Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Phát động cuộc thi viết ‘Sống đẹp’

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
28/03/2021 08:00 GMT+7

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2021), Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi viết Sống đẹp với tổng giải thưởng 260 triệu đồng vào chiều 26.3 tại TP.HCM.

Lan tỏa những câu chuyện đẹp cùng cuộc thi viết Sống đẹp

Tham dự lễ phát động, ngoài các đại biểu, khách mời giao lưu còn có đại diện các nhà tài trợ: Phó tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á - Đoàn Vĩnh Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty One IBC - Lê Hùng Anh, nhà hảo tâm Lê Văn Lực cùng các thành viên ban giám khảo cuộc thi: nhà văn Trầm Hương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - cố vấn Trung tâm Báo chí TP.HCM, nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên và Hoa hậu H’Hen Niê - ủy viên T.Ư Hội LHTN VN.
Phát biểu tại lễ phát động, nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, chia sẻ: “Không phải đến hôm nay mà từ lâu rồi, trong suy nghĩ của chúng tôi luôn mong muốn tổ chức một cuộc thi tôn vinh những hành động đẹp, nghĩa cử nhân ái với bao câu chuyện tràn ngập cảm xúc là người thật, việc thật đang diễn ra từng ngày trong đời sống. May mắn, ý tưởng này lại trùng hợp với ưu tư, trăn trở lâu nay của ông Lê Văn Lực và bà Trương Thị Ngọc Trinh. Hai ông bà đã đề nghị với Báo Thanh Niên được cùng hỗ trợ với tư cách cá nhân, rồi có thêm sự đồng hành kịp thời của hai đơn vị lớn là One IBC và Tôn Đông Á - những tấm lòng luôn hướng về cộng đồng, để cùng chung tay tổ chức cuộc thi viết Sống đẹp đầy ý nghĩa nhân văn này”.
Cuộc thi viết Sống đẹp của Báo Thanh Niên là cơ hội để cho những câu chuyện đời, những cá nhân, tổ chức có hành động đẹp từ đời thường lam lũ, vất vả bởi cuộc mưu sinh... đi vào các trang viết, nhằm lan tỏa những điều tốt để cùng xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhà báo Nguyễn Quang Thông nhắc lại câu chuyện anh tài xế đang đi giao hàng Nguyễn Ngọc Mạnh đã ra tay nghĩa hiệp đỡ bé gái rơi từ tầng cao chung cư ở Hà Nội và đọc câu thơ đầy xúc cảm của nhà thơ Tố Hữu về sự hy sinh vô bờ bến khi viết về Bác Hồ kính yêu: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”; đồng thời nhấn mạnh: “Học theo tấm gương đạo đức của Người, tuổi trẻ phải luôn sống đẹp, sống có ích bằng nhiều việc làm thiết thực để cuộc sống ngày càng được tiếp thêm nhiều năng lượng tích cực”.
Buổi lễ phát động như được “thắp lửa” bởi những câu chuyện “vác tù và hàng tổng” của bà Lê Kim Chung (ở KP.6, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), từng được tuyên dương Những tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM. Dù 21 năm không nghỉ ngơi, bà vẫn tận tâm với công việc bảo vệ dân phố, luôn phải đối diện với đối tượng xấu đe dọa đến tính mạng, nhưng theo bà: “Nếu ai cũng lo cho bản thân thì xã hội này làm sao bình an đây. Mình không cương quyết với tệ nạn ở địa bàn mình thì cái ác sẽ lan qua nơi khác, làm sao giải quyết đây?”.
Còn cô gái trẻ Nguyễn Đỗ Trúc Phương, từng nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2020 của Hội LHTN VN, thì nhẹ nhàng chia sẻ những việc làm “không giống ai”, tự nguyện đứng ra vận động từ thiện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhiều tràng vỗ tay vang lên khi nghe Trúc Phương nói về việc mình làm bằng suy nghĩ giản đơn: “Việc của mình hôm nay chưa xong thì ngày mai còn làm tiếp được, chứ người nghèo nếu không được giúp đỡ kịp thời thì chưa chắc họ còn đến ngày mai...”.
Lắng nghe với những câu chuyện sống đẹp của các nhân vật tại buổi giao lưu, nhà hảo tâm Lê Văn Lực tâm sự: “Tôi hạnh phúc khi được cùng góp chút công sức nhỏ bé với Báo Thanh Niên để nhanh chóng tôn vinh các điển hình nhân ái giữa đời thường. Nhờ có họ mà cuộc đời này vô cùng có ý nghĩa”.
Còn ông Lê Hùng Anh cảm động: “Sống đẹp vừa tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được thể hiện khả năng viết lách, vừa lan tỏa những tấm gương sáng giữa đời thường. Những câu chuyện người thật được đăng báo sẽ góp phần phát hiện, tôn vinh những tấm gương luôn biết sống vì nhau ở khắp mọi miền Tổ quốc; từ đó sẽ phát hiện nhiều hơn các hoàn cảnh luôn nỗ lực trong cuộc sống, biết tìm kiếm ước mơ, để những câu chuyện từ trái tim sẽ lay động những trái tim...”.
Với vai trò thành viên ban giám khảo, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bày tỏ: “Rõ ràng cuộc sống tất bật hiện nay đang rất cần những câu chuyện đẹp, những người sống đẹp để từ đó tạo động lực cho nhiều người cùng hướng tới việc hành động đúng. Vì vậy, sau buổi lễ phát động hôm nay, tôi mong chờ sẽ được đọc nhiều tác phẩm hay, độc đáo, mang tính phát hiện của bạn đọc gửi tới tham dự”.
Đồng tình với quan điểm đó, nhà văn Trầm Hương nói: “Không chỉ có tác giả dự thi có tác phẩm đoạt giải được nhận thưởng, mà chính các nhân vật trong các bài viết được chọn trao giải cũng được tôn vinh xứng đáng với số tiền 30 triệu đồng/trường hợp. Ban tổ chức còn tuyển chọn các bài viết xuất sắc để in thành tập sách, tiếp tục lan tỏa những câu chuyện đẹp đến với độc giả - đó là một điểm tuyệt vời của cuộc thi này”.
Từng có một tuổi thơ khó nhọc, Hoa hậu H’Hen Niê không giấu được tâm trạng vui mừng khi nhận được lời mời từ Báo Thanh Niên. Người đẹp tâm sự: “Đây là cơ hội tốt để H’Hen Niê có dịp tiếp cận nhiều câu chuyện truyền cảm hứng, những hành động cao cả đang diễn ra trong đời sống để tiếp tục học hỏi, hoàn thiện mình. Lòng tốt thì trong mỗi người ai cũng có cả, quan trọng là được đánh thức đúng lúc, mà cuộc thi viết Sống đẹp của Báo Thanh Niên - theo H’Hen Niê, đang thực hiện điều ý nghĩa đó”.

