Sân chơi nhạc kịch học trò

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/06/2019 06:03 GMT+7

Matilda là sân chơi nhạc kịch đáng yêu, đáng nhớ năm nay tại Hà Nội với khán phòng chật kín học trò và phụ huynh, những tràng pháo tay, hoa tràn sân khấu khi đêm diễn kết thúc.

Đáp lại câu hỏi vai diễn của ai khó nhất, nhiều diễn viên nhí đồng loạt chỉ vào Phan Lê Thái An. Cô bé đóng vai nữ hiệu trưởng hung dữ, luôn ép học sinh vào quy định cứng nhắc trong nhạc kịch Matilda. Ở đó, nữ hiệu trưởng đi đứng dữ dằn, tay luôn mang gậy và sẵn sàng xả vào học sinh với lời mắng nhiếc thô bạo. “Vai của con là vai phản diện chính của vở kịch. Thực ra từ bé đến giờ con may mắn ở trong môi trường giáo dục rất thoải mái nên cũng hơi khó khăn với con trong vai diễn vì con chưa gặp trường hợp như thế bao giờ. Thứ hai là vai diễn hoàn toàn khác với tính cách của con ngoài đời. Nhưng các thầy cô hướng dẫn con cách nhăn trán, cách vung tay để thể hiện tính cách đó. Sau đó, con thấy dễ dàng hơn nhiều”, Thái An tâm sự.
Matilda là dự án nhạc kịch cộng đồng, kể về cô bé có lòng yêu sách và mong muốn tự do. Điều đó đã khiến cô có lúc trở nên lạc lõng gia đình và bị phạt ở nhà trường hà khắc. Tuy nhiên, cùng với bạn bè, câu chuyện với cô đã ngày một tốt đẹp... Thái An cùng nhiều học sinh phổ thông khác cũng đã đi con đường nhạc kịch mỗi lúc một tốt hơn như thế. Trên con đường đó, mỗi tuần em cùng các bạn có 2 buổi tập cả hát và múa.
Sát ngày biểu diễn 23 - 26.6, số buổi tập tăng lên 3 buổi. “Cháu nhà tôi vẫn đi học thêm các môn và vẫn đi tập. Vất vả đương nhiên nhưng bố mẹ chấp nhận”, ông Hoàng Xuân Bắc, một phụ huynh có con tham gia vở diễn, chia sẻ. Cũng như những phụ huynh khác, ông nhận thấy con mình tự tin lên nhiều sau dự án.
Vở nhạc kịch cho thấy khả năng làm việc nhóm lý tưởng của các học sinh. Những màn đồng ca rất đồng đều, những màn nhảy múa được dàn cảnh rất đẹp và từng em đều giữ được vẻ sinh động rất riêng của mình. Những bài ca cũng được các diễn viên ca lên với màu sắc cá tính của nhân vật. Sự bao dung của cô tiên, sự hồn nhiên và lòng yêu sách của Matilda, sự phù phiếm của người mẹ, sự ngỗ ngược khó chịu của ông bố, cái ác phi lý của cô hiệu trưởng đều được các em hát ra màu. Nhiều vai diễn trong vở khó về tâm lý, nhất là với những cô bé, cậu bé chủ yếu chỉ đi từ nhà đến lớp rồi lại trở về. Cô hiệu trưởng độc ác là một trong số những vai như vậy. Tuy nhiên, các em đã diễn rất tốt. Chính vì thế, nhóm sản xuất có thể tự hào: “Bạn không cần phải đến sân khấu Broadway mà nhạc kịch Matilda đang ở đây, ngay tại Hà Nội này”.
So với bản diễn hồi 2018, Matilda 2019 nhuần nhuyễn và đẹp đẽ hơn nhiều về hiệu ứng sân khấu, độ đồng đều của đội hình. Còn nhớ, năm ngoái Matilda đã phải tăng suất diễn sau hai đêm diễn “cháy” vé. Năm nay, vé vẫn “cháy”, học trò ngồi kín khán phòng Nhà hát Tuổi Trẻ, sau đó tràn lên sân khấu tặng hoa bạn bè mình. Còn các diễn viên nhí, hẳn các em sẽ nhớ rất lâu lời của đạo diễn Hoàng Tùng trước khi ra sân khấu: “Sáu tháng chúng ta tích tụ để bùng nổ trong một tiếng rưỡi đồng hồ”.
Những màn hát múa của Matilda còn cho thấy những điều lớn hơn vở diễn. Đó là nhu cầu cũng như khả năng tham gia một vở nhạc kịch, thậm chí bằng tiếng Anh của học sinh phổ thông. Các em đủ độ nhạy cảm, sẵn sàng bỏ công tập luyện cũng như đã luôn hào hứng với điều đó. Bà Hoàng Hường, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Isee, đã tổ chức sân chơi này cho các em từ năm 2018 tới giờ. Cùng với bà có nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng cũng miệt mài sửa động tác, sửa biểu cảm, động viên các em tới tận giờ ra sân khấu; hay nghệ sĩ Hải Yến cùng các em luyện thanh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.