Chàng trai mù viết tiếp những ước mơ

23/07/2021 07:00 GMT+7

Biến cố cuộc đời không ai lường trước được, nhưng có người đã nỗ lực đối diện nghịch cảnh và vươn lên giúp ích cho đời. Đó là câu chuyện của chàng trai mù Phan Văn Sanh - huấn luyện viên bóng đá tài năng ở Đồng Tháp.

Biến cố của Sanh
Lên 10 tuổi, Phan Văn Sanh đã đầu quân cho Câu lạc bộ bóng đá tỉnh Đồng Tháp. 16 tuổi, anh giành suất đá chính của đội tuyển Đồng Tháp và lần lượt đầu quân cho đội bóng các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre. Sự nghiệp chuyển biến, những tưởng sẽ mở ra một tương lai sáng sủa cho chàng trai nghèo mảnh đất Sen hồng Đồng Tháp.
Song biến cố ập đến khiến bao ước mơ, hoài bão của anh Sanh bỗng chốc tan biến. Trong lần về giỗ cha ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, anh Sanh không may bị tai nạn giao thông và mất đi vĩnh viễn đôi mắt. Cũng từ đó, giấc mơ bóng đá của anh dần khép lại.

Biến cố đã cướp đi của anh đôi mắt, nhưng bằng niềm đam mê với quả bóng tròn, anh quyết vượt qua nghịch cảnh

Ảnh: TGCC

Bà Ngô Thị Kiên, mẹ anh Sanh, tâm sự: “Ngày con bị tai nạn, nhà chẳng có gì để bán chữa trị cho nó. Bà con xung quanh người gom góp cho mượn vài triệu. Số tiền điều trị cũng lên hơn 100 triệu đồng. Tới nay, nợ vẫn chưa trả xong. Nhưng người ta thương thằng Sanh có hiếu, mẹ góa con côi nên cũng khất nợ không đòi”.
Biến cố đã cướp đi của anh Sanh đôi mắt, nhưng bằng niềm đam mê với quả bóng tròn, anh quyết vượt qua nghịch cảnh. Đều đặn 2 buổi sáng - chiều, anh tìm đến sân cỏ. Nơi đó, chàng trai mù lòa tìm cho mình một góc nhỏ và ngồi đấy, đơn giản chỉ để cảm nhận từng đường bóng lăn, tiếng giày khua, tiếng khán giả cổ vũ…, bởi đó chính là hơi thở cuộc sống của anh. "Tất cả niềm tin vào cuộc sống có được ngày hôm nay là nhờ vào tình yêu thương của những người còn bên cạnh tôi. Tôi muốn đứng dậy và truyền ngọn lửa đam mê đến các em nhỏ quê nhà”, anh Sanh chia sẻ.
Với trình độ chuyên môn của một cầu thủ trong đội tuyển cấp tỉnh, anh Sanh đã tập hợp được hàng chục em nhỏ vào đội bóng của mình. Và ở đó, chàng trai mù giữ vai trò “cơ trưởng”. Với một cảm quan đặc biệt và hiểu rõ kỹ năng, sở trường của từng cầu thủ mà anh huấn luyện, đội bóng của Phan Văn Sanh đã gặt hái được những thành công nhất định trong và ngoài tỉnh.
Tiếng lành đồn xa, đến nay, CLB Bóng đá Phan Văn Sanh đã trở thành nơi đào tạo cho hơn 400 em nhỏ ở vùng quê biên giới huyện Hồng Ngự. Cũng từ đây đã xuất hiện nhiều tài năng bóng đá từ 9 đến 16 tuổi tham gia đội hình bóng đá trẻ không chỉ của huyện, tỉnh mà còn có các em đang thi đấu cho Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (PVF).

Viết tiếp những ước mơ cho thế hệ trẻ

Ngày 17.4.2021 vừa qua, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ (PVF) tuyển sinh cầu thủ năng khiếu tại Đồng Tháp. Trái với không khí vội vã ở khu vực làm thủ tục đăng ký, mọi người lại bắt gặp một chàng trai mù và hơn chục em nhỏ vây quanh đứng gọn ở một góc sân. Vãn người, biết anh Sanh không nhìn thấy nên một thành viên trong Ban tổ chức hướng dẫn anh đến bàn đăng ký. Bởi với họ, anh đâu còn xa lạ trong mỗi mùa tuyển sinh của PVF. Song lần nào cũng vậy, anh vẫn khiêm nhường như bản tính vốn có của mình.

Tình thầy trò trong CLB Bóng đá Phan Văn Sanh

Ảnh: TGCC

Năm 2021, từ lứa cầu thủ đào tạo, anh Sanh tuyển chọn 21 thí sinh dự tuyển. Sau quá trình nghiêm ngặt, PVF đã chọn 5 cầu thủ xuất sắc của anh để tiếp tục đưa lên đào tạo chuyên nghiệp. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng anh mà còn của những người đam mê bóng đá ở đất Sen hồng Đồng Tháp.
Quả thật, mọi người không khỏi thán phục trước cái tâm và trình độ đào tạo của anh. Vừa qua 6/20 cầu thủ là học trò mà anh huấn luyện thi đấu cho đội bóng huyện Hồng Ngự xuất sắc giành chức vô địch giải bóng đá U.13 tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp đội bóng huyện lên ngôi vô địch. Và cầu thủ xuất sắc nhất giải cũng chính là học trò của anh Sanh.
Quay về sau những chiến tích, thầy trò Phan Văn Sanh lại tiếp tục bắt tay vào học tập, trau dồi chuyên môn. Đây cũng là công việc hằng ngày của các em nhỏ và chàng trai mù này xuyên suốt gần 5 năm qua. Ở câu lạc bộ bóng đá của anh Sanh, mỗi em mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có những cầu thủ nhỏ gia đình nghèo đều được anh tạo điều kiện đến đây, đơn giản vì các em có tình yêu với trái bóng.
"Mùa gặt lúa xong, tôi và tụi nhỏ cắt gốc rạ làm sân tập. Có lúc các phụ huynh, những người yêu bóng đá thuê sân cỏ, tôi dạy miễn phí cho các em. Ở đây, tôi cũng khuyên dạy các em phải biết yêu thương đồng đội, kính trọng cha mẹ, thầy cô và đặc biệt là chăm chỉ học tập, để sau này tương lai các em sẽ sáng sủa hơn", anh Sanh tâm niệm.
Bà Phạm Thị Ia, phụ huynh của một cầu thủ trong câu lạc bộ, nhận xét: "Sanh khiếm thị nhưng không hề là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Em còn thường xuyên đứng ra tổ chức bóng đá giao hữu để quyên góp tiền hỗ trợ cho những người nghèo khổ, ốm đau. Điều đó rất đáng trân trọng”.
Mấy hôm rồi, anh Sanh bận đi tỉnh học thêm chữ nổi Braille và massage, bấm huyệt để nâng cao tay nghề. Vậy là các học trò lại cuốn lên, tìm đến nhà nhờ gọi video call để các em thấy mặt thầy.
“Mấy em nhỏ chính là niềm vui trong cuộc sống. Cứ 5 - 6 giờ sáng và chiều là các em lại đèo xe đạp chở tôi xuống sân bóng, chiều lại chở về. Phụ huynh các em cũng lo cơm nước cho nữa... Hôm rồi có Nguyễn Du, học trò cũ đang là học viên khóa 12 PVF, về quê, tìm đến thăm. Thầy trò gặp nhau, vỡ òa và ôm nhau khóc”, anh Sanh chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.