Cung nghinh các chư tôn đức hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni lên trước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thực hành nghi lễ

ẢNH: BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG CUNG CẤP

Phát huy Lễ hội Quán Thế Âm thành sản phẩm du lịch tâm linh đặc trưng

Đó là ý kiến của ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, tại lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Quán Thế Âm do UBND Q.Ngũ Hành Sơn tổ chức hôm 25.3.
Theo ông Chinh, bên cạnh khu di tích lịch sử K20, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là một tài sản vô giá mà thiên nhiên ưu ái cho địa phương. Do vậy, địa phương cần đặc biệt quan tâm quản lý, tôn tạo, gìn giữ thực hiện nhiệm vụ quy hoạch khu danh thắng gắn với phát huy giá trị di sản Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, đưa lễ hội thành sản phẩm du lịch tâm linh đặc trưng. “Quận phối hợp hoàn thiện hồ sơ Văn khắc Hán - Nôm Ngũ Hành Sơn để trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Chinh nói.
Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt - danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương. Khởi nguyên từ một lễ vía thuần túy tôn giáo, ngày 19.2.1956, nhân dịp tổ chức lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm, hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã thành lập Hội phổ Quan Âm và trực tiếp làm trưởng ban tổ chức Ngày hội Quan Âm. Đây chính là mốc tiên khởi làm nên Lễ hội Quán Thế Âm ngày nay. Năm 2000, lễ hội được Tổng cục Du lịch công nhận và xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia.
Trong một diễn biến khác, tỉnh Cà Mau vừa tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc.
Tối 26.3, Sở VH -TT- DL tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND H.Trần Văn Thời tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội tiêu biểu của tỉnh Cà Mau, di sản mang đậm nét truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của cư dân vùng biển, là sản phẩm văn hóa được kết tinh qua nhiều thế hệ.
Lễ hội này có từ năm 1925 bắt nguồn từ sự kiện ngư dân phát hiện xác một con cá voi (ngư dân hay gọi là cá ông) trôi dạt vào bờ. Theo truyền thuyết xa xưa, loại cá này là cứu tinh cho các tàu, thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển khơi, vì vậy người dân rất tôn kính và biết ơn loài cá này, hay gọi là “ông”; và “cá ông” tại Sông Đốc được gọi là Nam Hải Đại Tướng quân.
Với bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc vinh dự được Bộ VH - TT - DL quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng và là niềm tự hào của tỉnh Cà Mau.

