Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: NSND Trần Hạnh qua đời

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
07/03/2021 08:00 GMT+7

NSND Trần Hạnh qua đời do tuổi cao sức yếu vào lúc 2 giờ 50 phút ngày 4.3, tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi.

Nhận danh hiệu NSND ở tuổi 90

NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 ở Hà Nội. Ông về đoàn kịch Hà Nội, sau là Nhà hát kịch Hà Nội khi đã 30 tuổi. Theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp muộn hơn mọi người, nhưng Trần Hạnh vẫn tạo được nhiều dấu ấn trên sân khấu kịch. Ông đã giành 2 huy chương vàng với vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa và vai Vũ Kiêm trong Tiền tuyến gọi.
Năm 1989, ông nghỉ hưu theo quy định. Không diễn kịch nữa, ông tham gia đóng phim truyền hình. Bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1990, Trần Hạnh được đông đảo khán giả biết đến qua sóng truyền hình.
Không tiếp tục đứng trên sân khấu kịch, ông tham gia đóng phim. Đó là bắt đầu những năm đầu thập niên 1990, cũng là thời điểm phim truyền hình bắt đầu bước chuyển mới. Đến giờ, chẳng thể kể hết những bộ phim truyền hình nghệ sĩ Trần Hạnh đã tham gia.
Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1982 - 1984. Đến năm 1989, ông về hưu theo quy định. Vào năm 2019, ông được nhà nước phong tặng NSND.
Ông để lại nhiều dấu ấn trong những bộ phim như Làng nổi, Truyện cổ tích tuổi 17, Tướng về hưu, Người cầu may, Chiếc bình tiền kiếp, Hãy tha thứ cho em….
Trong Liên hoan phim Việt Nam năm 1996, ông được nhận giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc với vai diễn trong bộ phim Nước mắt đàn bà.

Du khách tham quan Đại nội Huế

ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Giảm 50% giá vé tham quan các di tích cố đô Huế từ 1.3

Kể từ 1.3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế áp dụng giảm 50% giá vé tham quan các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế, kéo dài đến 31.8.
Ngày 2.3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đã có thông báo về việc giảm giá phí tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa thuộc quần thể di tích cố đô Huế, thực hiện theo Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐND ngày 26.2.2021 của HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Theo đó, giảm 50% giá vé tham quan các điểm so với mức thu hiện nay. Cụ thể: giá vé, tham quan Hoàng cung Huế (Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế): người lớn 200.000 đồng/vé, giảm còn 100.000 đồng/vé; trẻ em 40.000 đồng/vé, giảm còn 20.000 đồng/vé.
Các khu di tích: Lăng vua Minh Mạng, Lăng vua Tự Đức, Lăng vua Khải Định: người lớn 150.000 đồng/vé, giảm còn 75.000 đồng/vé; trẻ em 30.000 đồng/vé, giảm còn 15.000 đồng/vé.
Các khu di tích: Lăng vua Gia Long; Lăng vua Thiệu Trị; Điện Hòn Chén; Cung An Định: người lớn 50.000 đồng/vé, giảm còn 25.000 đồng/vé; trẻ em miễn phí.
Phí tham quan theo tuyến gồm tuyến 3 điểm: Hoàng Cung Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Khải Định: người lớn 420.000/vé; giảm còn 210.000 đồng/vé; trẻ em 80.000 đồng/vé, giảm còn 40.000 đồng/vé. Tuyến 4 điểm: Hoàng Cung Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Tự Đức - Lăng vua Khải Định: Người lớn 530.000 đồng/ vé; giảm còn 265.000 đồng/ vé; trẻ em 100.000 đồng / vé, giảm còn 50.000 đồng/ vé.
Tuyến gộp các điểm di tích (tham quan tất cả các điểm di tích): người lớn 580.000 đồng/vé, giảm còn 290.000 đồng/vé; trẻ em 110.000 đồng/vé, giảm còn 55.000 đồng/vé.
Việc giảm giá vé tham quan các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế được áp dụng từ 1.3 đến 31.8.2021.
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng thông báo miễn 100% vé tham quan di tích cố đô Huế cho công dân, cả nam giới khi mặc áo dài truyền thống trong 3 ngày từ 6-8.3.
Ngày 5.3, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã có thông báo miễn phí 100% cho công dân, cả nữ giới lẫn nam giới khi mặc áo dài truyền thống trong 3 ngày từ 6- 8.3, tham quan tại tất cả các điểm di tích cố đô Huế. Đây là chủ trương khuyến khích mặc áo dài của tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm hưởng ứng sự kiện “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và thực hiện Đề án Huế - Kinh đô áo dài và chào mừng kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3.

