Sài Gòn năm ấy - Kỳ 2: Phim câm có tiếng

27/05/2014 03:00 GMT+7

Sài Gòn năm ấy - Kỳ 2: Phim câm có tiếng

Những lần đi đá banh bàn ở khu xóm chùa thằng Minh thấy nhiều đứa chêm cần kéo banh rất hay bằng miếng gỗ nhỏ. Chỉ với năm cắc tụi nó có thể chơi hơn 10 bàn mà tụi khác chỉ chơi được có một bàn. Thằng Minh liền học “kỹ thuật” này.


Đá banh bàn luôn được trẻ em say mê - Ảnh: Tư liệu 

Khi nào chủ tiệm banh bàn đi quanh để kiểm soát, thằng Minh liền lẹ làng lấy miếng gỗ nhỏ ra, cần kéo banh được trả về vị trí cũ. Một số bàn bị tụi nó chêm thời gian dài, cần kéo banh bị lờn hệ thống lò xo phía trong nên thằng Minh không cần chêm, banh vẫn tự động chạy ra ngăn đựng chứ không nằm lại trong lòng thùng chứa banh nữa.

Bây giờ nó lại áp dụng “kỹ thuật” này để chặn màng trập lỗ nhìn của “rạp” chiếu bóng thùng. Xem xong phim đầu tiên - tất nhiên là có trả tiền - khi chú Hai Ngon hạ màn trập xuống, thằng Minh liền lấy cây đũa đặt ngay cửa sổ, thế là màn trập hạ xuống không hết. Đợi đến khi chú Hai Ngon bắt đầu cho máy chiếu phim chạy, thằng Minh liền lấy chiếc đũa nâng cái màn trập lên. Đặt hai mắt vào lỗ dòm, nó đi vào thế giới đầy hấp dẫn của Hoàng tử Sinh Bá hoặc Bạch Tuyết và bảy chú lùn một cách đàng hoàng như những thằng đã trả tiền xem phim. Thoạt đầu, chú Hai Ngon không để ý vì tụi nó đưa tiền bao nhiêu chú đều nhét vào túi, không đếm lại nên chuyện thằng Minh xem chiếu bóng cọp chú Hai Ngon hoàn toàn không biết.

Nói chung xe hát bóng thùng của chú Hai tất cả đều cũ. Đôi lúc để gây sự tò mò và dụ bọn trẻ xem phim, chú cũng giới thiệu phim bằng mấy chữ nguệch ngoạc bên hông thùng chiếu. Khi viết giới thiệu chú đã sửa lại tên phim. Từ Sạc lô đào vàng chú biến thành Sạc lô ăn dây nịt, rồi Hai tay súng oai hùng trở thành Anh em cốt nhục... Nói chung, những bộ phim tám ly cũ kỹ đã trở thành những bộ phim với tên hoàn toàn mới. Chú thấy tụi nhỏ vẫn xem thoải mái, không phàn nàn gì nên liên tục sửa đổi tên phim, đến nỗi bản thân chú cũng chẳng nhớ tên phim đầu tiên là tên gì.

***

Thằng Minh cảm thấy xem chiếu bóng cọp hoài thì mất mặt bầu cua với tụi bạn trong xóm nên khi có tiền hoặc có thằng bạn nào bao thì xem, nếu không thì thôi... Còn riêng chú Hai Ngon thì không chơi trò thay tên mới cho phim cũ nữa mà nghĩ ra chớp bóng có tiếng nói.

Các phim 8 ly là phim câm, khán giả chỉ xem được tài tử trong phim hành động nhưng không nghe được tiếng nói của họ. Một buổi nọ, chú Hai Ngon quảng cáo với bọn nhóc xóm Ba-ra-dô:

- Hôm nay ngon lành nghen tụi bây. Chớp bóng có tiếng nói, mà tiếng Việt đàng hoàng nghen.

Thằng Minh thắc mắc:

- Như phim chiếu bóng ở rạp Tân Lạc, Tân Bình vậy hả chú?

...

- Mầy cứ coi đi. Bữa nay chiếu buổi đầu tiên không tăng giá. Ngày mai tao tăng giá lên một đồng rưỡi một tuồng vì có tiếng nói. Thôi, hôm nay tao cho mầy coi không cũng như quảng cáo giùm tao vậy.

- Chú chiếu tuồng gì?

- Bạch Tuyết và bảy chú lùn.

- Chán chết. Tuồng Hai tay súng oai hùng, có tiếng nói không?

- Tuồng nào cũng nói được hết. Dầu hèn cũng thể chứ mậy.

- Vậy tuồng Thằng câm đánh thằng ngọng có tiếng nói không?

Không biết là mắc bẫy, chú trả lời gọn hơ:

- Có chứ sao không mậy!

- Thằng câm mà nói sao được chú?!

- Thằng ngọng nói, thằng câm la ớ... ớ... không được sao. Thôi coi phim đi mầy, tao cho coi không mà cũng làm tàng, tra với khảo hả mậy?

Chú Hai Ngon lắp phim vào máy. Sau khi cho máy chiếu phim chạy, chú mở một cái lỗ nhỏ phía sau thùng, một vị trí “đặc biệt” dành riêng cho chú xem để kiểm tra phim có bị trục trặc gì không khi đang chiếu. Sau đó, chú cầm cái mi-cờ-rô, được gắn vào một cái loa nhỏ xíu dùng để khuếch đại âm thanh cho máy ra-dô hiệu National ấp chiến lược chỉ đủ để tụi nhỏ nghe cà rột, cà rẹt. Chú bắt đầu nói theo diễn tiến hoạt động của các tài tử trong đoạn phim đang chiếu:

- Mầy giơ tay lên không, thằng cao bồi. Ê thằng cha cảnh sát, mầy tưởng mày ngon ha, đ.m... mày...

Mấy thằng nhỏ xem phim cười ré lên:

- Ê lính kín Tây cũng biết chửi thề nữa tụi bây...

- Chửi thề là xài giấy 500, tự vả miệng đi chú.

Hồi năm học lớp nhì, thầy giáo An nói với tụi nó chửi thề là xài giấy 500. Tụi nó cũng chẳng biết tại sao “chửi thề là xài giấy 500”. Mỗi lần lỡ miệng chửi thề tụi nó thường bị thầy bắt tự vả miệng hoặc bỏ vào quỹ lớp một đồng. Nhờ vậy mà tụi nó ít khi chửi thề như những thằng nhỏ ở xóm Ruộng. Hễ đứa nào trong xóm Ba-ra-dô quen miệng “xài giấy 500” là bị tụi nó bắt tự vả miệng hoặc bỏ tiền ra bao tụi nó uống đá nhận xi-rô.

Lê Văn Nghĩa

>> Sài Gòn năm ấy: Chiếu bóng thùng
>> Charlie Chaplin - thiên tài phim câm
>> Tìm thấy phim câm về Tổng thống Lincoln
>> Hòa nhạc cho phim câm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.