Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Nhạc sĩ Lam Phương rời cõi tạm

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
27/12/2020 09:00 GMT+7

Nhạc sĩ Lam Phương , một trong những gương mặt tiêu biểu cho nền tân nhạc Việt Nam với hàng trăm tác phẩm từ giữa thập niên 1950, vừa qua đời ngày 22.12 (giờ địa phương) ở Mỹ, hưởng thọ 83 tuổi.

Vĩnh biệt tác giả Thành phố buồn

Nhạc sĩ Lam Phương nhập viện cấp cứu ở Fountain Valley, California vào trung tuần tháng 12 khi chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng. Ông qua đời sau thời gian tích cực điều trị. Theo ông Phạm Quốc Thành - giám đốc Bến Thành Audio Video, đơn vị giữ độc quyền quyền tác giả nhạc Lam Phương tại Việt Nam, gia đình nhạc sĩ Lam Phương sẽ tổ chức lễ tang, lễ tưởng niệm ông tại Mỹ và Việt Nam.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh 20.3.1937 ở Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 15 tuổi, ông đã viết ca khúc đầu tay Chiều thu ấy, sau đó đến Kiếp nghèo được nhiều người yêu mến. Ba năm sau, ông viết hàng loạt bài về quê hương, nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa. Album nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ chọn phát hành như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên...
Ông ghi dấu ấn với hàng loạt sáng tác đỉnh cao, bao gồm Thành phố buồn, Cỏ úa, Bài tango cho em, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Biển tình...
Nhạc sĩ sang Mỹ năm 1975. Đầu năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Thời gian này, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm của khán giả. Tháng 8.2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Thúy Nga sang Singapore thực hiện chương trình Tình ca Lam Phương in Singapore và gây được tiếng vang lớn.
"Người nhạc sĩ tài hòa vĩnh viễn rời xa cõi tạm... Trời Đà Lạt mưa ray rứt... thành phố buồn, thật buồn... Tháng 12 năm ngoái, con qua Mỹ đến nhà thăm chú... , khi chia tay, ôm chú con hứa sẽ thăm chú năm sau... Nào ngờ đó lại là lần cuối, chú cháu mình lỗi hẹn rồi... Thành phố nào nhớ không em..., người Đà Lạt mãi nhớ, thương tiếc và ghi ơn chú, chú ơi!", đó là dòng chia sẻ từ anh Vũ Hoàng - nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng, khi vừa nghe tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời... Trên trang cá nhân của mình, anh Vũ Hoàng cũng cho biết thêm, bản gốc bài Thành phố buồn đã theo anh sang Mỹ và được nhạc sĩ đề tặng: "Nhạc sĩ Lam Phương thương tặng Đà Lạt".
Xin vĩnh biệt ông bằng câu hát: “... Ai ngờ chim trời vỗ cánh tung bay, người đi để nhớ cho đời” (Trăm nhớ ngàn thương - Lam Phương).

