Tác phẩm điện ảnh Việt trên thảm đỏ Berlin

04/02/2015 09:33 GMT+7

Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức) khai mạc vào ngày 5.2 và kéo dài đến 15.2, lần đầu tiên ghi dấu sự xuất hiện của một tác phẩm điện ảnh VN trong hạng mục tranh giải chính thức Gấu vàng (Phim xuất sắc nhất).

Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức) khai mạc vào ngày 5.2 và kéo dài đến 15.2, lần đầu tiên ghi dấu sự xuất hiện của một tác phẩm điện ảnh VN trong hạng mục tranh giải chính thức Gấu vàng (Phim xuất sắc nhất).

Tác phẩm điện ảnh Việt  trên thảm đỏ Berlin
Hình ảnh trong phim Cha và con và...
Năm 2010, Liên hoan phim (LHP) Cannes và thế giới đã bất ngờ với Bi, đừng sợ và cái tên Phan Đăng Di, nhà làm phim độc lập đến từ nền điện ảnh còn khiêm tốn. 5 năm sau, cái tên Phan Đăng Di cùng với phim Cha và con và... đã đứng bên cạnh nhiều tên tuổi lớn của thế giới, tranh giải Gấu vàng của LHP Berlin, một trong ba LHP lớn của thế giới.
Từ bài phóng sự của Báo Thanh Niên
Một nền điện ảnh chỉ thực sự thú vị khi có nhiều tiếng nói khác nhau cùng cất lên. Đó cũng là cách để nó được nhận diện ở một phạm vi rộng lớn hơn, với một mức độ mạnh mẽ hơn. Có như thế thì phim VN, hay tiếng Việt trong điện ảnh mới trở nên quan trọng và được chăm chú lắng nghe
Đạo diễn PHAN ĐĂNG DI
Kịch bản Cha và con và... được chấp bút ngay khi Bi, đừng sợ! vẫn còn đang khiến khán giả chưa hết ngỡ ngàng.
“Cách đây 19 - 20 năm, khi vừa bước vào trường điện ảnh, tôi đọc được bài phóng sự trên Báo Thanh Niên về nhóm thanh niên làm giả giấy tờ đi thắt ống dẫn tinh. Một câu chuyện quá đặc biệt và thú vị khiến tôi lúc đó nghĩ sẽ phải làm bộ phim này, dù chưa biết làm thế nào. Cha và con và... được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật ấy, tất nhiên phim còn lồng vào đó câu chuyện sống và yêu đương của một đám thanh niên trong thành phố đang phát triển hừng hực là Sài Gòn lúc đó”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Phan Đăng Di đeo đuổi việc thực hiện một trigoly (bộ ba tác phẩm) xoay quanh chủ đề cha và con, bắt đầu bằng Bi, đừng sợ!, sau đó là Cha và con và…., rồi khép lại bằng Tiệc trăng tròn (dự án vừa nhận được giải thưởng Busan Award nằm trong hoạt động Asian Project Market - Thị trường dự án phim châu Á tại LHP Busan - Hàn Quốc năm 2014). “Cha và con là chủ đề lớn của nghệ thuật. Hơn nữa, câu chuyện giữa cha và con còn là câu chuyện giữa các thế hệ. Rõ ràng, mối quan hệ giữa các thế hệ ở VN có cái gì đó rất đặc biệt. Nó không phải là sự tiếp nối một cách êm thấm như những nơi ít xung đột, không có chiến tranh, hay có sự thay đổi quá mạnh về mặt thể chế chính trị”, Phan Đăng Di lý giải.
LHP Berlin đã đặc cách lựa chọn Cha và con và... từ khi phim chỉ mới xong bản dựng cuối. “Tôi không phải là người bị căng thẳng khi làm bất cứ việc gì, cũng không quá chú ý đến chuyện mình thắng hay thua. Trong sáng tạo, cho dù anh là tên tuổi lớn hay tên tuổi mới thì rốt cuộc cái anh mang tới phải có gì đó thú vị để thưởng thức. Khi đã trình diện cùng nhau sẽ chẳng còn chuyện tôi nhỏ, anh lớn, ở đó mình bình đẳng để trình ra tác phẩm của mình”, Phan Đăng Di chia sẻ trước khi lên đường tới Berlin.
Nền điện ảnh phải được nhận diện bằng nhiều tiếng nói
Cha và con và... là phim dài thứ 2 của Phan Đăng Di, lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1990, xoay quanh câu chuyện 3 người trẻ tuổi. Họ ràng buộc nhau bằng tình yêu, những mù quáng, lạc lối của tuổi trẻ. Đồng hành cùng Phan Đăng Di qua phim này có diễn viên Đỗ Thị Hải Yến, Trương Thế Vinh, Lê Công Hoàng.
Để tới thảm đỏ của Berlin, Cha và con và... đã trải qua chặng đường khá chật vật về mặt tài chính. Dự án được giới thiệu lần đầu tiên tại Diễn đàn tài chính cho phim Á châu (Asian Financing Forum) thuộc LHP quốc tế Hồng Kông, tiếp đó là LHP Paris và cuối cùng là LHP Berlin.
Phim được quay với kinh phí vỏn vẹn 300.000 USD, nhưng phải mất đến 3 năm Phan Đăng Di mới tìm đủ tiền thực hiện. “5 năm - với tôi - là một hành trình tương đối dài. Nó cho thấy một khía cạnh là làm những phim dạng này rất khó. Cái khó là vừa phải làm phim vừa đi tìm tài chính. Ngay cả với những người như tôi đã làm phim đầu tay và tương đối được khẳng định rồi mà vẫn không dễ dàng gì, thế nên những gương mặt mới, đạo diễn mới sẽ cực kỳ khó khăn cho bước khởi đầu. Nếu không có sự hỗ trợ nào đó từ phía những người yêu điện ảnh, những mạnh thường quân, hay quan trọng hơn là từ nhà nước với việc lập ra một quỹ phát triển điện ảnh hoặc rộng hơn, một chiến lược đễ hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, thì họ sẽ khó tiếp cận với sân chơi đỉnh cao. Phim VN đã vào được khu vực quan trọng nhất rồi, nhưng cần đặt thêm câu hỏi: Sẽ tiếp tục có những gương mặt mới để giới thiệu ra thế giới hay không?”, Phan Đăng Di nhìn nhận.
“Phải tìm cách làm sao để thời gian tới đây phim VN xuất hiện thường xuyên hơn nữa ở những khu vực lớn. Sẽ rất chán nếu quanh đi quẩn lại chỉ có một vài gương mặt Việt ở những khu vực quan trọng. Một nền điện ảnh chỉ thực sự thú vị khi có nhiều tiếng nói khác nhau cùng cất lên. Đó cũng là cách để nó được nhận diện ở một phạm vi rộng lớn hơn, với một mức độ mạnh mẽ hơn. Có như thế thì phim VN, hay tiếng Việt trong điện ảnh mới trở nên quan trọng và được chăm chú lắng nghe”, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.