Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (kỳ 6): Lên đời cùng tiểu thuyết Kim Dung

10/07/2012 03:55 GMT+7

Người Sài Gòn mê truyện chưởng Kim Dung khó mà quên nét vẽ tài tình của ông trên bìa sách. Ông thú nhận nhờ vậy mới có tiền nuôi vợ, nuôi con.

SàiGòn kỳ nhân: Lên đời cùng tiểu thuyết Kim Dung
Họa sĩ Lê Minh và vợ - Ảnh: Đ.T

Thế hệ đầu tiên vẽ tranh trên báo

Làng báo Sài Gòn thập niên 1950-1960 gần như rất hiếm họa sĩ vẽ tranh minh họa và tranh vui. Ngoài cây cọ tài danh Lê Trung, người còn lại là họa sĩ Lê Minh, sinh năm 1937, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1957. 17 tuổi, ông vừa học vừa vẽ tranh minh họa cho loạt truyện Hoa Lư động chúa đăng trên nhật báo Dân ta. “Người Sài Gòn thời đó gọi là truyện feuilleton, mỗi ngày ra một kỳ kèm theo tranh minh họa. Ngày xưa tôi phải vẽ trên giấy decal, người làm bản kẽm mới đặt giấy đó trên gỗ rồi dùng dao khắc từng chi tiết, rất kỳ công.

Hôm nào tôi vẽ nhiều ô vuông nhỏ là bị mắng mỏ bởi thợ khắc gỗ làm quá khổ”, ông nhớ lại.

Mất cha năm 16 tuổi, Lê Minh và người chị gái sống với mẹ. Bà tảo tần nuôi con bằng gánh hàng hoa mua từ chợ Gò Vấp mang về bán tại chợ Bà Chiểu. “Thương mẹ nên tôi biết lo thân từ tấm bé. Ngày tôi thi đậu vào trường mỹ thuật, ba mẹ đều rơi nước mắt. Tôi thường xuyên đi học trễ vì đêm nào cũng thức đến 2 giờ sáng vẽ tranh cho báo. Có lần, báo Sài Gòn mới đặt tôi vẽ gấp bức tranh vui cho số báo ra sáng mai. Tối đó, làm việc đến 3 giờ sáng tôi mệt quá ngủ gục, tay quơ đổ lọ mực tàu trên bàn ướt nhẹp bức vẽ. Hoảng hồn, sáng sớm tôi vội vã đạp xe đến tòa soạn báo tin cho chủ báo Bút Trà và bị la một trận nhớ đời. May mà tòa soạn thay bằng bản tin khác. Thời sinh viên, tôi ngập đầu trong công việc nhưng cũng nhờ đó mà kinh tế gia đình khấm khá hẳn lên. Tôi còn sắm cho chị gái cái máy may để học nghề và sinh sống sau này”, ông kể.

Vẽ minh họa, sắm xe hơi

Đầu thập niên 1960, Sài Gòn tràn ngập truyện chưởng Kim Dung. Nhiều tờ báo bắt đầu trích đăng lại với dạng feuilleton. Lúc đó, họa sĩ Lê Minh được biết đến sau rất nhiều tranh minh họa trên các báo Phụ nữ diễn đàn, Phụ nữ ngày mai, Đẹp…, đặc biệt qua các bức vẽ thiếu nữ. Nhiều nhà xuất bản (NXB) như Thế Kỷ, An Hưng, Trung Thành, Hương Hoa, Sống Mới, Tấn Phát... phát hành truyện Kim Dung săn tìm ông đặt vẽ bìa. “Rất nhiều tác giả dịch truyện Kim Dung như Tiền Phong Từ Khánh Phụng, Đồ Mập, Vũ Tài Lục, Hải u Tử… nhưng chẳng hiểu sao phải là Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ còn tôi vẽ bìa, sách bán mới đắt hàng. Tôi được trả 2.000 đồng cho một bức vẽ bìa. Giá này là cao so với thời đó”, họa sĩ Lê Minh thú nhận.

