Sợ... khách văn

08/04/2011 08:47 GMT+7

(TNTS) Làm báo sợ nhất là cộng tác viên, nếu là báo văn lại càng sợ. Báo không có cộng tác viên thì báo toi, tất nhiên rồi, nhưng số cộng tác viên mà báo cần chỉ chiếm 10%, số này rất đàng hoàng, ít khi có thời giờ la cà tòa soạn, cần thì gọi điện hỏi chứ chẳng đến. Phần vì họ tin tưởng bài họ viết ra là được in, báo này không in thì báo khác in; phần vì họ không có thời gian la cà và cũng sợ mất thời gian của anh em biên tập.

Làm báo với các cộng tác viên như thế rất sướng, khi cần gọi điện đặt bài, nếu họ “ok” thì đúng giờ ấy ngày ấy là có bài. Biên tập có cắt bỏ sửa chữa chỗ nào đó cũng không sao, họ biết rõ vì sao biên tập phải làm như thế, cũng hơi buồn một chút nhưng ít ai thắc mắc kêu ca kiện cáo gì.

Số 90% còn lại thì rất mệt. Đa phần viết lách chẳng ra sao, hoặc quá yêu mình, quá quan trọng chữ nghĩa mình viết ra; hoặc tự biết mình bất tài nhưng lại hiếu danh, muốn đăng được bài thì phải lách nên cố đánh bạn chơi thân với đám biên tập, suốt ngày quấy rầy anh em biên tập, khốn khổ vô cùng. Báo nào cũng khốn khổ vì cộng tác viên như thế, báo văn lại càng khốn. Ở đời lắm kẻ chỉ cần biết mình rảnh là được, người khác có rảnh hay không bất biết, không quan tâm. Thành ra tòa soạn giống cái hố rác cho đám cộng tác viên vô công rồi nghề ném vào đấy cả đống thời giờ vô nghĩa của họ, khổ lắm.

 
Ảnh: Nam Phương

Nhớ lại hồi mình làm Văn nghệ trẻ thật hãi quá. Hễ bước chân đến tòa soạn là gặp khách, tiếp khách từ sáng đến tối vẫn không hết, nhiều người bám trụ tòa soạn từ sáng sớm đến tối mịt chỉ để biết chắc bài mình có dùng được không. Mình đã nghĩ ra trăm phương nghìn kế đuổi khách cũng chẳng ăn thua, lắm kẻ lì không chịu được. Đôi khi điên quá bèn đuổi thẳng cổ không nể nang, nói chúng mày biến đi để cho tao làm việc. Chúng nó bảo ok, khi nào mày làm việc thì bọn tao về. Mình đứng lên làm việc, chúng nó về thật, nhưng vừa ra đến cửa lại có khách vào, chúng nó lại quay vào, nói đấy nha, mày ngồi chơi thì bọn tao ngu gì mà về. Hi hi.

Loay hoay vài đợt khách là đến trưa, thế nào cũng có vài ba anh chèo kéo đi nhậu. Lại phải chối quanh, nói thôi, trưa nay tôi ăn cơm hộp, lắm việc quá. Người cầm tay kéo, nói gớm chưa, chỉ có mày lắm việc thôi sao. Người ra mặt giận, nói anh mày từ quê ra chỉ muốn ngồi uống với mày chén rượu, mày có đi không thì bảo. Người trợn mắt chỉ tay, nói chúng nó ngồi sẵn ngoài quán rồi, mày không ra tao biết ăn nói với chúng nó thế nào. Mình nói thì anh ra ngồi với chúng nó đi. Anh lại trợn mắt quát, nói nhưng tao lỡ khoe mày thân tao rồi, ngu ạ.

Chẳng riêng gì mình, bọn thằng Thiều (Nguyễn Quang Thiều), thằng Phong (Nguyễn Thành Phong), thằng Quang (Hồng Thanh Quang), thằng Quý (Trần Quang Quý)… đều lâm vào bi kịch ăn trưa như thế cả. Nhưng chúng nó khá hơn mình, ăn nhậu điềm đạm, hết giờ trưa là kiếm cớ rút lui. Trường hợp không ai cho về thì giả vờ đi toilet rồi chuồn thẳng. Mình khác, cả tháng không giọt bia rượu nào cũng không sao, nhưng hễ ngồi vào bàn nhậu là sa đà. Nốc vào vài cốc rồi, “tê tê” rồi thì chẳng cần ai chèo kéo, cứ uống uống ăn ăn đến tàn cuộc mới thôi. Rời cuộc nhậu đã ba, bốn giờ chiều, định bụng “cày” đến tối cho xong việc, chẳng dè vừa đẩy cửa vào đã có đôi ba anh ngồi chờ sẵn, ngao ngán.

Cộng tác văn vui lắm, viết xong cái truyện, bài thơ đã chạy khoe khắp làng rồi, tưởng đến tòa soạn chỉ gửi bài rồi về, không, còn đu đưa chán mới gửi. Có ông bảo tôi muốn gửi các ông chùm thơ, để tôi đọc cho các ông dăm bài, xem có được không nhé. Mình giãy nảy, nói thôi, ông cứ gửi đây, tôi đọc sau. Ông mới trợn mắt lên, nói gửi các ông có đọc đếch đâu, tôi đọc các ông duyệt ngay tại chỗ, có phải tiện cả đôi đường không. Mình gật đầu, nói ok đọc đi. Ông lại ra vẻ làm cao, nói không có rượu mồi làm sao đọc. Mình  nhăn nhó chối quanh, nói không có đâu, ai cất rượu ở tòa soạn. Lập tức ông lôi chai rượu ra từ trong túi, nói thế thì tôi đành hy sinh rượu của tôi vậy. Cứ thế ông vừa nhâm nhi rượu vừa đọc thơ cho hết buổi. Đọc xong chưa ai kịp phản ứng gì đã vỗ đùi đánh đét, nói hay không, hay quá còn gì nữa. Đăng không, đăng được quá phải không?

