Sự tử tế thầm lặng giữa đêm khuya

21/09/2021 07:00 GMT+7

Cứ đêm đến, anh Lê Thanh Tùng (43 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) lại chở thùng đồ nghề ghi chữ “Vá xe, đổ xăng miễn phí” trên chiếc xe Dream cũ để giúp đỡ những người không may gặp sự cố trên đường.

Lịch trình của anh là những tuyến đường huyết mạch, ít tiệm sửa xe như: quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng, ngã tư Ga, cầu vượt Linh Xuân, Suối Tiên... Mỗi đêm, anh đảo lại tuyến đường trên hai lần.
Lái xe tải là nghề “kiếm cơm” của anh Tùng, tuần 3 buổi, anh chở hàng thuê cho công ty ở Bình Dương, cách nhà gần 20 km. Công việc “làm thêm ca đêm" của anh bắt đầu lúc 20 giờ 30 sau khi phụ vợ dọn dẹp xong quán.
Chiếc xe máy anh mua lại từ người bạn giá 1,5 triệu đồng để làm việc thiện. Trước mỗi chuyến đi ban đêm, anh Tùng không quên ghé cây xăng gần nhà đổ đầy can loại 5 lít.

Mỗi đêm, anh Tùng chạy xe đến 2 giờ sáng mới về nhà ngủ, với chặng đường trung bình gần 100 km

Ảnh: TGCC

Làm việc không lương mỗi đêm

Khoảng 23 giờ 15 ở quốc lộ 13 gần cầu vượt ngã tư Bình Phước, người đàn ông chạy xe ôm công nghệ buồn bã dắt bộ hơn 1km mà không tìm được tiệm sửa xe nào mở cửa. Thấy vậy anh Tùng chạy đến bảo: “Anh tấp lên lề đi, để tui coi sao”. “Tui tháo ra thấy ruột mòn dữ lắm rồi, vá một hồi chạy lủng cũng dắt bộ tiếp. Thôi khuya rồi tui thay luôn cái ruột mới chạy cho an tâm nghen. Tui không lấy tiền đâu”, vừa nói anh vừa lấy cái ruột xe ra thay. Người chạy xe ôm công nghệ - anh Nguyễn Ngọc Thạch cảm kích: “Nếu không được anh giúp chắc tui dắt bộ tới nhà, có người vá xe đã mừng, không ngờ anh còn thay cho cái ruột miễn phí”.
Anh Tùng chưa kịp cất đồ nghề thì một thanh niên khác đã tới nhờ giúp đỡ. Sửa xong xe người thanh niên này, đồng hồ đã điểm gần 1 giờ sáng. Người thanh niên này ngỏ ý gửi tiền nhưng anh Tùng xua tay bảo làm miễn phí. Giúp xong hai người này anh lại tiếp tục rong ruổi trên các tuyến đường chạy tiếp trong đêm khuya tĩnh mịch.
Khi mới đầu bắt đầu công việc này, anh Tùng chỉ mua một loại ruột xe nhưng có những chiếc xe phải dùng ruột lớn mới phù hợp. Kể từ đó trong thùng xe của anh lúc nào cũng có hai loại ruột: ruột lớn và ruột nhỏ. “Thay đúng kích cỡ cho người ta chạy mới yên tâm. Miễn phí thì cũng làm bằng cả cái tâm, chứ không phải muốn làm sao thì làm”, anh Tùng chia sẻ.

Chiếc thùng đồ nghề của anh Tùng chứa đầy đủ đồ sửa xe, bugi, bơm hơi, chậu nước...

Ảnh: TGCC

“Trời thương mình thì mình thương người”

Gần 40 tuổi anh Tùng mới lập gia đình. Cưới nhau đã 5 năm, gia đình anh có hai bé sinh đôi, song anh vẫn chưa có nhà riêng và hoàn cảnh gia đình khá vất vả. Dù công việc bận rộn nhưng anh Tùng vẫn dành thời gian chơi đùa với hai con. Chị Như Ngọc - vợ anh Tùng tâm sự: "Mỗi đêm ảnh đi, tui ở nhà lo không ngủ được. Chừng nào ảnh về mới yên tâm. Ảnh hay động viên tui: ‘Việc mình làm nhỏ xíu, giúp được bao nhiêu thì giúp, tuy vất vả nhưng để lại phước cho con’".
Anh Tùng tâm sự: "Có người bảo sao không lo tích cóp mà đi làm chuyện bao đồng. Tui nghĩ tích cóp tháng mấy trăm ngàn, một triệu, mình cũng đâu có giàu, cũng đâu có làm được gì lớn lao. Trong khi khoản tiền ít ỏi đó mình giúp được người khác thì ý nghĩa hơn”. Anh nói thêm: “Trời thương cho mình cái mái ấm để về, có vợ con để lo lắng, chăm sóc lẫn nhau đã là hạnh phúc rồi. Ngoài kia biết bao nhiêu người khổ cực, vì cuộc sống mưu sinh nên phải đi làm khuya. Tôi cũng là người lao động chân tay nên tôi hiểu được, nghĩ nhiều người chẳng may hư xe, hết xăng chắc họ cũng khổ nên ráng giúp họ bớt khổ đêm khuya”, anh bộc bạch.
Hằng đêm, thấy chiếc Dream cũ vẫn đều đều ngã bóng trên mặt đường, lòng tôi lại vô cùng cảm phục. Anh Tùng sẵn sàng giúp đỡ người khác ngay cả khi bản thân vẫn chưa đủ đầy, viên mãn, đó chẳng phải là nét đẹp đáng trân trọng của sự tử tế hay sao? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.