Tấm Cám đi trẩy hội ở Osaka

23/02/2017 09:57 GMT+7

Tấm Cám: Chuyện chưa kể là bộ phim Việt duy nhất tham dự Liên hoan phim Osaka châu Á 2017 tại Nhật Bản vào ngày 3 - 12.3 tới đây. Lần này 'Tấm' tới Osaka là đi trẩy hội đúng nghĩa, phần còn lại là quan sát các anh tài điện ảnh ở châu Á thi tài.

Liên hoan phim (LHP) Osaka châu Á 2017, dẫu chỉ là một LHP của TP.Osaka (Nhật Bản), nhưng cho thấy diện mạo điện ảnh của châu Á, phát triển cực kỳ năng động.
Hồng Kông, Philippines “phủ sóng” Osaka
LHP Osaka châu Á 2017 thu hút anh tài đến từ những nền điện ảnh sừng sỏ ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông…; những nền điện ảnh đang lên ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia… Có thể thấy năm nay hai nền điện ảnh Hồng Kông và Philippines gần như phủ sóng LHP này.
Ở hạng mục quan trọng nhất là Phim dự thi có 16 phim tất cả, riêng Hồng Kông đã chiếm 4 phim, Philippines chiếm 3 phim. Số còn lại chia đều cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan…
Tấm Cám đi trảy hội ở Osaka 1
Mrs K, bộ phim hợp tác của Malaysia và Hồng Kông được chọn chiếu khai mạc LHP Osaka châu Á
Osaka năm nay còn dành riêng Tiêu điểm phim cho điện ảnh Hồng Kông giới thiệu 6 bộ phim mới nhất.
Philippines ngoài hạng mục Phim dự thi còn có 5 phim được chọn vào hạng mục dành riêng cho phim Đông Nam Á và 1 phim cho hạng mục “Châu Á qua lăng kính của người lao động”.
Không khó hiểu khi phim Philippines giăng khắp các “mặt trận” tại LHP Osaka châu Á. Dù kinh tế, xã hội Philippines bất ổn, nhưng điện ảnh nước này lại có những bước tiến rất mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là điện ảnh độc lập.
Những bộ phim gai góc, phản ánh đời sống của những con người ở tầng lớp đáy xã hội Philippines chân thực như phim tài liệu nhưng vẫn được đánh giá cao về sự sáng tạo, tìm tòi trong ngôn ngữ điện ảnh.
Philippines đã từng giành giải thưởng lớn tại LHP Osaka châu Á và là thượng khách tại LHP quốc tế Hà Nội của VN. Ngay từ mùa đầu tiên của LHP quốc tế Hà Nội, đạo diễn Philippines đã giành giải thưởng quan trọng nhất: Phim xuất sắc. Mùa 2014, ban tổ chức đã dành hẳn một chương trình Tiêu điểm dành cho phim độc lập của Philippines. Mùa 2016, phim của Philippines để rơi giải Phim xuất sắc vào tay Canada nhưng đã ra về với khá nhiều giải phụ.
Hàn Quốc, từng là tiêu điểm điện ảnh của Osaka mùa đầu tiên (2005), năm nay không có nhiều phim gửi tới dự thi bằng Hồng Kông và Philippines, nhưng đây vẫn là một nền điện ảnh có tầm ảnh hưởng rộng lớn tại châu Á.
Đơn cử bộ phim Thái Lan Suddenly Twenty (Bỗng nhiên 20) tham dự LHP Osaka năm nay, thực ra là phim làm lại từ kịch bản Miss Granny của Hàn Quốc. Không chỉ có Thái Lan mua kịch bản này, mà còn một danh sách dài các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ. VN cũng mua lại, làm thành Em là bà nội của anh, mà sau đó bộ phim đã trở thành hiện tượng doanh thu năm 2016.
Trong khi bộ phim thương mại của Thái Lan là One night (đã chiếu ở VN với tựa đề 24h yêu ) được chọn vào hạng mục Phim dự thi của Osaka thì Tấm Cám: Chuyện chưa kể của VN chỉ được chọn vào hạng mục dành cho phim Đông Nam Á, không phải hạng mục dự thi.
Tấm Cám đi trảy hội ở Osaka 3
Tisay, phim Philippines được chọn vào hạng mục Phim dự thi
