Sài Gòn, nhìn từ cây ATM...

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
22/08/2020 00:00 GMT+7

Chiều mưa, ghé ATM trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM), gặp Hoàng - một thanh niên 30 tuổi người gốc Quảng Nam. Hoàng bước ra với xấp tiền mỏng, lắc đầu…

1. Qua đôi câu chuyện, Hoàng kể: “Em làm kỹ thuật cho một xưởng may gia công gia đình, có khoảng hai chục công nhân. Mấy năm trước, ông chủ ưu ái lắm. Cho em tự đề ra mức lương, ăn uống hậu hĩnh, vì nếu em có chút lơ là thì hàng sẽ bị KCS (bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm - NV) trả lại hết. Nhưng nay sống èo uột lắm”. Tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện của một đứa cháu, quê Định Quán, Đồng Nai, cũng làm kỹ thuật viên may mặc cho một nhà máy chuyên sản xuất áo quần xuất khẩu ở Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Nhờ cái nghề được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng và rất “tinh nhạy” ấy, nên được chiều chuộng, một thời sống khỏe.
Hoàng cũng kể rằng hiện có không ít người làm nghề như cậu thất nghiệp. “Em may mắn chủ cầm cự còn được, một tháng lo cho dăm bảy triệu. Mấy đứa bạn tha hương vào Sài Gòn thời gian đầu bắt nhịp thạo nghề, cũng ung dung. Nhưng bây giờ thì tan tác cả. Tội nhất là mấy em công nhân, phải trôi dạt tứ xứ. Hàng không có, thất nghiệp ê hề. Về cũng dở, ở không xong. Đó là tình trạng mà hằng đêm tụi em vô cùng trăn trở”.
Làn sóng dịch Covid-19 như một cơn bão quét qua bao số phận, bao gia đình phải lo toan cho cuộc sống hằng ngày bằng cách nương tựa vào các ông chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa. Họ, là một bộ phận không nhỏ gặp phải lao đao ngay từ lúc kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ở một thành phố với một nền tài chính luôn sinh động, dịch chuyển vô cùng hoạt bát như TP.HCM, từ bao lâu nay vẫn là nơi thu hút biết bao người khăn gói rời quê hương xứ sở đến đây sinh cơ lập nghiệp. Nhưng con số về doanh nghiệp gặp khó khăn, những phương thức chuyển đổi của các ông bà chủ để thích nghi với tình hình mới, dường như là tâm điểm của truyền thông bao ngày qua.
Tôi chợt hình dung, từ những khối nhà bất động ở trung tâm Q.1 được ví như “phố Wall của Sài Gòn”, xưa nay vẫn luôn là nơi những dòng tiền luân chuyển, lan tỏa khắp nơi như những mạch máu trên cơ thể của một đô thị ngày càng phình ra, càng lớn hơn càng năng động, có khi nào bị gián đoạn giữa chừng? Lượng doanh nghiệp phá sản và chỉ số tụt giảm tăng trưởng đã nhích lên 2 con số của các nước lâu nay vẫn làm ăn với Việt Nam, liệu có kéo dài? Và những người như Hoàng, còn phải đối diện với bao nhiêu ngày đứt bữa, hay những đứa trẻ hằng đêm ngằn ngặt khóc vì thiếu sữa từ đồng lương công nhân ngày càng ít ỏi hơn?
2. Một ngày cuối tuần, đi qua giao lộ của hai con đường nhỏ ở Q.3, tôi tạt vào mua bao thuốc lá. Chị bán thuốc vẫn xởi lởi niềm nở, lấy đúng y số tiền của bao thuốc như cách đây gần một năm. Tôi hỏi: “Sao mấy chỗ khác đã nâng lên 32.000 đồng mà ở đây chị vẫn lấy 30.000 đồng?”. Chị nói: “Nếu tui nâng lên thì họ mua ở đâu cũng giống nhau. Nhưng vẫn giữ giá vậy, lời ít lại chút nhưng tui bán được nhiều hơn”. Một nguyên lý kinh doanh rất sơ đẳng chị đã thuộc lòng bao năm ở góc đường ấy, biết vậy nhưng tôi vẫn thấy chứa đựng trong đó là sự san sẻ tình người.
Những người bán nước bên đường, những chị những mẹ bán hàng rong ở TP.HCM đã góp phần tạo nên một diện mạo cho đô thị có tính đặc thù. Từ rất lâu rồi, họ là một phần hồn cốt, đứng cạnh nhịp sống năng động với dòng tiền khổng lồ chảy vào các khối nhà bất động kia. Họ vất vả và an nhiên sống, bằng một chút tiền ít ỏi qua ngày nhưng ý chí đổi đời từ các thế hệ tiếp nối lớn lên, học tập để thành tài từ khoản tiền của các xe bánh mì, gánh hủ tiếu, tủ thuốc lá... ấy là vô cùng mãnh liệt.
Sài Gòn, nhìn từ cây ATM...1