Ngô Thanh Vân (trái), họa sĩ Lê Linh (phải) và poster phim Trạng Tí

ẢNH: NSCC

Làm rõ tranh cãi về bản quyền phim Trạng Tí

Dự án Trạng Tí của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang nhận được nhiều quan tâm của khán giả về bản quyền phim.
Mới đây, khi trailer bộ phim Trạng Tí được tung ra, bên cạnh những lời khen về kỹ xảo, dấu ấn văn hóa Việt và dàn diễn viên nhí, có rất nhiều bình luận lên tiếng “đòi công bằng” cho họa sĩ Lê Linh - tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Một bộ phận khán giả cho rằng đơn vị sản xuất phim vi phạm quyền tác giả của họa sĩ Lê Linh khi chỉ ký hợp đồng với Công ty Phan Thị và kêu gọi tẩy chay phim. Trước làn sóng dư luận, Ngô Thanh Vân và Hãng Studio68 - đơn vị sản xuất phim, đã chính thức lên tiếng.
Ngô Thanh Vân khẳng định: “Trạng Tí là nội dung chúng tôi có mua và trả tiền theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ, nên việc tố tôi ăn cắp là không đúng. Tôi đã làm việc với bên Phan Thị hết 2 năm để có thể mua được bản quyền, lúc đó là năm 2016. Đến 2018, giữa hai bên mới đi đến thỏa thuận cho chúng tôi mua 5 tập truyện để làm phim. Là nhà sản xuất phim, việc tôi mua tác quyền từ người sở hữu bộ truyện và nội dung câu chuyện trong thời gian đó là hoàn toàn hợp lý và đúng pháp luật. Nếu có lỗi thì đó là do tôi đã không nắm rõ thông tin về sự thưa kiện giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị. Sau khi biết thông tin, tôi đã chủ động tìm đến họa sĩ Lê Linh để tìm cách xử lý nhưng anh từ chối mọi đề nghị về quyền lợi để tập trung vào vụ kiện. Tôi không còn cách nào hơn là tôn trọng anh và vẫn ngồi chờ những đề nghị từ phía anh Lê Linh”.
Hãng Studio68 cho biết thêm: “Năm 2019, phim Trạng Tí bấm máy. Đến ngày 3.9.2020, vụ kiện của họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ 4 hình tượng nhân vật trong Thần đồng đất Việt mới ngã ngũ. Được biết, họa sĩ Lê Linh được công nhận quyền tác giả của bộ truyện còn Phan Thị chỉ giữ quyền sở hữu tài sản và có quyền thực hiện các tác phẩm phái sinh. Trạng Tí mất 2 năm để sản xuất, cộng thêm 1 năm vì dịch Covid-19 phải hoãn ra rạp, và bây giờ đang đi đến giai đoạn quan trọng nhất là giới thiệu bộ phim đến khán giả để hoàn vốn (chiếu vào mùng 1 tết Nguyên đán 2021, nhằm ngày 12.2.2021). Bộ phim không có lỗi khi nó được tạo ra đúng quy định pháp luật ngay tại thời điểm đó”.
Họa sĩ Lê Linh cũng phản hồi rằng Ngô Thanh Vân có tìm gặp nhưng anh từ chối mọi quyền lợi từ hãng phim đưa ra ở thời điểm anh đang khởi kiện Phan Thị. Họa sĩ chia sẻ mấy ngày nay khá mệt mỏi khi sự việc lại ồn ào và nói rõ Trạng Tí cũng đã làm xong, giờ bộ phim này không liên quan gì đến anh.
Trao đổi về mặt pháp lý, một luật sư tại TP.HCM cho PV Thanh Niên biết: “Rõ ràng ở đây các bên không có tranh chấp pháp lý vì không có ai kiện ai, chỉ là do dư luận lên tiếng bênh vực quyền lợi của họa sĩ Lê Linh. Khán giả lên tiếng là vì chưa hiểu rõ sự khác nhau giữa quyền tác giả và quyền sở hữu tài sản. Vì liên quan đến bộ phim nên Ngô Thanh Vân mới phải lên tiếng và đi gặp họa sĩ Lê Linh để giải quyết, chứ đúng ra khi ký hợp đồng mua bản quyền với Công ty Phan Thị rồi, với những ồn ào hiện tại từ phía khán giả, chính Công ty Phan Thị mới phải là người đứng ra giải quyết ổn thỏa cho phía phim Trạng Tí vì họ đã nhận quyền lợi tiền bạc từ việc ký hợp đồng này...”. Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với phía Phan Thị nhưng chưa được.

