Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Đừng để kiểm duyệt phim thành 'người phán xử'!

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
19/09/2021 06:00 GMT+7

Từ việc Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới đưa ví dụ sau khi VTV chiếu phim Người phán xử thì “tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều” tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến về dự án luật Điện ảnh sửa đổi, câu chuyện kiểm duyệt phim tại Việt Nam lại được "mổ xẻ".

Nhiều người trong giới làm phim, hoạt động nghệ thuật, văn hóa thêm một lần nữa băn khoăn về quan điểm kiểm duyệt với những bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh có đề tài bạo lực, tình dục mà xưa nay bị gắn mác nhạy cảm.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, bạo lực và dục vọng luôn là hai khía cạnh lớn trong đời sống con người, và vì thế cũng luôn là chủ đề lớn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Bởi vậy theo ông Di, cách chúng ta cần làm là “đối diện chứ không phải né tránh” hai chủ đề này. Trong khi đó, theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, phim về giới tội phạm hoặc phim có cách kể bạo lực, xét ra vẫn là một “món ăn” ưa thích của khán giả khắp thế giới, đồng thời cũng là một trong những hình thái mà người làm phim có thể chọn khi cần phản ánh hiện thực nào đó, dù có thể vẫn là dưới dạng hư cấu.
Ở góc độ nhà sản xuất, bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc điều hành Mega GS, cho rằng việc kiểm duyệt phim điện ảnh và truyền hình hiện vẫn còn nhiều cái khó cho nhà làm phim. Trong khi đó, việc kiểm duyệt những sản phẩm chiếu trên mạng lại đang cho thấy sự dễ dãi hơn trong việc quản lý. “Không ít phim chiếu mạng tràn ngập cảnh đâm chém máu me, giang hồ thanh trừng lẫn nhau. Dễ thấy, môi trường mạng khó kiểm soát hơn nhiều so với phim chiếu rạp và phim truyền hình. Bởi vậy, nếu có kiểm duyệt thì các nhà quản lý cũng phải tìm cách duyệt một cách công bằng ở những những nền tảng khác nhau”, bà Vũ Thị Bích Liên bày tỏ.

Phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu vì có nội dung phản ánh hoạt động các băng nhóm xã hội đen mà lại không có sự can thiệp của chính quyền, cảnh sát

ẢNH: T.L

Ông Nguyễn Minh Tiệp, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), nêu quan điểm: “Với trình độ dân trí ngày càng nâng cao, khán giả hiện nay xem phim để giải trí, thưởng thức chứ không phải để bắt chước ai. Nếu một người đủ năng lực hành vi dân sự, xem phim nhưng không phân biệt được tốt, xấu mà bắt chước theo cái xấu, họ phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, không thể đổ lỗi cho phim ảnh. Phim ảnh không phải là yếu tố để quyết định một con người thành tốt hay xấu được”.
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng bày tỏ: “Tội phạm tăng không phải do bộ phim nào đó mới chiếu xong, mà còn rất nhiều yếu tố khác như an sinh xã hội kém, chính sách không nhất quán, thi hành pháp luật lỏng lẻo, nhiều biến cố trong xã hội, thế giới... Việc kết luận tội phạm tăng sau khi xem phim là quy chụp, chưa đủ cơ sở, chưa hiểu về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, vì chỉ mới quy nguyên nhân cho một yếu tố”. 
Trước đó ngày 14.9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Điện ảnh sửa đổi. Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ dự kiến trình ra Quốc hội 2 phương án. Trong đó, phương án 1 cho phép các nhà phát hành “tự kiểm” và chịu trách nhiệm, Bộ VH-TT-DL sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm. Còn phương án 2 là bắt buộc các phim chỉ được phổ biến trên không gian mạng khi có giấy phép của bộ này, tức là tiền kiểm.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban đề xuất thêm phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý. Cho ý kiến sau đó, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghiêng về phương án kết hợp vì cho rằng cần phải có cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm chứ không chỉ cực đoan chọn một trong hai. 

Vĩnh biệt họa sĩ của tuổi thơ

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Ngô Mạnh Lân - họa sĩ và nhà làm phim hoạt hình gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam, đã qua đời vào chiều 15.9 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.
NSND Ngô Mạnh Lân sinh ngày 9.11.1934 tại xã Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì, Hà Nội. Ông là sinh viên nhỏ tuổi nhất (khi đó mới 16 tuổi) của khóa Mỹ thuật kháng chiến (1950 - 1953) do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách. Năm 1955, ông được nhà nước cử đi học Khoa Đạo diễn hoạt hình tại Đại học Quốc gia điện ảnh Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp, năm 1962, ông về nước và công tác tại Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Ông từng giữ chức Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.

NSND Ngô Mạnh Lân

ẢNH: T.L

Ông là họa sĩ đầu tiên vẽ minh họa cho tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh ký họa, sơn dầu, cổ động, bìa tem, bìa sách... Ở mảng phim hoạt hình, nhiều bộ phim mà ông đạo diễn đoạt giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế như Mèo con dựa theo truyện ngắn Cái tết của mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi, đã giành giải Bồ nông bạc tại LHP hoạt hình quốc tế ở Mamaia (Rumani) năm 1966, bằng khen tại LHP châu Á tại Frankfurt (Đức) năm 1970; bộ phim Con sáo biết nói giành giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 1 năm 1970; bộ phim Chuyện ông Gióng nhận bằng khen tại LHP Quốc tế Moscow (Nga) năm 1971, giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 2 năm 1973… Nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân được trao tặng danh hiệu NSND năm 1997. Năm 2007, ông nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Mèo con, Chuyện ông Gióng, Con sáo biết nói, Những chiếc áo ấm, Trê cóc.