Tu viện cổ Benedict tại Đà Lạt đang được trùng tu

ẢNH: LÂM VIÊN

Thực hư việc ĐH Kiến trúc tháo dỡ tu viện cổ ở Đà Lạt?

Những ngày qua trên nhiều trang mạng chia sẻ hình ảnh, thông tin Trường ĐH Kiến trúc tháo dỡ tu viện cổ tại Trung tâm đào tạo cơ sở Đà Lạt, thực hư sự việc thế nào?
Những ngày gần đây trên nhiều trang mạng chia sẻ hình ảnh, thông tin Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tháo dỡ tu viện cổ tại Trung tâm đào tạo cơ sở Đà Lạt khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng về số phận của công trình độc đáo này. PV Thanh Niên đã tìm hiểu để rõ thực hư sự việc.
Công trình nhà nguyện và đan viện Benedict (Biển Đức), sau là trường dòng nữ Franciscaines (Đà Lạt), tọa lạc tại số 20 đường Hùng Vương, P.10, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) trên khu đồi thông tuyệt đẹp . Công trình kiến trúc cổ này được hai kiến trúc sư Alexandre Leonard và Paul Veysseyre thiết kế, xây dựng vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, thời cha Romain Guilauma làm đan viện phụ.
Theo nhà khảo cứu Nguyễn Vĩnh Nguyên, tác giả cuốn Biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù, Công trình nhà nguyện đan viện này ghi những dấu chân đầu tiên của các đan sĩ Benedict từ phương Tây vào Việt Nam. Alexandre Leonard và Paul Veysseyre là hai kiến trúc sư thiết kế phần lớn dinh thự, biệt thự Đà Lạt trong đầu thập niên 1940.
Cũng theo Nguyễn Vĩnh Nguyên, từ năm 1954, các đan sĩ Benedict chuyển ra Huế, lập đan viện Thiên An, công trình đan viện tại Đà Lạt được nhượng lại cho các nữ tu dòng Franciscaines. Do nhu cầu mở rộng cơ sở giáo dục, dạy nghề và nội trú, các soeur dòng Franciscaines đã xây thêm dãy phòng học phía sau. Bản thiết kế khu trường học Franciscaines Missionnaires de Marie do Kiến trúc sư Phạm Khánh Chù thực hiện năm 1961. Sau 1975, các nữ tu dòng Franciscaines rời đi nơi khác.
Ông Trương Duy Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo cơ sở Đà Lạt (thuộc Trường ĐH Kiến Trúc TP. HCM), công trình này có thời gian được cải tạo, cơi nới làm khách sạn với tên gọi Lâm Viên. Sau này, được sử dụng làm Trường chuyên tỉnh Lâm Đồng, rồi Trường THPT Trần Phú. Từ năm 2014 cụm công trình này được chuyển giao cho Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM lập Trung tâm đào tạo tại Đà Lạt.
Theo ông Hùng khi tiếp nhận, 5 khối công trình nơi đây đều xuống cấp, mái nhà đều bị thấm dột. Nhà nguyện cổ bị bỏ hoang, khu nội viện cạnh đó là nơi các đan sĩ, tu sĩ năm xưa từng sống biến thành nhà tập thể nhếch nhác, có những góc là nơi tá túc cho người vô gia cư… Nhiều căn phòng bị biến dạng hoặc đục đẽo cơi nới thêm… không còn công năng sử dụng
“Sau khi tiếp nhận Trường ĐH Kiến Trúc có kế hoạch chỉnh sửa, trùng tu nhưng đến nay mới được Bộ Xây dựng phê duyệt kinh phí”- Ông Hùng cho biết.
Ông Hùng nói thêm về phương án kiến trúc, tất cả 5 khối công trình đều được giữ nguyên, không có công trình nào bị phá bỏ để giữ lại “cái hồn” của tu viện xưa. Đặc biệt Nhà nguyện cổ và khu nội viện xưa sẽ được khôi phục kiến trúc nguyên bản. Với khối nhà này bị người dân chiếm tạm để ở trước đây phải khôi phục lại nguyên trạng vì có nhiều vị trí được xây thêm công trình phụ, có nơi bị đục để gắn cầu thang lên lầu, có nơi bị bít hết cửa…
Do mái của các 5 khối công trình bị dột nát, đà gỗ bị mục nên phải tháo dỡ toàn bộ phần mái để thay đà, lợp lại mái. Để thực hiện việc đưa ngói cổ từ trên cao xuống để rửa và sau đó đưa lên lại để lợp, Công ty Huy Hoàng JSC mua mới một dàn cẩu tháp hiện đại đưa lên Đà Lạt trong vài ngày qua.
Việc cải tạo, trùng tu 5 khối công trình kiến trúc do Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại quốc tế Huy Hoàng (Công ty Huy Hoàng JSC) đảm nhận sau khi trúng thầu. Thời gian thực hiện trong 360 ngày. Cũng theo ông Hùng Công ty Huy Hoàng là đơn vị có đầy đủ năng lực, từng thi công nhiều công trình mang tầm quốc tế, do đó ĐH Kiến trúc TP.HCM tin tưởng 5 khối công trình trong đó có tu viện cổ sẽ được trùng tu đạt chất lượng và đúng tiến độ.

