Chuyện của Phong về 'Nhà Mình'

30/06/2021 07:00 GMT+7

“Mình là Nguyễn Anh Phong. Mình đại diện cho mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+). Mình hỗ trợ chăm sóc cho người sống chung với HIV từ năm 2012”.

Lời giới thiệu của anh Nguyễn Anh Phong (42 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) trong video clip Chuyện của Phong đăng trên kênh YouTube được nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Tham gia nhiệt tình các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cho những người nhiễm HIV/ AIDS tại TP.HCM, anh Phong được mọi người nhắc đến với cái tên “Phong Si - Đa”.

Bén duyên với người nhiễm HIV

Với sức vóc nhanh nhẹn cộng sự nhiệt tình, anh Nguyễn Anh Phong được nhiều cô chú trong Đội nấu ăn từ thiện của Bệnh viện huyện Củ Chi giao nhiều phần việc. Mệt thì có thật, nhưng mỗi khi anh Phong nhìn những nụ cười trên gương mặt của những người đến nhận cơm, mọi sự mệt nhọc đều tan biến.
Theo anh Phong quan sát, người đến nhận cơm có rất nhiều đối tượng: người già, người neo đơn, trẻ em, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo… Những người này, khi họ cần đến sự giúp đỡ thì có rất nhiều tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ. Với người nhiễm HIV/AIDS, hầu như không nhận được sự giúp đỡ nào. “Các đối tượng này ít ai giúp đỡ, hỗ trợ thì mình làm thôi”, anh Phong chia sẻ .
Thoạt đầu, khi tiếp xúc với bệnh nhân HIV/AIDS, anh Phong có tâm trạng hoang mang, nhưng được các chuyên gia y tế tư vấn; rồi nhiều lần được tập huấn “Nâng cao năng lực, kiến thức phòng chống HIV/AIDS, kỹ năng chăm sóc và điều trọ người bệnh HIV/AIDS”, nên anh không còn lo lắng. “HIV/AIDS, không còn là căn bệnh thế kỷ nữa”, anh Phong tự tin nói.
Anh Phong cho biết giờ đây, HIV/AIDS đã có thuốc ARV kiềm hãm sự phát triển của bệnh. Với những người nhiễm HIV/AIDS vẫn có tuổi thọ như người bình thường, nhưng phải có hành vi sống tích cực; quan trọng nhất vẫn là tinh thần sống lạc quan. Cả ba yếu tố: thuốc; hành vi sống; tinh thần cùng hợp lại với nhau sẽ giúp người nhiễm HIV/ AIDS duy trì cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.
Hơn 10 năm, với hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cho những người nhiễm HIV/ AIDS, nhiều câu chuyện buồn vui để lại trong anh Phong nhiều kỷ niệm. Anh Phong bộc bạch về niềm vui khi có rất nhiều người nhiễm HIV/AIDS được níu kéo hy vọng, được sống lại thêm một lần nữa từ những dòng tin nhắn, những cuộc gọi điện thoại cá nhân hay qua tổng đài 18000019. Còn nỗi buồn cũng hiện diện bởi có nhiều người bệnh ra đi trong vòng tay anh từ sự ruồng bỏ của gia đình và sự kỳ thị của xã hội.
Anh Phong nhớ lại, năm 2012, anh chứng kiến một bạn nam 26 tuổi, nhiễm HIV bị gia đình đuổi ra khỏi nhà và mất ở gầm cầu sau một thời gian điều trị ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Trước khi mất, anh ấy cũng làm rất nhiều công việc từ dọn hàng, dọn rác… để mưu sinh và khi anh ấy mất vẫn không có một nén nhang của người thân để tiễn đưa lần cuối theo ý niệm nghĩa tử là nghĩa tận.
Trường hợp một học sinh học lớp 9 (nhà ở quận 8) bị nhiễm HIV từ mẹ truyền sang, làm anh đau đáu mỗi lần nhắc lại. Em học sinh tội nghiệp này nằm trong số hàng trăm trẻ em mà anh Phong đã, đang giúp đỡ và hỗ trợ. Ai cũng nói tự làm tự chịu, nhưng trẻ em đâu có tội tình chi. Các em chỉ là nạn nhân của người lớn như từ cha mẹ mà ra. Bởi những suy nghĩ đó, anh Phong đã xây dựng chương trình Góp một bàn tay nhằm hỗ trợ trẻ em sống chung với HIV/ AIDS. Ngoài ra, chương trình này cũng hỗ trợ cho những đối tượng nghèo, khó khăn bằng việc mua thẻ bảo hiểm y tế. Song song đó, nhiều chương trình mang tính thiện nguyện: Hạt gạo chia đôi, Tiếp bước đến trường, Trăng yêu thương, Nhà nhân ái… vừa giúp đỡ trực tiếp những hoàn cảnh khó khăn, vừa hỗ trợ cho việc tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao trong thời gian qua tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trong nước.

'Nhà Mình' - ngôi nhà của những vòng tay lớn

Năm 2015, anh Phong cho ra đời sáng kiến Dải băng đỏ. Mỗi năm như vậy, theo anh Phong, có gần 200 văn nghệ sĩ tham gia sự kiện này với một điều đơn giản là chung tay lan tỏa thông điệp kêu gọi không kỳ thị với người sống chung với HIV/AIDS. Và đó là một trong những ý tưởng cho ra đời phòng khám Nhà Mình.
Hiện nay, anh Phong cho biết các tổ chức quốc tế bắt đầu cắt giảm giảm nguồn tài trợ, người bị phơi nhiễm, nhiễm HIV phải tự chi trả cho quá trình điều trị thông qua bảo hiểm y tế. Nhiều người nhiễm HIV không muốn tiết lộ thông tin cá nhân; người không có giấy tờ tùy thân không mua được thẻ bảo hiểm y tế sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị.
Để không ai chẳng may nhiễm HIV/AIDS bị bỏ lại phía sau, năm 2017, anh Phong cùng một số y bác sĩ thành lập phòng khám mang tên Nhà Mình ở số 951, đường Ba Đình, phường 10, quận 8. Rất nhiều trường hợp đã được hỗ trợ tiếp tục duy trì điều trị ARV, hỗ trợ các trường hợp sau phơi nhiễm và các chi phí khẩn cấp khi người bệnh tìm đến phòng khám Nhà Mình.
"Nhiễm và phơi nhiễm HIV là chuyện đâu ai muốn", anh Phong nói. Nhưng chuyện đã rồi, chúng ta không nên kỳ thị người sống chung với HIV/AIDS, mà hãy cùng nhau giúp đỡ họ sống vui, sống khỏe và sống có ích mỗi ngày.  
Từ giã anh Phong, tôi ra về sau một giờ trò chuyện tại phòng khám Nhà Mình. Sài Gòn những ngày hè nắng như đổ lửa, nhưng trong lòng tôi nhẹ tênh bởi câu nói: “Đừng cảm ơn Phong. Bạn khỏe là lời cảm ơn tốt nhất đối với Phong” khi anh nhận được lời cảm ơn từ một người thanh niên đến nhờ anh tư vấn về HIV cho mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.