Vở diễn Đêm trắng

ẢNH: NHÀ HÁT CUNG CẤP

Đêm trắng của NSƯT Xuân Bắc bội thu giải thưởng sân khấu

Sáng 26.3, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao 33 giải thưởng cho các nghệ sĩ và tác phẩm xuất sắc.
Trong đó, giải vở diễn xuất sắc (trị giá 50 triệu đồng) được trao cho vở kịch Đêm trắng của tác giả Lưu Quang Hà và đạo diễn - NSƯT Xuân Bắc (Nhà hát Kịch VN). Đêm trắng còn ghi danh ở 2 hạng mục khác là giải diễn viên kịch xuất sắc (diễn viên Minh Hải) và họa sĩ xuất sắc (họa sĩ Doãn Bằng).
Đêm trắng được dàn dựng cùng ê kíp sáng tạo gần 80 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có nhiều gương mặt sân khấu tài năng như nghệ sĩ Minh Hải (vào vai Bác Hồ), NSND Việt Thắng, NSƯT Đình Chiến, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Tạ Tuấn Minh... Đây là tác phẩm dựa trên câu chuyện chống cán bộ tham ô, lãng phí những năm 1950, khi toàn dân, toàn quân ta dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vở diễn gợi suy ngẫm về việc rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng.
Cùng với giải vở diễn xuất sắc cho Đêm trắng, các giải thưởng còn lại của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam được trao cho các vở diễn, kịch bản sân khấu, nhạc sĩ, họa sĩ và diễn viên (các loại hình kịch, tuồng, chèo, cải lương...) xuất sắc khác.

Tác phẩm Sân vườn của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam năm 1987

