Sự kiện văn hóa nổi bật: Tang lễ NSND Trung Kiên tại Hà Nội

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
31/01/2021 09:30 GMT+7

Gia đình, người thân, những người bạn, đồng nghiệp, cùng nhiều thế hệ học trò đã đến tiễn biệt NSND Trung Kiên - người ông, người cha, người thầy kính yêu vào sáng 30.1, tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội).

NSND Trung Kiên qua đời sáng 27.1, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trước khi tạ thế, ông bị đột quỵ và đã nhập viện một thời gian.
NSND Trung Kiên sinh năm 1939, tại Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Ông cũng có nhiều năm là giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Ông là giọng nam cao nổi tiếng với dòng nhạc cách mạng, gắn liền tên tuổi với nhiều ca khúc như Đất nước trọn niềm vui, Phất cờ Nam tiến, Cô lái tàu, Tình ca, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Quà tháng năm dâng Người, Bài ca Trường Sơn, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người...
"Vĩnh biệt ông, người cha, người thầy kính yêu. Cái tên của hai cháu Thiện Thanh và Đăng Quang, ông đã tin yêu dành tặng. Các cháu sẽ khôn lớn, trưởng thành để ông ra đi với nụ cười trong tim”, những lời tiễn biệt NSND Trung Kiên của ca sĩ Thanh Lam được chị chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều người xúc động.
Trước ngày diễn ra lễ viếng NSND Trung Kiên, con trai ông - nhạc sĩ Quốc Trung đã nhắn gửi với mọi người về việc gia đình xin phép không nhận vòng hoa và phong bì phúng viếng.
“Gia đình tôi là những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nên muốn tang lễ diễn ra trang trọng, ấm áp, tình cảm, văn minh và để bảo vệ môi trường. Sự hiện diện của quý vị tại tang lễ cùng sự chia sẻ mất mát với gia đình đã là điều quý trọng nhất với chúng tôi", nhạc sĩ Quốc Trung viết.

NSND Trung Kiên

ẢNH: T.L

Người thầy vun đắp nhiều thế hệ nghệ sĩ

NSND Quốc Hưng (Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), là học trò của NSND Trung Kiên, luôn kính trọng người thầy của mình.
“Ông là người có công lớn trong lĩnh vực thanh nhạc của Việt Nam, bởi ông không những đào tạo trực tiếp ra những nghệ sĩ, ca sĩ, mà còn là người biên soạn giáo trình thanh nhạc từ trung cấp, đại học, cao học, nghiên cứu sinh, phổ biến đến những trường nhạc chuyên nghiệp trong cả nước”, ông Hưng nói.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhận thấy một nhà nghiên cứu ở NSND Trung Kiên. “Ông nghiên cứu để đưa những kỹ thuật âm nhạc cổ điển phương Tây áp dụng vào trong giảng dạy thanh nhạc phù hợp với đặc thù giọng của người Việt. Đóng góp của ông cũng ở cả việc dịch nhiều những khúc aria trích trong các opera nổi tiếng thế giới hay các romance, ca khúc từ tiếng Nga sang tiếng Việt dùng trong giảng dạy. Nhiều tác phẩm đã không chỉ ở trong khuôn khổ những lớp học mà đã sống trong đời sống nghệ thuật”, ông Long bày tỏ.
NSND Đỗ Lộc chia sẻ: “Nghệ sĩ Trung Kiên thực sự là hạt giống đỏ được đào luyện căn cơ để trở thành cây tenor chuẩn chỉnh của làng nhạc cách mạng Việt Nam”.
“NSND Trung Kiên là một trong những danh ca thuộc thế hệ vàng, mà những nghệ sĩ lớn có tên tuổi như Quốc Hương, Trần Khánh, Ngọc Dậu, Mai Khanh là thế hệ đi trước. Nối tiếp sau là những nghệ sĩ Trần Hiếu, Quý Dương, Trung Kiên... Đấy là những nghệ sĩ đã bắt đầu cống hiến cho nền ca hát nước nhà vào những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước.
Trong suốt chặng đường chống chiến tranh phá hoại của Mỹ từ những năm 1965 đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, trong chương trình biểu diễn ca nhạc, từ thu thanh đến truyền hình, NSND Trung Kiên là một trong những nghệ sĩ đã thể hiện nhiều bài hát trở nên phổ biến”, NSND Quang Thọ một người học trò của NSND Trung Kiên chia sẻ với Thanh Niên.

