Tấm

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
28/10/2018 09:05 GMT+7

Chủ nhật. Lang thang tạt vào quán cơm tấm sườn bì nhiều lần ăn. Quán nhỏ mở đã gần 50 năm, nằm cạnh con hẻm cũng nhỏ. Ai dè lại đông khách hơn ngày thường. Hỏi người bán tủ thuốc lá bên cạnh, được trả lời: chủ nhật đông khách là vì họ đến đây để thưởng thức món cơm tấm truyền thống, chứ không phải như ngày thường đi làm việc, tạt vào ăn cho qua bữa.

Cơm tấm Sài Gòn là một món đặc trưng của người miền Nam, nay có nhiều thương hiệu nổi tiếng như T.K, C.L, K.G... nhưng gần 10 năm ăn ở ngôi quán nhỏ này, thấy khung cảnh vẫn vậy. Vỏn vẹn trong nhà ngoài hẻm chỉ có 5 bộ bàn ghế. Ai đến sau thì kiên nhẫn chờ chút để người khác rời đi lấy chỗ. Chật chội, nhưng cứ thế nhẩn nha qua ngày, an nhiên tự tại chẳng cạnh tranh gì với ai. Cũng chỉ để nuôi sống gia đình qua bao thế hệ. Vậy thôi!
Ngày trước ở quê chẳng ai mấy khi nấu cơm tấm. Có phải là do không biết cách nấu loại gạo tấm này chăng! Thực ra, cơm tấm không hề dễ nấu như cơm gạo thường. Vì rất khó cân lượng nước, cân ngọn lửa. Nó vốn “nhạy cảm”, dễ nhão khi hơi quá nước, dễ khê khi quá lửa. Theo nhiều người kinh nghiệm, nấu gạo tấm phải ngâm trước cho tấm nở ra một chút, sau khi ngâm để ráo khoảng 15 đến 30 phút rồi mới nấu kiểu như hấp, chín bằng hơi là ngon nhất. Có chút nhiêu khê, nhưng với người ghiền cơm tấm thì cũng chẳng lấy đó làm phiền vì cái sự đỏng đảnh ấy của tấm.
Với nhà nông hồi xưa, gạo tấm có được là qua nhiều công đoạn chắt chiu, nhưng khi lựa được tấm rồi, cũng chỉ để nuôi gà con mà thôi. Này đây, lúa gặt về phơi khô, xay giã xong thì phải giần, sàng. Ở dưới lót nia, người phụ nữ cầm sàng xoay đều, để gạo lọt xuống. Lùa bàn tay mềm mại hớt phần lúa còn chưa chịu nhả vỏ, bỏ vào thúng. Cứ thế xoay sàng, cho đến lúc tách được phần gạo và tấm, cám ra ở dưới nia. Sau đó mới đến công đoạn giần. Cũng bỏ cả 3 thứ gạo, tấm, cám vào giần, rồi xoay. Lúc tấm và cám lọt xuống, hớt lấy phần gạo trắng. Lại giần tiếp để tách được tấm và cám ra riêng. Cám thì nuôi lợn, tấm nuôi gà. Cứ thế, những vòng xoay giần sàng mải miết qua tay người phụ nữ hay lam hay làm. Đến bây giờ vẫn nhớ đôi bàn tay dẻo dang của các mẹ, các chị khi chắt lọc ra được những thứ dưới nia, trên sàng. Mà vốn trong dân gian khi nói đến cái gì hiếm có, lại dùng thành ngữ “hạt gạo trên sàng” để ám chỉ…
Tấm lấy được là thứ vỡ ra từ phần trên của hạt gạo, bỏ vào hũ để dành cho mấy lứa gà đang ấp sắp nở. Gà con khi lọt vỏ trứng kêu chiếp chiếp, lớp lông tơ dần khô đi như cục bông, nhón tay nhặt lấy và gỡ chút mảnh sừng rất nhỏ đầu mỏ chúm chím, thường gọi là “khai mỏ”. Sau khi “khai mỏ”, mấy “cục bông” ấy mới bắt đầu mổ được tấm. Ăn no, lại rúc vào cánh của gà mẹ, che chở ấm áp để rồi cứ thế lớn lên.
Kể lại để nhớ những thửa ruộng ngày ấy cũng như bây giờ, có được hạt gạo hạt tấm để nuôi ta lớn lên không dễ dàng gì. Nên chi vẫn nghĩ, dù có bao con chữ viết ra cũng chẳng thể nào nói hết cái ân tình sâu nặng ấy!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.