Người chăm 'những bông hoa không được tưới'

14/07/2021 07:00 GMT+7

16 tuổi học lớp 4, 30 tuổi học lớp 3, 20 tuổi học lớp 1 là những trường hợp rất đỗi bình thường tại lớp phổ cập của trường THCS Độc Lập (P.5, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Các giáo viên ở đây hay ví von học trò của họ là “những bông hoa không được tưới”. Và chính họ là những người vun vén phần thiếu sót đó cho “những bông hoa”.
Được thành lập từ năm 1980, lớp phổ cập ban đêm tại trường THCS Độc Lập dạy miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có cơ hội đến lớp buổi sáng. Sau 40 năm, các lớp phổ cập từ lớp 1 đến lớp 9 còn trên dưới 20 em đang theo học. Học trò có thể ít nhưng số lượng giáo viên vẫn luôn duy trì để nối dài con chữ cho học trò.
Một trong những giáo viên gắn bó với lớp phổ cập tại trường THCS Độc Lập từ những ngày đầu là cô Hoàng Thị Ngọc Thương (82 tuổi). Trước khi vào học phổ cập lớp 4 của cô Thương, học trò phải nhớ 3 điều: không vắng học, không chửi tục và không tặng quà cho cô giáo. Vì học sinh của cô đều là những đứa trẻ cơ nhỡ. Có những người, ngày “mua thúng bán bưng”, đêm lại cấp sách đến trường để xóa mù chữ.

Em Phạm Thị Thanh Tâm (16 tuổi –  đứng) theo học lớp 4 cùng cô Ngọc Thương

Ảnh: Nhật Linh

Tro nướng bánh tráng bám từng trang sách

Một ngày giữa tháng 3.2021, lớp học bắt đầu được nửa tiếng thì anh Lê Minh Sang (38 tuổi) lấp ló ngoài cửa. Trong trang phục quần tây, áo thun, kẻ ngón tay dính đầy mực in, anh Sang vừa tan ca về. Anh là một trong những học trò còn duy trì đến lớp thăm cô Thương mỗi tháng, dù đã nghỉ học và đi làm được 19 năm.
Gia đình khó khăn, năm 1989 khi vừa vào lớp 1, anh Sang phải nghỉ ngang vì gia đình không đủ tiền đóng học phí. Từ đó, anh theo mẹ đi bán bánh tráng nướng để kiếm sống. Mãi đến năm 1996, trong một lần đi bán ở chợ, anh Sang gặp cô Thương và theo cô đến lớp học phổ cập buổi tối để tìm con chữ. Học lại lớp 1 khi đã 13 tuổi, anh Sang kể mình không phải là người duy nhất. “Thời điểm đông nhất cũng phải 20 - 30 đứa học cùng một lớp - đều do cô Thương dạy. Bấy nhiêu đứa theo cô học từ lớp 1 đến lớp 4”, anh Sang chỉ quanh lớp học như nhớ lại.

Các lớp phải ngồi chung phòng học để tiết kiệm điện cho nhà trường

Ảnh: Nhật Linh

Những ngày đi tìm con chữ khi đó, với anh Sang, là những ngày tro nướng bánh tráng bám vào từng trang sách. “Nhưng đó lại là những ngày không thể nào quên. Trong cái trạc đựng bánh tráng hồi đó đi bán với mẹ, ở trên bày đồ bán thì ở dưới là tập sách với cái áo sơ mi trắng mà thầy cô góp tiền mua cho. Nhiều ngày bán ế, buồn không muốn đến lớp, chính cô Thương là người đi tìm, kéo mình đi học cho bằng được”, anh Sang nhớ lại.
Học hết lớp 5, vừa đủ 18 tuổi thì anh Sang nghỉ học và bắt đầu đi làm ở một công ty sản xuất bút bi cho đến tận bây giờ. Mỗi tháng, anh vẫn thường đến lớp phổ cập tặng tập bút cho học sinh và thăm thầy cô của lớp phổ cập.