Bố già là một trong bốn phim Việt trên "đường đua" tết Tân Sửu 2021

ẢNH: ĐPCC

Phim tết "ngồi trên đống lửa"

Dù lịch chiếu ra mắt báo giới và ngày công chiếu vào mùng 1 tết Tân Sửu 2021 đã sẵn sàng, nhưng ê kíp sản xuất 4 phim tết đang thấp thỏm như “ngồi trên đống lửa” trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Chiều 29.1, các nhà phát hành, sản xuất, đạo diễn của 4 bộ phim chiếu tết Tân Sửu 2021 là Bố già, Gái già lắm chiêu V, Lật mặt 5: 48h, Trạng Tí phiêu lưu ký liên tục cập nhật thông tin về việc có chiếu ra mắt, quảng bá phim cho báo giới và khách mời vào tuần sau như lịch đã định trước hay không. Bởi dịch Covid-19 hiện đang bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước.
Ê kíp phim Bố già chiều 29.1 đã ra thông báo khẩn hủy sự kiện ra mắt phim vào tối 2.2 tại TP.HCM và tối 5.2 tại Hà Nội. “Việc hủy sự kiện là một quyết định khó khăn với đơn vị sản xuất và nhà phát hành, nhưng ê kíp Bố già mong muốn khán giả có thể yên tâm thưởng thức trọn vẹn tác phẩm ở thời điểm thích hợp và an toàn nhất”, Trấn Thành, người đảm nhận 3 vai trò: nhà sản xuất - đạo diễn - diễn viên chính của phim, cho biết. Còn bà Huyền Trang - đại diện đơn vị phát hành Galaxy, nói: “Hơn 1.000 con người, hơn 1.000 giờ làm việc của các team (đội) để chuẩn bị cho 2 event (sự kiện) được xem là lớn nhất từ trước giờ của phim Việt... Nhưng do tình hình dịch bệnh nên chúng tôi quyết định hủy tất cả lịch họp báo ở hai miền”.
Tương tự, đạo diễn NamCito và Bảo Nhân đã đưa ra quyết định hủy buổi chiếu ra mắt phim Gái già lắm chiêu V vào trưa 5.2 tại Hà Nội, mặc dù đã gửi thiệp và hoàn thành các công tác chuẩn bị sự kiện. Nhà sản xuất Mar6 Pictures của phim trong tối 29.1 đã tổ chức ngay một buổi họp báo bằng hình thức livestream (phát trực tuyến) lúc 20 giờ trên fanpage chính thức của phim để cập nhật những thông tin mới nhất và cho biết sẽ hoãn luôn buổi chiếu ra mắt tại TP.HCM (tối 3.2).
Hai bộ phim chiếu tết còn lại cũng đã mời khách tham dự buổi chiếu ra mắt tại TP.HCM là Trạng Tí phiêu lưu ký (tối 4.2) và Lật mặt 5: 48h (tối 7.2). Tuy hiện tại cả hai phim chưa có thông báo chính thức về việc hủy, hoãn chiếu ra mắt, nhưng nhiều thông tin hậu trường cho biết 90% sẽ tạm hoãn để chờ thông báo mới từ cơ quan chức năng.
Trước những khó khăn sẽ gặp phải bởi dịch Covid-19 lúc này, “cuộc đua” phim tết đã khá căng thẳng vì phim nào cũng có sự đầu tư lớn: khoảng 25 tỉ đồng với Bố già, khoảng 43 tỉ đồng với Trạng Tí phiêu lưu ký; còn Lật mặt 5: 48h, Gái già lắm chiêu V được đầu tư ở mức 35 - 40 tỉ đồng. Đạo diễn Lý Hải của Lật mặt 5: 48h nói: “Phim tôi làm lần này đã quá gian truân, quay khó hơn đến mức suýt mất mạng trong những cảnh hành động và phải dời chiếu từ 30.4.2020 đến tết 2021 mới ra mắt. Vậy mà… Tôi chỉ cầu mong phim hoàn vốn. Tôi chỉ biết làm sao để sản phẩm mình tốt nhất có thể, tốt hơn phần trước của mình. Điều khiến tôi trăn trở nhất không phải là việc đối đầu giữa phim này phim kia mà là dịch Covid-19. Kể cả 4 bộ phim có quảng bá rầm rộ và làm tốt đến đâu, nếu Covid-19 “ghé thăm” thì không lường trước được”.
Tương tự, Trấn Thành cho biết lần này anh muốn chơi một “ván cờ” lớn khi đầu tư cho Bố già cả ở những cảnh quay, chất lượng nội dung lẫn chi phí quảng bá. Thực tế, Bố già trong một tháng qua đã tưng bừng “phủ sóng” trên YouTube lẫn các bảng quảng cáo lớn khắp các trung tâm thương mại, ở các vòng xoay lớn ngoài đường phố Hà Nội, TP.HCM. Thế nhưng, hiện tại Trấn Thành chỉ biết cảm thán nỗi lòng khi phải hủy sự kiện chiếu ra mắt và không biết phim có ra rạp được vào dịp tết này hay không: “Bố già của tôi sẽ ra sao đây? Giờ thật sự không biết sao luôn!”.
Còn với Trạng Tí phiêu lưu ký, sau một thời gian dài vướng scandal quanh chuyện bản quyền với họa sĩ Lê Linh, bị khán giả tẩy chay ồn ào, những tưởng khi đã giải trình rõ ràng vào cuộc họp báo tuần trước, ê kíp sản xuất sẽ dồn tâm sức vào kế hoạch quảng bá phim để “đua” với 3 phim còn lại, nhưng nay vì dịch Covid-19, phim lại không biết xử trí ra sao với những buổi giao lưu để đến gần với khán giả hơn.
Năm 2020, Gái già lắm chiêu 3 phá vỡ kỷ lục phim Việt khi đạt 100 tỉ đồng doanh thu trong thời gian ngắn nhất và thu về hơn 165 tỉ đồng sau 2 tuần công chiếu. Đến 2021, Gái già lắm chiêu V trở lại với mức đầu tư gấp đôi. Đạo diễn Bảo Nhân - NamCito chia sẻ: “Mùa tết năm nay, 4 bộ phim đều ngang tài ngang sức, đều từ những nhà sản xuất lớn, có tên tuổi, kinh phí mỗi phim rất lớn. Trong “cuộc đua” này, cái được nhất là 4 phim không “giẫm chân” lên nhau vì theo 4 thể loại khác nhau. Hiện giờ, điều lo ngại nhất là vi rút SARS-CoV-2. Tôi chỉ mong dịch Covid-19 lần này được kiểm soát tốt để khán giả vẫn có thể tới rạp trong điều kiện có khẩu trang và rửa tay khử khuẩn. Chúng tôi vẫn luôn có niềm tin một bộ phim đủ sức lôi kéo ở chất lượng, thì khán giả sẽ ra rạp bỏ tiền mua vé xem”.

