Sitcom nở rộ: Dễ sản xuất, không dễ thu hút

Nguyên Vân
Nguyên Vân
17/12/2020 06:43 GMT+7

Không còn “lác đác” như trước, sitcom (hài kịch tình huống) đang phủ sóng màn ảnh nhỏ.

“Nhẹ gánh” nên nở rộ

Xu hướng xem nhanh cùng nhu cầu giải trí nhẹ nhàng, câu chuyện vừa đủ chuyển tải thông điệp ý nhị về tình yêu, gia đình, học đường..., lại thêm “nhẹ gánh” sản xuất khiến sitcom ngày càng nở rộ. Khán giả của thể loại hài kịch tình huống này có thể thoải mái lựa chọn theo gu hoặc phim có diễn viên mình yêu thích khi hiện nay VTV3 có series Xin chào hạnh phúc (đang phát đến phim Đôi giày hạnh phúc), THVL1 có Em trai bố dượng, VTV9 có Tám công sở, HTV9 có Cưới ai ai cưới, Về phía cầu vồng, HTV7 có Bánh mì ông màu, Dịch vụ anh tơ hồng, ĐN1 có Mắt nai... Chưa kể hàng loạt phim đã phát sóng trước đó: Gia đình là số 1 (các phần), Bí kíp hạnh phúc, Sui gia đại chiến, Chị em Tấm Cám, Ngôi nhà teen ám, Cà phê tử tế... và không ít các dự án đang thực hiện.
Về sự “nở rộ” của sitcom trên truyền hình hiện nay, nhà sản xuất Nguyễn Minh, Giám đốc Công ty Kịch Bản Việt (đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình và sitcom) cho rằng: “Do sitcom có nội dung gần gũi với đời sống gia đình, cập nhật các đề tài hiện đại, khá sát hơi thở đời sống. Phần khác, thời lượng vừa phải (thường dưới 30 phút), khiến khán giả không... ngán”. Bên cạnh đó, như chia sẻ của một số nhà làm phim, cũng vì thời lượng mỗi tập ngắn, lại mang tính chất của hài kịch tình huống, bối cảnh không cầu kỳ nên chi phí sản xuất không cao so với phim truyền hình (thường chỉ bằng phân nửa hoặc 1/3, 1/4), vì thế mới có cuộc “đổ bộ” nhà nhà đều có thể sản xuất sitcom được, đạo diễn mới nào cũng có thể chỉ đạo được diễn xuất cho hàng trăm tập phim thể loại này.
Song, cũng chính vì “tưởng” dễ làm, nên thực tế mới có những phũ phàng khi không ít sitcom yếu tố hài kịch không thể gây cười, còn tình huống thì lê thê mà không có nội dung (như không ít tập trong Về phía cầu vồng); chưa kể diễn xuất của một số diễn viên mới trông thiếu tự nhiên, nên không tránh những lời nhận xét “dở, chán” ngay dưới kênh phát lại phim (Dịch vụ anh tơ hồng)...
Sitcom nở rộ Dễ sản xuất, không dễ thu hút1

Sitcom Em trai bố dượng đang dần thu hút khán giả với những câu chuyện hiện đại, diễn viên “ăn khách”

ẢNH: M.P.F

Cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng chất lượng

Dù số lượng các sitcom được phát sóng rất “hùng hậu”, nhưng để tạo nên cơn sốt như Mùi ngò gai thời kỳ đầu sitcom tại Việt Nam hoặc như phần đầu Gia đình là số 1 gần đây thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng cần nói thêm, đây là 2 sitcom được Việt hóa từ phim Hàn. “Thiếu dấu ấn để thành hiện tượng, nói vậy cũng đúng nhưng chưa đủ, bởi chúng ta cần xét thêm tính thời điểm. Vì sao Sức sống mới, một talk show đình đám một thời lại nổi tiếng? Vì lúc đó chưa có nhiều talk show như vậy. Hơn nữa, chủ đầu tư và nhà tài trợ cho dự án này rất mạnh về tài chính. Mùi ngò gai cũng vậy, dự án này lúc đó được xem là tiên phong và được đầu tư tốt mọi mặt nên thành công và có tiếng vang”, nhà sản xuất Nguyễn Minh nhìn nhận.
Chưa kể theo anh, sitcom đang bị cạnh tranh gay gắt bởi chính những đạo diễn và các nhà sản xuất khi họ cạnh tranh bằng giá, khiến chất lượng sụt giảm. Ví dụ, trung bình một tập sitcom nếu làm đàng hoàng, nghiêm túc thì chi phí dao động khoảng 50 - 70 triệu đồng. Tuy nhiên, vì cạnh tranh mà có đạo diễn chấp nhận mức giá chỉ có 15 - 20 triệu đồng cho mỗi tập.
Bên cạnh đó, như một vài diễn viên gạo cội từng phản ứng, nhiều đơn vị còn phó mặc nội dung cho diễn viên, kịch bản rất sơ sài, ra trường quay diễn viên muốn “phăng” sao thì “phăng”... Trong khi, theo biên kịch - nhà sản xuất Lê Thị Kiều Nhi (YA Film), một tập sitcom đúng chuẩn cần phải có 3 tình huống (1 chính, 2 phụ); sitcom không có yếu tố phản diện mưu mô, mà chủ yếu là hài tình huống, phát triển theo chiều ngang nên nếu diễn viên không có kỹ năng diễn xuất, thiếu kinh nghiệm sân khấu - không nhạy bén và biết tung hứng để tình huống tạo ra tiếng cười thì khó cuốn hút.
“Có thể vì quan niệm tồn tại lâu nay: sitcom là “con lai”, mà “con lai” thì ít được nhìn nhận và đầu tư đúng mức, nên điều quan trọng và rất khó là phải làm sao thay đổi tư duy của người làm sitcom, cũng như diễn xuất của diễn viên khi nhận dự án có tên gọi sitcom. Ngoài ra, sitcom hiện ít nhiều cũng bị “chia lửa” bởi phim truyền hình, phim chiếu mạng..., nên để giữ mắt khán giả, các nhà đầu tư, đạo diễn, nhà sản xuất khi làm sitcom phải thay đổi: nội dung phải đặc sắc như phim truyền hình, hình ảnh phải đẹp như điện ảnh, kịch tính phải như webdrama (phim chiếu mạng)... Có như thế, sitcom mới không bị chìm giữa “biển” phim ảnh trên các nền tảng nghe nhìn”, nhà sản xuất Nguyễn Minh bày tỏ.
Sitcom được viết tắt từ Situation Comedy (hài kịch tình huống), là kỹ thuật làm phim truyền hình được quay bằng nhiều máy, thu tiếng trực tiếp tại phim trường, không phân cảnh trước; đề cập những câu chuyện bình dị, thường nhật, thời sự; cứ vài tập phim chuyển tải một câu chuyện có tính độc lập với nhiều tình tiết hài hước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.