Kẹt giữa thiên đường - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

Quân vô nhà, kéo rèm che hết mấy cửa sổ, quăng hết áo quần, đi lòng vòng cho thoải mái. Còn sớm nên tụi nhỏ chưa đi học về. Ít ra cũng có vài tiếng thư giãn trước khi nhà đông đen và anh phải tìm chỗ trốn.

Căn hộ ba phòng chật chội quá. Thỉnh thoảng tới thăm bạn, thấy họ ở trong những căn nhà có giá vài trăm tới cả triệu bạc, gần chục phòng ngủ, năm toilet với vườn cây ăn trái trĩu cành làm anh ham quá trời. Ước gì mình cũng có một căn như vậy. Sáng bưng cà phê ra ngồi thong thả nhìn mây trời chim cá, chiều về nhàn nhã cắt cỏ, bón phân, tối mắc võng ngắm sao đêm. Thay vì bực bội gõ cửa rầm rầm vì toilet bị đủ thứ người chiếm dụng.
Nhưng giá địa ốc Cali ngày một tăng như phi mã. Nghe đâu dân Trung Quốc ôm cả đống tiền sang tranh nhau mua bán, đẩy giá lên chót vót trời cao. Tuần trước, chủ nhà gửi giấy tới bảo tăng thêm hai trăm đô mỗi tháng. Không ở thì dọn đi, có người khác xếp hàng thế chỗ liền vì khu này quá thuận tiện. Thế là cắn răng chấp nhận chứ biết làm sao hơn. Hèn chi dạo này lái xe đi làm, nhìn hai bên đường, anh có cảm giác số lượng homeless ở Los Angeles tăng lên mỗi ngày thì phải.
Nói vậy thôi, chứ mua rồi mình anh gánh sao nổi tiền hằng tháng kèm thuế, bảo hiểm, cắt cỏ, sửa chữa và quá trời chi phí lặt vặt khác. Công việc theo thời vụ. Tháng nào không việc lo bạc cả đầu. Lỡ mất job, ngân hàng tới kéo nhà là trắng tay ra đường ở. Còn hùn hạp với Nhung ư? Giữa anh với cô ấy ngoài tờ hôn thú và một đứa con chung thì cả hai chẳng có gì để níu kéo. Suy đi nghĩ lại, thôi đành an phận với kiếp ở thuê.
Năm hai mươi ba tuổi, một bữa anh đi chơi về khuya, má chong đèn rầu rầu hỏi nhỏ, con muốn đi Mỹ không? Dì Hai có mối quen dẫn về làm mai cho. Nhỏ đó có một đứa con riêng, cũng đàng hoàng nên không sợ bị lừa. Như vô thức, không cần suy nghĩ, anh gật đầu cái rụp rồi chui vô giường ngủ. Hôm sau tỉnh giấc, nghe dì Hai gọi về bàn tính mọi chuyện, mua vé máy bay cho cô ấy về gặp mặt xong xuôi hết rồi. Có từ chối cũng hổng còn kịp nữa.
Mà cũng hay, xứ này đâu phải ai cũng có cơ hội sang Mỹ đổi đời. Hàng xóm luôn mê tít thò lò mỗi lần có người về khoe, ở bển sướng lắm, nằm chơi cũng có tiền rớt xuống xài. Thất nghiệp thì chính phủ nuôi. Con cái đẻ ra nhà nước lo tận chân răng tới năm hai mốt tuổi. Đúng ý anh quá còn gì. Thay vì miễn cưỡng giúp ba má coi sóc cả ngàn gốc chôm chôm hay sầu riêng thơm lựng, tới vụ lo mất mùa, ít trái, thương lái ép giá tùm lum, thôi thì bỏ hết, sang đó tự do ăn chơi không bị ai ngăn cản. Đi nhậu thâu đêm suốt sáng chẳng sợ ba má cằn nhằn. Thả ga mua súng lận lưng chống lại đám choai choai gây sự. Thích nhất là đạp ga phóng vèo vèo trên highway như phim Hollywood mà không bị cảnh sát rờ tới gáy...