Nghệ sĩ Hề Sa

ẢNH: H.K

Hề Sa và nụ cười không bao giờ tắt

Nghệ sĩ Hề Sa , giọng ca hài của làng vọng cổ, vừa trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 25.12, thọ 80 tuổi. Ông ra đi nhưng để lại nụ cười không bao giờ tắt trong lòng khán giả.
Hề Sa tên thật là Lê Văn Sa, sinh năm 1941 tại Thủ Đức (TP.HCM). Hồi nhỏ, ông mê giọng ca Văn Hường nên cứ ôm radio mà nghe và học theo. Văn Hường có giọng ca lảnh lót, làm nên trường phái vọng cổ hài độc đáo, khiến hàng triệu trái tim khán giả mê mẩn. Và Hề Sa cũng vậy, từ nhỏ đã ái mộ Văn Hường đến mức tự làm “đệ tử” ca theo kiểu hài đó.
16 tuổi, ông đi theo gánh hát, quyết chí phấn đấu như “thần tượng” Văn Hường, mơ ước một ngày được đứng trên sân khấu và nổi tiếng. Đúng hai năm sau, mơ ước trở thành sự thật. Ông được đoàn Thủ Đô 1, một đại bang lúc bấy giờ, cho thay vai “quái kiệt” Bảy Xê, đóng chung với cặp đào kép lừng lẫy là Tấn Tài và Trương Ánh Loan. Bước ngoặt đó đã giúp ông được các ông bà bầu biết mặt biết tên. Sau ông về đoàn Kim Chung, hát với Lệ Thủy, Minh Phụng... và được Kim Chung đưa sang Pháp biểu diễn, chinh phục khán giả kiều bào. Năm 1968, ông bắt đầu được các hãng đĩa mời thu âm, cộng tác lâu dài với hàng trăm bài vọng cổ duyên dáng. Chẳng hạn Trời sanh trâu sanh cỏ, Khi người say biết yêu, Hề Sa đi Pháp, Hề Sa cầu hôn... Sau 1975, ông tiếp tục ca vọng cổ hài với chủ đề cách mạng và cuộc sống mới như Lính già vui tính, Tiểu đoàn 307, Anh Ba Hưng, Vụ mùa bội thu, Tứ đổ tường...
Thông thường trong gánh hát “oai” nhất là đào chánh, kép chánh, rồi tới đào nhì, kép nhì, chứ anh hề chỉ xuất hiện như nét điểm xuyết. Nhưng những anh hề cỡ như Bảy Xê, Ba Vân, Tư Rọm, Văn Chung đều được coi trọng không thua gì đào, kép chánh với lương bổng, cát sê cao ngất ngưởng. Hề Sa cũng vậy, ký hợp đồng với bầu Kim Chung 1 triệu đồng, lương tháng thì 12 ngàn đồng, trong khi chiếc Honda 67 thời đó chỉ 28 ngàn. Thu nhập cao như vậy, nên ông mua xe hơi chạy khắp nơi chứ không nghĩ tới chuyện mua nhà hay mua vàng vì nghĩ đời nghệ sĩ rày đây mai đó. Hề Sa lên xe xuống ngựa huy hoàng suốt 20 năm...
Sau 1975, Hề Sa vẫn còn đắt sô, bởi hơi ca còn lanh lảnh, đặc biệt ông còn biết diễn trên sân khấu, diễn trong ca nữa, cho nên ông có bước phát triển hơn “sư phụ” Văn Hường chỉ chuyên thu đĩa. Ông khoe mình vẫn còn thu đĩa và đi hát cho các sự kiện, hội nghị, liên hoan..., coi như tổ đãi để nuôi vợ nuôi con (ông có 4 đời vợ, 8 người con - NV). Rồi mẹ vợ đau yếu, anh vợ tâm thần, em vợ mất việc, tất cả cùng tá túc, nương vào giọng ca của ông. Cho nên khi ông hát thì hài hước, tưng bừng chứ bước xuống khỏi sàn diễn thì cũng nhiều lo toan. Nhưng trời cho gương mặt ông luôn có nét hài duyên dáng, thành ra ai nhìn cũng thấy mến.
Mấy năm gần đây ông bệnh nhiều, phải nằm viện liên tục, được nhóm nghệ sĩ của NSND Minh Vương và một số đồng nghiệp, bạn bè khác thường xuyên hỗ trợ. Ai cũng thương một con người hiền lành, chân thật. Giờ ông đã ra đi, mang theo nụ cười trên gương mặt, nhưng nụ cười trong lòng khán giả thì không bao giờ tắt.