Hơn 25 tỉ đồng xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít

Ngày 14.9, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (ở xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định). Theo đó, công trình do Sở VH-TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022.

Di tích tháp Bánh Ít

ẢNH: SỞ DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

Dự án sẽ được đầu tư với quy mô gồm: Hoàn thiện đường nội bộ bằng bê tông, lát đá, xây dựng khu nhà chức năng (nhà dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, thường trực, bảo vệ, vệ sinh) thành một khối có quy mô xây dựng khoảng 712 m2 và làm hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe… Công trình sau khi hoàn thành sẽ thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu về giá trị lịch sử, kiến trúc di tích.
Theo Sở Du lịch Bình Định, tháp Bánh Ít (hay còn gọi là tháp Bạc) là một cụm các tháp Chăm pa với 4 công trình kiến trúc cổ, gồm: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia và tháp Chính được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 11 - đầu thế kỷ 12. Cụm tháp được Bộ VH-TT xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982.

Di tích quốc gia chùa Thổ Hà bị vỡ bia đá thế kỷ 17

Bia đá thế kỷ 17 của di tích quốc gia chùa Thổ Hà (xã Vân Hà, H.Việt Yên, Bắc Giang) bị vỡ trong quá trình di chuyển khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng trùng tu.
Chùa Thổ Hà là một trong những chùa đẹp tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc bộ. Chính vì thế, khi Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) ra sách Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn Di tích tập 1, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều trang để mô tả ngôi chùa và những bia đá quý tại đây. Sách có đoạn: “Trong chùa hiện còn 9 bia đá, ghi về quá trình tạo dựng và trùng tu chùa qua các thời kỳ. Trong đó có bia Tam bảo thị độ bi tạo năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) và bia bốn mặt khá lớn mang tên Thủy tạo đại thạch bi, Các chung tam quan Đoan Minh tự bi dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679)”. Tấm bia bị vỡ chính là bia bốn mặt Các chung tam quan Đoan Minh tự bi.

Tấm bia chùa Thổ Hà bị vỡ

ẢNH: NGƯỜI DÂN CUNG CẤP

Thông tin từ Sở VH-TT-DL Bắc Giang cho biết sở này đã giao việc xử lý vụ việc cho Phòng Quản lý di sản văn hóa. Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, xác nhận đúng là có vụ việc bia tứ diện 1679 bị vỡ khi di chuyển. Ông Phương cho biết: “Chúng tôi đã làm báo cáo và gửi lên Bộ VH-TT-DL để xin ý kiến chỉ đạo. Văn bản được gửi đi vào ngày 10.9”.
Theo văn bản này, dự án tu bổ tôn tạo chùa Thổ Hà đã được Bộ VH-TT-DL thỏa thuận. Dự án khởi công từ tháng 12.2019, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Việt Yên làm chủ đầu tư và giám sát công trình. Công ty cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt là đơn vị thi công. Cũng theo văn bản, ngày 8.9 đơn vị thi công tổ chức dịch chuyển bia đá (tại vị trí sân phía trước tòa Tam bảo) ra vị trí bảo quản, nhằm lấy mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà. “Tuy nhiên, khi tiến hành nâng bia lên thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảnh. Sau khi xảy ra sự việc trên, đơn vị thi công đã cho tạm dừng công việc dịch chuyển và báo cáo các cơ quan chức năng”, văn bản cho biết.

Phim Pháp về nạn phá thai bất hợp pháp đoạt giải Sư tử vàng LHP Venice

L'Événement (tựa Anh: Happening) lấy đề tài nạn phá thai bất hợp pháp vào những năm 1960 đã giành được giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2021 vào tối 11.9 (giờ địa phương). L'Événement lấy bối cảnh ở Pháp vào năm 1963 nhưng chủ đề vẫn phù hợp cho đến tận ngày nay. Audrey Diwan nói với khán giả sau khi phim trình chiếu rằng phim rất thời sự khi cuộc tranh luận về phá thai lại bùng phát ở Mỹ sau khi Texas áp dụng luật mới chống phá thai.

Nữ đạo diễn Pháp Audrey Diwan đoạt giải Sư tử vàng - phim hay nhất tại LHP Venice 2021

ẢNH: REUTERS

Phim do Audrey Diwan chỉ đạo đoạt giải cao nhất, phù hợp cho một LHP có nhiều câu chuyện về phụ nữ mạnh mẽ, trong thời điểm mà phong trào #MeToo xuất hiện rầm rộ, tạo dấu ấn trong ngành điện ảnh.
Các giải thưởng khác của LHP Venice 2021 bao gồm: giải thưởng lớn của ban giám khảo thuộc về đạo diễn người Ý Paolo Sorrentino với The Hand of God; Penelope Cruz (Tây Ban Nha) giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với vai bà mẹ đơn thân trong Parallel Mothers của Pedro Almodovar; giải Nam diễn viên chính xuất sắc thuộc về John Arcilla (Philippines) với phim On The Job: The Missing 8… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.