Thu ôm Quân khóc điếng khi nghe anh bàn tính chuyện tương lai. Dẫu là giang hồ thứ thiệt nhưng bên cạnh người yêu thuở tóc xanh, anh vô cùng lành tính. Em an tâm đừng lo gì hết. Đám cưới giả thôi chứ anh có thương yêu gì cô ấy đâu. Ráng chờ vài năm nữa. Có thẻ xanh, anh ly dị liền. Vô quốc tịch là về làm đám cưới rồi hai đứa đoàn tụ. Mỗi năm rảnh rỗi, anh sẽ về nước ghé thăm em.
Quân giã từ những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, mấy chầu nhậu lúc canh vườn uống hoài không gục, những lần đua xe hay vác mã tấu lấy le với đám trai làng, từ biệt những người yêu quý để sang Mỹ, tìm kiếm giấc mơ với cái giá bốn mươi ngàn đô mà chẳng chuẩn bị tâm lý hay tinh thần gì ráo trọi. Cánh cổng thiên đường đang rộng mở.
Nhưng sự thật thì không hoành tráng và rỡ ràng như Quân nghĩ. Số tiền ba má cho cầm theo sau khi mua chiếc xe bán tải cùng mấy tháng long nhong không làm gì rồi cũng hết. Dì Hai còn con cái phải lo cũng chẳng giúp được gì. Đã vậy qua đây chưa được bảy tháng, dì theo chồng dọn về Florida nghỉ hưu cho rẻ. Người mà anh có thể nhờ vả là cô vợ hờ trên hôn thú. Nhung đối xử với anh như bát nước đầy. Số tiền kiếm được dù gian dối, cũng giúp cuộc sống single mom của cô dễ thở hơn.
Không lẽ cứ ăn nhờ ở đậu, lợi dụng người ta hoài hay gọi về xin thêm má ba thì nhục chết. Đã đến lúc phải đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống mỗi ngày. Quân tự biết mình không đủ kiên nhẫn ngồi ôm chân cắt giũa dù mỗi tháng có thể dễ dàng kiếm vài ngàn bạc. Cái tính bất cần và nóng như lửa chẳng thể nào hòa hợp với những người trong tiệm. Anh cũng chẳng thể chạy bàn rã rời chân cẳng trong quán ăn kiếm mấy đồng tiền tip. Xin vô mấy vườn trái cây thu hoạch thì không đủ sức. Tiếng Anh một chữ bẻ đôi chẳng biết sao làm được việc văn phòng. Nhung bảo thôi anh theo phụ việc đứa em họ sửa chữa nhà cửa. Công việc bấp bênh, lương không ổn định, nhưng cũng có đồng ra đồng vô lo cho bản thân và phụ em đóng tiền nhà. Khi nào dư dả thì cứ dọn đi.
Một đêm gió mưa vần vũ, đèn điện tắt ngúm. Sau khi cho con ngủ, Nhung ra bếp dọn dẹp cửa nhà. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Tuổi đôi mươi hừng hực đâu thể nhịn mãi. Quân như con thiêu thân, lao ngay ra bếp. Giữa ánh chớp lóe sáng phía chân trời tít tắp, cả hai mò mẫm tìm đến nhau.
Một lần.
Hai lần.
Ba lần.
Và rất nhiều lần không nhớ nổi. Men say thân thể như ma túy, dẫu không tình cảm và khuôn mặt thanh tú của Thu luôn hiện ra mỗi lần anh chung chạ với Nhung.
Tối nọ, như thói quen, anh quờ quạng vào phòng tìm hơi ấm. Nhung vẫn chong đèn đợi. Chỉ khác là cô không cho anh đụng vào người thêm lần nữa. Em có thai rồi. Hai tháng. Mới đi khám chiều nay.
Gương mặt đỏ ngầu vì rượu của anh phút chốc chuyển sang trắng bệch. Quân run rẩy dựa lưng vào vách tường lạnh ngắt. Không... không... thể như thế này được. Mình sang Mỹ để hưởng thụ, kiếm tiền rồi bảo lãnh người yêu qua gầy dựng gia đình đầm ấm. Chẳng thể hủy hoại cả tương lai rạng rỡ vì cái bào thai trong phút giây lỡ dại với người con gái không thật dạ thương yêu.