Tối 28.1, chương trình Táo quân tạm dừng ghi hình có khán giả tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội

ẢNH: VFC

Hủy nhiều chương trình, hoạt động văn hóa - giải trí

* TP.HCM: Theo kế hoạch, live concert Rap Việt All-Star diễn ra từ 15 giờ (các hoạt động phụ) và 20 giờ (show chính thức) vào ngày 30.1 tại Trung tâm SECC, Q.7, TP.HCM. Tuy nhiên tối 29.1, nhà sản xuất đã quyết định tạm hoãn chương trình do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sự kiện sẽ được tổ chức lại trong thời gian sớm nhất ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát và được sự cho phép của cơ quan chức năng. Nhà sản xuất sẽ cập nhật về kế hoạch tổ chức lại sự kiện trên trang Facebook chính thức của chương trình.
Rap Việt All-Star là live concert được đầu tư lớn, thể hiện ở sự tham gia của đông đảo các rapper, nhà sản xuất, DJ đình đám và đang được yêu thích hiện nay.
* Hà Nội: Nhiều chương trình tại Hà Nội đã bị hủy hoặc diễn ra không có khán giả. Tối 28.1, chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân bất ngờ dừng ghi hình có khán giả. Đại diện Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN (VFC) thông tin: “Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ban tổ chức chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân rất tiếc không thể tổ chức ghi hình có khán giả vào tối 28.1”. Chương trình đã ghi hình có khán giả trong hai buổi 26 và 27.1. Cũng theo thông tin từ VFC, Táo quân vẫn phát sóng như bình thường vào tối 30 tết. Nhiều chương trình khác cũng đã phải tạm hoãn. Chương trình Khoảnh khắc có sự tham gia của ca sĩ Trọng Tấn, Trần Thu Hà… đã buộc phải hủy chỉ vài tiếng đồng hồ trước thời điểm dự kiến diễn ra (tối 28.1). Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh xin lỗi khán giả về việc không thể tham gia đêm nhạc vào tối 29.1 tại Hà Nội. Trên trang cá nhân, nhiều nghệ sĩ và ca sĩ cũng chia sẻ về việc bị hủy show diễn, như Tùng Dương, Trọng Tấn, Nguyễn Ngọc Anh...
* Quảng Nam: Ngày 29.1, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết chương trình sân khấu thực cảnh Hội An show theo kế hoạch biểu diễn tối 30.1 đã phải tạm hoãn. Hội An show do UBND TP.Hội An, Trung tâm VH-TT và TT-TH TP.Hội An, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp Đài tiếng nói VN, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức; do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản và tổng đạo diễn, dự kiến diễn ra trên sân khấu mở, trải dài khu vực chùa Cầu, sông Hoài và phố cổ.

