Triển lãm bộ sưu tập hàng xóm - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên

Hôm nay trời mát dịu, tôi rủ ông Ta triển lãm bộ sưu tập hàng xóm cho mọi người thưởng lãm. Riêng chân dung ông tôi in khổ nhỏ, treo nơi xó xỉnh ít ai để ý.

Hàng xóm ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, hay đúng hơn là những nhà kề lưng sát vách. Không gian bố trí như sau. Bên trái nhà ông Ta là nhà đứa con thứ ba của ông, vợ đẹp. Bên phải nhà ông là trai trưởng của ông, năm con. Phía sau nhà ông, chếch khoảng ba mét, là gia đình cái ông nói rang rảng suốt ngày, vợ chính là mụ đã tát bay mấy sợi tóc của đứa trai nít đòi bọp con bé đầu xóm. Ngõ nhà ông Ta dài, tiếp giáp với kiệt xóm, rồi đến mảnh vườn ông Hè; tức, phía trước mặt nhà ông Ta là vườn sau của ông Hè, có năm mươi mét đất tôi mua làm mấy phòng ở tạm. Như vậy độc giả cũng biết tôi chỉ muốn triển lãm bốn gia đình vây quanh ông Ta được xác định tọa độ như trên.
Sẽ bắt đầu bằng gia đình cái ông ở phía sau nhà ông Ta, sau đó đến gia đình đứa con trai trưởng của ông. Kế đến, tôi thì độc giả từng biết mặt song bởi có dây dợ với Nàng, nên sẽ ghép chung hai nhà (tôi và con gái đã có chồng của ông Ta) một không gian riêng ở phần sau cho gọn.
Tránh sau này vợ chồng hay con cháu ông ghé xem thấy tôi chụp lén họ mang triển lãm lại kiện cáo lung tung, xin phép độc giả được thay tên. Cớ gì những hàng xóm khác tôi giữ nguyên tên thật, vì họ không quan tâm việc tôi dùng tê-lê chụp trộm rồi treo chỗ này chỗ nọ. Cũng như ông Ta vỗ bụng: mặc, cụ mi đừng treo ảnh tau cho lợn gà xem là được. Còn cái mụ..., tên gì nhỉ. Thôi, ở phía sau ông Ta gọi đại là mụ Sau, vợ ông Sau cho dễ nhớ. Mụ Sau, bận ấy tôi thấy mụ bồng cháu, mặt sậm đen, tóc bối tó như vọng phu lỡ già, tôi xin chụp. Mụ đứng yên. Tôi hí hoáy bấm máy, đôi lúc còn để chế độ liên thanh, re...ẹ...c một cú mười mấy pô. Xem thử, đẹp nhiều, mà cũng chán cái trông mặt mù u tối. Tôi cho xem một sê-ri, mụ mừng lắm. Về xả ra vi tính, tôi chọn cái nghệ thuật nhất, tương phản sáng tối huyền ảo. In xong đưa tới, mụ xẳng. Trả trả. Cái đẹp không cho lại cho cái xấu. Trả. Không chịu. Tui nể chú mới cho chụp. Mà xấu.
Chết điếng, bực mình sao không in dâng mụ cái sáng trưng, bà cháu rõ ràng ràng, lại in ảnh nghệ thuật.
Ông Ta trách tôi cụ mi ngu lắm. Ở xóm phải tường tỏ bản tánh từng người. Cụ mi không biết để tau nói cho kẻo mai mốt tau chết không ai bày cho mà sống. Lời giáo huấn chưa bắt đầu, phía sau nhà ông Ta, tiếng ông Sau vút lên, nạt mụ Sau mua thêm rượu. Uống. Uống cho lắm, say rồi đòi này đòi nọ. Tau đòi chi. Mụ mi nhăn răng khú đế tau đòi chi. Ờ. Uống cho lắm, ọc vô ruột gan cho lắm rồi nói sảng. Ai chịu thấu.
Đó, cụ mi thấy. Nhức não lắm. Mụ mỗi ngày ghi hai ba ngàn số đề thôi; hễ tau ra chợ thấy mụ mua nào thịt nào cá, biết ngay trúng. Có tí tanh, ông Sau lại sai cháu mua rượu, uống rồi hò hét vậy đó. (...) mẹ mi (trước “mẹ” còn có chữ, song bàn phím tôi bị liệt), ...mẹ mi có mua thêm rượu không. Không mua. Mẹ mi. Có con cháu đó mà ăn nói tục tĩu. Mở mồm là... mẹ mi mẹ mi. Ừ! mẹ mi đó... mẹ mi đó.
Mụ Sau chực liều mạng nhảy vô. Giọng đứa con gái the thé: Mẹ điên. Mẹ thừa hơi à. Mẹ để cha nói cho hết hơi thì hết nói chứ mẹ dư hơi nói lại à.
