Sợi dây chằng

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
12/08/2018 07:19 GMT+7

Chuyện nghe có vẻ nhỏ nhoi, mà có khi lại ra cớ sự lớn, là nói về cái sợi dây chằng, vốn dùng để ràng buộc một thứ gì đó, níu lại một đồ vật cụ thể, giữ lại cho nhau trong một thực thể, hay một thứ tưởng như vô hình như tình cảm giữa người với người.

Ba tôi vốn tính cẩn thận, thời bao cấp làm nông, đi đâu ông cũng dùng cái bọc nhỏ, đựng trong đó sợi dây treo trước cổ xe. Để có khi đến làng nào đó, thăm người quen, biết đâu xin được trong vườn họ một giống thơm (cây dứa) hay một gốc chuối con sai quả, thì buộc sau xe chở về. Từ những chuyến ấy, vườn nhà lại có thêm một giống cây mới, để khi ra hoa kết quả, lại nhắn láng giềng họ hàng đến để khoe rồi mời nếm thử.
Bữa trước khá lâu xem bộ phim nước ngoài, có anh bưu tá chuyển thư thời chiến, chạy khắp nẻo từ hậu phương đến mặt trận, những chồng thư được chằng buộc cẩn thận bằng sợi dây sau xe đạp. Anh cứ guồng chân phóng băng băng đem thư đến các đơn vị. Một bữa máy bay ném bom, anh bị hất văng ra khỏi xe bất tỉnh một lúc, ngồi dậy chồng thư sau xe vẫn vẹn nguyên. Cũng là nhờ có sợi dây. Và cũng nhờ vậy, mà anh luôn hoàn thành nhiệm vụ!
Lại nhớ cách đây 2 tuần, cùng anh bạn đi trên đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM). Đang vượt qua ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bỗng có một chị lao công chạy xe máy, kéo theo bô rác đằng sau. Do không chằng buộc nên một bịch rác to rớt xuống đường, vừa lúc xe máy của anh bạn trờ tới cán lên, bịch rác mắc kẹt ngay dưới máy xe. Xe anh kéo theo bịch rác, chạy lảo đảo. Phải cố gắng lắm anh mới tấp được vào lề để gỡ ra. Nhìn quá nguy hiểm!
Tháng trước vào bệnh viện nuôi bệnh. Có chị nọ là giáo viên mẫu giáo ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định), đã lớn tuổi bị té đứt dây chằng đầu gối. Bác sĩ phải mổ lấy một đoạn gân nối lại. Anh chồng là giáo viên tiểu học sắp về hưu, tính hài hước lắm, bình luận một câu nghe giật mình: “Bà thấy sợi dây chằng quan trọng chưa, không có nó thì chẳng thể ràng buộc được các phần trong cơ thể đâu. Lần sau nhớ giữ gìn, đừng để té bị đứt nữa đó”.
Suy rộng ra, trong một cơ quan hay một doanh nghiệp, người ta thường nói mỗi người là một chiếc đinh ốc trong một dây chuyền hoạt động, nhưng tôi vẫn cứ nghĩ, có thể có một sợi dây vô hình, ràng buộc lấy nhau để cùng tiến bộ, phát triển. Sợi dây ấy mà quá gắt gao, thì lại như dân gian đã bảo “già néo đứt dây”. Còn nếu cột lỏng lẻo thì chắc chắn mọi thứ sẽ rời rạc, chẳng thể nào giữ gìn được cái hồn cốt hay sự trật tự công việc của nơi chốn vốn là chỗ người ta muốn gắn bó. Rồi lại xa gần nghiệm thêm, con người với nhau cũng thế. Nếu sống ích kỷ thiếu sự kết nối, tình cảm rời rạc như cơm nguội, thì cái được gọi là sợi dây định mệnh mà tạo hóa đã ràng buộc, cũng khó có thể giữ được.
Hóa ra, nghĩ ngợi mông lung cũng có nhiều chuyện để nói về cái sợi dây (hữu hình, hoặc vô hình) quá đi mất!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.