Lễ tổng kết các hoạt động năm 2019 của Hội Nhà văn TP.HCM

ẢNH: NGỌC TUYẾT

Vì sao Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM liên tục bị hoãn?

Theo dự kiến thì Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM khóa 8 (nhiệm kỳ 2020 -2025) sẽ khai mạc nhưng bất ngờ tới sát ngày, các hội viên lại nhận được thông báo tạm hoãn.
Cũng như hai lần trước đây, Ban tổ chức Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM vừa có quyết định tạm hoãn Đại hội khóa 8 (nhiệm kỳ 2020 -2025) vì lý do chưa được Thường trực Thành ủy TP.HCM thông qua phương án nhân sự.
Theo đó, tại văn bản số 175/CV – BTGTU do Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thọ Truyền ký nêu rõ: "Ngày 24.12.2020, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhận được giấy mời của Hội Nhà văn TP mời lãnh đạo tới dự Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM khóa 8 (nhiệm kỳ 2020 -2025) vào lúc 8 giờ ngày thứ hai 28.12 tại Hội trường T78 số 145 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3.
Ban Tuyên giáo Thành ủy – Thường trực Ban chỉ đạo đại hội các Hội Văn học nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP có ý kiến như sau: Do Thường trực Thành ủy chưa thông qua phương án nhân sự Ban chấp hành, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khóa 8 (nhiệm kỳ 2020 - 2025), do vậy việc tổ chức đại hội vào ngày 28.12.2020 chưa thể tiến hành. Thời gian tổ chức đại hội sẽ tiến hành sau khi phương án nhân sự được Thường trực Thành ủy thông qua".
Vì thế, Ban tổ chức Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM cũng đã quyết định tạm dừng việc tổ chức đại hội lần thứ ba.
Trong thư gửi đến các hội viên, Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM gửi lời xin lỗi đến các Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM và cho biết thời gian tổ chức đại hội sẽ được thông báo sau.
Trên trang cá nhân, nhiều nhà văn bày tỏ sự mệt mỏi về việc Ban tổ chức Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM khóa 8 (nhiệm kỳ 2020-2025) cứ gửi thư mời rồi sau đó lại phải hoãn đại hội đến 3 lần liên tiếp.

Miếng thảm cong vênh lót tượng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

