Sài Gòn và những tiệm đĩa băng

01/07/2018 07:49 GMT+7

Tôi về VN giữa tháng sáu mùa mưa. Ghé Sài Gòn hai ngày vội vã. Một sáng đi bộ qua Nhà văn hóa Thanh niên, liếc vào điểm đến quen thuộc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thấy shop băng đĩa Uyên đã không còn, thay vào đó là cửa hàng 7-Eleven.

Tự nhiên nhớ lại năm 2000 rời VN và vài lần trở về sau đó, đi dọc phố xá Sài Gòn luôn thấy các cửa hàng bán băng đĩa nhỏ to dán poster bắt mắt. Tôi thường đến Vafaco trên đường Hàm Tử mua băng cassette cải lương hay nhạc trẻ một thời của Cẩm Vân, Lê Tuấn, Thu Hà, Thy Nga, Lệ Thu, Thủy Tiên... để mang sang Mỹ nghe trên chiếc xe Corolla cũ mèm mỗi khi đi làm hay đi học. Đâu được vài năm, băng cassette cũ kỹ, đôi khi rè và nhừa nhựa vì dập chìm vào dĩ vãng để đĩa CD lên ngôi, phủ sóng khắp nơi.
Số 82 Hồ Tùng Mậu, cửa hàng Đĩa hát Việt Nam do cô Sáu Liên làm chủ trở thành điểm đến yêu thích của tôi. Cô Sáu phát hành hàng loạt vở cải lương đặc sắc của nhiều nghệ sĩ tiền phong như Phùng Há, Ba Vân, Tư Sạng, hay các giọng ca huyền thoại Thanh Nga, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, Phượng Liên, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Hương... Lần nào về tôi cũng mua vài chục đĩa bìa giấy, in tuyệt đẹp, được bà giữ gìn cẩn thận qua bao tháng năm với giá 12.000 đồng/đĩa để chống tình trạng băng đĩa lậu. Muốn xem phim Mỹ, Hồng Kông thì ra Huỳnh Thúc Kháng. Thèm nghe nhạc đỏ hay trẻ, cứ tới Uyên, đứng hàng giờ say mê lựa những đĩa hát từ nam chí bắc, DVD Ngày xửa ngày xưa của Idecaf hay các chương trình live show ca nhạc. Lựa xong ra tính tiền nhiều khi lên tới mấy triệu bạc nhưng vẫn còn mê. Muốn hốt hết mang về bên ấy.
Thời đại kỹ thuật số ập đến như vũ bão. Lớp trẻ bây giờ mua nhạc từ iTunes, Amazon hay nghe qua các trang nhạc miễn phí. Phần lớn ca sĩ VN và thế giới hạn chế phát hành đĩa CD, DVD vì nạn in sang lậu. Nhờ YouTube, những vở cải lương xưa hay băng đĩa cũ được chia sẻ rộng rãi hơn. Có nhiều tuồng quý hiếm, bài hát tìm đỏ mắt tự nhiên giờ xuất hiện. Mừng như bắt được vàng.
Các shop băng đĩa chìm vào dĩ vãng. Uyên giờ không còn nữa. Những cửa hàng trên Huỳnh Thúc Kháng nhường chỗ cho các tiệm điện máy và quán trà sữa tân thời. Buồn nhất là cô Sáu Liên nghe đâu lớn tuổi, trí nhớ không còn như trước nên đóng cửa hàng an dưỡng, cho thuê mặt bằng mở nhà hàng đồ nướng. Hồi trước, Phương Nam Film hay có các buổi bán băng đĩa tồn kho những năm 1990 hay 2000 với giá vài ngàn đồng bạc, nhưng ở xa như tôi thì cũng khó mua được.
Mà dù thay đổi thế nào đi nữa, tôi vẫn giữ thói quen cũ. Mỗi sáng lái xe đi làm luôn mở nhạc giảm stress. Cảm giác lấy từng CD yêu thích, nâng như trứng hứng như hoa vì sợ trầy rồi bỏ vào đầu đĩa, nghêu ngao hát theo từng điệu nhạc, thấy sướng hơn nghe qua iTunes hay YouTube. Không hẳn vì âm thanh đĩa tốt mà bởi bao kỷ niệm thiếu thời ùa về qua từng bài hát, câu ca và những lần say mê đứng giữa Sài Gòn lựa đĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.