Sách của ông chủ báo nhi đồng đầu tiên tái xuất

10/06/2019 06:30 GMT+7

Học giả Thái Phỉ (tên thật là Nguyễn Đức Phong) đã không ngần ngại nói về kinh doanh báo chí thất bại của mình trong cuốn Một nền giáo dục VN mới (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).

Tờ Cậu ấm - tờ báo “nhi đồng” đầu tiên (năm 1935) - hoạt động đã 2 năm, báo phát đi mà tiền không sao thu về. Ông cay đắng nhận ra rằng “các bậc phụ huynh còn bận nhiều việc khác hơn là để tâm săn sóc đến việc giáo dục các con em”. Ông cũng cho rằng, các bậc phụ huynh ấy muốn có tờ báo “hổ lốn” chiều được sở thích cả các hạng người trong gia đình hơn là tờ báo riêng trong sạch cho các trẻ em. Khoảng trống giáo dục, giáo dục gia đình là vậy.
Một cuốn sách khác của ông cũng vừa được xuất bản là Gia đình giáo dục (Nhà xuất bản Tri thức). Ở đó, ông tiếp tục viết về những nguyên lý giáo dục để có con người VN mới. Đi tận cùng vào triết lý giáo dục, ông phân tích những lỗi mà các gia đình, theo xu hướng của thời đại, thường mắc phải. Giờ đây, có những vấn đề vẫn còn nguyên. Chẳng hạn, việc học thêm sai lầm vào dịp hè. Ông cho rằng kỳ nghỉ hè là thời gian học sinh sống đủ cho thể chất sau cả một năm học tập mệt mỏi. Cha mẹ bắt con cái đi theo học những “lớp nghỉ hè” theo ông là “không khác gì làm cho cái cây đã cằn cỗi vì sự sinh hoa kết quả thêm khô héo đi”. Ông cũng phê phán lối “nghỉ dưỡng” kiểu chỉ về quê rồi ăn ngủ và nằm dài, đọc tiểu thuyết; như vậy không phải là biết cách nghỉ và cũng không biết cách vận động cho thể chất. Ông đề cập nhiều đến những cách vận động thân thể giản dị và vui thích như tập làm việc thường ngày trong nhà. Quét nhà, lau chùi bàn ghế, giường phản, rửa cốc tách, vo gạo, thổi cơm, đun bếp, dọn cơm, rửa bát, giặt và là quần áo, thuần là việc nhẹ nhưng thích hợp cho bất cứ tuổi nào.
Hai cuốn sách tái bản đều hướng tới việc thay đổi những nguyên lý rường cột của giáo dục. Ở đó, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng vì chính họ sẽ làm gương cũng như lựa chọn sự đổi mới giáo dục cho con. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, những cuốn sách này đều đã được viết 70 năm trước, vì thế cái cần học chính là tinh thần giáo dục chứ không phải cái gì cũng áp dụng y nguyên do hoàn cảnh đã khác rồi. “Chẳng hạn, bây giờ bố mẹ ở VN, không có người trông con thì cho đi học cũng là một cách. Có điều cho đi học thì phải hiểu là học theo nghĩa rộng. Ví dụ học thể thao, học văn nghệ hoặc năng khiếu, học giá trị sống, còn ép con học lại kiến thức đã học rồi hoặc học trước chương trình thì vô nghĩa”, ông Vương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.