Họa sĩ mất tranh phải trả tiền thẩm định đền bù?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/04/2021 05:56 GMT+7

Đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày họa sĩ Phạm Hùng Anh mất bức tranh Thời gian (bút sắt trên giấy) gửi dự Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam.

Đó cũng là 3 tháng ông Hùng Anh chờ đợi phản hồi bằng văn bản của ban tổ chức triển lãm này về 6 kiến nghị mà ông đã gửi. Trong đó có yêu cầu trả lời về việc tại sao tranh của ông không trưng bày trong triển lãm.
Mới đây, ông Phạm Hùng Anh đột nhiên nhận được một cuộc điện thoại. Trong đó, một nhân viên của Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội (nơi trưng bày tác phẩm) tên là Hằng, đề nghị sẽ lập một hội đồng thẩm định để xem xét giá trị tác phẩm của ông. “Nếu hội đồng quyết định thế nào thì anh phải theo”, nhân viên tên Hằng này nói trong băng ghi âm cuộc gọi. Chưa hết, cô Hằng còn yêu cầu ông Hùng Anh phải chịu một nửa chi phí thành lập hội đồng. “Tôi quá ngạc nhiên. Tôi không hiểu tác phẩm đã mất thì thẩm định cái gì. Tại sao tôi đã mất tranh, bực mình rồi mà còn phải chịu chi phí thẩm định?”, ông Hùng Anh thắc mắc.
Ông Bùi Kỳ Đà, Phó giám đốc Triển lãm Vân Hồ, xác nhận đúng là có việc nhân viên của mình gọi cho ông Phạm Hùng Anh với nội dung đề nghị thẩm định như trên. Tuy nhiên, ông Đà cho biết đấy không phải là chủ trương của đơn vị. “Tôi xác định gặp anh Hùng Anh để trao đổi thỏa thuận, chứ không có ý định thành lập hội đồng gì cả”, ông Đà cho biết.
Họa sĩ mất tranh phải trả tiền thẩm định đền bù?1

Một tác phẩm bị cào xước mặt

Ông Phạm Hùng Anh cho biết cách ứng xử của ban tổ chức không thể khiến ông hài lòng. Trước khi nhận được đề nghị trả phí cho hội đồng thẩm định, ông còn nhận được đề nghị chi tiền mua họa phẩm để... vẽ lại tác phẩm đã mất. Ông cho rằng đề nghị cho thấy họ không hiểu gì về nghệ thuật, vì nếu nhận lời, chẳng hóa ra ông tự đạo nhái tác phẩm của mình. “Tôi không hiểu sao việc xử lý này lại khó thế. Ngay cả việc trả lời tôi bằng văn bản các yêu cầu cũng không luôn”, ông Hùng Anh nói.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam là cuộc tập hợp sáng tác của nhiều họa sĩ quy mô toàn quốc. Ở đó, mỗi địa phương, cá nhân đều thấy tự hào vì mình là một phần của dòng chảy mỹ thuật Việt Nam. Việc tổ chức triển lãm không chỉ là câu chuyện chuyên môn của ngành mỹ thuật mà còn là nhiệm vụ chính trị, quản lý của Bộ VH-TT-DL.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đã trở thành triển lãm ghi nhận nhiều tác giả rút tranh, mất tranh, xước tranh nhất từ trước tới nay. Việc xử lý sự cố của ban tổ chức khá cẩu thả. Liên tiếp có việc như: yêu cầu họa sĩ “tự làm việc” với đơn vị vận chuyển mà ban tổ chức thuê để đàm phán đền bù, lờ đi không có văn bản cụ thể về tranh hỏng, mất, rồi giờ đây là yêu cầu họa sĩ bỏ tiền để thẩm định tranh đã mất. “Đề nghị của họ thật vô duyên”, ông Phạm Hùng Anh nói và cho biết có thể sẽ lại tiếp tục khiếu nại.
Ở buổi họp báo trước khai mạc triển lãm, ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm Bộ VH-TT-DL, đã xin lỗi các họa sĩ có tranh bị hỏng, mất... Tuy nhiên, lời xin lỗi đó chắc chắn chưa đủ để khép lại vụ việc. Giờ đây, các họa sĩ cũng như công chúng đang chờ những ứng xử của ban tổ chức để câu chuyện mất tranh khép lại, các họa sĩ có thể yên tâm gửi tác phẩm tới lần tổ chức tiếp theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.