Những 'cô Tấm' lo việc bao đồng…

11/07/2021 06:32 GMT+7

Căn nhà ngay góc đường Phạm Huy Thông (Q.Gò Vấp, TP.HCM) là nơi mà những ' cô Tấm ' - theo cách gọi của người dân - thuê lại để dựng xây nên cơ sở bảo trợ xã hội Trái Tim, cũng là địa chỉ miễn phí cho những mảnh đời luôn ngơ ngác trong bệnh tật.

Cô Nguyễn Thị Thúy Hoa - trưởng trung tâm - cùng hai đồng nghiệp là cô Nguyễn Thị Thanh Thủy và cô Hồ Thị Kim Thoa chính là ba “cô Tấm” theo cách gọi thân thương của nhiều người dân nơi đây. Trung tâm bảo trợ xã hội Trái Tim của 3 “cô Tấm” này chuyên nhận nuôi dạy miễn phí những học viên bị bệnh Down, bại não, thiểu năng trí tuệ, đến cả những bệnh nhân bị người thân hắt hủi…

Ngã rẽ số phận

Cô Nguyễn Thị Thúy Hoa tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học và cơ duyên đến với cô khi Tổ chức phi chính phủ NPO
V-HEART của Nhật Bản đến Việt Nam để tặng các khung dệt, dạy cách dệt may cũng như các kỹ năng sống cho những người bị các vấn đề về trí tuệ tại các trường chuyên biệt. Cô Hoa theo học khóa này. Sau khi cô tốt nghiệp khóa học, thì Tổ chức NPO V-HEART lại gặp những khó khăn riêng nên những người bạn Nhật này buộc phải về nước. Sau quá trình đi dạy và tham gia cùng tổ chức của những người bạn Nhật, cô Hoa phát hiện ra một “thực tế” rằng, những bệnh nhân mắc các vấn đề về trí tuệ như Down, bại não hay thiểu năng mà dưới 18 tuổi thì thường có nhiều lựa chọn về cơ sở chăm sóc. Tuy nhiên nhiều lần chứng kiến những học viên vừa qua 18 tuổi thì phải rời trường, cô Hoa không biết những bệnh nhân luôn “ngơ ngác” như vậy sẽ đi đâu về đâu giữa dòng người bình thường và xô bồ ngoài đời sống. Để gửi những đối tượng quá tuổi này vào các trường chuyên biệt thì học phí rất đắt, và đa phần không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Cô Hoa quyết định tự mình thành lập một cơ sở bảo trợ để nuôi nấng miễn phí những đối tượng này. Nhưng gia đình lại phản đối, cho rằng cô đừng bao đồng nữa, dẫu vậy cô Hoa cương quyết làm theo điều trái tim mình mách bảo.
Cô Hoa trình bày với các bạn Nhật để tìm hỗ trợ. Cảm động trước tấm lòng của cô, những người bạn Nhật cố gắng hỗ trợ tối thiểu cho cô Hoa tiền thuê nhà và 3,3 triệu tiền “lương” mỗi tháng. Cô suy nghĩ rồi chấp thuận mọi điều kiện để mái ấm Trái Tim như nguyện vọng của mình sớm thành lập.

Các học viên tham gia làm bếp

Vào chùa... xin cơm chay

Vậy mà mái ấm Trái Tim đã hoạt động hơn 15 năm nay. Cô Hoa kể rằng, những ngày đầu thành lập, nhiều gia đình nghi ngờ cô và hai đồng nghiệp nên họ dè dặt, tuy nhiên sau một thời gian thấy mái ấm hoạt động phi lợi nhuận đúng như tôn chỉ và các bệnh nhân ngày càng tiến bộ, khỏe mạnh hơn về tinh thần và thể chất, nhiều phụ huynh đã mạnh dạn gửi con đến mái ấm.
Cô Hoa kể rằng, vấn đề khổ sở nhất của các “cô Tấm” ở đây là chuyện chi phí ăn uống, sinh hoạt của trung tâm. Các “cô Tấm” phải lo tiền điện, nước và ăn uống của vài chục học viên ngày 3 bữa đủ chất, đủ dinh dưỡng. Phụ huynh học viên đa phần đều khó khăn, cho nên họ cũng không hỗ trợ nhóm cô Hoa được gì. Cô Hoa phân công một cô lo may, dệt các sản phẩm handmade để kiếm thu nhập, một cô dạy kỹ năng sống và các hoạt động chăm sóc cho học viên, một cô thì đi tìm nguồn thực phẩm để lo việc ăn uống cho các học viên.
Tôi ngồi nhìn những học viên đang học may, thêu lúc cô Thoa đang “đứng lớp”. Tầng trệt căn nhà mà gia chủ cho thuê với giá tượng trưng này rộng tầm 30 m2. Góc phòng là nơi các “cô Tấm” ngồi cặm cụi may thêu để kiếm thu nhập. Suốt chiều dài căn phòng là những máy may, khung dệt, bàn học vẽ... là nơi các cô thay phiên nhau chỉ dạy các học viên của mình học tập, nhận thức và những kỹ năng sống khác. Các học viên rất lễ phép khi gặp khách, có người tóc đã bạc còn cầm phiếu bé ngoan ra khoe với tôi.
Cô Hoa về và phân trần với tôi rằng, cô vừa vào chùa xin 18 suất cơm chay cho các học viên. Cô nói rằng mấy tháng vừa qua dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo nhiều cơ sở đóng cửa. Các sản phẩm may thêu thủ công của ba “cô Tấm” này đành “đắp chiếu”. Cô Hoa lau mồ hôi và nói thêm: “Nhiều lúc đi xin cơm hay xin tài trợ suất ăn, xin không ra thì lại gặp một bạn nào đó lang thang, em cũng phải dẫn về nhà Trái Tim. Các bạn đã lớn mà lại bệnh như vậy, lang thang ngoài đường nguy hiểm lắm”. Tôi nhìn các học viên đang nói cười của 3 “cô Tấm”, người trẻ nhất 20 tuổi, người già nhất 47 tuổi.
Cô Hoa tâm sự với tôi rằng, gia đình cô và hai đồng nghiệp đã hiểu và ủng hộ các cô. Bà con gần xa biết tấm lòng của nhóm cô Hoa nên thỉnh thoảng có tìm đến ủng hộ. Tuy nhiên, cô Hoa mong dịch bệnh sớm qua để các sản phẩm may thêu của ba “cô Tấm” sẽ có cơ hội mang về thêm những bữa cơm có cá có thịt cho những học viên của mình. Tôi cùng các “cô Tấm” nhìn 18 học viên hiện tại đang nói cười xung quanh tô cơm. Cô Hoa nhỏ nhẹ rằng, hiện tại các cô đang rất mệt mỏi và cảm thấy kiệt sức, nhưng tất cả đều tin rằng những điều tươi sáng sẽ đến với các học viên của mình. Cô Hoa và các đồng nghiệp có thể bỏ về với gia đình, nhưng họ không thể đành lòng bỏ lại những mảnh đời đang cần mình chăm sóc, điều trị... cho nên các “cô Tấm” này vẫn âm thầm chiến đấu như một tâm lệnh.
Và tôi biết rằng, tâm lệnh mà các “cô Tấm” này đang tất tả ngược xuôi mỗi ngày đều xuất phát từ chính Trái Tim mà ra.

Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng

Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.