Người cựu binh giàu lòng nhân ái

27/09/2021 07:00 GMT+7

Dù đã xấp xỉ tuổi 70 nhưng dáng người ông Ân vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn, dường như đó là tác phong của người lính năm nào.

Theo hướng dẫn của người quen, tôi tới ngã tư Bình Minh (thành phố Tây Ninh) rẽ phải theo đường Trần Văn Trà một đoạn nữa, gặp trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (bên trái đường Trần Văn Trà). Cặp mé trái trường học có con hẻm số 9, đi thêm chút nữa là gặp căn nhà số 1 mới vừa được sửa lại khang trang hơn nhà cũ trước đây. Đó là nhà của ông Phạm Văn Ân – người cựu binh giàu lòng nhân ái.
Dù đã xấp xỉ tuổi 70 nhưng dáng người ông Ân vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn, dường như đó là tác phong của người lính năm nào. Ông sinh ra và lớn lên ở "quê hương năm tấn" Thái Bình. Cũng như bao thanh niên khác, năm 18 tuổi (1971) ông hăng hái lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng của tuổi trẻ thời chiến. Năm 1989, ông rời quân ngũ và chọn Tây Ninh, một tỉnh biên giới phía Nam của Tổ quốc làm nơi lập nghiệp, là quê hương thứ hai của mình. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, ông xin làm bảo vệ cho một cơ quan nhà nước trong thời gian khoảng 7 năm. Sau bao năm vất vả, vợ chồng ông cũng tích góp xây được căn nhà cấp 4 để che nắng che mưa.
Hiện tại ông tham gia công tác tại Hội Cựu chiến binh xã. Ngoài công việc ở địa phương, ông dồn hết thời gian còn lại cho các hoạt động xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người cựu binh ấy chuẩn bị quà tặng cho các hộ nghèo ở địa phương. “Của ít lòng nhiều”, ông cảm thấy vui khi làm việc gì đó có ý nghĩa. Với chút ít kiến thức về thuốc học được trong quân ngũ, cứ khoảng hơn 20 ngày, ông lại đến tiệm thuốc bắc để được tư vấn một số bài thuốc trị các bệnh thông thường cho người lớn tuổi như thấp khớp, tê bì chân tay. Ông mua về ngâm rượu, ai có bệnh tới thì ông biếu dù là người địa phương hay người ở nơi khác đến.
Không dừng lại đó, hằng ngày với chiếc xe máy cũ kỹ, ông rong ruổi khắp các vùng nông thôn trồng đồ hàng bông, thu mua rau củ quả đem tặng cho các bếp ăn từ thiện, trung tâm nuôi dưỡng người già, trẻ em mồ côi… Ông chỉ nghĩ giản đơn là muốn họ có những bữa ăn tươm tất và đủ chất hơn.

Có lúc không đủ số lượng cung cấp cho các địa chỉ quen thuộc, ông không ngần ngại bỏ tiền túi mua thêm

Ảnh: TGCC

Ông cho biết: “Trước đây nhà vườn chưa tin tưởng lắm nên họ bán rau củ quả cho tôi với giá 3.000 đồng/kg, nhưng chỉ giới hạn một lần vài chục ký thôi. Sau này chỉ còn 1.000 đồng/kg. Hiện tại có nhà vườn chủ động tặng không lấy tiền, sẵn sàng góp sức vào hoạt động của tôi".
Mỗi ngày ông Ân thu gom từ 100 - 150kg rau củ quả các loại. Gặp những lúc thu hoạch rộ, lượng hàng tăng gấp đôi, gấp ba…, ông chở không hết, thế là phải thuê xe chở phụ. Cũng có lúc không đủ số lượng cung cấp cho các địa chỉ quen thuộc, ông không ngần ngại bỏ tiền túi mua thêm.
Rau củ quả chở từ chỗ tập kết về nhà, ông phân phối ra từng phần cho mỗi địa điểm mà ông sẽ mang đến. Chỗ nào đông thì số lượng nhiều, chỗ nào ít thì số lượng ít hơn. Cứ thế theo vòng quay mang về, mang đi. Có lúc đến 12 - 13 giờ trưa ông mới về đến nhà. Ông bảo: “Tranh thủ mang đến sớm, đồ hàng bông đến lâu sẽ không còn tươi ngon, giảm chất lượng”.
Đã mấy năm qua, cựu binh Phạm Văn Ân không ngơi nghỉ với việc làm của mình. Tôi tò mò hỏi: “Chú bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho công việc này, vợ con chú có phàn nàn gì không?”. Ông cười hiền: “Không đâu, chẳng những không phàn nàn mà còn hỗ trợ nữa”.
Được biết, các con ông theo gương bố cũng làm việc thiện. Như em Phạm Thị Kim Thêu thuộc thế hệ 9X, đang là giáo viên trường mầm non Beata Montessori cùng những người bạn có chung sở thích đã thành lập nhóm từ thiện Ước mơ hồng thường xuyên hỗ trợ người nghèo, trẻ mồ côi. Từ chỗ không có một đồng kinh phí, các cô đã tìm cách bán hàng qua mạng, lấy tiền lời gây quỹ hoạt động. Nhờ biết sắp xếp giờ giấc khoa học nên dù làm nhiều việc vẫn không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn ở trường. Các cô không ngại khó miễn sao có tiền giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình. Đôi khi rau củ quả nhiều, ông Ân còn nhờ các cô phân phối giúp. Ông tự thồ hàng bằng xe máy đến nơi để trao cho bà con, đỡ tốn chi phí vận chuyển. Hơn một năm qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông vẫn thường xuyên mang rau củ quả đến với người nghèo, những bếp ăn tập thể, bếp ăn từ thiện để chung tay giúp đỡ người khó khăn hơn mình.
Hiện nay tuy xấp xỉ tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe của ông cũng không còn được như trước, nhưng ông Ân vẫn đam mê làm từ thiện. Chia tay người cựu binh, tôi cầu mong ông có nhiều sức khỏe để làm việc thiện giúp ích cho đời. Ông còn trích dẫn câu nói: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.