ẢNH : BẢO TÀNG CUNG CẤP

Hồi hương tranh quý từ nhà sưu tập Nhật Bản

Không chỉ hiến tặng 238 tác phẩm của nhiều họa sĩ Việt tên tuổi, nhà sưu tập người Nhật Bản Toyokichi Itoh còn cho Đà Nẵng mượn 49 bức tranh giá trị khác.
Ngày 24.3, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thông báo UBND TP.Đà Nẵng, Sở VH-TT TP quyết định giao cho đơn vị này quản lý, bảo quản và phát huy giá trị của bộ sưu tập tranh chủ đề Houei (Phồn vinh) do nhà sưu tập tranh người Nhật Bản Toyokichi Itoh hiến tặng. Trước đó, qua quá trình vận động hiến tặng tác phẩm cùng sự hỗ trợ của các cơ quan đối ngoại, TP.Đà Nẵng đã được ông Itoh (80 tuổi) tặng và cho mượn dài hạn bộ sưu tập tranh rất có giá trị, với số lượng tổng cộng 287 bức.
Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, cho hay vào năm 2020, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thời điểm đó, ông Chinh là Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng) đã cùng nhà sưu tập Itoh ký kết thỏa thuận hiến tặng bộ tranh. Theo bà Trinh, trước đó bộ sưu tập Houei được trưng bày, cất giữ tại một bảo tàng ở Hàn Quốc. Sau khi hết thời hạn bảo quản, nhà sưu tập quyết định tặng cho Đà Nẵng và đoàn công tác của địa phương (gồm các thành viên là lãnh đạo Sở VH-TT, Sở Ngoại vụ, Văn phòng UBND TP...) đã sang Hàn Quốc tận tay đóng gói để đưa về Việt Nam.
Ông Toyokichi Itoh sinh ra tại khu phố Asakusa, TP.Tokyo (Nhật Bản). Trong Thế chiến 2, gia đình ông sơ tán về vùng nông thôn. Cuối năm 1986, khi đến Hà Nội, ông rất ấn tượng khi chiêm ngưỡng những bức tranh được trưng bày trong các bảo tàng tại Hà Nội, bởi chúng gợi lại trong ông nhiều ký ức thời niên thiếu. Từ đó, ông có ý định sưu tầm tranh của các họa sĩ Việt Nam. Sau nhiều lần đến Việt Nam, ông tạo dựng nên bộ sưu tập đồ sộ và đặt tên là Houei với nguyện vọng “mở ra thời đại mới cùng phát triển phồn vinh”.
Từ năm 2005, ông Itoh đã tổ chức nhiều buổi triển lãm tại các bảo tàng công trong và ngoài Nhật Bản với ước mong thông qua các tác phẩm quý giá này sẽ lưu truyền những giá trị phong phú về lịch sử, văn hóa Việt Nam tới người dân nhiều nơi trên thế giới.
Với tâm nguyện gìn giữ trọn vẹn và đưa những tác phẩm mỹ thuật này về lại Việt Nam, mong muốn cho sự giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng trở nên phong phú, ông Toyokichi Itoh quyết định dành tặng 238 tác phẩm thuộc bộ Houei. 49 tác phẩm khác cũng thuộc bộ sưu tập này được ông cho phía Đà Nẵng mượn dài hạn.
Ông Hà Vỹ, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho biết Toyokichi Itoh đã sưu tầm các tác phẩm hội họa của Việt Nam trong một thời gian dài, đến nay ông muốn bộ sưu tập hồi hương, chứng tỏ ông rất nặng lòng với Việt Nam. Nhiều lần đến Đà Nẵng, Hội An nên ông yêu quý mảnh đất, con người nơi này và vì thế có thêm lý do để tặng bộ tranh cho Đà Nẵng. Khi nhận bộ tranh về Việt Nam trúng vào cao điểm dịch Covid-19 nên sự kiện công bố bộ sưu tập, triển lãm phải lùi lại...
Cũng theo ông Hà Vỹ, bên cạnh mang ý nghĩa lớn về mặt ngoại giao, giao lưu nhân dân giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, việc nhà sưu tập Toyokichi Itoh hiến tặng bộ tranh còn có giá trị đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam. Bộ sưu tập gồm tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng, trong đó có các danh họa thuộc thế hệ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tú Duyên, Tô Liên, Dương Bích Liên, Nguyễn Tiến Chung, Linh Chi, Trần Đình Thọ, Trần Đông Lương, Nguyễn Sĩ Ngọc, Dương Hướng Minh… và nhiều họa sĩ tên tuổi khác.
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã có kế hoạch lần lượt lựa chọn, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm trong bộ Houei. Trước mắt, vào ngày 29.3, bảo tàng sẽ khai trương không gian trưng bày 22 tác phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập. Theo Phó giám đốc Bảo tàng Nguyễn Thị Trinh, những tác phẩm được chọn trưng bày lần này không theo chủ đề nhất định mà phong phú về nội dung và hình thức thể hiện.
Cụ thể, 22 bức tranh gồm nhiều thể loại như tranh phong cảnh, chân dung, tĩnh vật… được sáng tác trên các chất liệu sơn dầu, bột màu, lụa, màu nước, phấn màu, tempera. Một số tác phẩm độc đáo được sáng tác bằng bút sắt trên giấy can (như bức phác họa của Nguyễn Gia Trí) hay in khắc gỗ trên lụa (tác phẩm của Tú Duyên), in khắc gỗ trên giấy (của Cao Trọng Thiềm). Ngoài 2 tác phẩm chưa rõ năm sáng tác, những bức tranh còn lại ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1944 - 1993. “Một hội đồng mỹ thuật từ trung ương với các họa sĩ tên tuổi đã làm việc kỹ càng nhằm xác định nguồn gốc, giá trị tranh để từ đó chọn ra trưng bày 22 tác phẩm”, bà Trinh cho hay. Cũng có một chút tiếc nuối khi theo ông Hà Vỹ: “Cũng do dịch Covid-19 nên không thể tổ chức sự kiện với sự có mặt của nhà sưu tập Toyokichi Itoh”.