Tôi gật đầu xác nhận: Cuộc sống sao giống trong địa ngục vậy. Ông Ta hỏi ngay cụ mi xuống địa ngục hồi nào. Đâu ông, con sao đến phước đó, nhưng có vị chân tu lúc ngủ được dẫn xuống tham quan để lên tường thuật lại sự thật răn nhắc người đời.
Ờ. Mai mốt cụ mi cho tau mượn đọc xem. Này, khiếp lắm. Cụ mi ngồi yên vậy tau kể cho nghe. Hồi nãy tau nói cụ mi ngu là vì mấy năm trước, tau xách cuốc ra chôn mấy cái trụ am trước này đây; để quên cuốc, mụ lẻn qua lấy. Ông thấy? Thấy. Mà cần gì thấy. Tau mất cuốc là biết ngay ai lấy. Bữa đó nhà chạp giỗ, mấy thằng rể gọi thùng bia lon về uống, chiều lại vỏ lăn lóc. Mụ Sau đang cuốc ở vườn, thấy lon bia, vác cả cuốc luồn hàng rào qua nhặt. Tau thấy cuốc. Hỏi mụ sao lấy cuốc của tui rồi thay cán thế này. Đâu. Mụ hoảng. Cuốc của tui cuốc của tui. Mụ ngoắt đuôi nhảy hàng rào về. Tau bực cũng nhảy theo. Ông Sau có đó, tau nói luôn. Này, vô lẽ cái cuốc nhà tui lại không biết. Mụ lấy về thay cán tre còn cãi. Tui chả tiếc, nhưng nói mụ nên bỏ bản tánh xấu đi. Ông Sau vẫn bênh vợ. Tau bực à. Tau mới giựt cái cuốc nơi tay mụ cuốc một cái xuống sân rồi thả. Tui cho luôn đó. Về.
Nhiều lần rồi, nhiều chuyện rồi, xóm này ai cũng biết. Riêng về cuốc trước đây mụ cũng vác nhầm cuốc của thằng Xôi. Thằng Xôi lên hỏi, mụ một hai không biết. Tuần sau tau đang ngồi thế này đây, nghe kèng..., chút nữa, kèng...; tau nghĩ, lạ, ông Sau làm gì... kèng! Chạy qua xem, ư rằng ông đang chặt bớt mấy phân cái cuốc của thằng Xôi. Tau hỏi cuốc dài vậy sắc vậy chặt uổng thế! Ông bảo mới rèn về, nặng quá. Đó, cụ mi cứ đánh giá. Mấy trò ranh ấy gai mắt lắm. Nhưng xong rồi thôi, tau có trà mời trà, có chai rượu rể đưa, không uống cũng mang qua cho ông. Để bụng làm gì, mệt.
Còn ông Hè dưới này. Đây là sẵn câu chuyện, chứ chẳng phải tau ghét bỏ ông. Cụ mi cũng đừng đưa chuyện này kể thêm ai nghe để rồi lây nghiệp tọc mạch tổn phước. Hồi trước tau nuôi bò bảy tám con. Có lần bò lỡ chân sa xuống vườn ông ăn hương ăn hoa, ông lấy cái sào to đập bộp. Tau ngồi đây rõ ràng nghe, bộp. Mai lại, tau dắt con bò bán liền. Xong rồi thôi, tau chả hề để bụng. Cụ mi thấy, ông mụ Sau ngày nào không qua đây, ông Hè chiều nào chả rủ tau qua mụ Đảnh ngồi chơi bài, bảo có anh chơi mới vui.
Tôi gật gù, thừa nhận nửa phần. Ông Ta xuống bưng cơm lên. Tối nay độc dĩa rau luộc chấm ruốc. Ăn vầy thôi, không đêm thằng cu dậy tau sợ lắm! Mình đã cố giữ gìn mà tí nữa cụ mi coi, con bán trứng chưa tới ngõ là rao A...i...lô...n...L...ô...n... ông ơi... Mệ nội mi. Tau ăn vô rồi lộn nhào với ma à. Mua một cái thôi. Hắn nài nỉ: Ăn hai cái luôn ông, cho cân đối cho chẵn tiền. Ông ăn cho hắn mạnh bạo, để suy dinh dưỡng mang tội chết. Mẹ cha cái con. Hắn bán hai loại lận. Thằng nào giàu bao luôn cả thúng. Tau gặp ngoài cồn rồi đấy. Ban đầu tưởng ma. Gần hơn thấy xe đạp dựng đó, thúng không. Nghĩ chắc con ni mót bụng... Té ra hắn ẵm nhau trong bụi cụ mi ơi. Mai lại hắn vô mời mua trứng. Tau vờ đanh mặt bảo hôm qua mót bụng ghé cồn ỉa bậy nhá. Ông trình báo cơ quan chức năng nhá. Hắn khẩn khoản. Tội… Rồi ghé sát, phấn xức thơm lựng. Chồng chết một mình nuôi con ông nờ. Tau cũng bộ ông cha khuyên con cháu, rằng ăn cám trả vàng đó con. Thủ tiết là tích phước tích mạng; phá tiết bệnh hoạn đến nơi chừ… (Lúc đó con tau ghé chơi, dẫn cả thằng cu cháu). Hắn đánh tiếng, mai ông ăn cái nữa đủ tiền luôn ông nghe; rồi đạp xe băng băng.
