Sách của nhà báo

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
21/06/2019 06:17 GMT+7

Nhân dịp 94 năm ngày Báo chí cách mạng VN (21.6), 3 nhà báo Ngọc Vinh, Bùi Nguyễn Trường Kiên và Lại Văn Long cùng chọn thời điểm để ra mắt các ấn phẩm mới (ảnh).

Độc giả từng rất yêu thích cây bút phóng sự Ngọc Vinh sẽ được gặp lại ông trong tác phẩm Đảo gió hú (do NXB Trẻ vừa ấn hành). Với hơn 500 trang sách, bằng góc nhìn nhân văn và sự quan sát thấu đáo của người giỏi nghề, Ngọc Vinh như đưa người đọc đến tận từng ngóc ngách của xã hội, để cùng vui buồn với nhiều mảnh đời éo le, từng thân phận sáng tối đời người. Đọc Đội hành quyết và án tử hình lúc rạng đông, Cô gái phát hiện nhiễm HIV đầu tiên của VN, Nghề mổ xác, Lặn lội kiếm chồng trên đất “khách”, Rừng và máu, Cuối năm thăm trại người già, Giấc mơ của trẻ đánh giày, Cuộc sống ngư phủ, Đời taxi... khám phá đủ nghề trong xã hội, cùng những con người đôi lúc tưởng buông xuôi đã biết vượt lên nghịch cảnh. Nhiều chuyện đời trong Nhọc nhằn hạt lúa, Những đứa trẻ sinh ra chờ... chết đuối hay Thân phận con nuôi, tác giả Ngọc Vinh như sống “trong da” của nhân vật, mà lối viết như lời nhà báo Đoàn Khắc Xuyên trong lời tựa cuốn sách: “Một cây bút nặng lòng với nhân sinh, với cuộc đời không thể không cúi xuống, thật gần để thấy hết cái tối tăm đang vây bủa nhiều phận người và chia sẻ với họ cái nỗi buồn mang mang ấy”.
Còn với nhà báo - nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên thì 3 tập Sài Gòn một thuở chưa xa, gồm: Những đồng tiền nghiệt ngã!, Ai đã quên lời thề Hippocrate? và Thầy ơi, thương lấy dân nghèo! (NXB Tổng hợp TP.HCM) lại là món nợ ân tình ông muốn dành cho Sài Gòn. Ông tâm sự: “Sài Gòn là vùng đất tôi lớn lên từ tuổi lên mười. Tôi nhớ từng góc phố, từng ngọn đèn đường ngày xưa vào những tối nhọc nhằn kiếm sống mà bây giờ mỗi lần ngang qua vẫn ngẩn ngơ, bồi hồi...”. Vì vậy, đọc hơn 50 bài phóng sự trong tập sách được tuyển chọn trong số 300 bài viết của cuộc đời làm báo giai đoạn 1988 - 1999 của ông sẽ nhớ hơn cuộc sống Sài Gòn một thuở: Nô tỳ thời... mở cửa, Làm ăn ngày Tết, Sài Gòn đêm thế kỷ 20, Nhậu, Dân móc cống, Các bác tài không phải giới mày râu, Cà phê... short, Rửa xe nghề một vốn bốn lời...
Từng gây xôn xao dư luận với giải nhất cuộc thi truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện của Báo Văn nghệ hơn 20 năm về trước, đến nay nhà báo - nhà văn Lại Văn Long (hội viên Hội Nhà văn VN) vẫn miệt mài viết và đều đặn ra mắt sách. Nếu như: Đứa con thời hậu chiến, Đường lên trời xa lắm, Mật danh Đ9, Oán thù trớ trêu... là những câu chuyện của hiện đại thì tác phẩm mới Người khổng lồ đội mồ kể chuyện của ông do NXB Hội Nhà văn ấn hành lại đưa độc giả quay ngược thời gian về thời buổi cách đây... 2.000 năm. Được biết, cuốn tiểu thuyết luận đề này được ông đeo đuổi ròng rã trong suốt 30 năm cầm bút đến nay mới hoàn thiện. Ông tâm sự: “Tình cảm và suy tư với các nhân vật trở về từ 2.000 năm trước cứ tuôn trào, dẫn dắt tôi đi mãi bằng bước chân vội vã vào những sự kiện đã thành lịch sử...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.