ẢNH: T.L

Nghệ sĩ rút tác phẩm khỏi triển lãm vì trưng bày cẩu thả

Nhiều ý kiến đánh giá Triển lãm mỹ thuật Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM quá cẩu thả, thiếu tôn trọng nghệ sĩ và tác phẩm.
Tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Phan Tấn Toàn đã không thể trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam khi triển lãm này diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 22 - 29.12, sau khi đã được triển lãm tại Hà Nội.
Trước giờ khai mạc, ông Toàn nhận được thông tin từ ban tổ chức. Theo đó, ông sẽ mang tác phẩm điêu khắc bằng đồng của mình về sửa rồi bày sau. Việc trưng bày này có thể muộn hơn khai mạc một chút. “Tác phẩm có 2 vết ở tay và ở tay lái chiếc xe máy 67”, ông Toàn nói. Ông dự đoán trong quá trình vận chuyển tác phẩm đã bị lực tác động dẫn đến hậu quả như vậy. Ngày 23.12, nhà điêu khắc Phan Tấn Toàn cho biết có lẽ ông sẽ rút tác phẩm khỏi triển lãm tại TP.HCM.
Nhiều tác phẩm điêu khắc được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020 tại TP.HCM cũng không may mắn hơn tác phẩm của ông Toàn. Chúng được trưng bày theo cách rất kỳ lạ.
Chẳng hạn, ban tổ chức dùng những miếng thảm màu ghi mép cong vênh đặt lên nền gạch hoa tông nâu đỏ rồi đặt tượng lên trên. Họ cũng kê thêm gỗ để lót mặt sàn chênh vênh rồi đặt tác phẩm điêu khắc lên. Tên tác phẩm được in lên giấy và đính lòng thòng ngay trên chính tác phẩm hoặc ở bục đặt tác phẩm. Tượng gỗ được đặt ở ngoài trời, không bục bệ, không mái che mưa nắng. Có tác phẩm điêu khắc màu đen vẫn còn nhiều vết sơn trắng mà không hề được lau.
“Sự cẩu thả, vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng của ban tổ chức triển lãm qua cách trưng bày tệ hại các tác phẩm điêu khắc trong một cuộc triển lãm lớn nhất nước. Người thưởng lãm sẽ đánh giá thế nào về tầm nhìn văn hóa và ý thức thẩm mỹ của một hệ thống văn hóa nghệ thuật lớn nhất nước”, tài khoản Facebook Khoa Điêu khắc bình luận. Tài khoản này cũng công bố những hình ảnh thực tế việc trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Trong khi đó, từ Đà Nẵng, ông Thân Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, đã quyết định không nhận lại tác phẩm sơn dầu của mình. Ông cho biết, tác phẩm của ông đã bị hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa được. “Tôi nghĩ có vật cứng hoặc là phù điêu hay cái gì đó đè lên mặt tranh, làm hình méo xẹo đi, màu bị bung ra. Tôi đứng gần, thấy hơi thở của mình cũng có thể làm mặt vải run bần bật”, ông Dũng nói.
Ông Thân Trọng Dũng cho biết ông đã có 2 đơn khiếu nại gửi ban tổ chức. Theo đó, đơn đầu tiên ông viết tay ngay khi ra Hà Nội dự khai mạc Triển lãm mỹ thuật Việt Nam và thấy tác phẩm bị hỏng. Đơn thứ hai ông viết khi đã về Đà Nẵng và soạn thảo, đánh máy. Đặc biệt, trong đơn thứ hai, ông có ghi mức yêu cầu đền bù gửi Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Bộ VH-TT-DL; Hội Mỹ thuật Việt Nam. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Dũng cho biết đây là bức tranh có giá ít nhất cũng hơn chục nghìn USD.
Họa sĩ Phạm Hùng Anh cũng dự kiến yêu cầu đền bù, sau khi bức tranh của ông đã mất khi gửi tới Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020, khi triển lãm này tổ chức tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội). Chiều 24.12, ông Phạm Hùng Anh cho biết đang chờ trả lời của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm. “Tôi muốn họ gửi văn bản trả lời rồi mới đưa ra yêu cầu đền bù. Giá trị bức tranh của tôi là khoảng 12.000 USD”, ông Hùng Anh cho biết.
Tác giả Cao Nam Tiến, người có bức chân dung bị xước ngang mặt, nói: “Tranh của tôi định giá là 5.000 USD. Nhưng tôi chỉ đưa ra mức cảnh cáo, khoảng 20% giá trị của tác phẩm”.
Trong khi đó, việc thương lượng đền bù thiệt hại của ban tổ chức với họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, người có tranh sơn mài bị xước, chưa có con số cụ thể. Ông Huy cho biết sẽ chờ con số mà Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm đưa ra vì không muốn chủ động đưa ra số tiền cần bồi thường.
Chiều 24.12, ông Hoàng Hữu Chính, Phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ VH-TT-DL, cho biết về việc đền bù này Bộ đã họp và giao Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm chủ động trực tiếp gặp các tác giả để đàm phán giải quyết. Việc đền bù sẽ do cục này làm việc và thỏa thuận với tác giả. Tiền đền bù sẽ không lấy từ ngân sách nhà nước.