Rapper Binz

ẢNH: BTC

Bigcityboi của Binz thắng lớn tại Làn sóng xanh 2020

Tối 28.1, lễ trao giải thưởng âm nhạc Làn sóng xanh 2020 (Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM) đã diễn ra tại Nhà hát VOH - Music One (TP.HCM).
Kết quả: Bản Bigcityboi “làm mưa làm gió” thị trường âm nhạc năm qua đã mang đến cho rapper Binz 3 giải thưởng: Nam ca sĩ của năm, Ca sĩ đột phá, Bài hát hiện tượng cùng giải Hòa âm phối khí cho nhà sản xuất Touliver. Các giải thưởng khác (cũng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn) gồm: Nữ ca sĩ của năm: Amee; Sự kết hợp xuất sắc: Amee - Lyly - Hứa Kim Tuyền - TDK - Ricky Star (ca khúc Sao anh chưa về nhà); Gương mặt mới xuất sắc: Hoàng Dũng (sáng tác và thể hiện Nàng thơ); Ca khúc của năm: Hoa nở không màu (sáng tác: Nguyễn Minh Cường); MV của năm: Không thể cùng nhau suốt kiếp (ca sĩ Hòa Minzy, đạo diễn Kawaii Tuấn Anh); giải thưởng đặc biệt gồm Album của năm: Dreamee (ê kíp ca sĩ Amee) và Dự án của năm: Love Songs 4 (ê kíp ca sĩ Hồ Ngọc Hà).
Ngoài ra còn có các giải do khán thính giả bình chọn: Nam/Nữ ca sĩ được yêu thích nhất: Jack/Bích Phương; Top 10 ca khúc được yêu thích nhất: Anh thanh niên (HuyR), Em không sai chúng ta sai (Nguyễn Phúc Thiện), Có chắc yêu là đây (Sơn Tùng M-TP), Hơn cả yêu (Khắc Hưng), Chân ái (Châu Đăng Khoa), Em bỏ hút thuốc chưa (Tiên Cookie), Bigcityboi (Binz), Hoa nở không màu (Nguyễn Minh Cường), Hoa hải đường (Jack), Thiên đàng (Wowy - Phạm Hải Âu).

Dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần xuân Tân Sửu 2021

ẢNH: LÊ TÂN

Nam Định không tổ chức Lễ hội đền Trần và chợ Viềng xuân Tân Sửu 2021

UBND tỉnh Nam Định vừa có liên tiếp 2 công văn về việc dừng tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần và chợ Viềng trong dịp xuân Tân Sửu 2021.
Theo các công văn nói trên, ngày 21.1, UBND tỉnh Nam Định nhận được văn bản đề nghị số 50/UBND-VHTT của UBND H.Nam Trực về việc xin ý kiến dừng tổ chức chợ Viềng xuân Tân Sửu 2021; văn bản đề nghị số 75/UBND-VX của UBND TP.Nam Định và văn bản đề nghị số 76/SVHTTDL-PQLDSVH của Sở VH-TT-DL Nam Định về việc xin ý kiến dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần dịp xuân Tân Sửu 2021.
Sau khi xem xét nội dung các văn bản đề nghị nói trên, kết hợp xem xét văn bản số 96/SYT-NYV ngày 21.1 của Sở Y tế Nam Định về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu và dịp lễ hội xuân 2021, UBND tỉnh Nam Định đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, qua đó đồng ý với đề nghị dừng tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần và chợ Viềng xuân Tân Sửu 2021.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 26.1, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định, cho biết lý do chính dẫn đến việc Nam Định dừng tổ chức một loạt các lễ hội lớn dịp xuân Tân Sửu 2021 là do dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng, nhất là những nơi tập trung quá đông người đến từ nhiều địa bàn.
Được biết, lễ hội khai ấn đền Trần dừng tổ chức song nghi thức khai ấn truyền thống của các cụ cao niên P.Lộc Vượng (TP.Nam Định) vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, nghi thức khai ấn và phát ấn còn chờ chỉ đạo từ UBND TP.Nam Định và UBND tỉnh Nam Định.
Từ mùa lễ hội 2020, ban tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần đã chuyển đổi hình thức từ phát ấn trực tiếp sang chuyển qua đường bưu điện.
Dịp xuân Canh Tý 2020, để tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Nam Định cũng đã quyết định dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp một loạt các lễ hội lớn dịp xuân tại Nam Định phải dừng do ảnh hưởng của Covid-19.

