Sống lại nghề xưa - Kỳ 2: Hồi sinh pháp lam Huế

29/06/2013 04:00 GMT+7

Ngồi trong gian nhà rường tại công viên Tứ Tượng (Huế), nơi trưng bày hàng trăm sản phẩm pháp lam trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2013 vừa qua, kỹ sư, họa sĩ Đỗ Hữu Triết đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hồi sinh pháp lam Huế.

Lập nghiệp từ nghề đã thất truyền

“Tốt nghiệp ngành vật lý, Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Huế), ngành học không liên quan gì đến pháp lam (là những sản phẩm được làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ - PV) nhưng duyên nghiệp đã đưa tôi về làm tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế để rồi từ đó gắn chặt cuộc đời với pháp lam”, anh Triết cho biết.

Chính những năm tháng nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn di tích ở Huế đã khiến kỹ sư Triết đến với pháp lam. Ban đầu ý tưởng muốn nghiên cứu, phục hồi pháp lam đến với anh từ thực tiễn công việc. Bởi trên nhiều kiến trúc cung đình triều Nguyễn đều sử dụng pháp lam trang trí từ nội thất đến ngoại thất. Trải qua thời gian, chiến tranh cũng như những biến thiên của lịch sử, nhiều công trình kiến trúc đã xuống cấp, đổ nát. Nếu trong quá trình trùng tu, bảo tồn phục hồi lại những công trình này mà thiếu pháp lam thì không thể nói là công trình đã được phục hồi nguyên gốc. Đó chính là lý do mà những người làm công tác trùng tu di tích Huế đều trăn trở, trong đó có anh.


Bộ đèn pháp lam kỷ lục được ra mắt trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2013 - Ảnh: B.N.L
 

Theo anh Đỗ Hữu Triết, pháp lam là một kỹ nghệ bắt nguồn từ châu u và đã phát triển rực rỡ vào khoảng từ thế kỷ 13 -18, nhằm phục vụ cung đình và giới quyền quý. Sau khi du nhập vào Trung Hoa rồi đến VN, pháp lam trang trí tại cung đình Huế chỉ tồn tại hơn nửa thế kỷ trong thời hưng thịnh của triều Nguyễn, từ đời vua Minh Mạng đến Tự Đức (khoảng từ năm 1820 -1883). Thời kỳ này, ngay trong triều đình Huế đã có xưởng chế tác pháp lam và đặt tên Pháp lam tượng cục, thuộc Bộ Công. Sau đó pháp lam dần mai một và thất truyền.

Từ thực tiễn công việc anh Triết đã bắt tay nghiên cứu pháp lam rồi tìm cách khôi phục lại công nghệ đã thất truyền này. Năm 2005, anh đã chọn đề tài Phục dựng pháp lam Huế làm luận án tốt nghiệp thạc sĩ.

Anh Triết kể: “Hồi ấy khi thấy tôi đăng ký đề tài này, hầu hết các thầy đều giật mình. Bởi đây là một đề tài quá khó đối với một người trẻ. Tôi tốt nghiệp ngành vật lý, trong khi pháp lam cần họa sĩ, những nghệ nhân gốm, sơn mài... Mặc dù đề tài rất cần thiết cho Huế trong việc phục dựng các tác phẩm pháp lam, đặc biệt là tranh tường cổ ở Đại Nội, cung An Định và các lăng tẩm triều Nguyễn, nhưng ở thời điểm ấy, sau hơn 200 năm vắng bóng vẫn chưa ai đứng ra làm hồ sơ, phục dựng một cách đầy đủ về pháp lam cả”.

Qua bao năm dày công nghiên cứu, phục dựng các tác phẩm pháp lam, Đỗ Hữu Triết đã đúc kết được những kết luận khá sắc sảo về pháp lam Huế. Không chỉ trên lý thuyết, Triết còn mày mò lập xưởng thử nghiệm khôi phục lại pháp lam. Sau nhiều lần thất bại cuối cùng những mẫu sản phẩm pháp lam đầu tiên được phục dựng đã ra đời. Từ thành công ban đầu đó, anh đã đúc rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần quy trình công nghệ. Đến nay anh cùng các cộng sự đã phục hồi được pháp lam Huế.

Anh Triết còn mở Công ty pháp lam Thái Hưng để chiêu mộ những nghệ nhân gốm, họa sĩ, thợ sơn mài... cùng nhau vực dậy nghề thủ công. Đến nay công ty của anh đã cho ra đời nhiều sản phẩm như tranh pháp lam, pháp lam trên gốm, pháp lam trang trí nội thất cùng nhiều sản phẩm lưu niệm, đồ trang sức pháp lam... độc đáo được du khách ưa chuộng.

Ước mơ thương hiệu pháp lam Huế

Anh Triết cho biết, mặc dù đã đạt được những thành quả ngoài mong đợi, nhưng xét về góc độ kỹ thuật, mỹ thuật và cả việc phổ quát rộng rãi để pháp lam thực sự là một nghề thủ công thì anh Triết cùng những cộng sự vẫn chưa làm được. Trăn trở lớn nhất của anh là làm sao tạo dựng thương hiệu đẳng cấp pháp lam Huế, phát triển nghề này lên một tầm cao mới để có thể ngang bằng nghệ thuật pháp lam của các nước châu u.

Theo anh Triết, muốn có một sản phẩm pháp lam nguyên mẫu làm hàng lưu niệm sẽ tốn nhiều thời gian và tiền đầu tư, nên giá thành rất cao. Một khi giá thành quá cao thì sản phẩm sẽ khó bán nên sự lan tỏa của pháp lam đương nhiên bị bó hẹp. Vì vậy, những sản phẩm pháp lam của anh làm ra không chỉ dựa trên những họa tiết truyền thống, các mẫu pháp lam cổ, mà còn có họa tiết trang trí kiểu mới. Mục tiêu của Triết là đưa pháp lam ra khỏi “giới hạn” của việc trùng tu các di tích để đến gần với người dân và khách du lịch hơn.

Để quảng bá cho pháp lam Huế, trong Festival Nghề truyền thống Huế 2013, vừa rồi, anh Đỗ Hữu Triết và các cộng sự đã cho ra mắt đôi đèn pháp lam kỷ lục đặt ở công viên Tứ Tượng - Huế. Đôi đèn do 100 họa sĩ, nghệ nhân và thợ pháp lam làm việc ròng rã hơn một năm trời, với chi phí đầu tư lên đến 2,5 tỉ đồng. Phần lồng đèn được lắp ghép 2.000 mảnh kính màu pháp lam và nung ở nhiệt độ 800 độ C. Các mảnh kính sau khi đã phủ màu pháp lam được lắp ghép với nhau. Đèn được chiếu sáng bằng 120 bóng đèn chóa.

Bùi Ngọc Long

>> Sống lại nghề xưa - Người mang thổ cẩm đi Tây
>> Hàng vạn lượt khách đến Quảng Nam trong dịp Festival
>> Bế mạc Festival Biển 2013
>> Không gian Trường Sa - Hoàng Sa tại Festival Biển 2013
>> Bình ổn giá dịp Festival Di sản Quảng Nam
>> Tuyển tình nguyện viên cho Festival di sản 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.