Con gái đã có chồng của ông Ta. Mặt tròn, hiền thục. Khuôn mặt tôi thấy trong ảnh cưới. Bận ấy tôi mới đến, thấy nhà ông không có ai như vậy. Ông nói, con gái tau đó. Thột. Câu nói của ông khiến tôi dè chừng, từ đó hễ thấy nàng ghé vào tôi bộ làm lơ, như không để ý, không bận tâm. Nàng ngưỡng thua tôi dăm tuổi, thôn nữ làng quê nhẫn nhịn dịu dàng. Từ chỗ nàng tới nhà cha khoảng mười lăm phút tản bộ. Gả con trong làng như có vàng treo trước ngõ. Thực tế trong mấy năm qua ông cũng nghĩ thế. Dĩ nhiên không ai vạch thân thể nàng để thấy dấu vết của những vết bầm tím... Chỉ đêm hôm ấy nàng lên cơn sốt, ông Ta đánh liều vén áo thoa dầu. Lúc ấy nàng bật khóc, con khổ lắm cha ơi; khổ cực mấy con cũng ở với cha thôi. Ông cũng khóc. Ông khóc khi kể lại với tôi vào chiều hôm sau, bên một ly rượu nhỏ. Tôi nhìn thấy nàng đang phơi đồ của con, một dãy dài đủ màu sắc khẽ tung trong gió, phớt chút nắng sau mùa lụt. Mặt nàng ửng, môi thắm tự nhiên trong hơi xuân nồng. Tôi chợt nghĩ nàng không hẳn con ông - người nông phu cao gầy, má hóp. Ở nàng có nét quý phái nhà nho, dẫu theo cung cách làm việc hàng ngày, ấy là người phụ nữ đảm đang vun vén gia đình. Vậy sao nàng phải rời cái tổ mà con gái cả làng nằm mơ chẳng thấy? Chồng nàng có vấn đề? Cứ mỗi lần thoáng qua hình bóng của đứa thanh niên mặt búng sữa ấy…
Nhắm mắt, tôi vẫn không xóa được hình ảnh chồng nàng: mới lớn, mặt nhỏ, tay phải xăm kín rồng rắn bò lên cổ. Nhớ lần ủy ban xã đón đoàn văn nghệ về vui hội trên sân bãi kho hợp tác cũ, tôi thấy nàng dắt con trong bộ đồ đúng mốt lễ hội. Từ ngày về nhà chồng, từ ngày cha chồng trở thành sếp, nàng cũng sáng ra. Ông ta là một nhân vật quan trọng trong giới kinh doanh, quen nhiều cốp, xuất ngoại thường xuyên, có bận còn đưa nàng đi cùng với vài nhân viên nữa. Nàng được chăm sóc…
Nàng bồng con khỏi ngôi nhà cao sang ấy.
Tôi hứa sẽ đề cập vấn đề hết sức rắc rối này ở một tuần trà khác.
Hiện tại ồn óc điếc tai quá. Mụ Sau đã lên giọng ré. Ông Sau đứng dậy chỉ tay tính chạy theo mụ vợ đã tránh xa ngoài ngõ. Ông ngồi, mụ chõ miệng vô. Ông đứng dậy mụ quay mình, chạy. Ra tau đập mi chết. Đập. Ra đây mà đập. Đập cái…ờ. Mi đứng đó. Mi đứng đó...