Hình ảnh gây tranh cãi về sự hoành tráng của công trình Panorama cải tạo

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Cục Di sản yêu cầu Hà Giang cung cấp thông tin Panorama

Chiều 24.12, Cục Di sản văn hóa có Văn bản số 893 gửi Sở VH-TT-DL Hà Giang về việc thông tin cải tạo, sử dụng công trình Panorama Mã Pì Lèng ở tỉnh này.
Văn bản nêu rõ Cục Di sản văn hóa nhận được thông tin báo chí về việc công trình Panorama Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang, đang thực hiện cải tạo. Về việc này, Cục đề nghị Sở VH-TT-DL Hà Giang cung cấp thông tin liên quan đến công trình nêu trên.
Trong văn bản, Cục này cũng lưu ý việc cải tạo công trình Panorama cần thực hiện theo đúng ý kiến của Bộ VH-TT-DL tại Công văn số 4141 và phương án đã có sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Trước đó, Bộ VH-TT-DL đã đặt vấn đề xây dựng quy hoạch công trình kể trên trong Văn bản 4141. Cụ thể, Bộ này đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng: cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh đó, công trình phải phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang; phải thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện.
Tại văn bản 4141, Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị tỉnh Hà Giang xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng khu vực danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và vùng cảnh quan xung quanh phù hợp với nội dung quy hoạch công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hình ảnh Panorama ở Mã Pì Lèng hiện tại được mổ xẻ trên mạng rất khác so với hình ảnh phương án cải tạo được đồng ý sau khi lấy ý kiến. Chẳng hạn, mặt tiền Panorama hiện nay tạo cảm giác khối nhà trên mặt đường này có 3 tầng. Trong khi đó, hình ảnh bản vẽ thiết kế chỉ có một tầng.
Mái của khối nhà hiện tại đang dùng mái Thái Lan, trong khi đó bản vẽ đã vẽ mái ngói âm dương bản địa. Trong hình ảnh phương án cải ao, các bức tường cũng được dỡ đi nhiều. “Thực sự cứ so sánh sẽ thấy rất khác”, một KTS đã xem bản vẽ phương án cải tạo nêu quan điểm.
Về vụ việc này, PGS-TS Khuất Tân Hưng (ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, việc để tồn tại công trình Panorama ở Mã Pì Lèng là một quyết định nguy hiểm. Theo đó, nó để lại một tiền lệ xấu về việc xây trái phép rồi vẫn cho tồn tại. Điều này sẽ khiến cung đường này xuất hiện thêm những công trình tương tự của người dân.