Chương trình nghệ thuật buổi diễn tại buổi lễ

ẢNH: NAM THỊNH

Lễ hội Bà Thu Bồn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tại Dinh Bà Thu Bồn (xã Quế Trung, H.Nông Sơn, Quảng Nam) vừa diễn ra Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn.
Tại lễ công bố, hàng ngàn người dân Quảng Nam và khách thập phương đã về tham dự, xem các chương trình nghệ thuật tái hiện lịch sử của di sản, di tích Bà Thu Bồn.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Lễ hội Bà Thu Bồn là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới, lập làng xã vào thế kỷ 15. Sau đó, giao thoa tiếp biến với văn hóa Chămpa, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Tây Quảng Nam để tạo nên tín ngưỡng thờ mẫu Bà Thu Bồn với những giá trị văn hóa đặc sắc và được bảo tồn, phát huy cho đến ngày nay.
Theo ông Tân, sức lan tỏa, bám rễ sâu bền trong đời sống xã hội của tín ngưỡng thờ Bà Thu Bồn xuất phát từ chính khát vọng mà người dân luôn hướng đến. Lễ hội Bà Thu Bồn còn là minh chứng tuyệt vời cho sợi dây kết nối cộng đồng, tinh thần quê hương đất nước mà trong đó vùng đất Nông Sơn là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa miền núi với miền xuôi trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển Quảng Nam.
“Lễ hội Bà Thu Bồn là một lễ hội dân gian mang nhiều ý nghĩa, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; thể hiện tinh thần đoàn kết của các dân tộc Kinh, Chăm, Cơ tu sinh sống ở vùng thượng lưu sông Thu Bồn”, ông Tân nói.
Tương truyền, Bà là một nữ tướng người Chăm, tài sắc vẹn toàn, từng chinh chiến nhiều trận mạc. Trong một trận thất thủ, Bà men theo hướng Tây đến Phường Rạnh (nay là xã Quế Trung), xét thấy nơi đây địa hình hiểm trở, trước có sông sâu, sau có núi cao, ruộng đồng, rừng núi bao la, đảm bảo điều kiện cho việc ổn định quân tình, chờ cơ hội phản công.
Bà đã chọn nơi đây làm nơi sinh sống và là căn cứ đóng quân, đó là Dinh Bà hiện nay. Tại đây, bên cạnh việc chiêu quân và tổ chức luyện binh, Bà còn cho quân lính đào giếng, đào ao, trồng lúa, chăn nuôi; dạy cho dân làng trồng dâu nuôi tằm, quay tơ, dệt vải, cách dùng thảo mộc trong rừng để chữa bệnh cho người và vật nuôi.
Trong một lần giao tranh bị thất bại, trong lúc thế cùng, lực kiệt, Bà đã gieo mình xuống dòng sông Thu Bồn tự vẫn. Xác Bà trôi về dưới miền xuôi, được nhân dân làng Thu Bồn (xã Duy Tân, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) an táng, thờ phụng và xây dựng lăng Bà ngày nay…
Tưởng nhớ công ơn của Bà, từ ngày 10-12.2 (âm lịch) hằng năm, chính quyền và người dân địa phương sống dọc sông Thu Bồn lại nô nức tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn, thể hiện khát vọng phồn vinh, cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an cho cộng đồng làng xã.

