'Sài Gòn tôi sẽ' của thầy giáo 9X Thái Dương lay động hàng triệu con tim

09/07/2021 17:54 GMT+7

" Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi/Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người/ Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời/Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi... ", những câu hát rất chạm ấy đang được chia sẻ, lan tỏa mạnh trên mạng xã hội .

Ngay trong ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bài hát Sài Gòn tôi sẽ của thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương được rất nhiều người nghe chia sẻ hàng loạt với những trích dẫn từ lời hát cũng như những xúc cảm riêng dành cho thành phố này.

Sài Gòn tôi sẽ - Sáng tác và biểu diễn: 9X Thái Dương

Trong điệu valse nhẹ nhàng, du dương, những câu hát vừa tả thực mà cũng thật thơ về thành phố những ngày "trọng thương" được thầy giáo 9X Thái Dương cất lên từ chính tình yêu đối với quê hương mình cứ thế đi vào lòng người, tự nhiên, lay động... "Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường/ Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường/ Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương/ Quạnh vắng khi nhìn lá rơi đầy vấn vương/ Những dây giăng mắc khắp mọi nơi/ Như đang buộc trói tâm hồn tôi/ Tiếng xe còi hú trong tả tơi, nghe tả tơi...".

Nguyễn Thái Dương sinh năm 1991 tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM, anh "bén duyên" với công việc giảng dạy tiếng Anh, sáng lập và điều hành một hệ thống trung tâm Anh ngữ

Ảnh: NVCC

Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả quanh sáng tác đang tạo ra làn sóng đồng cảm, chia sẻ mạnh mẽ từ mạng xã hội này.
* Với những gì bài hát thể hiện, Sài Gòn tôi sẽ, có lẽ được viết và hoàn thành trong thời gian ngắn?
- Thầy giáo Nguyễn Thái Dương: Đúng là ca khúc này tôi hoàn thành khá nhanh, khoảng 1 tiếng đồng hồ trở lại, cách đây vài ngày thôi. Xúc cảm để bắt tay vào viết tuy nhanh như vậy nhưng cảm xúc, tình yêu của tôi với Sài Gòn, dành cho thành phố này không chỉ mới đây hay vì thành phố đang trong đợt bùng phát dịch, mà bởi tôi là người con của mảnh đất này. 30 năm sống, lớn lên cùng thành phố đã cho tôi những mạch nguồn âm ỉ để kết tụ thành tình yêu trong ca khúc hôm nay.

Hình ảnh "trọng thương" của TP.HCM trong những ngày qua đẩy cảm xúc của tác giả lên đỉnh điểm để bật thành lời hát trong thời gian ngắn

Ảnh: Độc Lập

* "Sài Gòn bữa nay bịnh", "Sài Gòn bệnh rồi", "Sài Gòn trọng thương"... là những cụm từ được chia sẻ trên mạng xã hội nhiều ngay qua. Bài hát của bạn vẫn có hình ảnh thể hiện nội dung tương tự, nhưng lạc quan hơn với hy vọng, niềm tin: Sài Gòn tôi sẽ ở tựa đề, cũng như những câu hát cuối: "Sài Gòn tôi sẽ, náo nức như thường, sẽ thơm phở ngon, sẽ huyên phố phường...". Chọn điệu valse cho niềm tin, hẳn cũng có chủ đích của tác giả?
Thật sự là tôi không phải người viết chuyên nghiệp. Nên khi sáng tác, tôi không quan tâm đến mình sẽ chọn hình thức gì phong cách gì, chỉ đơn giản là mình nghĩ gì viết nấy, xúc cảm thế nào bật ra thế ấy, hát cho "đã nư" của mình trước. Đến khi hoàn thành, nhìn lại thì mới suy nghĩ à nó là như vậy. Điệu valse trong tiếng Việt mình gọi là luân vũ, thể hiện sự lả lướt tha thướt; theo tôi, nó cũng giản dị hơn các điệu khác, và cũng nhất quán với cách đặt lời của mình - đơn giản, gần gũi. Những điều này, viết xong tôi mới nghĩ ra đấy (cười).
Tuy không chủ đích chọn valse, nhưng cuối cùng Sài Gòn tôi sẽ đã thành hình như mọi người nghe thấy. Và lâu nay điệu valse thường gắn với những bài hát có tinh thần lạc quan, tươi sáng. Ca khúc này dầu bắt đầu bằng những hoang vắng, then cài, cửa đóng... nhưng kết lại là niềm tin: sẽ vang tiếng ca muôn lời thơ.
Bài hát mang đến cho tôi cảm giác bình yên, giai điệu và tiết tấu khiến ta nghe thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng, cho dù TP.HCM và con người ở đây đã thấm mệt. Ca từ trong sáng mang đến tinh thần lạc quan; cứ như thủ thỉ kể chuyện, "ừa Sài Gòn bệnh rồi, ốm xíu thôi, mai lại khỏe ấy mà"... Sài Gòn tôi sẽ, vì thế không phải lời hô hào kêu gọi động viên, mà rất tình cảm và dịu dàng, có gì đó rất bao dung, rất... Sài Gòn.

Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc

* Trong hàng trăm bình luận chia sẻ, bày tỏ sự đồng cảm với tác giả qua bài hát, cũng có một vài góp ý về chữ "tù đày" trong đoạn: "Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/ Sẽ không có dây, sẽ thôi tù đày". Bạn thấy thế nào?
- Thật ra chữ đó khi tôi viết, là muốn nói đến sự tù túng, không được đi lại thoải mái như đã từng của người dân thành phố trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tiếp thu ý kiến ấy và vừa mới sửa lại, để chuẩn bị thu lại ca khúc này. Câu hát sẽ thành: "Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/ Sẽ không có dây, phố quen lại đầy".
* Trên trang Facebook của bạn, trong một status trước bài hát Sài Gòn tôi sẽ, còn có một bài hát khác về Sài Gòn - TP.HCM, cũng với điệu valse. Thái Dương có thể chia sẻ nhiều hơn về sự trùng hợp này?
- Tôi từng có một album Sài Gòn 9X, giới thiệu trên kênh YouTube năm 2020. Quả thực, một cách trùng hợp, trong album này, 4/7 bài hát tôi viết điệu valse. Có lẽ, như tôi vừa nói, do mình nghĩ đơn giản, khi viết cũng tự nhiên hình thành những hợp âm đơn giản. Và cuối cùng vô tình lại là valse. Cũng có một vài người nghe và chia sẻ, nhạc tôi viết man mác màu sắc Nga...
Là giáo viên tiếng Anh, tự học nhạc, tôi chỉ có một thứ là tình yêu Sài Gòn - TP.HCM mãnh liệt, nên dành hết vào thơ, nhạc. Các ca khúc tôi viết, vì thế, xuất phát từ chính xúc cảm cá nhân. Có 2 sự kiện quan trọng khiến tôi viết 2 bài hát đầu trong album Sài Gòn 9X đó: một là khi lấy vợ, ra riêng, nhớ nhà, nhớ cả quê hương, dù mình đang sống ngay tại nơi mình sinh ra, lớn lên; hai là khi có con, con trai giống mình, làm mình nhớ mình ngày xưa, nhớ cả thành phố những năm 1990. 
Hai sự kiện đó làm tôi đau đáu về Sài Gòn - TP.HCM, nên đã lục tìm những bài hát, đoạn phim, tư liệu về thành phố này để xem Sài Gòn thay đổi thế nào, để thấy vì sao mình nhớ nhung đến thế ngay khi đang sống trên chính quê hương mình. Đó là lý do vì sao tôi đặt tên Sài Gòn 9X, bao hàm cả xưa và nay.

Khi chọn theo con đường sư phạm, Nguyễn Thái Dương đã sở hữu chứng chỉ quốc tế về kỹ năng và phương pháp giảng dạy tiếng Anh - TESOL tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM; văn bằng 2 cử nhân Ngôn ngữ Anh trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM

Ảnh: NVCC

* Bạn tự học đàn từ khi nào, và có nghĩ mình sẽ học thêm để chuyên nghiệp hơn?
- Cây đàn đầu tiên tôi có là món quà sinh nhật năm 14 tuổi do ba tặng, cộng với cuốn sách tự học đàn. Nhưng lúc đó tôi khó mà tự học được, không có YouTube hướng dẫn nhiều như ngày nay, thế nên cứ mò mẫm mãi (cười). Vô trường, thấy mấy anh đàn thì mình xem, học hỏi dần… Còn những sáng tác, với tôi cũng không phải cao siêu gì, chỉ là hát lên lời thơ từ cảm xúc, thổn thức, tiếng lòng của mình thôi.
Nói là vậy, nhưng tôi cũng được nhạc sĩ Võ Hoài Phúc “chỉ giáo” nhiều điều. Anh thi thoảng rủ tôi đến lớp nhạc anh dạy, tôi ngồi nghe và tự tích lũy những bài học riêng cho mình trong cách viết, mà tôi hay nói vui là “học lóm vài chiêu” từ anh, để làm cho tác phẩm của mình thân thiện với tai nghe của mọi người hơn. Còn công việc chính, tôi xác định vẫn là giáo viên dạy tiếng Anh tự do.
* Được biết khi dạy tiếng Anh, bạn đã thực hiện rất nhiều video clip nhạc chế bằng tiếng Anh (đạt triệu view) giúp học trò, người nghe dễ thuộc từ vựng. Có sự bổ trợ nào giữa thầy giáo dạy tiếng Anh và giáo viên sáng tác-hát ca khúc của mình?
2 năm nay tôi không thỉnh giảng nữa mà chuyển sang dạy online tự do, học trò của tôi có rất nhiều bạn từ các vùng xa, vùng sâu trong nước đến người Việt ở nước ngoài. Thật sự khi dạy tiếng Anh cho người Việt ở Mỹ, tôi học được từ họ rất nhiều, biết và hiếu hơn về cuộc sống của người Việt ở Mỹ. Họ mưu sinh đã khó mà phải bảo vệ bản thân trước người đồng bào nữa, rất cô đơn… Nên tôi có sáng tác bài Về, từ chính câu chuyện mà học trò mình chia sẻ, thổ lộ.
 * Cảm ơn thầy giáo 9X Thái Dương đã chia sẻ và cảm ơn bạn về niềm tin "Sài Gòn tôi sẽ"!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.