Tác giả tuyển tập 'Văn chương Sài Gòn': 'Nói miền Nam không có văn học là sai'

29/09/2019 15:17 GMT+7

Nhà văn Trần Nhật Vy, tác giả của bộ Văn chương Sài Gòn 1881-1924 vừa cho ra mắt tập 4 mang tên Du ký và những truyện khác . Tập sách tiếp tục chủ đề về văn xuôi, tiểu thuyết... thời văn chương quốc ngữ thuở ban đầu.

Theo tác giả, tập này và những truyện khác là một trong các bộ sách được chọc lọc từ những tác phẩm sáng tác, dịch thuật trước năm 1925. Bộ sách này gồm 5 tập, theo tác giả là một dòng chảy không thể cắt đứt của văn học Sài Gòn.
Những truyện trong bộ sách khảo cứu này được tác giả tự tin nhận định là “cuốn tiểu thuyết quốc ngữ thuộc hàng xưa nhất của nước ta được tập hợp lại thành sách” - được sưu tập, tìm kiếm và biên tập, chú thích chủ yếu từ hai tờ Nam kỳ địa phận Trung lập báo, ngoài ra còn có các tờ Gia Định báo, Nam Kỳ, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, đó có thể là truyện rất ngắn, truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài.
Trong quá trình biên soạn lại chuyên khảo này, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy cũng tham khảo một số từ điển như Đại Nam quắc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, hay Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế.
Chia sẻ về lý do viết cuốn sách thứ 4, nhà văn Trần Nhật Vy cho biết chữ quốc ngữ là thứ chữ rất trẻ so với các thứ chữ khác trên thế giới, đặc biệt văn học chữ quốc ngữ của nước ta càng trẻ hơn. Thế nhưng từ hơn một thế kỷ qua, chưa có nhà nghiên cứu nào, chưa có công trình nghiên cứu văn học nào đi được đến tận cùng để chỉ ra rằng “văn học chữ quốc ngữ bắt đầu vào thời gian nào, ai là tác giả đầu tiên” ở cả lĩnh vực sáng tác lẫn dịch thuật.

Bìa tác phẩm Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 tập 4: Du ký và những truyện khác của tác giả Trần Nhật Vy

Ảnh: NVCC

Nhà báo Trần Nhật Vy chia sẻ: “Từ nửa thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã nói rõ “văn học (chữ quốc ngữ) đi từ Nam ra Bắc” trong tác phẩm Khi những lưu dân trở lại in tại Sài Gòn năm 1969. Thế nhưng tiếng nói của ông lạc lõng trong dòng chảy văn học chữ quốc ngữ bắt đầu từ tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách in ở Hà Nội năm 1925 của hầu hết các nhà nghiên cứu là người Bắc. Thậm chí ông Lê Văn Siêu còn mạnh miệng “miền Nam không có văn học”. Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học. Tôi là nhà báo với nhiệm vụ cung cấp cho người đọc những gì “mới hơn” cái đã có. Tôi tình cờ phát hiện ra cái “gốc” của văn học chữ quốc ngữ với hằng hà sa số tác phẩm sáng tác lẫn dịch thuật. Văn chương Sài Gòn 1881-1924 là một phần trong số rất nhiều những gì mà tiền nhân, người miền Nam, người Sài Gòn đã viết, dịch ra “tròm trèm” nửa thế kỷ trước khi Tố Tâm ra đời. Do vậy tôi phải tiếp tục thực hiện để các bạn đọc ngày nay thấy và hiểu được ngọn nguồn của văn học chữ quốc ngữ, đồng thời biết được rằng “người Sài Gòn, người miền Nam cũng biết làm văn học” chứ không chỉ biết làm kinh tế và ăn chơi”. 

Bộ Văn chương Sài Gòn 1881-1924 (tập 1, 2 và 3) từng vinh dự đạt Giải thưởng Sách hay năm 2018

Ảnh: NVCC

Tác giả Trần Nhật Vy bộc bạch Văn chương Sài Gòn 1881-1924 không phải là bộ sách nghiên cứu văn học mà là bộ sách cung cấp cho những nhà nghiên cứu những tư liệu gốc, cho bạn đọc biết những tác phẩm ra đời từ hàng trăm năm trước như thế nào. Nhà nghiên cứu có thể dùng để tiến hành những nghiên cứu sâu hơn, còn bạn đọc bình thường thì hiểu được tiền nhân đã dày công như thế nào để viết ra những tác phẩm ấy.
"Ngày nay, chúng ta có nhiều điều kiện cao cấp, máy tính, phòng lạnh, quạt máy, đèn điện... mà viết một tác phẩm còn “trần ai” thì người xưa viết bằng ngòi viết sắt, vừa viết vừa quạt muỗi, đuổi ruồi... thì sự cực khổ còn biết mấy lần. Do vậy mà các tác phẩm của họ xứng đáng được cháu con biết đến một cách trân trọng. Với tôi, những gì đã in ra trong bộ sách này vẫn là quá ít so với kho tàng đồ sộ được tìm thấy. Tôi vẫn muốn in nhiều hơn song thực tế buộc bản thân phải hạn chế “ham muốn”. Tôi mong rằng, bạn đọc hôm nay ủng hộ bộ sách để công sức của tiền nhân không bị mai một như hơn một trăm năm đã qua”, ông nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.