Thầy giáo khuyết tật có tấm lòng vàng

08/08/2021 06:15 GMT+7

Ở tổ dân phố Thanh Lam (TT.Phú Đa, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) có một người khuyết tật mà bà con địa phương gọi bằng cái tên trìu mến: “Thầy giáo của những trẻ em nghèo”. Đó là ông Nguyễn Trai, 58 tuổi.

Vượt lên số phận

Ông Trai bị chứng teo cơ từ nhỏ do di chứng chất độc màu da cam từ người bố truyền lại. Ông cho biết: Năm học lớp 9, trên đường đi học về, thấy hai đầu gối của mình tự nhiên va vào nhau kêu cầm cập, thế là Trai ngã khuỵu xuống đường không còn đi được nữa. Gia đình chuyển ông lên Bệnh viện T.Ư Huế để chữa trị, nằm viện chừng một tháng thì kinh tế gia đình kiệt quệ, thế nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, Bệnh viện T.Ư Huế giới thiệu Trai ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng vì gia cảnh quá nghèo khó nên “lực bất tòng tâm” đành dù võng “cõng” Trai về nhà trong sự chán chường, tuyệt vọng của gia đình, người thân.
Lúc đầu, mọi sinh hoạt cá nhân hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ của người thân. Tưởng chừng cuộc sống của Trai đã kết thúc từ đây, bao hoài bão ước mơ, khát khao ấp ủ của tuổi trẻ dường như đã đặt dấu chấm hết. Thế rồi, bằng ý chí và nghị lực của chàng thanh niên 17 tuổi, Trai đã nỗ lực luyện tập suốt đêm ngày như đứa trẻ mới lên ba: tập bò, tập ngồi… Ngày tháng dần trôi, sự cố gắng vượt bậc đó đã được đền đáp: Trai biết ngồi dậy, biết đứng rồi dần dần biết đi. Thế là niềm hạnh phúc ngập tràn, vỡ òa trong căn nhà lá và hiện rõ trong ánh mắt Trai cùng những người thân.
Năm 1985, xã Phú Đa là một trong những địa phương nghèo nhất H.Phú Vang, số trẻ em thất học chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Năm 1987, ông Trai tham gia dạy lớp xóa mù chữ ở địa phương. Đến năm 1990, thấy nhiều em trong xóm làng vẫn còn mù chữ, lại suốt ngày chơi bời lêu lổng hoặc lam lũ ngoài đồng ruộng, chỉ biết tiếp xúc với con rạm, con ốc. Khái niệm “con chữ” và “đi học” đối với tụi trẻ ở đây quá xa vời. Thế là ông nảy sinh ý định phải làm một việc gì đó để giúp các em. Lớp học miễn phí được ra đời từ đó.
Lúc đầu chỉ có vài ba đứa trong xóm đến học. Tiếng lành đồn xa, dần dần trẻ em trong 8 thôn của xã đều đến xin “thụ giáo” với thầy Trai, số học sinh nhanh chóng tăng lên vài chục em. Thuở đó, ông Trai sống chung với bố mẹ già yếu, gia đình đông anh em không có chỗ để dạy, thế là ông mượn cái chòi giữ vườn của hàng xóm để mở lớp. Lớp học của thầy Trai là lớp ghép (từ lớp 1 đến lớp 5), thầy lê từng bước chân nặng nhọc đến bên này để hướng dẫn các em học môn tiếng Việt, rồi quay lại phía bên kia để sửa bài toán, uốn nắn chữ viết cho các cháu. Hằng ngày, trong căn nhà nhỏ của thầy ở Thanh Lam vẫn vang lên tiếng bi bô đọc bài của con trẻ, đầy ắp tiếng cười trẻ thơ…
Điều đáng nói, công việc của thầy Trai hoàn toàn tự nguyện, dạy miễn phí không đòi hỏi thù lao. Để chia sẻ những khó khăn của gia đình thầy, sau khi con em học xong 1 tháng thì phụ huynh đến giúp thầy 1 ngày công lao động như làm vườn, cuốc đất hoặc sửa lại cái chuồng gà, xây chái bếp… Sau 3 tháng hè gửi con học ở thầy Trai, có người trả công thầy bằng mấy chục cân gạo, mớ khoai, bao sắn…
Trước sự “đối đãi” đa dạng, chân tình của các bậc phụ huynh, thầy mỉm cười và hoan hỷ đón nhận tấm lòng của họ - phụ huynh ở đây tuy nghèo khó nhưng luôn chan chứa tình. Thương cảnh túng thiếu của “lớp học” thầy Trai, do chỉ che được nắng chứ không chịu được mùa mưa lũ, năm 2004 có một nhà hảo tâm ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) hỗ trợ 30 triệu đồng để thầy xây một phòng học khang trang.
Suốt 34 năm qua, công việc “trồng người” của thầy vẫn diễn ra âm thầm, lặng lẽ trong căn phòng 20 m2 nằm sâu hun hút, bị che khuất bởi những tán phi lao, bạch đàn rậm rịt. Cũng trong ngần ấy thời gian, thầy đã giúp hàng trăm em học sinh nghèo ở đây thoát mù, trong số đó có nhiều em trở thành giáo viên, cán bộ xã, huyện.
Thấy giáo khuyết tật có tấm lòng vàng1