Ngôi nhà cổ số 85 Nguyễn Thái Học xuống cấp một phần do mối tấn công, phải chống đỡ từ trong ra ngoài

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Cảnh báo mối mọt đe dọa "xóa sổ" nhà cổ Hội An

Hàng trăm di tích lịch sử ở đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đang xuống cấp nghiêm trọng do bị mối mọt tấn công và đối diện nhiều nguy cơ.
Chùa Ông nằm trên đường Trần Phú xây dựng từ thế kỷ 17 là một trong những điểm đến nổi tiếng ở phố cổ Hội An. Chùa có kiến trúc độc đáo, chủ yếu bằng các các loại gỗ quý nhưng theo ông Lê Huyễn (85 tuổi, thủ từ Chùa Ông), trải qua thời gian, chiến tranh và thiên tai bão lũ, nhiều cấu kiện gỗ bị mục nát, xuống cấp. Năm 1995, người dân đóng góp kinh phí trùng tu. Nhưng cũng do được làm bằng gỗ nên nhiều hạng mục công trình đang bị mối mọt ăn hại nghiêm trọng. “Mối chủ yếu nằm dưới lòng đất, xâm nhập các cột gỗ, cửa gỗ rồi đục ăn sâu bên trong nên rất khó phát hiện. Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đến kiểm tra và hỗ trợ gắn thiết bị đặt nhử mối mọt tại Chùa Ông để xử lý”, ông Huyễn cho hay.
Tương tự, ngôi nhà ở số 23 Tiểu La (P.Minh An, TP.Hội An) là nơi vợ chồng bà Trần Thị Ong cùng 3 người con đang ở, được xếp hạng di tích loại 4, thuộc quần thể di tích trong khu phố cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Nhưng sau hàng chục năm hứng chịu thiên tai và sự bào mòn của thời gian, nhất là mối mọt tấn công mà không có biện pháp xử lý triệt để, ngôi nhà cũng xuống cấp nhanh. Theo bà Ong, không riêng nhà bà mà còn có hàng trăm ngôi nhà cổ khác cũng phải chịu đựng lũ lụt hằng năm, từ đó bị ẩm mốc và là điều kiện thuận lợi cho mối mọt sinh trưởng nhanh. “Chủ ngôi nhà cổ số 85 Nguyễn Thái Học cũng đang phải chống đỡ từ trong ra ngoài. Nếu không có biện pháp trị mối mọt cũng như tu sửa thường xuyên, nguy cơ nhiều di tích sẽ bị xóa sổ”, bà Ong ngậm ngùi nói.
Theo báo cáo của Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, qua khảo sát đầu năm 2021, hiện có khoảng 260 di tích ở phố cổ Hội An bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng, gây mất mỹ quan di tích, trong đó có cả Chùa Cầu - biểu tượng của di sản văn hóa thế giới.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết biến đổi khí hậu làm gia tăng lượng mưa càng gây thêm ẩm mốc đối với các di tích gỗ. Riêng trong tháng 9 và tháng 10.2020, phố cổ Hội An phải “gồng mình” gánh chịu đến 8 cơn lũ lụt và mối xuất hiện dày đặc hơn. Theo ông Ngọc, khoảng 15 năm trước, do phương pháp, công nghệ xử lý mối mọt chưa đáp ứng nên chưa có đủ điều kiện để áp dụng tại phố cổ Hội An, chỉ ưu tiên tập trung trùng tu, tu bổ. “Mối ở dưới đất lên và trong gỗ ra. Hiện nay, phố cổ Hội An có hơn 1.000 di tích kiến trúc gỗ, cứ như có một ổ mối “siêu to, siêu khổng lồ” trong đó. Mối mọt là một trong những nguy cơ gây xuống cấp nhanh một cách thường trực, mang tính thách thức”, ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, không thể lập đề án chống mối xong là có thể bảo vệ di tích mãi mãi, do con mối thường xuyên hiện diện. Nếu dự án quy mô lớn, có thể duy trì bảo vệ được vài năm, nhưng sau đó phải duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Các di tích bị dột sẽ khiến nhà trở nên ẩm thấp, là nguyên nhân chính khiến mối tấn công nhanh. “Chúng tôi đã lập một dự án chống mối mọt cho toàn bộ phố cổ Hội An hơn 1.000 di tích với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng. Trong kỳ họp HĐND TP.Hội An vào ngày 10.3 sắp tới, chúng tôi sẽ trình dự án để HĐND TP thông qua và thực hiện trong năm nay, góp phần bảo vệ di sản văn hóa Hội An”, ông Ngọc chia sẻ.

