên là cửa biển hướng ra Biển Đông rộng lớn, một bên là đầm Cầu Hai mênh mông bên chân núi, non nước thật hữu tình. Câu chuyện về châu Ô, châu Lý và công chúa Huyền Trân lại gợi lên trong tôi về những giai đoạn lịch sử quan trọng của vùng đất Thuận Hóa.
Cửa Tư Hiền xưa nằm dịch về phía nam khoảng 5 km, thuộc thôn Hải Bình (xã Lộc Binh, H.Phú Lộc). Người dân vẫn quen gọi cửa mới là cửa Tư Hiền, cửa cũ là cửa Tư Dung. Đầu năm 1811, do có lụt lớn, cửa biển Tư Dung bị lấp cạn dần, đồng thời hình thành một cửa biển mới ở vị trí của cửa biển Tư Hiền hiện nay. Đến năm 1823, cửa Tư Dung bị lấp cạn và hẹp đến mức thuyền lớn không đi qua được, người dân sống hai bên cửa có thể lội qua. Năm 1844 có lụt lớn, cửa bị lở rồi lại bồi...
Không chỉ thay đổi vị trí, cái tên của cửa biển này cũng biến đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, cửa biển Tư Hiền có tên vào đời Lý là cửa biển Ô Long, đời Trần gọi là Tư Dung, Ngụy Mạc đổi là Tư Khách, đời Lê lại gọi là Tư Dung. Lại có tên nữa là cửa Ông và tên nữa là cửa Biện. Bản triều năm Thiệu Trị thứ 1 đổi tên hiện nay. Trong đó cái tên Tư Dung được gắn liền với câu chuyện cảm động về Huyền Trân công chúa. Vì thế, dân gian vẫn thường gọi cửa biển này với cái tên đầy ẩn ý Tư Dung (Tư là nghĩ đến, tưởng nhớ đến. Dung là nét mặt, dung nhan, ý chỉ nàng công chúa nhà Trần xinh đẹp).
Theo ông Phạm Yên (82 tuổi, trú tại thôn An Bình, xã Lộc Bình), chuyện xưa kể rằng, năm 1306, vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm là Chế Mân. Khi xuất giá sang nước Chăm, công chúa Huyền Trân đã ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Người đời sau dùng hai chữ Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này nhằm tưởng nhớ công ơn nàng công chúa đã vì lợi ích của đất nước mà hy sinh hạnh phúc riêng tư. Từ đó, cái tên Tư Dung được nhiều người gọi.
Biết ơn cặp rái cá phù trợ vua
Thêm một câu chuyện gắn liền với cửa biển Tư Hiền và hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là chuyện về Lang lại nhị đại tướng quân. Giai thoại xưa kể rằng, khi Nguyễn Ánh tấn công vào phòng tuyến Linh Thái - Tư Dung của triều Tây Sơn do Nguyễn Văn Trị trấn giữ, trong một đêm mưa gió, Nguyễn Ánh lợi dụng cơ hội thời tiết để đánh vào phòng tuyến. Tuy nhiên, do đêm tối nên không xác định được vị trí của cửa biển. Từ biển nhìn vào đất liền chỉ thấy hai đốm sáng. Nguyễn Ánh bèn cho thuyền nhỏ vào thám thính thì phát hiện đó là mắt hai con rái cá hai bên cửa biển. Nguyễn Ánh cho rằng đó là điềm lành, bèn cho quân tiến vào. Một mặt đánh trực diện vào vị trí hai con rái cá, một mặt cho quân đánh từ đầm Hà Trung xuống nhằm tạo thế gọng kìm. Đợt tấn công này, quân Nguyễn Ánh thắng lớn. Sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh luận công ban thưởng nên đã phong tặng cặp rái cá là “Lang lại nhị đại tướng quân” để tỏ lòng biết ơn đã phù trợ.
Đối chiếu lịch sử, trận đánh này được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí như sau: “Hồi đầu trung hưng của bản triều năm Tân Dậu, đại binh tiến đến cửa biển Tư Hiền, phò mã Tây Sơn là Nguyễn Văn Trị giữ núi này (núi Linh Thái - PV) để chống cự, quân ta không tiến được. Lê Văn Duyệt nhân ban đêm đốc thúc quân sĩ đội thuyền vượt bờ biển tiến thẳng vào phá Hà Trung đánh tan được quân Tây Sơn”.
Miếu Lang lại nhị đại tướng quân giờ đây vẫn còn là một ẩn số. Theo ông Ngô Hoàng Long, cán bộ tuyên giáo UBND xã Vinh Hiền, miếu Lang lại nhị đại tướng quân hiện nằm ở xã Lộc Bình, xã mới thành lập, vốn trước đây thuộc xã Vinh Hiền. Đây chính là ngôi miếu thờ hai con rái cá. Ngôi miếu này nằm bên cạnh đầm phá. Miếu được người dân trong vùng gọi là miếu Hung Thần (hay miếu Công Thần) và người dân e sợ, không ai dám đến gần do không chỉ linh thiêng mà đến đó có thể gặp tai họa vì phạm thượng. Bà Nguyễn Thị Ba (83 tuổi, trú tại thôn An Bình, xã Lộc Bình) có nhà cách miếu không xa nói: “Miếu Hung Thần là miếu hoang, không ai dám tới. Đi ngang phải cúi đầu, yên lặng. Vào buổi trưa không nên đi ngang. Miếu này là một ngôi miếu thiêng, hung dữ. Nghe nói miếu này có từ lúc xưa, giờ cây cối phủ lên um tùm càng ít ai lui tới”.
Ngoài ra còn rất nhiều câu chuyện mang màu sắc ly kỳ liên quan đến cửa biển Tư Hiền. Chuyện lở, bồi, dịch chuyển cửa biển Tư Dung hay Tư Hiền diễn ra rất nhiều lần trong lịch sử. Thật đáng tiếc hiện nay, cửa Tư Dung được ca tụng ngày xưa đã cạn khô và dần đóng cửa. Tuy nhiên, những giai thoại về cửa biển Tư Dung xưa vẫn trường tồn trong lịch sử và truyền miệng trong dân gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.