Ta ước mẹ ta thành hương bay về

21/01/2012 00:46 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, tôi có dịp đến thăm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tại căn hộ của ông trong khu chung cư quận 4, TP.HCM. Nhà buổi sáng vắng vẻ, có mỗi mình ông ở nhà. So với bức ảnh đang tươi cười rất đẹp trai mà báo chí hay đăng, ông mập hơn và trông giống như một ông giáo trung học đôn hậu.

(TN Xuân Nhâm Thìn) Khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, tôi có dịp đến thăm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tại căn hộ của ông trong khu chung cư quận 4, TP.HCM. Nhà buổi sáng vắng vẻ, có mỗi mình ông ở nhà. So với bức ảnh đang tươi cười rất đẹp trai mà báo chí hay đăng, ông mập hơn và trông giống như một ông giáo trung học đôn hậu.

Sau khi xong việc phỏng vấn, tôi ngồi nán lại nói chuyện với ông. Ông nhắc đến ông anh Phạm Hổ với bài thơ Những ngày xưa thân ái có liên quan đến ca khúc rất nổi tiếng cùng tựa đề của ông sáng tác trước 1975. Ông trả lời tôi về ông anh lớn của ông, Phạm Văn Ký, nhà văn viết bằng tiếng Pháp nổi tiếng xa quê hương đã lâu.

Vui chuyện, ông đến bàn thờ và lấy cho tôi xem một cái ống ngoáy trầu bằng đồng cũ kỹ. Ông khoe: “Cái này là kỷ niệm của má tôi. Mấy năm trước ông Phạm Hổ vào thăm có xin tôi mang ra Hà Nội nhưng tôi nhất định không chịu. Đối với tôi nó quý lắm”.

Bây giờ nhạc sĩ đã mất, cái ống ngoáy trầu đó có lẽ các con của ông vẫn còn đang giữ gìn như một bảo vật.

Ai cũng có một người mẹ, nhưng không phải ai cũng nói hay viết về mẹ được như các nghệ sĩ. Bài Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ phổ từ một bài thơ, đã làm rung động bao người. Bài hát như kết tinh từ xúc cảm, sau những lần mẹ ông viếng thăm ông nơi lao tù trong những ngày tháng đấu tranh trước 1975.

Gần hai mươi năm sau cuộc gặp, ngồi trong bóng đêm và vỗ về đứa con nhỏ bằng ca khúc đó, tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi đang nằm ngoài phần mộ và ứa nước mắt. Ký ức như một cuốn phim quay chậm luôn làm người xem nhức nhối trong tim.

 
Tranh: Phạm Công Tâm

Tôi lên năm tuổi. Buổi sáng chủ nhật, tôi đòi má cho theo ra chợ. Má tôi có một sạp bán đồ tạp hóa ngoài chợ Ga, có kim chỉ, nút, xà bông, đồ nữ trang xi mạ. Đối diện là hàng thịt heo luôn oi nồng mùi thịt sống. Vậy mà tôi mê mẩn không khí ngoài chợ.

Má tôi không cho đi vì bà biết sẽ bị vướng bận không bán hàng cho khách được. Thế là tôi òa khóc, tay lấy ra khỏi đầu cái nón kết đã mang sẵn. Má tất bật đi rồi, tôi ngồi dựa vào ngạch cửa khóc và ngủ thiếp tại chỗ.

Giữa buổi sáng, má tạt về nhà lấy đồ. Bà thấy tôi ngủ ngồi trong hốc, tay còn cầm cái nón và trên bàn chân có một bãi phân gà do bầy gà con lang thang trong xóm phẹt lên. Má kêu tôi dậy, ôm thật chặt vào lòng và rửa mặt rửa chân cho tôi, dẫn tôi ra chợ.

Có vậy thôi mà tôi nhớ mãi. Tôi nhớ đến cái ôm chặt vào lòng của má và nhớ hình ảnh bãi phân gà con trắng hếu trên mu bàn chân nhỏ của mình.

Ký ức kỳ lạ thế đó và không thể giải thích được cái gì nó muốn lưu lại.

Má tôi thương con và gần gũi con hơn ba nhưng má gánh kinh tế gia đình cũng nặng với bảy đứa con tuổi ăn học. Bà buôn bán quanh năm không có ngày nghỉ. Tết đến, bà bán cho đến hết chiều ba mươi và mùng bốn đã ra chợ. Bốn ngày nghỉ trong năm, lũ con quý hơn vàng vì rất thương bà. Và bà cũng làm nhẹ áp lực khi các con sống với người cha nghiêm khắc.