Lớp học hè ở nhà thầy Nguyễn Trai lúc chưa có dịch Covid-19

Những ngày hè này, chúng tôi đến thăm lớp học của thầy Trai, lớp có 16 em độ tuổi từ 6 - 14, được chia làm 2 lớp: 1 lớp học thứ hai, tư, sáu và 1 lớp học thứ ba, năm, bảy. Trong đó, có 3 em khuyết tật: T. (bệnh down) 12 tuổi đang được thầy dạy lại kiến thức lớp 1; P. (thiểu năng trí tuệ) 13 tuổi được thầy “biên chế” vào học lớp 3; L. (thiểu năng trí tuệ) 14 tuổi đang học lớp 3.
Lớp học của thầy Trai có nhiều em có hoàn cảnh đáng thương: Ma Hoàng Anh, 10 tuổi, bố mẹ ly hôn, 2 anh em sống với người cha tật nguyền làm nghề hớt tóc; Đinh Khắc Vũ mồ côi mẹ, ba bị tai nạn giao thông không làm được việc nặng; Phan Thị Tâm 5 tuổi, ba mẹ ly hôn, cháu sống với ông bà ngoại già yếu… Thầy Trai đã trích từ số tiền trợ cấp tật nguyền (405.000 đồng/tháng) của mình để mua sách, vở, viết, phấn… tặng cho các em.

Có “người yêu” về ở chung nhà

Đến năm 2004 có một người phụ nữ ở cùng xóm - bà Đặng Thị Ánh, 55 tuổi, tình nguyện về “góp gạo nấu chung” cùng thầy Trai. Từ khi tìm được nửa cuộc đời của mình, có người chăm sóc, động viên, an ủi khi trái gió trở trời, thầy Trai như được truyền thêm sức mạnh, động lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để toàn tâm, toàn ý chăm lo dạy dỗ các cháu bằng cả tấm lòng.
34 năm “đứng lớp” đối với thầy Trai thật sự là một quãng thời gian dài. Đối với người dân TT.Phú Đa, dù chỉ một lần biết đến thầy, họ đều ghi nhớ tấm lòng nhân ái và công sức đóng góp của thầy cho sự nghiệp “trồng người” ở địa phương.
Ông Mai Nguyên (bố của em Mai Tài - đang học lớp 2 ở nhà thầy Trai) cho biết: “Thầy coi học sinh như con đẻ của mình, thầy luôn theo dõi việc học sát sao và nắm chắc từng đứa một, đứa mô học răng là thầy biết hết. Có đứa thầy còn hiểu nó hơn cả cha mẹ nó”. Còn ông Vương Trung, tổ trưởng dân phố Thanh Lam, nhận xét: “Ông Trai là một tấm gương tuyệt vời về ý chí và nghị lực, quyết tâm vượt khó vươn lên để làm việc giúp ích cho đời, gương sáng của thầy đang thôi thúc mọi người trong thôn chúng tôi phải cố gắng học tập và rèn luyện nhiều hơn”.
Thầy Trai chia sẻ: “Tôi cầu mong luôn được bình an, nhiều sức khỏe để tiếp tục dạy dỗ, giúp đỡ các cháu học sinh nghèo trong thôn, xã - những hoàn cảnh thật sự khó khăn như chính bản thân mình”.
Chia tay thầy Trai dưới cái nắng oi ả mùa hè, đi trên con đường làng dưới tán phi lao rậm rịt, gió thổi vi vu, trong tôi vẫn còn vang vọng câu nói của người dân TT.Phú Đa: “Thầy Trai khuyết tật nhưng không khuyết tài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.