Ông Ta lắc đầu. Ồi chà, nhức đầu bể não. Tau ở đây, như ở gần địa ngục vậy. Cụ mi biết không, toàn bộ đất nhà ông vốn của ông nội tau. Hồi xưa ông nội tau cho cái nền nhà thôi, giờ ông nới ra vườn tược mênh mang. Ông cha ta dặn, nương đừng nới ra nhà đừng thâu lại, mà thế đó. Hồi cụ mi chưa tới, tau choảng nhau với ông. Cây mít sau hồi do ông nội tau trồng, ông xoi đất kiểu gì không biết mà cây mít nằm trong vườn ông luôn. Ông moi đất lỡ rồi thôi tau cũng cho qua, còn cây mít đừng hòng đụng đến. Thằng cháu ông cậy công an thôn, xách cây súng củ tỏi tới. Tau chỉ mặt. Này. Mi con nít loi choi mới lên đây thôi. Tau theo cách mạng từ hồi Mậu Thân. Đồ bây con nít loi choi mới vô phường vô xã định làm tướng à. Cây mít ông nội tau trồng, đứa mô sờ vô coi. Súng à. Mi định bắn tau? Bắn xem! Tau gọi ông V cộng sản nòi hồi đó, bạn ông nội mi, đến chứng giám coi cây mít ai trồng, nằm trong vườn trong đất nhà ai. Hắn giật chắc. Lui. Một lúc, thằng con đầu, hùng hổ cầm rựa trèo lên tính chặt trên đọt chặt xuống. Tức máu tau cầm cây sào. Mi lo tụt xuống. Mi chặt một nhát, tau thọc mi một phát rớt chết tươi. Giật chắc. Hắn tuột xuống.
Tôi bổ ra cười. Ông Ta cũng cười. Mới thấy ông ngó hiền làm sao. Làm gì đến nỗi đòi chọc người ta rớt xuống. Tôi giữ quan điểm ông không có máu ấy. Ông kể chuyện “thù” thành chuyện tếu. Cái cười của ông nói lên điều đó.
Con gái ông lui cui dưới bếp độ dăm sáu phút rồi chở con đi. Ông Ta bảo nó sợ con ở nhà chơi với thằng Rớt bên này này, cũng cháu tau đó, hoang lắm. Chưa nói sợ hư, chỉ mấy từ “...mẹ mi”. Tôi nhớ rồi. Thằng Rớt chính là con út của trai trưởng ông Ta. Nó có đôi mắt to, nhiều lòng trắng. Hôm vừa tôi thấy nó một mình, lại ngồi bên hỏi han, nó vui lắm, chơi thân thiết lắm; rồi tự dưng, tôi đang ngó ra đường, nó bốc cát rải đầu mình, chảy xuống mặt mũi vào trong người bá lớp lưng quần. Tôi thổm dậy. Này, chơi vậy à. Ừ, …mẹ mi chơi thế đó. Mắt nó long lên xếch lên. Tôi nhớ tới câu nói dân gian: trêu chó chó liếm mặt; dĩ nhiên tôi không hề có ý so sánh thằng nhỏ ba trợn ba giáng này với chó.
Ông Ta bảo, cha nào con nấy - thở dài - cha đi làm về, uống vô hai ba ly là tục tằn hỏi sao dạy con. Cụ mi biết không. Vô lẽ tau đang ăn cơm mà nói chuyện cứt... Rớt là tên gọi ở nhà. Mẹ nó trên đường ra trạm xá nằm sinh, rớt luôn con giữa đường, đặt tên Rớt. Thoát chết mà giờ mất nết. Ông Ta vừa nhai vừa nói. Cha hắn còn chửi... mẹ mi, huống chi ai.
Thằng Rớt cùng tuổi với con của con gái ông Ta. Chiều cao bằng nhau. Trắng trẻo, khỏe. Nhưng tính cách khác xa. Đến lúc này tôi mới hiểu vì sao con gái ông Ta sợ con lây nhiễm thằng Rớt, chưa nói với những đứa trẻ hoang hơn trong xóm, kể cả đứa bị mụ Sau tát văng mấy sợi tóc. Từ đó tôi hiểu con gái ông một phần. Tôi nhớ có lần con bé nói một câu gì đó hơi ngang, đã bị mẹ bảo hỗn con, không được nói bác như vậy, thú thực tôi thấy mình dường như được tôn trọng quá chừng. Nàng - người đàn bà hẳn tôi đã mắc nợ điều gì đó từ kiếp nao? Khuôn mặt ấy đã chìm vào tôi, tan loãng vào tôi. Nàng như trong biển sương lộ ra, từ xứ sở của đôi ngỗng vàng lạc bến...
Tôi đưa nàng vào khuôn kính, bấm máy. Nàng khom người giặt áo, nàng phơi đồ dưới cái nắng vàng phai sau bão. Nàng giằng mình khỏi chồng... Đáng tiếc là cơ quan chức trách đã kiên quyết loại chân dung Nàng nếu tôi muốn có giấy phép cho cuộc triển lãm “Bộ sưu tập hàng xóm”. Chẳng phải bức ảnh này có yếu tố nhạy cảm này nọ mà trên tấm thân đào hoa ấy có những vết bầm do chồng nàng vẽ bậy, không thể tẩy xóa khỏi miền suy tưởng riêng tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.