Dự án phim mới Bào thai kỳ lạ của biên kịch Ninh Hạo khai thác chuyện mang thai hộ - một đề tài nhạy cảm ở Trung Quốc

ẢNH: IC

Phim về đề tài mang thai hộ gây tranh cãi gay gắt ở Trung Quốc

Global Times đưa tin, dư luận Trung Quốc đang xôn xao bàn tán về dự án phim khai thác đề tài mang thai hộ của biên kịch Ninh Hạo.
Theo thông tin từ Global Times, dự án phim mới của biên kịch Ninh Hạo mang tên Feichang Yunshi (tạm dịch: Bào thai kỳ lạ). Tác phẩm kể về câu chuyện một người mẹ hành hương đến đất nước xa lạ, sau khi con gái bà không may qua đời tại đây. Khi đến nơi, bà phát hiện ra con gái mình đã để lại một quả trứng đông lạnh. Người mẹ cố gắng tìm cách "biến" quả trứng trở thành đứa trẻ, đồng thời tìm ra sự thật đằng sau cái chết của con gái. Trên hành trình này, bà bắt đầu hiểu hơn về con gái mình.
Cục quản lý điện ảnh Trung Quốc đã cấp phép cho dự án khởi quay. Quyết định này "châm ngòi" cho làn sóng tranh cãi tại đất nước tỉ dân về chuyện có nên thực hiện một bộ phim về đề tài mang thai hộ hay không. Từ khóa "Bào thai kỳ lạ đã được phê duyệt" thu hút khoảng 220 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo và Twitter. Phần đông ý kiến đều nhận xét, tác phẩm đi ngược lại quy định cấm mang thai hộ dưới mọi hình thức của chính phủ Trung Quốc. Gần đây, scandal nữ diễn viên Trịnh Sảng sang Mỹ thuê người mang thai hộ, sau đó đòi bỏ rơi con càng khiến nhiều khán giả lên tiếng phản đối dự án. Họ chỉ trích biên kịch Ninh Hạo đang lợi dụng bê bối gây chấn động làng giải trí của Trịnh Sảng để quảng bá "đứa con tinh thần" của mình.
Trả lời dư luận, biên kịch Ninh Hạo khẳng định dự án được giới chức Trung Quốc phê duyệt từ tháng 9 năm ngoái nên không hề liên quan đến vụ lùm xùm mới nổ ra của Trịnh Sảng. Tại thời điểm này, nam biên kịch đã tiết lộ với truyền thông rằng bộ phim tiếp theo của anh sẽ xoay quanh đề tài mang thai hộ. Một số quan điểm cũng bênh vực biên kịch Ninh Hạo với lý do vẫn còn quá sớm để biết được Bào thai kỳ lạ phác hoạ chuyện mang thai hộ như thế nào, nên không thể vội vàng tẩy chay bộ phim.
Nhiều chuyên gia ở Trung Quốc tỏ ra lo ngại nếu dự án Bào thai kỳ lạ ra rạp rộng rãi. Một giáo sư tại Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Bắc Kinh không nghĩ bộ phim sẽ thành công tại phòng vé trong tương lai, nhưng có thể gây ra tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Giáo sư luật truyền thông Vương Tứ Tân tại Đại học Truyền thông Trung Quốc cho rằng cần phải xem xét nhiều yếu tố khi thực hiện ghi hình về đề tài mang thai hộ, quan trọng nhất là không được cổ súy. "Đội ngũ sản xuất tác phẩm về đề tài nhạy cảm này không được vượt qua giới hạn của luật pháp cũng như đạo đức xã hội", giáo sư Vương nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.