Trăm năm ăn - mặc Sài Gòn: Chiếc nón casque

10/03/2021 06:23 GMT+7

Nón casque, người Việt gọi là “nón casque thực dân” hay “nón casque thuộc địa” theo người Pháp vào Việt Nam.

Ban đầu, người đàn ông Việt còn búi tóc củ hành nên không mặn mà gì với cái nón này vì đội vào sẽ vướng. Đến cuối thế kỷ 19, ở Sài Gòn và các vùng lân cận, đàn ông Việt thích nghi với đời sống phương Tây quen dần các loại nón từ Pháp đưa sang. Bên cạnh cái nón nỉ, cái nón casque phổ biến dần.
Tác giả Nguyễn Dư trong cuốn Khơi lại dòng xưa cho biết năm 1916, Nhà xuất bản Xuân Lan (Hà Nội - Hải Phòng) cho in lại cuốn Thạch Sanh truyện bằng chữ quốc ngữ mà trước đó đã in bằng chữ Nôm. Lần in này, họ đưa hình minh họa người trong truyện, trong đó Lý Thông cầm dù che, thấy cả đứa hầu đội mũ casque tân thời.
Ngoài nón casque, còn có các loại nón khác của phương Tây mà người Việt dần quen thuộc như nón cát kết (casquette), nón bê rê (béret).
Được dùng trong thời gian dài nhất, khoảng gần nửa thế kỷ, chính là nón casque.
Lúc đầu, loại nón này chỉ có người Pháp dùng ở thuộc địa. Cho đến Đại chiến thế giới lần I năm 1914 - 1918, tuy vẫn còn những người thủ cựu thích đầu đội khăn đóng "Suối đờn" cùng với áo dài xuyến đen nhưng có nhiều người làm việc cho Pháp, do thường ngày mặc y phục kiểu Tây nên bắt chước dùng theo. Họ xài nón casque của hiệu Paul Canavaggio, diện với áo vải bố trắng cổ đứng. Rồi có những ông tuy còn thích mặc áo dài Annam nhưng thấy cái nón này quá tiện nên bỏ khăn đóng ra, khoác áo the và đội nón casque. Giới bồi bếp và người làm mướn làm thuê cũng dùng nó. Sau những dùng dằng trong tâm thức người dân cố cựu, nón casque hòa nhập vào bộ y phục người Việt. Theo tạp chí Khoa học xuất bản năm 1923 (*), ở Nam kỳ từ cuối thập niên 1920, người ta đã quen dùng nón casque, lần lần bỏ nón nỉ và nón rơm.
Sài Gòn trăm năm ăn - mặc: Chiếc nón casque1

Cảnh ở đền Ngọc Sơn cạnh hồ Gươm với người đàn ông áo thâm nón casque trắng.

TRANH: ANDRÉ EUGÈNE LOUIS BLONDEAU

Hội nhập vào đời sống miền Nam

Trước khi người Bắc vô Nam lập nghiệp, mỗi năm nón rơm từ Pháp chở qua bán ở thị trường Nam kỳ rất nhiều, các tiệm bán nón của người Ấn và Hoa đều bày bán. Nam kỳ là xứ nhiều nắng nhưng mưa cũng nhiều, nên khi nón casque sang, người ta càng chuộng. Nón casque che nắng tốt hơn nón rơm, gặp gió không bay và nếu gặp mưa hay bị va chạm cũng không bị biến dạng, móp méo như nón rơm. Nón casque có bị lấm dơ, chỉ cần chút phấn là mới trở lại.
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết trong hồi ký: “Ở Nam, kinh tế phát triển hơn, trường học nhiều hơn, nhưng năm 1935, về miền Tây, tôi vẫn thấy dân quê giữ được nhiều truyền thống cũ, nhiều cổ tục”. Tuy nhiên, theo mô tả của ông, truyền thống mà các cụ già đang gìn giữ đã có phần thay đổi để thích nghi với đời sống hiện đại đang lấn dần mà người miền Nam, với cá tính cởi mở đã tiếp nhận: “Có những cụ già để búi tóc mà đội nón tây (casque), ngồi ca nô, xe hơi mà thích truyện tàu, thuộc Minh tâm bửu giám”. Tính thực dụng đã giúp cái nón xa lạ được chấp nhận từ những người bảo thủ nhất, vì nó thích hợp với xứ nóng ẩm nhiều nắng như miền Nam. Ở miệt lục tỉnh, khoảng năm 1935, các thầy giáo ở Vĩnh Long đi dạy với trang phục “áo dài lương đen, quần trắng, đi giày hàm ếch hoặc giày Gia Định, đã phối hợp rất “ngọt” trang phục của mình với cái nón casque. Với trang phục đó họ “rất mẫu mực trong giảng dạy, sinh hoạt ăn - ở - đi lại, nói năng đạo mạo, được học trò và nhân dân kính nể, đặt họ đúng ngôi vị “quân sư phụ” ở đời. Thầy cô là thần tượng, là ước mơ lập thân, lập nghiệp của học sinh sau khi học tập vào đời” (**).
Cho đến thập niên 1950, ở Sài Gòn người ta vẫn còn dùng nón casque. Theo ông Nguyễn Văn Tỷ (***), từ năm 1948 cho đến năm 1954, Trường Pétrus Ký chỉ dành cho nam sinh, có ban Cao đẳng Tiểu học và ban Tú tài. Học sinh Pétrus Ký lúc đó được mặc khá thoải mái với quần short, hoặc quần tây dài. Áo sơ mi (bỏ ngoài hay bỏ trong quần), mang giày sandale hay giày bít. Nếu có đội nón thì thường là nón casque trắng. Có người cho là nón casque thuộc địa của người Pháp màu trắng, vành rộng hơn nón học sinh cùng thời tuy cùng màu trắng, vành dày nhưng nhỏ hơn.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy kể là khi nhà thơ Nguyên Sa từ Pháp về năm 1955, không những không diện theo kiểu Tây như “mặc chemise dài tay, không bouton manchette, không cravate, không quần Dormeuil, không đi giày da verni bóng loáng...” cũng “không đeo đồng hồ Oméga, không bút máy Waterman hay Parker nắp vàng gài ở túi ngực áo như những ông du học ở Pháp về” mà chỉ “bận chemisette trắng, tức sơ-mi cụt tay, áo bỏ ngoài quần kaki, đi sandalle” và đặc biệt là đội cái nón casque coloniale, nón thuộc địa. Sau sáu năm du học bên Pháp, nhà thơ Nguyên Sa đã trở lại với các thứ trang phục tiện cho miền nắng nóng nhiệt đới mà trong đó, có cái nón rộng vành, cứng mà nhẹ.
Chiếc nón casque vẫn tiếp tục được dùng sau 1954, khi người Pháp về nước từ lâu. 
(trích bài viết Nón casque thời thuộc địa trong cuốn Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm - Công ty Phan Book và NXB Đà Nẵng liên kết xuất bản 2021)
(*) Số 1 ra ngày 4 tháng 10 năm 1923.
(**) Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
(***) (http://longhovinhlong.blogspot.com.au/2013/12/ngay-xua-khong-con-nua-phan-1.html)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.