Có một năm cả nhà tôi cạn kiệt. Việc làm ăn của ba má ngày càng khó khăn. Má tôi vì lo lắng nhiều đến ngả bệnh, phải nhập viện. Buổi trưa, em gái tôi lên mười tuổi vào thăm. Nó than nhà hết gạo, không biết nấu cơm làm sao vì việc nấu cơm buổi trưa do nó lo. Nghe vậy, bà gượng dậy đi thẳng ra chợ, mở cái sạp khóa kín với mớ hàng hóa nghèo nàn. Vậy mà cũng kiếm được món tiền còm mua gạo đổ vào lu. Bà bỏ luôn bệnh viện với mớ thuốc bằng xuyên tâm liên xanh rêu.

Má vốn thích nhà có một cái tủ thờ cho đàng hoàng, chứ không là cái mặt tủ buýp phê, để cúng ông bà, bày “đông bình tây quả” để ông bà về vui với con cháu ba ngày tết. Đến lúc xây lại căn nhà cũ, tôi đặt làm sẵn cái tủ thờ có chạm trổ, mua thêm bình bông, cái chò đựng ngũ quả và bộ lư, cặp chân đèn cùng cặp đèn nhỏ bóng đỏ. Nhà xong vừa tết đến, má xúng xính trong áo dài nâu đỏ và thắp nhang rước ông bà trong ngày ba mươi tết. Nhìn má vui, tôi tự trách mình không đủ nhạy để thực hiện điều đó sớm hơn.

Những năm đó tôi bỗng trở nên đa cảm kỳ lạ. Ra đường gặp một cụ già nhăn nheo đẩy cái xe bán bắp nướng hay ngồi vỉa hè bán mấy cái gương sen, tôi mủi lòng và nhớ đến má mình ở nhà. Má đã như chuối chín cây, còn tôi thắc thỏm nghĩ đến một ngày không mong đợi... Tôi se lòng nhớ đến cái ôm của má khi mình mới năm tuổi. Khi đó, má trẻ trung khỏe mạnh...

Đôi khi giữa đêm, tôi mơ màng trong một giấc ngủ mệt mỏi và thấy mình trở lại ngôi nhà mái tôn cũ có cây táo gai Thái Lan. Ở đó, những buổi chiều khi màn đêm bắt đầu buông, má tôi gọi tôi từ hàng xóm về nhà, bắt tắm rửa và xúc cho tôi tô cơm to với khứa cá kho, con tôm rim hay khúc lạp xưởng. Và đầy ắp trong đó là tình yêu thương của má... Những kỷ niệm đơn sơ ấy theo tôi khi về thăm nhà. Sau khi thắp nhang cho ba má trên bàn thờ, tôi ra đứng nơi cái sân nhỏ phía trước. Cây mai tứ quý cằn cỗi vì trồng trong cái chậu nhỏ so với tuổi ngũ tuần của nó. Dưới gốc mai ấy, tôi nhớ những ngày tết má tôi treo lên đó những chữ Phước nhỏ, vài tấm thiệp xuân. Mai ra hoa thưa thớt nhưng cây mai vẫn đẹp vì kiểu trang trí này của bà. Ngôi nhà đông vui ngày xưa nay đã quạnh vắng, anh em lập gia đình tản mát khắp nơi. Bất giác thấy bùi ngùi nhớ lại bài thơ của Thanh Châu:

Ta ước mẹ ta
Thành hương bay về
Vấn vương cành cũ
Ta ước em ta
Thành chim bay về
Đậu bên song cửa
Ta ước chị ta
Lại bên thềm cũ
Như xưa
May lại cho ta
Áo nhỏ
Chiếc áo ngày xưa
Áo đỏ
Hoa đào

Tôi  thấy mình, như bao người, đã không còn cách nào trở lại một quãng đời tươi đẹp xa xưa nữa. Ở đó có má hiền hậu của tôi. Dường như khi má mất rồi, cho dù đang bao nhiêu tuổi, chúng ta không còn lớn nữa, mà chỉ già đi, cho đến khi nào gặp lại người mẹ hiền của mình ở cõi u minh nào đó.

Phạm Công Luận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.