 

Họa sĩ Lê Minh đã tổ chức triển lãm tranh lụa năm 1990 và tranh sơn dầu vào tháng 9.2008 với tên gọi Đất phương Nam tại TP.HCM. Tranh ông khiến người xem xao lòng trước cảnh làng quê hiền hòa, bờ sông an bình, những con người chất phác. Đặc biệt tranh thiếu nữ đầy nét lãng du, bay bổng, mềm mại. Ông là một trong số ít họa sĩ vẽ tranh minh họa trên báo mang đậm hồn cốt của người Sài Gòn.

Vẽ bìa truyện chưởng Kim Dung theo họa sĩ Lê Minh cần tuân thủ một số nguyên tắc mà các NXB quy ước để thu hút độc giả: phải có hình thiếu nữ, vẽ tranh động, không đơn điệu. Giai đoạn này, Sài Gòn cũng có vài họa sĩ vẽ bìa truyện chưởng như Đỗ Phi, Cảnh Thế nhưng nét vẽ không thể so với Lê Minh.

Qua12 năm làm bìa truyện chưởng, Lê Minh nhớ mãi lần vẽ bìa cuốn Tiếu ngạo giang hồ. NXB đặt ông thực hiện gấp bìa có nhân vật Vạn lý độc hành Điền Bá Quang mê ni cô Nghi Lâm. Chưa kịp đọc kỹ bản thảo, nghĩ Điền Bá Quang là kẻ hắc đạo, nhân vật phản diện nên Lê Minh phóng bút vẽ một người hung dữ, đầu tóc râu ria xồm xoàm. Đến khi in bìa xong, ông chủ NXB than trời. “Té ra, Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo giang hồ là bạn với Lệnh Hồ Xung. Người thư sinh trắng trẻo, mày râu nhẵn nhụi. Ông chủ NXB kêu trời: Vẽ như vầy là chết tôi rồi”, họa sĩ Lê Minh cười vang.

Ngoài tài vẽ tranh truyện chưởng, họa sĩ Lê Minh còn vẽ tranh tứ bình (truyện 4 cột kèm tranh minh họa, rất được ưa chuộng vào những năm 1950-1960 ở Sài Gòn) kể về những điển tích như Sự tích trầu cau, Bao Công kỳ án, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương… Ông cũng minh họa nhiều tiểu thuyết của bà Tùng Long, Nguyễn Ngọc Mẫn, Dương Hà…

“Từ số tiền dành dụm qua bao năm vẽ truyện tranh, đặc biệt là bìa truyện chưởng, tôi thành lập tờ báo Em, phát hành tại Sài Gòn những năm 1970. Báo bán chạy lắm, tôi sắm được chiếc xe hơi Simca. Thời đó vậy là bảnh lắm rồi”, ông khoe bằng giọng thật vui. 

Ngồi trong ngôi nhà trên đường Lê Quang Định, Q.Gò Vấp của cha mẹ để lại, nay đến lượt ông và con cháu sinh sống, họa sĩ Lê Minh bùi ngùi. Cả đời ông gắn bó với nơi này. Ngôi nhà cất giữ kỷ niệm những ngày ông gò lưng ngồi vẽ báo, kiếm được đồng tiền đầu tiên về phụ giúp mẹ, lo cho gia đình. Con trai út - họa sĩ Lê Phong theo nghiệp bố khiến ông mãn nguyện. Lập gia đình từ năm 1957 nhưng đến giờ theo lời bà Lê Kim Hoa, một y tá trước đây thì: “Ổng chưa bao giờ phản bội vợ con qua ngần ấy năm chung sống. Tôi nghĩ mình là người vợ hạnh phúc”.

75 năm sống trên mảnh đất Sài Gòn, trải qua bao thăng trầm, biến cố, có nhọc nhằn và có cả niềm hân hoan, họa sĩ Lê Minh thổ lộ ông gắn bó nơi này như máu thịt. “Một mảnh đất mình đã chào đời, trải qua thời niên thiếu, rồi thành danh và bây giờ vui vầy với con cháu làm sao không mang cảm giác thân thương? Tôi tự hào mình là người Sài Gòn lắm”.

Đỗ Tuấn

>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự: 70 năm một hàng chè
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 2): Người bán xôi qua 6 thập niên
>> Sài Gòn kỳ nhân – kỳ sự - Kỳ 3: Người sửa giày sau lưng chợ Bến Thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự - Kỳ 4: “Đại gia” hội họa
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 5): Cây đại thụ của nhiếp ảnh Sài thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.