2 MC Tina Fey (trái) và Amy Poehler dẫn chương trình lễ trao giải Quả cầu vàng năm nay tại New York và Los Angeles

ẢNH: REUTERS

Nomadland The Crown lên ngôi tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2021

Lần đầu tiên, lễ trao giải Quả cầu vàng diễn ra muộn hơn thông lệ gần 2 tháng do đại dịch Covid-19 và sự kiện diễn ra trực tuyến ở New York và Los Angeles (Mỹ).
Sáng 1.3 (giờ Việt Nam), Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood (HFPA) – đơn vị tổ chức giải Quả cầu vàng công bố những tác phẩm và nghệ sĩ đoạt các hạng mục điện ảnh lẫn truyền hình xuất sắc.
Nomadland của nữ đạo diễn Trung Quốc Chloé Zhao và Borat Subsequent Moviefilm lần lượt được vinh danh Phim điện ảnh xuất sắc thể loại chính kịch và hài/ca vũ nhạc. Chloé Zhao (38 tuổi) còn nhận thêm giải Đạo diễn xuất sắc nhất qua phim Nomadland kể câu chuyện một phụ nữ (Frances McDormand đóng) lái xe tải, đi dọc miền Tây nước Mỹ sau khi quê nhà suy sụp vì khủng hoảng kinh tế. Chuyến đi phản ánh những lát cắt đầy chân thực, gai góc về nước Mỹ bước vào thời kỳ khó khăn về kinh tế.
Không ngoài dự đoán, bộ phim Minari của đạo diễn Lee Isaac Chung đoạt giải Phim nước ngoài xuất sắc dù đây là bộ phim do các nghệ sĩ Mỹ gốc Hàn thể hiện, sử dụng tiếng Hàn lẫn tiếng Anh. Rosamund Pike nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc – hài/ca vũ nhạc của mảng điện ảnh. Cô chiến thắng nhờ bộ phim hài đen mang tên I Care a Lot của đạo diễn Anh J.Blakeson. Đây là chiến thắng Quả cầu vàng đầu tiên của nữ diễn viên 42 tuổi.
Trong khi đó, cây bút Aaron Sorkin thắng giải Biên kịch xuất sắc cho kịch bản phim dựa trên vụ kiện có thật của nhóm Chicago 7 tại Mỹ năm 1968 mang tên The Trial of The Chicago 7. Tác phẩm, do chính Sorkin đạo diễn.
Ở mảng truyền hình, The Crown mô tả cuộc sống của Hoàng gia Anh đại thắng với 3 giải quan trọng: Phim truyền hình hay nhất, thể loại chính kịch, Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Josh O’Connor và Emma Corrin). Phim còn nhận thêm giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Gillian Anderson).
Bộ phim hài Schitt's Creek đoạt danh hiệu Phim truyền hình hay nhất, thể loại hài/ca vũ nhạc. Mùa 6 của bộ phim, phát hành năm 2020 có hàng triệu fan nhờ đề tài liên quan cộng đồng LGBT gây xúc động. Trong khi đó Soul thắng giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất. Phút giây cảm động của lễ trao giải khi cố tài tử Chadwick Boseman thắng Quả Cầu Vàng đầu tiên cho phim Ma Rainey’s Black Bottom. Vợ anh thay mặt chồng, khóc khi nhận giải. Hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc lĩnh vực truyền hình, giải thưởng thuộc về John Boyega (phim Small Axe)…

