Sao Hôm như mắt em ngày ấy

24/10/2017 07:39 GMT+7

Một người đã 97 tuổi từ trần, tin ấy không quá sốc. Nhưng nếu bạn biết người phụ nữ ấy chính là 'người vợ miền Nam' của thi sĩ Nguyễn Bính, bạn sẽ bồi hồi.

Và sẽ nhớ lại ngay bài thơ Đêm sao sáng được Nguyễn Bính viết vào tháng 2.1957 ở Hà Nội. Chắc chắn bài thơ được viết khoảng trước hay sau Tết Đinh Dậu, khi năm 1956 đã qua, và hi vọng về ngày thống nhất bỗng xa vời.
Hồi nhỏ, tôi được học bài thơ này trong sách giảng văn, và chúng tôi, những đứa trẻ miền Nam tập kết, đã lập tức thuộc lòng một số đoạn trong bài thơ. Nhất là hai câu thơ: “Sao Hôm như mắt em ngày ấy/Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu”. Thì từ khi còn trẻ con, chúng tôi đã bước xuống một con tàu như vậy để tập kết ra Bắc. Đây là bài thơ rất cảm động của Nguyễn Bính, nó giản dị nhưng gan ruột, nó xót xa ngậm ngùi mà vẫn thăng hoa trong lời chữ: “Trời còn có bữa sao quên mọc/Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em”.
Cụ bà Nguyễn Lục Hà, bút danh Nguyễn Hồng Châu, người vợ miền Nam của cố thi sĩ Nguyễn Bính, vừa từ trần ngày 22.10 tại TP.HCM, chính là nhân vật “em” trong Đêm sao sáng.
Tôi nhìn bức ảnh chân dung cụ bà Hồng Châu, và tôi chợt hiểu: hai ngôi sao sáng trong bài thơ chính là đôi mắt của bà, đôi mắt mà Nguyễn Bính thi sĩ đã bị ám ảnh. “Sao Hôm như mắt em ngày ấy” là câu thơ đáng nhớ nhất trong bài thơ. Nó như một điểm sáng soi chiếu cả bài thơ, soi chiếu cả nỗi lòng khắc khoải của Nguyễn Bính - người chồng. Cái thời ấy mới đau đớn mà đẹp đẽ làm sao! Đấu tranh phi bạo lực, đấu tranh bằng tình yêu, đấu tranh bằng nhớ nhung, bằng những cơn ớn lạnh của nỗi cắt chia, bằng một niềm tin mơ hồ nhưng sâu xa vào ngày đoàn tụ.
Đêm sao sáng mộc mạc tới mức có người nghĩ nó chỉ là “thơ hạng hai” trong gia tài thơ của Nguyễn Bính. Hoàn toàn ngược lại. Đây là bài thơ rất hay, vì nó rất mộc, rất thật, và rất ít sự gia công của người làm thơ. Bài thơ ra đời đã 60 năm, nhưng bây giờ đọc lại, vẫn không cũ.
Sau một cơn suy tim, nhà báo - chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hồng Châu, người vợ miền Nam thủy chung, sắt son của Nguyễn Bính, đã qua đời.
Lễ khâm liệm và nhập quan đã tổ chức vào lúc 22 giờ ngày 22.10 (nhằm ngày 3.9 năm Đinh Dậu), lễ viếng sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24.10 tại Nhà tang lễ Gò Vấp, đường số 11, P.11, Q.Gò Vấp, gần Nhà lưu niệm Nguyễn Bính (là nhà riêng của chị Nguyễn Bính Hồng Cầu, gần chùa Nghệ Sĩ).
Lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 25.10 (ngày 6.9 Đinh Dậu) và sau đó di quan lúc 8 giờ; an táng tại Nghĩa trang thành phố tại H.Củ Chi, TP.HCM.
Lê Công Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.