Khách ở quê ít khi ra tòa soạn, chỉ chăm chỉ viết thư, thư nào thư nấy dài dằng dặc, đầu tiên khen nức nở tờ báo, sau đó khen nức nở biên tập viên, nếu biên tập là nhà văn thì khen không hết lời, cuối thư mới lòi ra cái đuôi chuột nhờ gửi đăng cái truyện, in chùm thơ. Có hôm mình nhận được cái thư của một cô, viết nắn nót ôi cái tên Nguyễn Quang Lập mới đẹp làm sao. Mình cười rũ, đem khoe với thằng Phong, lập tức nó chìa ra hai, ba cái thư ôi cái tên Nguyễn Thành Phong mới đẹp làm sao. Thằng Thiều “tàn bạo” hơn, cả chục cái thư ôi cái tên Nguyễn Quang Thiều mới đẹp làm sao. Thằng Thiều còn nói thằng Hồng Thanh Quang có cả tấn thư ôi cái tên Hồng Thanh Quang mới đẹp làm sao. Hi hi.

Một ông trẻ ở Đà Nẵng ra, hôm đầu đến nói thăm các anh, hôm sau đến đưa bài, hôm sau đến xin các anh ý kiến, nếu bảo chưa đọc thì hôm sau lại đến. Cho đến khi buộc phải trả lời là truyện không dùng được, ông cúi mặt ra về nhưng hôm sau lại đến, nói em tưởng đăng được thì ứng tiền nhuận bút để mua vé tàu về quê, nếu các anh không đăng em chẳng biết lấy gì mà mua vé tàu. Thằng Thiều rút tiền ra đưa, nói ông cầm tiền mua vé tàu còn cái truyện đó không thể đăng. Ông trẻ khóc òa, nói nếu anh không đăng thì em tự tử chứ không dám về quê. Hỏi sao thì ông bảo em lỡ ba hoa với người yêu em là báo khen cái truyện rất hay, báo mời ra để chụp ảnh phỏng vấn in kèm luôn bài. Nó kể xong thì mặt sắt lại, nói em nói thật đó, thà chết ở đây chứ em chẳng dám về nhìn mặt người yêu của em.

Cả hội đau đầu, chẳng biết nó nói thật hay dọa chơi, nhỡ may nó làm thật có phải khốn không. Mình mới bày một mẹo, nói ông cứ về, chúng tôi sẽ viết thư về cho ông, nói truyện rất rất rất hay, chỉ đăng số đặc biệt chứ không thể đăng số thường. Số đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần vào ngày 2.9. Ông đưa cái thư cho người yêu ông đọc, thế là xong. Nó nhăn nhó nói nhưng đến 2.9 không có báo thì sao. Mình nói thì tôi lại viết thư về, nói cấp trên chỉ thị để tiết kiệm, từ nay các báo không được ra số đặc biệt, vì thế truyện ông không thể đăng, đăng số thường sẽ làm hỏng truyện của ông nên chúng tôi không dám. Rất tiếc phải gửi lại truyện này cho ông. Nghe xuôi xuôi, nó mới chịu ra về, chết khổ.

Vất vả nhất là đám văn chương chân dài. Hơn ba chục năm làm văn nghệ mình nghiệm ra đàn bà hiếu danh hơn đàn ông nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực thơ ca. Báo Văn nghệ trẻ vừa dựng nên chưa đầy tháng đã thấy đám chân dài vào ra tấp nập, đủ loại, từ mắt xanh mỏ đỏ đến tiền mãn kinh, phàm đã làm thơ không có cô nào không đôi ba lần ghé qua báo Văn nghệ. Họ ngồi lâu đến phát rồ, khổ nỗi với đàn bà con gái chẳng ai dám thất lễ, cứ phải cười cười nói nói, tán tỉnh đôi câu, các cô các bà tưởng thật lại càng ngồi lâu.

Mỗi lần nghe tiếng guốc dép đàn bà, vừa gõ cửa vừa nói anh ui, cả hội giật mình đánh thót, nhìn nhau mặt mày tái dại, nói ôi thôi bỏ mẹ rồi, nát một đời trai. Rồi rặn ra bộ mặt hớn hở, mở cửa cười tươi, nói giời ơi rồng đến nhà tôm, dạo này sao xinh thế, trẻ ra bao nhiêu. Ngồi đu đưa với các nàng chừng mươi lăm phút, một anh đẹp trai phải nhảy ra liều mình cứu chúa. Anh này mới bịa ra sinh nhật sinh nheo, giải thưởng giải thiếc, mời các nàng đi cà phê, đi ăn nhậu. Các nàng ra khỏi phòng, cả hội nhảy cà tẩng, thở phào nhẹ nhõm, mừng hết lớn. Nhưng chỉ độ mươi phút nửa tiếng lại nghe tiếng guốc dép đàn bà, vừa gõ cửa vừa nói anh ui. Cả hội lại đứng đực mặt như ngỗng ỉa. Hi hi, đúng là Thứ nhất là sợ đau răng/ thứ nhì là sợ khách văn đến nhà.

Nguyễn Quang Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.