Sách 'ngày giỗ' của nhà văn Tô Hoài vẫn mê hoặc độc giả

12/07/2016 10:33 GMT+7

Ngày 13.7 là giỗ lần hai của nhà văn Tô Hoài, một trong những cây đại thụ của làng văn học Việt Nam. Để tưởng nhớ, công ty Sách Phương Nam vừa cho ra mắt độc giả ba tập sách quý giá của ông.

Tác phẩm Cỏ dại là cuốn hồi ký đầu tay của nhà văn Tô Hoài, được ông hoàn thành khi mới ngoài hai mươi tuổi (1944) với nhân vật chính xuyên suốt câu chuyện là Cu Bưởi và một cuộc sống bình yên trong ngôi nhà bên ngoại tại vùng Nghĩa Đô, gần Kẻ Chợ. Quanh năm suốt tháng, những người thân thiết xung quanh của Cu Bưởi chỉ biết lo toan với cơm áo gạo tiền hằng ngày, cậu bé không được quan tâm, chẳng kết bạn với ai, mà chỉ biết tha thẩn hết trong nhà ra ngoài vườn, chơi với lũ ếch nhái, cây cỏ… Nỗi cô đơn trống vắng nên những kỷ niệm cứ phai nhạt theo thời gian, rồi sự bỡ ngỡ giữa chốn phố thị ồn ào cùng những tủi hờn cảnh sống nhờ, ở đậu trong niềm mong mỏi chờ ngày mẹ đón về… man mác theo từng trang viết của nhà văn.
Nếu Dế mèn phiêu lưu ký được ông viết như trải lòng mình, hình ảnh chân chất, gần gũi với trẻ thơ và đồng quê thì ở Cỏ dại, cuộc sống trở nên buồn bã, bi đát hơn cũng là một nét đặc sắc trong phong cách sau này của Tô Hoài. Nhà văn Vương Trí Nhàn nhận xét: “Ở Cỏ dại, hết chuyện cậu bé chốc đầu được ông ngoại lấy nước điếu chữa ra sao, lại chuyện từ nhà quê lên phố chờ đi học, sống ít ngày không đâu vào đâu, rồi ngơ ngẩn vẫn hoàn ngơ ngẩn. Trước mắt chúng ta là một cuốn phim quay chậm ghi lại chuỗi ngày tầm thường nhạt nhẽo của một đứa bé tinh quái, lêu lổng. Phải một ngòi bút tự tin lắm mới dám đưa những chuyện đó lên mặt giấy. Nhất là đưa ra sao khiến khi đọc, người ta có thể cảm động đến ứa nước mắt thì chỉ Tô Hoài, Nguyên Hồng mới làm nổi”.
GS Phong Lê đánh giá tác phẩm này như sau: “Trên toàn bộ bức tranh Cỏ dại, không đâu không thấm một nỗi buồn. Buồn vì sự quanh quẩn, cùng quẫn của mọi lớp người lao động. Buồn vì những xa cách, chia phôi và vắng thiếu tình người. Buồn vì một cái gì như đang tàn dần và sắp tắt… Một mảng sống u buồn, với cái buồn từ chính bản thân nó toát ra một cách tự nhiên, chứ không cố ý. Trong u buồn thỉnh thoảng vẫn thấy lóe lên những nét sống vui ngộ, tinh nghịch, do được nhìn qua con mắt trẻ thơ, và như là sự thăng bằng trở lại giữa hai vế: vui - buồn, hài - bi, ngộ nghĩnh - nghiêm trang, có thế mới là diện mạo đích thực, là sự tồn tại đích thực của cuộc đời, theo cảm quan nghệ thuật độc đáo ở Tô Hoài”.
Các tác phẩm vừa xuất bản nhân ngày giỗ lần hai của ông 13.7 Quỳnh Trân
Trong khi đó, Những gương mặt lại là tác phẩm mở đầu cho những thành công sau này về đề tài chân dung văn học của ông. Với nhiều kinh nghiệm của một người từng trải, nhà văn dường như “múa bút”, dễ dàng phác họa chân dung từng nhân vật của cả một thế hệ, từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng… tới Trúc Đường, Như Phong, Nguyễn Bính… Giọng văn của ông nhẹ nhàng, khúc chiết, các câu chuyện đời thường cứ thế bật ra tự nhiên dưới từng con chữ như có sự sắp đặt sẵn. Những gương mặt vì thế đọc hoài không thấy chán mà cuốn hút từ đầu đến cuối trang sách.
Cách viết của Tô Hoài lạ lắm. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng ví “Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa toàn thư mà không viện sĩ nào, không học giả nào có thể sánh được”. Vì vậy, cuốn Sổ tay viết văn của nhà văn Tô Hoài luôn được xem như cuốn sách gối đầu giường dành cho những ai yêu thích chữ nghĩa. Ông đau đáu với từng trang viết, cẩn thận tỉ mỉ, đến nỗi nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai ông nói về cha mình, rằng: “Đã từ lâu, từ khi cầm bút, bố tôi là người cẩn thận và luôn có trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt, chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử lý nhập liệu, với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối nợ tình với ông..”.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp chia sẻ theo một góc nhìn khác: “Đọc Tô Hoài, người ta có thể dễ dàng hình dung lại một cách chân xác chân dung của lịch sử, không khí của mỗi thời. Có lẽ, vì mỗi chi tiết dẫu là nhỏ nhất trong văn Tô Hoài chính là một tế bào của đời sống được Tô Hoài cấu trúc lại theo quan niệm nghệ thuật của mình. Dường như, trong mỗi một thông điệp mà ông trao đến cho người đọc, lẩn quất một nụ cười hóm hỉnh, một cái nheo mắt của Tô Hoài: cái thời ấy, cái hồi ấy, nó là thế, cả cái hay lẫn cái dở, cả cái cao cả lẫn cái nhem nhuốc thường ngày”.
Cả một đời nặng nợ với nghiệp văn chương, Tô Hoài đã làm cho tên tuổi của ông bất tử bằng nhiều tác phẩm: Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường, Dế mèn phiêu lưu ký, Chuyện đầm sen đền Đồng Cổ... Bây giờ ngày giỗ lần hai của ông, bạn đọc lại được ngồi nhâm nhi Cỏ Dại, Những gương mặt Sổ tay viết văn lại càng khâm phục và trân trọng sức làm việc phi thường, không mệt mỏi của một nhà văn lớn, một nhân cách lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.