- Phá đi!
Nhung ngước đôi mắt đỏ hoe rực lửa ngước lên nhìn anh đầy kinh tởm. Và đó là lần cuối cùng Quân và cô nói chuyện cùng nhau.
Chín năm…
Giấc mơ năm xưa về một thiên đường thênh thang, không làm cũng có tiền tiêu cũng đã dần phai nhạt. Bàn tay anh chai sần vì búa, đinh và dằm gỗ. Toàn thân chi chít hình xăm lân phụng, quy rồng, lá hoa đủ loại như giang hồ thứ thiệt. Dân quận Cam nghe tiếng anh là nể bởi đánh bài, cá độ, đá gà, nhậu nhẹt môn nào cũng giỏi. Bốn lần đổi xe theo sở thích, cộng với mỗi năm hai tháng về thăm gia đình, đã biến anh thành cỗ máy không mệt mỏi. Mỗi sáng mở mắt ra chỉ nghĩ đến việc làm sao kiếm được thật nhiều tiền để không mất tiếng dân chơi.
Andy đã gần bảy tuổi thì cô công chúa bên nhà cũng đã lên sáu, tóc hai chùm bi bô mỗi ngày gọi ba trên màn hình điện thoại.
“Anh coi làm thủ tục nhanh đi. Con mỗi ngày một lớn. Nó cần có anh bên cạnh. Mình em không quản nó nổi nữa. Chẳng lẽ tụi mình cứ sống vậy hoài sao?”.
Chín năm…
Mỗi lần thấy đôi mắt buồn của Thu, nghe tiếng cười của con, tiếng ba má ho sù sụ khi trái gió trở trời, Quân muốn quăng bỏ hết mọi thứ để quay về. Vườn tược giờ bỏ bê, hổng ai lo. Tao với ổng cho người ta thuê, mỗi mùa họ trả vài đồng bèo bọt. Nhưng làm sao anh về được khi bao năm ở xứ người giông gió, những thói quen hằng ngày như rễ chùm, rễ cọc, cắm sâu vào từng mạch máu, len lỏi khắp tế bào da thịt, không dễ sớm chiều dứt được ra.
Nói theo cách của một nhà thơ, mới hay anh chỉ là một gã giang hồ vặt. Nghe tiếng cơm sôi cũng cồn gan chạnh dạ nhớ nhà.
Hơn ba ngàn ngày chia biệt, tình cảm giữa anh với Thu giờ phiêu lưu như làn khói mỏng. Chỉ cần hít hơi thổi mạnh, là mọi thứ bay tứ tán bốn phía cuộc đời. Anh không đủ can đảm nói Thu quên anh để đi lấy chồng. Mai sau con lớn, nếu em muốn, anh sẽ mang sang đây cho nó ăn học nên người. Chứ sống trọn đời với người Quân đã hết thương yêu làm sao chịu nổi. Anh luôn biết ơn Nhung đã không nghe lời mình để bây giờ sớm hôm có thằng con hủ hỉ. Nhưng anh không dám nhìn thẳng vào mặt cô ấy. Ly nước đổ đi làm sao hốt lại cho đầy. Mọi liên lạc được nối với nhau bằng tin nhắn và những mảnh giấy dặn dò, nhờ vả dán đầy tủ lạnh. Giữa anh và Nhung như có một hố sâu ngăn cách, không một cây cầu nào bắc ngang để nối hai bờ thương nhớ cạn khô.
Bài thi quốc tịch học mãi cũng chẳng thể nhét vào đầu nên cuốn hộ chiếu màu xanh đen vẫn luôn ngoài tầm với. Anh không đủ tự tin ký giấy để Nhung làm thủ tục ly dị, bởi sợ mình sẽ mất “tiếng tăm” cố công gầy dựng suốt quãng đời trai trẻ sống ở xứ này. Bao đêm trằn trọc, về không được, ở lại cũng không xong, Quân thấy mình đang mắc kẹt giữa ngưỡng cửa hẹp do mình tạo dựng.