10 năm học lớp 4

Chống chọi với bệnh tiểu đường giai đoạn cuối nhiều năm nay, mỗi khi khỏe, anh Lưu Minh Thành (30 tuổi) lại đến lớp phổ cập của cô Thương để dự thính. Thuộc diện gia đình khó khăn, anh Thành được cô Thương vận động đến lớp học chữ khi đã gần 20 tuổi. Mỗi lần đến lớp, điều đầu tiên anh làm là đi quanh lớp một lượt, kiểm tra đèn quạt. Anh cẩn thận tắt đi những cây quạt treo tường chỉ thẳng vào bàn giáo viên, vì anh biết, cô Thương không “chịu” được quạt. “Học đến lớp 4, đọc rành, viết giỏi nhưng biểu lên lớp thì Thành lại không chịu lên. Với bệnh tình của mình, Thành xin cô cho ngồi dự thính được ngày nào hay ngày đó. Vậy mà thấm thoát cũng đã 10 năm”, cô Thương kể. 

'Vì một tiếng cô, tiếng thầy mà đi dạy'

Những năm 1980 - 1990, ngoài những trường hợp khó khăn không được đến lớp đúng tuổi, còn có những người “đi kinh tế mới” và cựu thanh niên xung phong muốn xóa mù chữ. Hơn 40 năm sau, kinh tế phát triển, giáo dục được phổ cập rộng rãi, sĩ số lớp phổ cập ban đêm cũng ít dần. Nhưng đây vẫn là nơi tìm con chữ của những hoàn cảnh khó khăn vì nhiều lý do không thể đến lớp chính quy.
Lớp phổ cập tại trường THCS Độc Lập sáng đèn vào các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần. Thầy cô hầu hết đều là người hưu trí trong ngành giáo dục. Cô Trần Thị Tuyết Vân (61 tuổi) phụ trách lớp 3 được xem là một trong những thầy cô trẻ nhất hiện đang đứng lớp phổ cập.
Một ngày thứ sáu cuối tháng 3, lớp đã bắt đầu được 10 phút mà học trò vẫn chưa đến, cô Vân bắt đầu trông: “Không biết nó chạy từ Thủ Đức lên có sao không. Nó mà tăng ca hôm trước thì thế nào hôm sau cũng không đi học nổi”. Vừa nhắc thì anh Phạm Quốc Đoàn (30 tuổi) bước vào lớp. Anh là học sinh duy nhất của khối lớp 3. Anh Đoàn là công nhân sản xuất mì gói tại một nhà máy ở TP.Thủ Đức. Mỗi lần tan ca, anh lại chạy vội tới lớp học phổ cập ở Q.Phú Nhuận để tìm con chữ.

Anh Phạm Quốc Đoàn khoe mình đã có thể làm được phép tính nhân

Ảnh: Nhật Linh

Anh Đoàn kể quê anh ở Cà Mau. Cơn bão Linda năm 1997 đã cuốn bay hết sách vở và tài sản của gia đình anh. Nhà đông con nên anh Đoàn đành nghỉ học nhường tiền cho em út đến trường. Đường học gián đoạn mãi đến khi anh rời quê lên Sài Gòn 3 năm trước. Công việc dần ổn định, anh bắt đầu tìm nơi “vá” lại con chữ. Cầm mẩu bút chì nắn nót từng con số trên vở bài tập Toán, anh Đoàn khoe mình nay đã biết làm toán nhân.
Nói về dự định tương lai, anh nói mình sẽ cố gắng học đến hết lớp 9. Còn 6 năm nữa để đạt được mục tiêu của mình, song anh Đoàn vẫn lạc quan: “Phải đi học để có cái chữ, sau này còn kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Cuộc đời phía trước còn dài mà”.
Còn với người thầy, người cô đã ngoài tuổi lục tuần, nhiệt tâm dường như chưa bao giờ tắt: “Vì một tiếng cô, tiếng thầy mà mình đi dạy. Thì đến khi nào học trò còn xem mình là thầy cô thì mình còn đến lớp và đứng trên bục giảng”, cô Thương quan niệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.