'Sự kết nối' - Năng lượng cho một hành trình…

09/06/2014 19:58 GMT+7

(TNO) Ngày 8.6, tại New Space Arts Foundation (NSAF), 15 Lê Lợi, TP.Huế - một không gian quen thuộc của nghệ sĩ và giới thưởng ngoạn nghệ thuật ở Huế - khai mở một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của họa sĩ trẻ Hoàng Anh trên con đường sáng tạo: Triển lãm nghệ thuật Sự kết nối (kết thúc vào ngày 23.6).


Không gian nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ Hoàng Anh - Ảnh: M.T.P

Đây là sự tiếp nối và phát triển vượt bậc của ý tưởng được khởi đi từ Kết nối - triển lãm hội họa cá nhân đầu tiên của Hoàng Anh cách nay 10 năm, cũng tại Huế. Ý tưởng này đã luôn được anh nuôi dưỡng, rèn giũa, đào luyện qua thời gian, không gian… từ Huế, TP.HCM, Đà Lạt, Hàn Quốc, Úc… để rồi trở lại Huế một cách toàn diện, thấu đáo dưới hình hài một triển lãm thị giác kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật mang đậm tinh thần đương đại.

Hơn 30 bức chân dung sơn dầu được vẽ khá chi tiết và được sắp xếp thành 4 cụm trong không gian rộng thoáng của NSAF không theo cách thông thường, mà được họa sĩ sắp đặt theo ý tưởng của Sự kết nối với tinh thần chung của triển lãm.

Hệ thống ống dẫn được thể hiện trong các bức chân dung nối liền với nhau khi ghép lại, đồng thời vươn thoát ra khỏi các bức tranh bằng những đường ống thật, thành một hệ thống kết cấu hòa lẫn giữa ảo và thực… tăng hiệu quả liên kết và hiệu quả biểu cảm thị giác.

Hệ thống ống dẫn và những bộ trang phục trang trọng giống hệt nhau gợi không khí lạnh lẽo khô cứng một cách công nghiệp, như một cảnh báo của những mối quan hệ giữa con người với nhau đang ngày càng công thức hóa, hời hợt và lạnh nhạt dần… trong đời sống hiện tại có quá nhiều biến động, khiến con người bị cô lập ngay trong chính nỗi cô đơn của mình.

Trong bối cảnh đó, những khuôn mặt trong các bức tranh lại mang sắc hồng của sự sống, đây chính là điểm quan trọng của hệ thống tác phẩm Sự kết nối. Điều đó mang lại một cái nhìn khác cho người xem: ẩn dưới vẻ lạnh lẽo và vô tri của hệ thống không gian trong tranh là một sự luân chuyển vô hình của một điều gì đó như là sự sống, như là năng lượng… nuôi dưỡng những khuôn mặt, những phận người tưởng chừng như xa cách, cô độc… gắn kết chúng lại với nhau như những tế bào của một cơ thể sống.

Đây cũng chính là giá trị nhân bản của hệ thống tác phẩm, được họa sĩ thể hiện một cách tinh tế, ẩn khuất đằng sau những biểu hiện bề ngoài khô lạnh, tạo nên sự đối lập, gây cảm hứng cho người xem như một lời kêu gọi trở về với những giá trị nhân văn: sự liền lạc của ký ức, sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và lòng nhân ái.

Mỗi cụm tác phẩm được bài trí gợi lên đồ hình của cây phả hệ bằng hình ảnh, như giá trị của những tế bào xã hội, sự gắn kết của các thế hệ trong mỗi gia đình tạo nên giá trị cho dòng tộc và sẵn sàng kết nối với những giá trị của các tế bào khác, làm nên sức mạnh của cả cộng đồng, xã hội trong việc bảo vệ con người khỏi sự ghẻ lạnh, cô đơn, băng hoại về tinh thần và cảm xúc.

Tác phẩm của Hoàng Anh là một sự kết nối của quá khứ với tương lai, con người với con người, con người với đời sống đang thiếu vắng và xa rời thiên nhiên, con người với sự thiếu vắng cảm thông, chia sẻ và lòng nhân ái…

Minh Thùy Phan

>> Triển lãm mỹ thuật về chủ quyền biển đảo
>> Triển lãm tranh và điêu khắc về chủ quyền biển đảo Việt Nam
>> Triển lãm ấn phẩm văn hóa Phật giáo
>> Họa sĩ Nhật Bản được yêu thích
>> Họa sĩ Trần Ngọc Huyền đã về với Hương của đất
>> Công trình đồ sộ của họa sĩ Uyên Huy
>> Triển lãm hội họa của 10 nữ họa sĩ
>> Họa sĩ gốc Việt tham dự 3 triển lãm mỹ thuật danh giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.