Đêm. Tiếng mưa nhè nhẹ rơi đập lên cửa sổ nghe xao xác. Quân nghe giọng Nhung khe khẽ bên phòng. Tự nhiên anh thấy mặt nóng bừng bừng. Ruột gan cồn cào như đêm mưa năm cũ. Quân đứng dậy, áp tai lên tường. Tiếng đọc sách ru con của Nhung nhỏ dần, nhỏ dần rồi dừng lại hẳn. Anh nghe tiếng cô khép cửa, chầm chậm về phía phòng.
Quân gõ nhè nhẹ.
Không một thanh âm ừ hử trả lời.
Anh vặn tay nắm. Cửa không khóa. Quân mạnh dạn đẩy vào.
Giữa ánh đèn tỏ mờ, Nhung dựa lưng lên tường, tay ôm gối chặn ngay ngực, đưa mắt sửng sốt nhìn Quân không nói lời nào. Như vô thức, anh vập vồ bước tới. Gương mặt Nhung kinh hãi tột cùng, miệng muốn la to nhưng như có một cục bùn chặn ngang cuống họng. Quân nhào lên nệm, hai cánh tay như gọng sắt ôm chầm lấy thân thể ốm yếu của cô. Nhung hoảng hồn vùng vẫy, cố hất tay anh ra nhưng miệng không dám la to, sợ hai đứa nhỏ và cả khu nhà thức giấc. Trong cơn khát tình, Quân dụi đầu lên ngực Nhung, tay sỗ sàng trên thân thể cô. Nhung hất tay anh ra, giơ chân đạp Quân lọt xuống nệm, nhìn anh trừng trừng rồi bật đèn, quắc mắt, chỉ tay ra cửa. Dù có thương Quân thầm lặng, gương mặt ấy bao năm ám ảnh, dù lòng dạ mềm như bún, mọi giận hờn, cay đắng gì cũng muốn bỏ qua mỗi khi thấy anh ngồi buồn bã giữa khuya bên chai rượu, mắt trông ngóng về phương xa diệu vợi, nhưng hễ vào Facebook, thấy hình vợ chồng con cái Quân tung tăng hạnh phúc và nhớ lại hai tiếng “phá đi” tàn nhẫn, là ruột gan Nhung như có hàng vạn con rết độc bò dọc ngang đau buốt, chỉ muốn bằm anh ra thành ngàn mảnh vụn mà thôi.
Quân quơ đại vài bộ đồ, lấy hộ chiếu nhét vô ba lô. Tần ngần hết ba mươi giây trước khi cầm theo bản sao tờ hôn thú. Anh bước vào xe. Nổ máy. Nhấn ga hết cỡ. Phóng lên freeway. Lao ra xa lộ. Những vệt đèn xanh đỏ kéo dài vô tận, lung linh nhảy múa trước mắt như vạn vì sao thắp sáng giữa đêm mưa. Quân muốn chạy thẳng ra phi trường, quăng xe ở đó, book vé một chiều về VN, không quay lại đây thêm lần nào nữa. Nhưng nụ cười tươi tắn và tiếng gọi “Daddy, daddy” của Andy như đưa anh về với thực tại phũ phàng.
Quân biết, mình không thể ở trong căn nhà ấy thêm phút giây nào nữa. Sáng mai khi mặt trời sáng rực, làm sao đủ mặt mũi để nhìn Nhung lần nữa? Làm sao anh có thể ăn bữa cơm cô nấu mà không nghĩ đến ánh mắt giận dữ và hành động đoạn tuyệt ban nãy của Nhung?
Nước Mỹ rộng lớn quá, thành phố của những thiên thần to lớn quá, vậy mà Quân không biết mình sẽ đi đâu trong đêm nay và những ngày sắp tới.
Biết là muộn, nhưng anh nghĩ, mình cũng cần phải nói với Nhung một tiếng giãi bày, dù là đau xót nhất.
Maryland, chớm hè 2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.