Cầu Vàng ở Đà Nẵng vào danh sách kỳ quan thế giới mới

ẢNH: MAI THANH HẢI

Báo Anh bình chọn Cầu Vàng ở Đà Nẵng vào danh sách kỳ quan thế giới mới

Tờ Daily Mail (Anh) công bố kết quả khảo sát, đưa ra danh sách kỳ quan thế giới mới. Cầu Vàng ở Đà Nẵng, Việt Nam được xếp đầu danh sách.
Cầu Vàng ở Đà Nẵng được xếp đầu danh sách của tờ Daily Mail. Xếp sau là Tháp xanh (Milan), Khu vườn ở Singapore, Khung hình Dubai…
Kết quả khảo sát của tờ Daily Mail với những người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1982 - 2000), được coi là những người trưởng thành trong giai đoạn phát triển vượt bậc của công nghệ và các xu hướng dịch chuyển. Họ chính là những người đại diện để bình chọn ra các kỳ quan thế giới mới trong cuộc khảo sát lần này.
Cầu Vàng khánh thành vào năm 2018, được thiết kế như một bàn tay khổng lồ (làm bằng sợi thủy tinh và dây lưới) như đang nâng đỡ con đường dài 150 m dành cho người đi bộ, nhìn ra khu nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng.
Kể từ khi mở cửa đến nay, chỉ trong một thời gian ngắn, nơi này đã thu hút một lượng khách đông đảo, tạo nên hơn 20.000 bài đăng trên Instagram với hashtag #goldenbridgevietnam.

Thanh Hằng và Chi Pu trong phim Chị chị em em

ẢNH: ĐPCC

Chị chị em em đoạt giải tại LHP châu Á Osaka lần thứ 16

Bộ phim Chị chị em em do Kathy Uyên đạo diễn vừa đoạt giải ABC TV Awards tại LHP châu Á Osaka lần thứ 16.
Trang Asian Film Festivals đưa tin Chị chị em em đoạt giải ABC TV Awards tại LHP châu Á Osaka lần thứ 16 diễn ra tại các rạp phim ở Nhật từ ngày 5 - 14.3 và phần trực tuyến liên hoan phim kéo dài đến hết ngày 20.3.
Liên hoan phim châu Á Osaka (OAFF) nhằm tạo điều kiện phát triển và trao đổi nguồn nhân lực, tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế Osaka, Nhật Bản và tăng sức hấp dẫn của thành phố, thông qua việc cung cấp cơ hội xem những bộ phim châu Á xuất sắc, hỗ trợ làm phim ở Osaka, thu hút các nhà làm phim từ các quốc gia và khu vực châu Á đến Osaka.
Chị chị em em (tựa tiếng Anh: Sister, Sister) với diễn xuất chính của Thanh Hằng, Chi Pu, Lãnh Thanh được ban giám khảo LHP châu Á Osaka nhận xét: “Là một bộ phim hồi hộp, nó hoàn toàn hấp dẫn. Nó có một kịch bản được xây dựng cẩn thận và nhịp độ tốt. Chúng tôi rất ấn tượng bởi cách họ sắp xếp rất nhiều sự kiện bên trong một bộ phim quy mô như vậy”. Đại diện ban tổ chức đưa ý kiến: “Thuộc dòng phim kịch tích, tác phẩm cuốn hút. Kịch bản được xây dựng cẩn thận, giữ nhịp tốt. Phim gây ấn tượng khi đưa được nhiều sự kiện vào tổng thể”. Phim dự kiến phát sóng trên kênh ABC (Nhật) vào cuối tháng 3 này.
Giải thưởng lớn – Phim hay nhất thuộc về Itomichi của nữ đạo diễn Nhật Yokohama Satoko. Đây là phim mới nhất của cô kể từ khi ra mắt The Actor (2012). Giải Tài năng triển vọng nhất được trao cho phim The Slug của nữ đạo diễn Hàn Choi Jin Young. Điều đặc biệt là 3 giải thưởng quan trọng của LHP châu Á Osaka lần thứ 16 đều được trao cho phim của 3 nữ đạo diễn.
Chị chị em em ra rạp tại Việt Nam cuối năm 2019. Phim từng tham gia Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc), được chọn chiếu ở hạng mục Cửa sổ Điện ảnh châu Á theo hình thức trực tuyến vào tháng 10.2020. Sau buổi chiếu, đại diện ban tổ chức đánh giá mạch phim kịch tính, nhiều bất ngờ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.