Sách về linh vật của người Việt xưa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/07/2019 06:32 GMT+7

Những câu chuyện, những hình vẽ, ảnh chụp trong cuốn Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích cho thấy thế giới rộng mở của những con vật vũ trụ của người Việt xưa.

Bản vẽ linh vật từ quá khứ

Đình Tây Đằng (Hà Nội) được giới bảo tồn coi là ngôi đình trùng tu kiểu mẫu và đẹp nhất như nó từng có. GS-KTS Hoàng Đạo Kính không quên những ngày anh chị em họa viên Tu sửa và phục chế (tiền thân của Viện Bảo tồn di tích) đo vẽ ngôi đình này từ cấu trúc đến họa tiết. Từ những bản vẽ đó, bao gồm hàng chục hình tượng linh vật rồng với cách biểu đạt khác nhau, mới có trùng tu kiểu mẫu ngày hôm nay.
“Anh em vẽ đình cách đây ngót 50 năm. Tất cả đều làm bằng tay, rọi đèn dầu, kẻ phấn trên những bức chạm thành những ô 10 x 10 cm, dò dẫm họa lại từng đoạn, từng nét, sao cho thật chính xác. Và, dựa vào những số đo và những nét đã chép, họa viên dựng lại thành bản vẽ trên giấy can, tô mực tàu mài. Có những bức vẽ ghi không chỉ là sự truyền đạt trung thực của cái gốc mà còn không giấu nổi cảm khái và sự khéo tay của họa viên. Thời nay, vẽ ghi bằng máy vừa nhanh vừa đủ, song thiếu hẳn cái chất thủ công không lặp lại của bàn tay người”, GS-KTS Hoàng Đạo Kính xúc động chia sẻ.
Giờ đây, các bản vẽ linh vật của đình Tây Đằng và rất nhiều di tích kiến trúc khác cùng có mặt trong cuốn Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích sẽ ra mắt vào 16.7 tới. Trong sách, các linh vật được các thành viên của Viện Bảo tồn di tích “điểm danh”: rồng, phượng, hạc, lân, rùa, tứ linh, hổ phù, hổ, hươu. Các di tích có mặt trong sách cũng rất nhiều, hầu hết đều là những đình, chùa, đền nổi tiếng như: đình Tây Đằng, chùa Tây Phương, đền Phù Đổng, chùa Bối Khê, chùa Phổ Minh, chùa Thổ Hà... Sách dày hơn 200 trang, do TS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, chủ biên.
Sách về linh vật của người Việt xưa1

Lân trên ván nong nghè Tây - Hoằng Hóa, Thanh Hóa (Gỗ - thế kỷ 17)

Hành trình Việt hóa

Các bài viết trong sách cũng kể các câu chuyện rồng, phượng, nghê... qua nhiều thời kỳ. Chẳng hạn, con nghê từ thế kỷ 11 - 12 có thân thú mập tròn ra sao. Nó có tóc kiểu sư tử đực, nhưng được kết lại bởi những cụm hình văn dấu hỏi như thế nào. Theo Viện Bảo tồn di tích, điều đó thể hiện tư cách lân là chủ của một lực lượng gắn với nguồn nước. Những cụm hoa văn dấu hỏi còn gắn với hình tượng mặt trời hoặc tinh tú. Với hình thức này, con lân như bầu trời để đỡ các vì sao. Sang tới thế kỷ 13 - 14, những đường nét tạo tác lân đã trở nên cứng hơn, trên thân không còn trang trí những hoa văn dấu hỏi chung gốc như trước nữa. Cuốn sách cho rằng chúng chỉ mang tư cách đón khách hành hương. Trong khi đó, lân của thế kỷ 17 - 18 lại có những đàn lân, ổ lân với một con lớn cùng 5 - 6 lân nhỏ xung quanh. Trong bố cục này, con lân lớn thường được chạm với thân hình nổi khối mập, mặt dày, miệng loe, tai thủ, có điểm xuyết các đao mác và văn cuộn đặc trưng của thế kỷ 17, có con còn có vảy.
Sách về linh vật của người Việt xưa2

Lân chùa Thổ Hà - Việt Yên, Bắc Giang (Đá - thế kỷ 17)

Ảnh: Viện Bảo tồn di tích cung cấp

Ngoài ra, nhóm làm sách còn kể những câu chuyện Việt hóa của các linh vật trong di tích VN, bởi có những linh vật lúc đầu là ngoại lai, mà rồng là ví dụ. Linh vật rồng trong di tích của người Việt thế kỷ 15 chịu ảnh hưởng nhiều của phương Bắc. “Chúng ta đã tìm được rồng khá lớn ở thành bậc điện Kính Thiên, Hà Nội mang nguyên tắc tạo tác ít nhiều của rồng Trung Hoa, với những quy định cụ thể như mắt quỷ, miệng lang, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, cổ rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng”, nhóm nghiên cứu của Viện viết. Tuy nhiên, sang thế kỷ 16, hình tượng rồng này đã được Việt hóa mạnh hơn. Chúng ấm áp hơn, mắt to hơn và mõm ngắn lại, thân mập, uốn khúc yên ngựa, nhiều con có đuôi cá và đặc biệt có những đao mảnh, dài, lượn sóng nhẹ bay ra từ mắt và khuỷu rồi đè lên thân, chạy về phía sau...
Những tư liệu này, theo ông Cương, được đưa ra để giúp những người làm trùng tu có thể phục dựng tốt hơn các di tích. Chưa kể, theo một số nhà nghiên cứu, các tư liệu về linh vật sẽ chấm dứt “cơn khát” về biểu tượng trong các di tích gần đây. “Khi chúng ta phát động việc loại trừ các linh vật ngoại lai đặt trong di tích, điều khó nhất là bỏ các linh vật ngoại lai đó đi thì đặt gì vào đó, người dân cung tiến gì vào đó. Cũng đã có cuộc phát động sáng tác linh vật Việt nhưng mẫu chưa nhiều. Cuốn sách này có thể tiếp tư liệu cho những sáng tác như thế”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình - sáng lập viên nhóm Đình làng Việt, nói.
Trong khi đó, KTS Trần Hiếu - một người yêu di sản, cũng cho biết ông thấy sự thiếu thốn mẫu của các doanh nghiệp đá Non Nước (TP.Đà Nẵng). Đây là “thủ phủ” của nhiều mẫu linh vật ngoại lai. Tuy nhiên gần đây, nhờ việc có một số tư liệu linh vật Việt, sư tử của làng nghề này đã thay đổi về mẫu.
Về tổng thể, GS Hoàng Đạo Kính đánh giá: “Đó không chỉ là một quỹ tư liệu hiếm hoi, mà là một dạng di sản đặc biệt. Di sản từ di sản. Di sản, quay trở lại, phục vụ cho sự nghiệp duy trì bền lâu di sản văn hóa của dân tộc, chưa thoát khỏi nguy cơ mai một”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.