Mariah Carey khoe ảnh cùng con (trái), còn Jennifer Lopez khoe cây thông Noel

ẢNH: DAILY MAIL

Sao thế giới tung khoảnh khắc đón Giáng sinh giữa dịch Covid-19

Dù phải giãn cách xã hội do dịch Covid-19, các ngôi sao như ca sĩ Mariah Carey, Jennifer Lopez, Justin Bieber... đã giúp người hâm mộ phấn chấn hơn khi chia sẻ khoảnh khắc cùng gia đình đón Giáng sinh trên mạng xã hội.
“Nữ hoàng nhạc Giáng sinh” Mariah Carey chia sẻ một đoạn video quay cảnh cô ấy đang làm mẻ bánh quy cho ông già Noel trong bếp. Nữ ca sĩ nói đùa rằng cô để dành một vài cái bánh cho thần tình yêu. Theo mô tả của Daily Mail, Mariah Carey mặc bộ đồ ngủ màu đỏ có in phiên bản hoạt hình khuôn mặt của nữ ca sĩ, mang đôi giày đổ đậm phong vị Giáng sinh và làm động tác trộn các thành phần làm bánh với nhau trong nồi đồng.
Phiên bản hoạt hình khuôn mặt của Mariah Carey lấy cảm hứng từ ảnh bìa album Merry Christmas năm 1994 được yêu thích của Mariah Carey. Kết thúc đoạn chia sẻ, cầm gói bánh quy chocolate thơm ngon trên tay, Mariah Carey tiến lại gần máy ảnh và tạm biệt 9,8 triệu người theo dõi trên Instagram.
Cuối ngày 24.12, nữ ca sĩ tiếp tục chia sẻ bức ảnh chụp đầy ngọt ngào trước cây thông Noel với hai đứa con song sinh Moroccan và Monroe (9 tuổi) trên Instagram. Nữ ca sĩ All I Want For Christmas viết kèm ảnh chụp: “Ngồi với hai con kề bên cây thông, đọc lại vài đoạn trong hồi ký và tận hưởng kỳ nghỉ Giáng sinh”.
Trong khi đó, Jennifer Lopez khoe trên Instagram Story rằng nữ ca sĩ và gia đình đã trang trí xong cây thông Noel. Bức ảnh cho thấy cây thông Noel nhà Jennifer Lopez có một loạt đồ trang trí hình bông tuyết và đủ loại bóng đèn. Nữ ca sĩ Jennifer Lopez tận hưởng Noel bên cạnh hôn phu là cầu thủ bóng chày Alex Rodriguez và các con.
Nữ ca sĩ da màu Kelly Rowland đang mang thai đứa con thứ hai, đã chia sẻ bức ảnh Giáng sinh tuyệt đẹp của gia đình cô lên Instagram. “Chúc mọi người có mùa lễ tốt đẹp và năm mới may mắn!”, Kelly Rowland viết. Trong bức ảnh, Kelly Rowland tạo dáng trên sàn, người chồng Tim Weatherspoon đứng nghiêm trang, đặt tay lên vai cậu con trai Titan 6 tuổi.
Nữ ca sĩ Gwen Stefani rõ ràng rất say mê những món đồ trang trí trong lễ Giáng sinh năm nay khi cô chia sẻ một bức ảnh chụp cây thông Noel được trang trí kỳ công. Làm nền cho bức ảnh là bức chân dung đáng yêu của cậu con trai út Apollo, hiện đã lên 6. Bức ảnh cây thông Noel khiến 10,9 triệu người theo dõi cô trên Instagram thích thú. Còn nam ca sĩ Justin Bieber dành thời gian quây quần bên vợ - Hailey Bieber cùng bạn bè thân thiết.
Người đẹp Priyanka Chopra và chồng đăng lên Instagram hôm 24.12 bức ảnh đậm tinh thần Giáng sinh. Nữ diễn viên 38 tuổi đeo mắt kính màu bạc có hình cây thông và mặc áo ấm dài chấm chân màu trắng. Người chồng Nick Jonas đứng bên cạnh, đút tay vào túi áo khoác màu đen. Chuyện tình của Nick Jonas và Priyanka Chopra được Hollywood ngưỡng mộ và lễ cưới được xem là sự kiện thu hút giới truyền thông nhất tháng 12.2018.
Công chúa nhạc R&B Ciara “chiêu đãi” người hâm mộ trên Instagram một số clip quay cảnh cô và gia đình trang trí nhà cửa đón Giáng sinh. Ngôi sao truyền hình thực tế Paris Hilton chia sẻ đoạn video quay cảnh cô diện lần lượt 6 bộ quần áo trong đêm Giáng sinh. Còn Miley Cyrus khiến nhiệt độ đêm Giáng sinh tăng vọt khi cô gây ấn tượng với nội y lấy cảm hứng từ trang phục của ông già Noel.
Gia tộc Kardashian-Jenner vốn rất đình đám với những bữa tiệc Giáng sinh tiêu tốn hàng trăm ngàn USD và thu hút nhiều sao trong giới giải trí tới tham dự, lần đầu tiên kể từ năm 1978 hủy kế hoạch tổ chức tiệc Giáng sinh 2020 hoành tráng do Covid-19. Tuy nhiên, họ tổ chức tiệc Giáng sinh ấm cúng tại nhà mẹ của Kim "siêu vòng ba" (bà Kris Jenner) theo mong muốn của các thành viên gia đình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.