Một gánh hàng rong trên đường Võ Văn Tần, Q.3

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Và ai có thể phủ nhận rằng, những nỗ lực của biết bao người nhập cư đến Sài Gòn với đủ thứ nghề nghiệp, đã góp phần tạo dựng nên một thành phố đi lên từ muôn vàn khó khăn từ giai đoạn đổi mới hơn 30 năm qua.
Cách đây hơn 10 năm, tháng 7.2008, Thomas Wright, vào thời ấy giữ cương vị Giám đốc điều hành Hội Quy hoạch khu vực (RPA) Mỹ có dịp đến TP.HCM. Với ông, đó là lần đầu tiên đến đây cùng vợ - bà Cameron Maning. Trong buổi trả lời phỏng vấn của báo giới, nhà quy hoạch Thomas Wright kể rằng vợ ông đã rất ngạc nhiên về những hàng quán xen lẫn trong những con phố của Sài Gòn. Ông cho rằng đó là những điểm nhấn rất thú vị và là đặc trưng của một Sài Gòn khó lẫn. Trong giọng nói của một chuyên gia quy hoạch, đồng thời là một cử nhân lịch sử đến từ New York (Mỹ), có pha vào đó đôi câu hài hước, nhưng tôi vẫn nhận ra sự khám phá rất riêng của ông về thành phố của một quốc gia Đông Nam Á, vốn từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông.
Vì vậy thiết nghĩ cái hồn cốt của Sài Gòn, bên cạnh di sản kiến trúc, lối sống có sự giao thoa của nền văn hóa Đông - Tây, những gánh hàng rong cũng làm nên một phần sắc màu của bức tranh thành phố, vốn là điểm khác biệt thu hút du khách khắp nơi!
3. Trong một bài viết đăng trên số đặc san 30.4 vừa qua, tôi có đề cập đến nỗ lực để xây dựng, phát triển thành phố như sau: “Trong buổi sáng tháng 4 vắng lặng này, lướt qua những trang viết về Sài Gòn, tôi chợt chú ý đến một bài viết mới chuyển tải thông tin về nỗ lực hiện thực hóa một đô thị sáng tạo phía đông của lãnh đạo thành phố. Đó là đề án nhằm thực hiện một mô hình đặc thù “thành phố trong thành phố”, với kiến nghị xin cơ chế đặc khu kinh tế cho vùng đất này để bật dậy, xứng tầm với sự phát triển, để lớn mạnh hơn lên”.
Sau đó, có một vài thông tin trở lại cho thấy, chủ trương xây dựng thành phố phía đông chưa nhận được sự chấp thuận. Nhưng vào đầu tuần này, một thông báo rất vui, chính thức từ T.Ư được phát đi: chấp thuận đề án xây dựng thành phố Thủ Đức theo mô hình “thành phố trong thành phố”. Vậy là sự khởi động bắt đầu cho một giai đoạn chuyển mình đã mở. Vấn đề là sẽ tập trung nhân tài vật lực như thế nào để diện mạo của Đông Sài Gòn phát triển, thành một “đô thị sáng tạo” đúng nghĩa. Và người dân sẽ dự phần như thế nào trong công cuộc chuyển động này?
Thông tin ấy, được tải lên trên tất cả các báo, vào dịp một giai đoạn chống chọi với dịch bệnh đang rất khẩn trương, cho thấy dù có khó khăn như thế nào, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Bỗng dưng nhớ lại một câu ngạn ngữ của người Pháp: “Dù trời có sập, cũng phải uống cho được một ly nước”. Hơi khập khiễng nhưng áp dụng đúng lúc, có thể lạc quan để vươn tới một tương lai.
Nghĩ vậy, tôi lại thấy ánh nhìn và bàn tay giơ ra với xấp tiền mỏng của Hoàng ở góc đường chiều ấy, chắc chắn chưa phải là một điều làm cho cậu ấy nao núng. Bởi vì, có lẽ lớn hơn điều ấy, là quan điểm kinh doanh của chị bán tủ thuốc lá góc đường, những gánh hàng rong của bao người... vẫn mải miết trong cuộc mưu sinh, chắt bóp tằn tiện để dòng chảy cuộc sống vẫn cứ luân chuyển, để cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực do dịch bệnh!
Và có thể, từ sự tần ngần của bao người công nhân trước ATM khắp mọi nẻo thành phố này, sẽ lại nảy sinh ra những ATM gạo, ATM thực phẩm nghĩa tình. Đó chẳng phải đúng với bản chất hào sảng của một thành phố luôn bao dung cưu mang, là nơi biết bao người đã chọn đến đây cư ngụ, hay sao? 
(Mùa dịch Covid-19, tháng 8.2020)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.