Không chỉ Tấm Cám: Chuyện chưa kể mà còn nhiều phim thương mại khác của VN đã được gửi đi dự các LHP tại châu Á, đi là để cho vui thôi, chứ biết chắc không có “cửa” tại các LHP quốc tế. Phim thương mại VN đi được tới các LHP phần lớn là nhờ mối quan hệ của các nhà sản xuất, nhà phát hành với các LHP, cực hiếm phim đi được bằng thực lực của mình.
Hiện nay, ở VN chỉ có phim độc lập mới đủ khả năng tới các LHP quốc tế. Nhiều phim đã tới được các LHP danh giá nhất thế giới như Cannes, Berlin. Năm 2015, Cha và con và... của Phan Đăng Di đã được chọn vào tranh giải chính thức tại LHP Berlin, năm 2016 có phim ngắn Một thành phố khác được chọn tranh giải tại LHP Berlin. Đó là những thành tích thực sự ấn tượng và rất đáng ghi nhận.
LHP Osaka châu Á được thành lập chính thức từ năm 2006, hướng tới điện ảnh khu vực của châu Á.
Năm nay hạng mục Phim dự thi chọn 16 phim đến từ các nước và vùng lãnh thổ: Đài Loan, Hồng Kông, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Macau.
Ngoài ra, LHP còn có các chương trình phim như: Chương trình chiếu đặc biệt (6 phim); Châu Á qua lăng kính của người lao động (6 phim); Tiêu điểm điện ảnh Hồng Kông
(6 phim Hồng Kông mới); Quảng bá phim Thái Lan nhân 130 năm quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan - Nhật Bản (5 phim); Diễn đàn độc lập giới thiệu 12 phim độc lập của Nhật Bản.
Điện ảnh Việt đi cũng dở, ở cũng lo
Điện ảnh Việt không chỉ lép vế ở nước ngoài mà còn đang bị điện ảnh ngoại quốc ép ngay trên chính sân nhà.
Trong số các nước châu Á gửi phim về dự thi LHP Osaka châu Á, Thái Lan cho thấy họ mạnh về phim thương mại. Phần lớn các bộ phim Thái Lan dự thi năm nay là phim giải trí đề tài tình yêu, dành cho giới trẻ. Phim thương mại của Thái Lan đã đổ bộ rạp Việt mấy năm nay và rất ăn khách. Còn mảng phim nghệ thuật của Thái cũng rất đáng gờm. Người Thái đã có đạo diễn Rithy Panh được đề cử Oscar, có Apichatpong Weerasethakul giành giải tại Cannes.
Còn Hàn Quốc gần như đã thống lĩnh thị trường rạp chiếu tại VN, chiếm khoảng một nửa số cụm rạp. Ngoài ra người Hàn đã bắt tay vào sản xuất phim tại VN. Không khó hiểu khi Em là bà nội của anh có doanh thu cao vì ngoài việc tổ chức sản xuất tốt, người Hàn còn có thể chủ động về rạp cho phim mình sản xuất. Đây là nỗi lo lớn của các nhà sản xuất trong nước.
Và phim giải trí của Hàn Quốc ngày càng tiến tới trình độ cao hơn, mảng phim nghệ thuật cũng ngày càng phát triển. Họ không thiếu phim để gửi tới các LHP và dần dần đã trở thành “khách quen” của các LHP danh giá trên thế giới.
Philippines là trường hợp khá đặc biệt. Một đất nước kinh tế, chính trị không ổn định nhưng điện ảnh lại rất phát triển. Những đề tài mà các đạo diễn Philippines theo đuổi đều rất gai góc, tấn công trực diện vào những điểm yếu của xã hội Philippines đương đại, cho thấy “kiểm duyệt” có vẻ khá thông thoáng.
Hiện nay ở VN việc phát triển điện ảnh chủ yếu vì lý do thương mại. Khu vực phim độc lập đề cao sự sáng tạo cá nhân, quan tâm đến những vấn đề đương đại thì gần như đứng ở bên lề, không được quan tâm đầu tư.
“Cô Tấm” của VN được đi “trẩy hội” ở nước ngoài chắc hẳn sẽ học được rất nhiều điều nhưng khi về nước, “cô” sẽ vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nếu trở thành một công nhân gia công phim cho nước ngoài, “cô” sẽ được hỗ trợ, nhưng không được là chính mình. Còn khi “cô” muốn được là chính mình thì sẽ phải tự vượt qua rất nhiều khó khăn, ít nhất là hệ thống rạp nước ngoài ở VN như “cô” đã từng đối mặt một lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.