Katia Pascariu vai cô giáo Emi bị lộ băng sex riêng tư trong phim Bad Luck Banging or Loony Porn

ẢNH: IMDB

Phim dục tính đoạt giải Gấu vàng LHP Berlin 2021

Bad Luck Banging or Loony Porn của đạo diễn Romania Radu Jude - bộ phim hài đen tối khiêu dâm về một giáo viên ở Bucharest đã giành được giải Gấu vàng của LHP Berlin 2021.
LHP Berlin lần thứ 71 diễn ra từ 1-5.3 ở thủ đô Berlin của Đức theo hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19. Đây là phần tranh tài của 170 bộ phim trên khắp thế giới với 11 hạng mục. Phim được phát trực tuyến cho những người kinh doanh phim ảnh và đại diện báo chí chuyên ngành. Giai đoạn 2 của LHP Berlin diễn ra từ 9-20.6, là phần công chiếu các bộ phim ở rạp cũng như tổ chức sự kiện thảm đỏ và trao giải phim xuất sắc.
Các giám khảo khen ngợi bộ phim Bad Luck Banging or Loony Porn với sự tham gia diễn chính của Katia Pascariu trong vai cô giáo Emi bị lộ băng sex riêng tư. Bộ phim xoay quanh thói đạo đức giả trong xã hội thời đại dịch Covid-19, kể câu chuyện của một nữ giáo viên lộ video khiêu dâm được quay tại nhà và làm mưa làm gió trên mạng xã hội.
“Phim ghi lại rõ trên màn hình nội dung, bản chất, tâm trí và cơ thể, trộn lẫn các giá trị đạo đức với phần xác thịt”, đạo diễn Israel kiêm thành viên ban giám khảo Nadav Lapid cho biết khi công bố giải thưởng.
Các giải thưởng khác tại LHP Berlin trực tuyến năm nay bao gồm giải Gấu bạc (Giải thưởng lớn của ban giám khảo) thuộc về Wheel of Fortune and Fantasy của đạo diễn Nhật Ryusuke Hamaguchi; nữ diễn viên Đức Maren Eggert, đóng vai một phụ nữ chống lại sự quyến rũ của người máy hoàn hảo trong I'm Your Man nhận giải Diễn viên chính xuất sắc nhất. Ở hạng mục Diễn viên phụ xuất sắc nhất, Lilla Kizlinger nhận giải qua phim Forest – I See You Everywhere. Denes Nagy của Hungary đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim chiến tranh Natural Light; Kịch bản xuất sắc nhất thuộc về Hong Sangsoo phim Introduction.
Ở hạng mục Encounters (Những cuộc gặp gỡ) nhằm thúc đẩy các nhà làm phim độc lập táo bạo hơn về mặt thẩm mỹ và cấu trúc; hỗ trợ các quan điểm mới trong điện ảnh và dành nhiều chỗ hơn cho các hình thức kể chuyện sáng tạo, bộ phim Taste (Vị) của đạo diễn Lê Bảo đoạt Giải đặc biệt của ban giám khảo (Special Jury Award). Giải Phim hay nhất (Best Film) của hạng mục này thuộc về Nous (Chúng ta) của đạo diễn Alice Diop.
Được quay giữa đại dịch Covid-19, Bad Luck Banging or Loony Porn cho thấy hầu hết mọi nhân vật đều đeo khẩu trang nhưng người xem vẫn có cảm giác rằng “chất độc” mà con người tiêm vào môi trường sống của họ cũng có sức hủy diệt không kém bất kỳ loại virus nào. Bộ phim lên đến đỉnh điểm khi diễn ra một đại án “kỳ cục” bao gồm nhiều cha mẹ của các học sinh thuộc tầng lớp trung lưu tại ngôi trường ưu tú nơi Pascariu dạy học cẩn thận xem xét băng sex của cô trước khi đưa ra phán xét.
Nhà sản xuất Ada Solomon thừa nhận bộ phim sẽ bị kiểm duyệt vì những cảnh khiêu dâm nhất để có thể ra rạp rộng rãi hơn. “Bạo lực được chấp nhận, còn khỏa thân thì không”, Solomon đưa ý kiến.
Ban tổ chức LHP Berlin 2021 hy vọng sẽ chiếu các bộ phim đoạt giải của năm nay tại các rạp chiếu phim trong một sự kiện tiếp theo diễn ra vào tháng 6, nếu đại dịch Covid-19 được khống chế.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.